Buổi chiều ngày 25/8/1958 đơn vị tôi được lệnh chuyển quân từ Phú Thọ về tham gia xây dựng công trường Đại thuỷ nông Bắc Hưng Hải. Trong lúc Ban Chỉ huy Đại đội chúng tôi đang phân công mỗi người một nhiệm vụ lo toan bố trí nơi ăn ở cho anh chị em, công việc đang bộn bề thì tôi tiếp nhận được giấy triệu tập họp. Không thể trì hoãn được, nên tôi bàn giao lại cho các đồng chí ở nhà lo liệu, còn tôi thu xếp đi họp gấp.
Từ nơi đóng quân đến chỗ họp phải đi bộ gần 2 km đường nông thôn. Đến nơi, tôi thấy có nhiều người, trong đó có cả các máy quay phim chụp ảnh đã tề tựu đông đủ. Vì công trường mới đang chuẩn bị cho ngày khởi công, hội trường chưa có nên phải tạm họp ở vạt cỏ ven đê. Đồng chí Vũ Yển - Đại tá, Phó ban Chỉ huy công trường tuyên bố nội quy Hội nghị, chúng tôi phải ngồi xếp hàng tại chỗ. Tôi thầm nghĩ: Đã qua nhiều công trường chưa thấy nơi nào lại khắt khe như vậy. Họp cán bộ thường thì rất thoải mái, cốt nhất là giữ gìn trật tự để lĩnh hội ý kiến chương trình, còn đây lại khác hẳn. Vì tôn trọng tổ chức, nên tôi ngồi theo mọi người, hơn nữa nhân lúc ấy có liên lạc đưa cho tôi công văn và tập báo, tôi tranh thủ mở ra xem. Trong lúc vừa nhìn vào tờ báo, thì thấy như nước vỡ bờ, tất cả mọi người đứng dậy. Như có một lực nào đó, tôi cũng bị cuốn theo. Khi ngước nhìn lên mặt đê thấy hai xe ô tô con đỗ từ lúc nào. Cửa xe mở, Bác Hồ với bộ quần áo lụa mầu gụ thẫm, tươi cười từ trên đê bước xuống, tay vẫy chúng tôi.
Giờ phút thiêng liêng ấy, không ai bảo ai, bỏ qua cả nội quy Hội nghị, tất cả đã ùa ra đón Bác. Nơi họp vẫn bãi cỏ xanh, vẫn ven đê dốc thoải, mới lúc nãy còn lặng lẽ, khi có Bác mọi cảnh vật nhộn nhịp hẳn lên, khuôn mặt mọi người tươi vui hớn hở.
Khi đã ổn định, Bác rút đồng hồ ở túi áo ngực ra xem. Bác bảo: “Hôm nay Bác nói chuyện với các cô, các chú 2 giờ”. Bác hỏi các đồng chí lãnh đạo công trường: “ Đây là cán bộ những đâu ?” Đồng chí Vũ Yển thưa: “Thưa Bác cán bộ ba tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương”. Thấy một chị miền Nam bế cháu bé đến dự họp, Bác tươi cười hỏi “Thế cô bé kia là cán bộ gì?” Câu hỏi bất ngờ của Bác làm vui cả Hội nghị. Thấy một số chị em nữ đứng cuối hàng, Bác hỏi: “Sao các cô đứng xa thế?”, có chị thưa: “Thưa Bác, các anh ấy chen chúng cháu”. Bác cười đôn hậu :
“Các chú thanh niên nên nhường chị em nữ, còn chị em nữ cũng phải giành quyền bình đẳng”.
Bác nói vừa dứt, cả Hội nghị lại vang lên những tiếng cười vui vẻ. Bác cũng cười theo.
Lời đầu tiên vào đề, Bác nói: “Nước ta đến nay đã 13 năm độc lập, thì 9 năm hạn hán, 2 năm úng thuỷ”. Bác đã hướng cho mọi người hiểu rõ tầm quan trọng của hệ thống thuỷ nông phải gắn liền với đồng ruộng Việt Nam và sự cần thiết của việc xây dựng công trình, qua đó Bác đã chỉ rõ cảnh lầm than cực khổ của người nông dân vùng này, không những dưới sự thống trị của đế quốc phong kiến trước kia, cũng như trong thời kỳ địch tạm chiếm, người nông dân vô cùng vất vả, cảnh đồng trắng nước trong, chiêm treo, mùa mất, hai sương một nắng, đời sống vẫn không dứt nghèo đói xác xơ. Hoà bình lập lại, nhằm từng bước nâng cao mức sống nhân dân. Trung ương Đảng, Nhà nước quan tâm tập trung sức người, sức của tiến hành xây dựng công trình thuỷ lợi cỡ lớn, công trình xã hội chủ nghĩa đầu tiên của miền Bắc. Bác căn dặn mọi người: “Đảng, Chính phủ điều các cô, các chú về đây công tác phải hết lòng phục vụ nhân dân, phải chăm sóc sức khoẻ, phải chăm lo nơi ăn, chốn ở cho mọi người để hoàn thành nhiệm vụ”. Bác vừa nói, vừa hỏi: “Thế ai là người gương mẫu đi trước ?”. Trong Hội nghị có người thưa : “Thưa Bác, cán bộ ạ”. Bác chỉ tay nhấn mạnh: “Là đảng viên, đoàn viên, phải xung phong trước để mọi người làm theo”.
Cả Hội nghị im phăng phắc. Lời huấn thị của Bác như tiếng kèn xung trận đã thấm sâu vào tâm can, mọi người đều thấy sức sống trào dâng như muốn thưa với Bác: Chúng cháu xin hứa quyết tâm thực hiện lời Bác dạy.
Niềm tin tuyệt đối biểu lộ trên gương mặt mọi người. Bác ôn tồn nói tiếp: “Từ đây sang Hà Nội không xa lắm. Bác biết chiều thứ Bảy, ngày Chủ Nhật các cô, các chú hay sang bên ấy, xin miễn đi”
Trước lúc ra về, Bác còn dặn lại: “Bác nói chuyện với các cô, các chú 2 giờ, về phải làm bù kẻo mang tiếng Bác”. Rồi Bác vẫy tay tạm biệt chúng tôi. Tất cả mọi người xô nhau đứng dậy, vây quanh Bác, ai cũng muốn đựợc gần Bác.
Bác lên xe rồi, nhiều chị em tiễn Bác, khóc nức nở. Chúng tôi cũng không sao cầm nổi nước mắt, nghẹn ngào theo hút xe đến khi mờ hẳn.
Hồi ấy chúng tôi - những người may mắn được gặp Bác, trải qua bao năm tháng, đến nay người còn, người khuất, đều được chứng kiến hàng vạn con người, với biết bao tấm lòng hy sinh dũng cảm, những gương lao động quên mình, những khối óc sáng tạo, những bàn tay diệu kỳ đã biến quãng đê trống vắng xa xưa để sừng sững mọc lên công trình đồ sộ với con kênh lưu chuyển nước từ sông Hồng đến gần Kiến An có độ dài trên 50 km là nguồn tưới tiêu cho những cánh đồng bao la, cho biết bao cây cối đơm hoa, kết trái, làm giầu đẹp cho đất nước ./.
Theo Phạm Quang Thăng/ Báo Nam Định