Lúc sinh thời, Bác Hồ luôn dành cho Quảng Bình-nơi địa đầu tuyến lửa chống Mỹ-những tình cảm yêu thương, quan tâm và tin tưởng. Trong hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ có kể lại sau lần Bác Hồ xem Đoàn Văn công Quảng Bình biểu diễn năm 1966, trên đường về Nhà sàn Người đã xúc động chia sẻ: “Nhân dân ta thật anh hùng. Chiến đấu ác liệt như thế, gian khổ như thế mà vẫn lạc quan ca hát. Một dân tộc như thế không một thế lực hung bạo nào có thể khuất phục được”.
Đoàn Văn công nhân dân Quảng Bình gặp Bác Hồ vào ngày 1-5-1966. Ảnh tư liệu
Được gặp Bác và biểu diễn cho Bác những lời ca tiếng hát từ con tim, từ mảnh đất cát trắng anh hùng luôn là ước mơ mong muốn của các văn nghệ sĩ đất Quảng. Nhiều nghệ sĩ đã may mắn được gặp Bác, dù chỉ một lần, rồi nhớ mãi muôn đời và không ít nghệ sĩ tưởng chừng sắp có cơ hội được gặp Bác, nhưng rồi vẫn chưa có “cơ duyên”, đành ôm nỗi nhớ thương mãi tận sau này.
Ông Đoàn Thị, Đoàn Văn công Tỉnh đội Quảng Bình, luôn đau đáu nhớ về những cơ hội “vàng” sắp sửa được gặp Bác Hồ, thậm chí có lần đã ra tận Hà Nội, chỉ cách Nhà sàn của Bác vài cây số nữa thôi, nhưng vẫn ngậm ngùi chưa được đến bên Người. Ông chia sẻ, Đoàn Văn công Tỉnh đội ra đời vào những năm đầu của thập niên sáu mươi thế kỷ trước, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bắt đầu bước vào giai đoạn cam go, ác liệt nhất, khi nhu cầu văn hóa, văn nghệ ở các mặt trận và ở hậu phương đang ngày càng cấp thiết.
Những văn nghệ sỹ mặc áo lính không quản ngại gian khổ, xông pha ở chiến trường bom đạn, đem lời ca tiếng hát thúc giục, động viên, khích lệ, đưa đến một nguồn sinh khí mới cho các chiến sĩ trên trận tiền. Năm 1968, Đoàn Văn công Tỉnh đội được lệnh của trên gấp rút chuẩn bị, tập luyện để ra Hà Nội biểu diễn cho Bác Hồ. Anh chị em nghệ sĩ vô cùng mừng vui, phấn khởi, không quản ngày đêm, tranh thủ tập luyện, dồn sức cho ngày gặp Bác ở Thủ đô. Tuy nhiên, do nhiều lý do, kế hoạch bị hoãn lại, anh chị em lại tăng thêm nỗi nhớ thương và mong chờ được gặp Người.
Một “cơ duyên” nữa lại đến khi đúng dịp sinh nhật Bác Hồ năm 1969, Đoàn Văn công Quân khu IV được lệnh vào biểu diễn mừng sinh nhật Người và may mắn cho các văn nghệ sĩ tỉnh ta khi mỗi tỉnh miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, vùng Vĩnh Linh-Quảng Trị) được chọn 5 nghệ sĩ theo Đoàn. Ông Đoàn Thị và 4 anh chị em khác ra Quân khu suốt 1 tháng trời để tập luyện với tinh thần, khí thế phấn chấn nhất.
Khi Đoàn ra Hà Nội và nghỉ chân tại Trạm số 6 (đường Hoàng Diệu), vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm và động viên tinh thần của các nghệ sĩ. Năm anh chị em nghệ sĩ Quảng Bình háo hức, mong chờ đến ngày 19-5 để được biểu diễn mừng sinh nhật Bác Hồ kính yêu. Tuy vậy, do sức khỏe Bác ngày càng yếu đi, Đoàn phải giảm bớt số lượng thành viên, mỗi tỉnh chỉ được chọn 1 người vào gặp Bác.
Anh chị em phân công, chọn lựa và cuối cùng chọn nghệ sĩ Minh Lý thay mặt văn nghệ sĩ Quảng Bình vào báo công với Bác. Vậy là với ông Đoàn Thị và các nghệ sĩ khác, “cơ duyên” biểu diễn cho Bác vẫn chưa đến, để lại bao bùi ngùi, tiếc nhớ cho anh chị em. Và theo như nghệ sĩ Minh Lý chia sẻ, sau 46 năm, ký ức về cái “duyên” được gặp Người khiến bà luôn nghĩ đó thực sự như một giấc mơ.
Bước chân vào nghệ thuật mà không qua trường lớp đào tạo nào, cô gái quê An Thủy, Lệ Thủy, Minh Lý - không nghĩ mình sẽ gắn bó với nghề cầm ca ở chiến trường và may mắn được biểu diễn cho Bác Hồ ngay trong ngày sinh nhật của Người 19-5-1969, chỉ vẻn vẹn 4 tháng trước khi Bác đi vào cõi vĩnh hằng. Người nghệ sĩ nay sắp sửa bước sang tuổi 70 dù trí nhớ đã phôi pha, nhưng ký ức một lần được gặp Người vẫn sống động mãi không quên. Năm chị em từ miền Trung tuyến lửa vinh dự được vào gặp Bác và được đồng chí Vũ Kỳ căn dặn trước phải bình tĩnh, không được khóc vì Bác giờ đã khá mệt.
Dẫu vậy, khi được gặp Người, cả năm chị em đều rơm rớm nước mắt, xúc động không nói nên lời. Bác dù mệt nhưng rất vui khi gặp các nghệ sĩ, quan tâm hỏi riêng từng chị em. Bác xoa đầu nghệ sĩ Minh Lý hỏi: “Cháu ở tỉnh mô?”, khi biết chị từ Quảng Bình ra, Bác trầm ngâm: “Quảng Bình miềng đang chiến tranh gay go, ác liệt. Các cháu phải cố gắng học tập tốt, cuộc chiến này còn dài, các cháu phải cùng cố gắng”. Mỗi chị em được hát 1 câu về quê hương của mình cho Bác nghe. Chị Minh Lý chọn một câu hò khoan Lệ Thủy “Gái Đại Phong đẹp lòng trai chiến sĩ...”
Sau đó, chị em được vinh dự xem phim cùng Người. Vừa xem, Bác vừa thuyết minh về bộ phim cho các nghệ sĩ, nhưng cả năm chị em đều chỉ chăm chú nhìn Bác và hầu như không nhập tâm một chi tiết nào của bộ phim. Cuộc gặp gỡ chỉ kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ, nhưng để lại trong chị Minh Lý những cảm xúc thiêng liêng khó tả và trở thành một kỷ niệm không thể nào quên. Chỉ tiếc là tại thời điểm đó, do Bác mệt nên chị em nghệ sĩ không có bức hình nào chụp chung với Bác cả.
“Cơ duyên” gặp Bác cũng vinh dự đến với Đoàn Văn công nhân dân Quảng Bình vào ngày 1-5-1966 khi Đoàn có chuyến trao đổi kinh nghiệm về phương thức hoạt động văn công ở phía Bắc. Nhạc sĩ Quách Mộng Lân, người được Bác Hồ ưu ái tặng điếu thuốc Xiêng Mao vì đã sáng tác những ca khúc hay, còn nhớ mãi kỷ niệm của ngày hôm đó. Ông chia sẻ, từng cử chỉ, hành động, lời nói của Người dành cho anh chị em nghệ sĩ đều toát lên tình yêu thương, quan tâm chan chứa dành cho Quảng Bình tuyến lửa. Bác căn dặn anh chị em phải biểu diễn vừa phải để dưỡng sức, phải cố gắng học tập, làm văn hóa là phải học hết lớp 10 và khen Đoàn diễn khá, nhưng phải nỗ lực để khá hơn nữa.
Không chỉ riêng với văn nghệ sĩ Quảng Bình mà đối với giới nghệ thuật cả nước, được gặp và được biểu diễn cho Bác Hồ là niềm vinh dự, tự hào lớn lao hiếm có trong cuộc đời. Chính vì vậy, những ai từng có “cơ duyên” đó đều không ngừng nỗ lực, cố gắng phấn đấu trong sự nghiệp để không phụ niềm tin tưởng, yêu thương của Người và lại tiếp tục truyền ngọn lửa đam mê, cháy bỏng của mình đến với các đồng chí, đồng bào trên mọi chiến tuyến, mọi mặt trận của cuộc sống.
Mai Nhân
Theo bao quangbinh.vn
Kim Yến (st)