Chủ nhật, 22/12/2024

Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều tác phẩm viết về giáo dục. Bài viết "Học sinh và lao động", hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, là một tài liệu chưa được công bố. Bản thảo do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1957, gồm bốn trang, viết vào mặt sau của tờ tin hằng ngày.

Mở đầu, Bác viết "Thi đỗ tiểu học rồi, thì muốn lên trung học, đỗ trung học rồi, thì muốn lên đại học - Riêng về mỗi cá nhân của người học sinh, thì ý muốn ấy không có gì lạ. Nhưng chung đối với nhà nước, thì ý muốn ấy thành vô lý; vì bất kỳ ở nước nào số trường trung học cũng ít hơn trường tiểu học, trường đại học càng ít hơn trường trung học. Thế thì những học trò tiểu học và trung học không được chuyển cấp, sẽ làm gì?"(1).

Câu hỏi này cho đến hôm nay vẫn còn có tính thời sự. Bốn từ "Họ sẽ lao động" được Bác gạch chân, khẳng định một cách chắc chắn rằng con đường lao động là con đường đúng đắn nhất để con em chúng ta tiếp tục phấn đấu vươn lên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người viết "Từ nay về sau sự phát triển của giáo dục cần phải ăn khớp với sự phát triển sản xuất và sự phát triển của kinh tế. Nếu văn hóa giáo dục phát triển một cách đột xuất, chạy trước sản xuất và kinh tế thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Mà như thế là trái với lợi ích lâu dài của nhân dân. Mặt khác, nếu mở trường quá nhiều, sẽ không đủ thầy dạy, trường sẽ không tốt. Vả lại vấn đề không phải ở chỗ nên hay là không nên mở nhiều trường, mà ở chỗ điều kiện kinh tế cho phép hay là không cho phép".

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng việc học sinh tham gia lao động, tăng gia sản xuất là một điều quan trọng, vì qua lao động mà họ biết kính trọng sự cần lao. Việc giáo dục lao động cho học sinh có vai trò quan trọng trong việc đào tạo họ thành những con người phát triển toàn diện, vừa có đức, vừa có tài, bởi "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa"(2). Theo Người, chế độ chính trị xã hội khác nhau thì mục đích và phương châm giáo dục khác nhau. Trước kia có câu "Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao"... Câu ấy có nghĩa là: Tất cả mọi ngành đều ở dưới, duy có việc học là cao... Chế độ phong kiến, học cốt để làm quan, còn ngày nay, để xây dựng chủ nghĩa xã hội chúng ta cần có những cán bộ tốt, những công dân tốt, do đó cần phải tẩy trừ mọi ảnh hưởng của văn hóa thực dân còn rơi rớt lại, trong đó có thái độ coi khinh lao động, nhất là lao động chân tay.

Bác viết: "Tiểu học và trung học là giáo dục phổ thông, nó bồi dưỡng học sinh thành những người công dân có giác ngộ, có văn hóa, có sức khỏe, thành đạo quân lao động hậu bị to lớn: Mục đích chính của học sinh là để góp phần vào phát triển sản xuất của xã hội chủ nghĩa, nâng cao năng suất lao động. Vì vậy, cần phải chuẩn bị cho học sinh sẵn sàng tham gia sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoặc công việc xây dựng khác". Lao động sản xuất sẽ đem lại kết quả tốt đẹp, đó là trí thức tăng thêm, sức khỏe cũng tăng thêm. Học tập gắn liền với lao động là học sinh sẽ đem những kiến thức đã học trong nhà trường áp dụng vào thực tiễn lao động sản xuất, thực tiễn sẽ kiểm chứng những điều đã được học trong sách vở, bổ sung cho kiến thức đó.

Trong bài Bác còn viết: "Có người nghĩ rằng: Thi đỗ tiểu học, trung học, rồi bỏ đi... làm ruộng, thì chẳng "hoài công đèn sách" lắm ư?". Người cho rằng cách nghĩ như vậy là không đúng, bởi: "Học sinh tham gia lao động là điều tốt, nó phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng nông nghiệp và công nghiệp của xã hội chủ nghĩa, vì sự nghiệp cần những người nông dân và công nhân có trình độ văn hóa. Trình độ văn hóa của họ càng cao, thì càng lợi cho nâng cao kỹ thuật và phát triển sản xuất. Làm cho công nhân và nông dân có văn hóa, chính là một nhiệm vụ cách mạng văn hóa của chúng ta".

Bằng những dẫn chứng cụ thể, sinh động, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên những thành tích của Liên Xô (trước đây) và Trung Quốc trong việc học sinh kết hợp tốt giữa học tập với lao động sản xuất. "Ở Liên Xô, nhà máy ô-tô ở Moscu, 70% công nhân là học sinh thi đỗ lớp 10. Ðại đa số thanh niên đi vỡ hoang... cũng là học sinh tốt nghiệp lớp 10. Ở Trung Quốc, năm ngoái hơn 60 vạn học sinh trung và tiểu học đã tham gia các ngành công nghiệp và nông nghiệp...".

Người đánh giá cao và khẳng định vai trò của lao động trong đời sống của xã hội, vì "Lao động tạo ra của cải, tạo ra văn minh, tạo ra hạnh phúc cho loài người. Vì vậy lao động là rất vẻ vang, rất cao cả. Cho nên mọi người phải yêu lao động, phải trọng lao động, phải ra sức lao động, để xây dựng cho Tổ quốc mạnh giàu".

Người nhấn mạnh: "Học là cốt để lao động cho tốt, sản xuất cho tốt", "Trước hết cán bộ và trí thức cao cấp nên làm gương mẫu: Nếu con em mình chưa được chuyển cấp, thì nên thuyết phục các em ấy chuyển sang lao động, sang mặt trận lao động mà lập công với Tổ quốc".

Thực ra không phải cho đến năm 1957 khi viết bài này thì vấn đề kết hợp giữa học và hành, công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho học sinh mới được Bác nêu ra, mà ngay từ năm 1919, tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc thay mặt nhóm những người yêu nước An Nam gửi cho Chính phủ Pháp, trình bày tám yêu sách của nhân dân An Nam, trong đó có quyền "Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ"(3). Như vậy là quan điểm hướng nghiệp cho học sinh đã được hình thành ở Bác từ rất sớm. Quan điểm giáo dục kết hợp giữa học với hành, lý luận đi đôi với thực tiễn, được Người nêu lên nhất quán trong rất nhiều bài viết và bài nói của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc giáo dục ý thức quý trọng lao động cho học sinh ngay từ trong nhà trường, bởi đây là nơi các em học những kiến thức để phục vụ cho đời sống và lao động sản xuất, vì thế "Từ nay, các trường học cần phải giáo dục lao động một cách thiết thực, đó là nền tảng của giáo dục chính trị, nó phải đi đôi với giáo dục chủ nghĩa yêu nước, ý thức cần kiệm để xây dựng nước nhà".

Ngày nay, thanh niên, thiếu niên ngày càng được chăm sóc tốt hơn, kỹ hơn, được phát triển toàn diện hơn, điều đó dễ nảy sinh tư tưởng hưởng thụ, ngại khó, ngại khổ. Ngay từ năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Chúng ta cần giáo dục cho thanh niên hiểu rằng: Có gian khổ cách mạng mới thành công... Ðồng thời cần dạy cho họ các tác phong gian khổ, cần cù, giản dị, chất phác của công nhân và nông dân, để thanh niên, học sinh ra sức xây dựng đời sống mới và giải quyết những khó khăn trong việc học tập của mình". Ðồng thời Người cũng nhấn mạnh "Giáo dục lao động phải kết hợp với giáo dục kỷ luật và giáo dục chủ nghĩa tập thể. Phải làm cho học sinh tự nguyện, tự giác đặt lợi ích chung trên lợi ích riêng".

Những năm gần đây chúng ta nói nhiều đến vấn đề xã hội hóa giáo dục. Ngay từ bài "Học sinh và lao động" Bác Hồ đã đề cập điều này, Người viết "Ðể thỏa mãn yêu cầu văn hóa và phổ thông của nhân dân, thì nên dựa vào lực lượng của nhân dân, do nhân dân tự mở trường tiểu học ở nông thôn. Ở thành thị, thì nên khuyến khích các xí nghiệp và các cơ quan tổ chức lớp học - mượn trụ sở các cơ quan mà lên lớp. Các lớp học "dân lập" ấy cần làm một cách thiết thực, tùy khả năng của nhân dân mà làm, không nên yêu cầu quá cao. Các trẻ em chưa có lớp học và các học sinh không được chuyển cấp, thì nên quyết tâm đi tham gia sản xuất. Ðó là con đường đúng đắn nhất".

Cuối cùng, Bác dặn: "Muốn bồi dưỡng lực lượng lao động hậu bị cho nước nhà thì phải hết sức chú ý giáo dục kỷ luật, làm cho học sinh tự giác giữ gìn kỷ luật, có một quan điểm đúng về lao động và có tập quán lao động". Cần "Xây dựng một phong trào yêu lao động, trọng lao động trong học sinh và trong tất cả các tầng lớp nhân dân".

Bài "Học sinh và lao động" của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bài viết quan trọng, trong đó Bác nêu lên quan điểm, phương pháp giáo dục kết hợp giữa học và hành, đặc biệt coi trọng giáo dục ý thức tôn trọng lao động, nhấn mạnh đến vai trò của lao động trong việc tạo ra sản phẩm vật chất cho xã hội đồng thời gợi mở giải pháp xã hội hóa, để toàn thể nhân dân đều có thể đóng góp và hưởng thụ thành quả giáo dục đào tạo.

Bài viết "Học sinh và lao động" là một tác phẩm quý. Những lời dạy bảo ân cần của Bác về học và hành có ý nghĩa giáo dục không phải chỉ với những thế hệ học sinh hôm nay, mà sẽ còn mãi mãi đối với các thế hệ mai sau.

Tiến Linh (Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Theo http://dangcongsan.vn
Thu Hiền (st)

Bài viết khác: