Chủ nhật, 22/12/2024

 

BH ve tham que 1961
Bác Hồ về thăm quê Kim Liên, Nghệ An năm 1961

1. Tình quê hương trong Bác

Sống ở đời, không ai là không có tình yêu đối với quê hương. Điều đó lại càng sâu nặng trong các tâm hồn lớn.

Nguyễn Trãi đã từng tâm sự:

Đêm qua mộng vấn vương quê cũ

Trăng đẫy Bình Than, rượu đẫy thuyền.

Nguyễn Du, khi làm quan, ở xa nhà, đã viết trong bài Sơn cư mãn hứng (Thơ viết trên núi, khi vui):

Làng cũ, người thân tin tức vắng,

Bình yên mấy chữ thấy đâu mà.

Khi mà chủ nghĩa xã hội khoa học do C.Mác và Ph.Ăng ghen đề ra đã có một ảnh hưởng nhất định thì đối với những bậc vĩ nhân, họ càng biết phải đặt nhà trong nước, nghĩa đồng bào trong tình đồng loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con người như vậy.

Sau ngày hội nghị thống nhất các tổ chức Cộng sản do người chủ trì (3-2-1930), một cao trào cách mạng dâng lên trong cả nước mà đỉnh cao là Xôviết Nghệ - Tĩnh. Bấy giờ tuy còn bận hoạt động ở nước ngoài, Người đã kịp báo cáo với Quốc tế Cộng sản (19-2-1931): … Nhân dân Nghệ - Tĩnh nổi tiếng cứng đầu. Trong thời kỳ Pháp xâm lược cũng như trong các phong trào cách mạng quốc gia (1905-1925) Nghệ - Tĩnh đã nổi tiếng. Trong cuộc đấu tranh hiện nay, công nhân và nông dân Nghệ - Tĩnh vẫn giữ truyền thống cách mạng của mình. Từ tháng 5 đến tháng 12, công nhân Nghệ An (Vinh) đã 8 lần bãi công và biểu tình có 2.500 người tham gia. Cũng trong thời gian đó, 137 cuộc biểu tình đã nổ ra bao gồm tất cả 300.000 nông dân... Nghệ - Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu “đỏ”(1).

Vẫn trong thời gian hoạt động ở nước ngoài, tại Trung Quốc, vào một buổi dạo chân trên núi, Người viết:

Bùi ngùi dạo đỉnh Tây Phong

Trông về cố quốc chạnh lòng nhớ ai(2).

Hồi kháng chiến chống thực dân pháp, ở chiến khu Việt Bắc, khi nghe tin anh cả là Nguyễn Sinh Khiêm qua đời tại quê nhà (Làng Sen), Bác không về được mà chỉ gửi điện, nhận rằng: Vì việc nước bận nhiều, đường sá xa cách nên khi anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Than ôi, tôi xin chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước(3)!.

Như thế, tình quê hương trong Bác thật sâu nặng nhưng bởi: Vì việc nước nên chưa nghĩ đến nhà(4).

Ta biết, lúc đến tuổi 15, Bác theo thân phụ là cụ Nguyễn Sinh Sắc vào Huế lần thứ hai khi cụ được bổ làm Thừa biện bộ Lễ. Vào đó, Bác học tiếp tiểu học rồi lên trung học. Bác tham gia các hoạt động yêu nước và làm phiên dịch trong phong trào chống thuế (1908). Sau đó Bác vào Sài Gòn. Đến năm 1911 thì Bác xuất dương sang phương Tây để tìm đường cứu nước. Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác vẫn chưa có thời gian về thăm nhà. Rồi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài đến 9 năm. Khi toàn thắng, Chính phủ về lại Thủ đô (từ tháng l0-1954) nhưng mãi đến tháng 5-1957, Bác mới về quê lần đầu. Chỉ vì hơn nửa thế kỷ nói trên, Bác luôn phải cố gắng đến mức cao nhất để lo cho nước được độc lập. Làng Sen, làng Chùa ở trong nghĩa nước, tình dân của Bác.

Qua vài ví dụ như vậy ta thấy ở Bác Hồ đối với quê hương, Người không chỉ có tình thương nồng nàn mà còn có lý tưởng cao cả: Độc lập cho đất nước, tự do cho đồng bào, hạnh phúc cho nhân dân và góp phần giải phóng các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

2. Lý tưởng của Bác đối với quê hương là xây dựng trên đất Nghệ những con người mới xã hội chủ nghĩa

Chỉ nửa tháng sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 17-9-1945 Bác đã có Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà(5).

Điều bao trùm, tha thiết trong thư là Bác mong tỉnh nhà có được một đội ngũ cán bộ chí công vô tư, đủ năng lực lãnh đạo nhân dân. Mà Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Cho nên phong trào quần chúng mạnh hay yếu, cán bộ là khâu quyết định. Vì thế, Bác khuyên cán bộ đề phòng các khuyết điểm:

- Chật hẹp, bao biện.

- Lạm dụng hình phạt, không biết cảm hóa, khoan dung.

- Làm cho kỷ luật không đủ nghiêm.

- Lên mặt quan cách mạng, độc hành độc đoán, dĩ công dinh tư, dùng phép công để báo thù riêng...

Bác chỉ ra: Những khuyết điểm trên, nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho nền đoàn kết lay động.

Ngay từ khi cách mạng mới thành công, Bác đã lo là sẽ có tình trạng nơi này, nơi khác nước độc lập mà dân không được hưởng đầy đủ các quyền tự do. Khuyên cán bộ đề phòng các khuyết điểm đó là Bác đã nghĩ đến chiến lược về con người. Cán bộ tốt thì dân yên, dân tin, do đó phong trào cách mạng lên. Khi dân đã nghe theo và tích cực làm thì việc gì cũng làm được. Mở đầu bức thư sau lời Cùng các đồng chí bản tỉnh, Bác ghi thêm (trong ngoặc đơn): Xem rồi nhớ chuyển cho các bạn hạ cấp. Bác khuyên cán bộ cũng là khuyên nhân dân tỉnh nhà. Từ bức thư Bác viết không lâu sau ngày độc lập, ta đã thấy rõ điều cơ bản là muốn xây dựng xã hội mới, trước hết phải có đội ngũ cán bộ mang tư tưởng mới, trong sạch và biết chăm lo cho dân.

Ngày nay nước nhà đã hoàn toàn độc lập, một nền độc lập thống nhất vững chãi ta giành được một cách trọn vẹn sau 30 năm toàn quân, toàn dân phải hy sinh chiến đấu để đánh thắng hai đội quân xâm lược kế tiếp mạnh nhất thời đại là giặc Pháp và giặc Mỹ. Và tính đến nay là đã 35 năm. Việt Nam hiện đã có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Lúc này chính là lúc đòi hỏi cao hơn bao giờ hết: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa. Tiêu chuẩn đầu tiên của con người mới này là phải chí công, vô tư. Và riêng điểm đó, Bác đã để lại cho chúng ta một tấm gương vô cùng vĩ đại ngay trong từng những cử chỉ bình dị của Người.

Ta nhớ, lần đầu Bác về thăm quê, tính đã hơn 50 năm xa cách, Bác dành cho Nghệ-Tĩnh 2 ngày (14 và 15-6-1957). Sau đó, Người mới dùng thời gian của sáng ngày Chủ nhật (16-6-1957) để về thăm làng Sen. Đó là một nét mẫu mực kín đáo trong cách phân biệt giữa cái chung và cái riêng của vị lãnh tụ tối cao. Và với cách xử sự tế nhị đó của Người, cũng đủ là một bài học lớn đối với chúng ta.

Hai lần về thăm quê, Bác đã nói những gì với cán bộ và nhân dân Nghệ An?

Trong buổi chuyện trò với đại biểu nhân dân toàn tỉnh (14-6-1957), ở phần nêu thành tích, Bác đặt Thanh niên ngang với các mục Nông nghiệp, Công nghiệp, Bình dân học vụ và Y tế xã hội. Đó không phải là điều ngẫu nhiên. Cuối phần này, Bác nói: Thanh niên đoàn có thành tích cũng cần phải cố gắng, phải gương mẫu trong việc đoàn kết, học tập, tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Điều phải gương mẫu đầu tiên là đoàn kết rồi đến học tập... Chi đoàn thanh niên lao động cần giúp chi bộ thi hành các chính sách của Đảng và Nhà nước…

Nói chuyện ở Nhà máy cơ khí Vinh (9-12-1961)(6). Bác chỉ rõ: Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo, phải làm thế nào xứng đáng là lãnh đạo để người ta tin cậy. Nhớ là công nông liên minh chứ không phải “nông công liên minh”. Khi thấy sản phẩm làm ra số hư hỏng chiếm một tỷ lệ cao, Bác chỉ rõ nguyên nhân là vì tư tưởng làm chủ xí nghiệp, làm chủ nước nhà chưa cao, còn bảo thủ, cần phải khắc phục những tư tưởng đó. Qua lời Bác dạy, ta nhận rõ: Chủ nhân nòng cốt hiện tại và tương lai của đất nước phải là như thế. Bồi dưỡng đúng mức đối với thanh niên là sự đúng đắn về chiến lược con người.

Trong buổi chuyện trò với những cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm (9-12-l961)(7), cùng với sự ghi nhận suy tôn một cách xứng đáng những hy sinh chiến đấu đã qua cũng như những đóng góp đương thời của các chiến sĩ cách mạng qua các thời kỳ, Bác cũng nhắc nhở trong họ một sự tôn trọng và dìu dắt đúng mức đối với thế hệ trẻ:

Bác lấy vài ví dụ để nói lên ưu thế của tuổi trẻ, những con người đủ sức lực trong việc vươn lên làm chủ khoa học - kỹ thuật: “Bà con thường nghe nói Liên Xô bắn tên lửa trúng đích và xa một vạn hai ngàn cây số. Xa lắm, không nhìn thấy đâu, phải có tính toán giỏi mới trúng đích. Những cái đó bảo chúng mình làm thì không làm được đâu. Hay như con tàu vũ trụ phải bay cao hơn 300 cây số, lại bay vòng quanh quả đất, đồng chí đầu bay một vòng rồi trở về; đồng chí thứ hai bay 17 vòng cũng trở về an toàn. Bây giờ bảo chúng mình bay, có bay được không?”. Bác tự nhận: “Tôi cũng là một trong những đồng chí già. Tôi có lái xe được không? Không, phải nhờ đồng chí trẻ. Muốn học lái thì phải học các đồng chí trẻ”.

Đi vào công việc của tỉnh nhà, Bác nói: “Đảng nói: Cần cán bộ già, đồng thời cũng rất cần nhiều cán bộ trẻ. Các đồng chí già đánh Tây. Đánh Tây là dọn đường nhưng không thể nạnh kẹ: Chúng tôi vác cuốc, vác cào làm đường, già rồi mà chưa được đi xe, các anh mới lớn lên đã được đi xe... Có đúng không? Sau này, đến chủ nghĩa cộng sản, bọn trẻ còn đi xe sướng hơn nữa kia. Già có việc già, trẻ có việc trẻ. Tục ngữ có câu “măng mọc quá pheo”. Măng mọc sau mà tốt hơn tre đấy. Không nhẽ ta ngồi nói: “Măng sao mày mọc quá tao?”

Bác nói tiếp: “Một cháu bé bây giờ đã nghe nói đến vệ tinh, biết nghe rađiô. Bác và các đồng chí hồi đó không biết... Thế mà các cháu bé bây giờ đã biết. Nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt... Người ta thường nói: ''Con hơn cha là nhà có phúc''. Ta hiểu như thế, nhưng không có tư tưởng thụt lùi, nạnh kẹ: Tao làm cách mạng già đời không được gì. Nó mới vào mà Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch, Chủ nhiệm...''. Khi chọn cán bộ thì trong nhân dân bất kỳ ai, có khă năng, đủ tiêu chuẩn, cần cho nhu cầu cách mạng là phải dùng. Ví dụ hai đứa con của người trong Đảng và người ngoài Đảng, con của đồng chí mình thì kém, dốt hơn, con của người ngoài Đảng thì thông minh, ngoan ngoãn hơn. Vậy thì ta nên đưa ai đi? Chính những lời nói của Bác đã đặt trách nhiệm không riêng cho tổ chức, đoàn thể mà cả cho các thế hệ thanh niên và những bậc làm cha làm mẹ. Bởi đó là chiến lược về con người, về lý tưởng của cộng đồng cư dân một địa phương, một dân tộc.

Cùng với lớp trẻ nói chung, Bác cũng rất quan tâm đến sự tiến bộ của nữ giới, lớp người bị thua thiệt nhiều trong xã hội cũ so với đàn ông. Cách mạng và nhà nước đã có chủ trương nam nữ bình đẳng nhưng điều đó không dễ dàng được thực hiện ở từng gia đình, ở mỗi tổ chức cũng như trong từng công việc.

Thế hệ cao tuổi dìu dắt lớp trẻ, nam giới ủng hộ nữ giới, tất cả cùng quý mến, tôn trọng nhau, học tập lẫn nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Bác mong mỏi điều đó được thực hiện. Cứ như thế, theo thời gian, trong xã hội bao giờ cũng có lớp già, lớp trẻ, có nữ, có nam. Các thế hệ, các giới cứ nối tiếp nhau thực hiện lời Bác dạy. Ra đời và lớn lên từ đất Nghệ, Bác thấm nhuần câu nói của tiền nhân: Hữu phúc khán nhi tôn (nhà cũng như nước có phúc hay không, hãy nhìn vào con cháu, vào lớp trẻ).

Thế hệ người Nghệ An hôm nay đã làm được những gì theo lời Bác dạy? Đó là điều chúng ta phải cùng xem xét, đối chiếu. Còn những lời khuyên của Bác đối với cán bộ và nhân dân tỉnh nhà qua hai lần người về thăm quê là những bài học biểu thị lý tưởng của Bác đối với quê hương, đời đời.

3. Hoài bão của Bác đối với quê hương

Trong thư gửi Ban Chấp hành Đảng bộ Nghệ An (21-7-1969)(8), Bác rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra súc phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc. Biết bao ý tưởng sâu xa của Người được gói gọn trong điều mong muốn bình dị và thiết tha ấy.

Nghệ An muốn thực hiện được điều mong ước đó của Bác thì ngoài nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu là phải: Tích cực thực hiện dân chủ với nhân dân hơn nữa và hết sức chăm lo đời sống nhân dân.

Muốn thể hiện sự chăm lo đời sống nhân dân thì phải làm cho nhân dân có điều kiện đầy đủ về mọi mặt trong việc sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Đó cũng là một phần thực hiện dân chủ với nhân dân, tức mọi việc phải được đưa ra để dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Qua những chuyến đi thăm cơ sở trên đất Nghệ An trong hai lần về thăm quê, Bác đã nêu ra một số bài học về các phương diện đó.

Nói chuyện với đồng bào và cán bộ Nghệ An (9-12-1961)(9), Bác bảo:

- Về sản xuất nông nghiệp, các hợp tác xã cần phải quản lý tốt hơn nữa về kế hoạch sản xuất, về lao động, về kỹ thuật, về tài vụ. Phải tăng số ngày công và hiệu suất lao động để tăng thu nhập cho xã viên, phải chống tư tưởng bình quân.

- Về thương nghiệp, Bác khuyên cán bộ thương nghiệp phải nắm vững và làm đúng chính sách, mua bán phải công bằng, chớ nên ép giá đối với dân, tính toán thế nào cho cả Nhà nước và nhân dân đều có lợi; phải dựa vào lực lượng nhân dân, quản lý thị trường cho tốt…

Về thăm hợp tác xã Vĩnh Thanh (Yên Thành)(10), Bác nhắc: Ở đâu quản lý khá, hợp tác xã tiên tiến, quản lý kém, hợp tác xã yếu. Tài chính phải công khai, thu chi như thế nào phải báo cáo cho xã viên biết. Bác khuyên xã viên nâng cao tinh thần làm chủ hợp tác xã. Bác bảo phải lo cải tiến công cụ sản xuất: xe cải tiến, cày bừa, máy cấy, máy tuốt lúa cải tiến.

Nói chuyện với công nhân và cán bộ nhà máy cơ khí Vinh(11), thấy số lưỡi và diệp cày 51 làm ra bị hỏng đến 30%, máy cấy đại bộ phận không được, Bác chỉ rõ: Nếu ta sản xuất xấu, chẳng những mất công, tốn nguyên liệu mà lại mất cả uy tín nữa… phải nhanh chóng nâng cao chất lượng sản phẩm, phải làm tốt 4 chữ: Nhanh, nhiều, tốt, rẻ một cách đúng mức, sáng tạo.

Về thăm Nông trường Đông Hiếu (Nghĩa Đàn)(12), Bác nói: Nông trường vừa là xí nghiệp, vừa là nông nghiệp, có tính chất đặc biệt của nó nên cách lao động ở nông trường có khác, phải kịp thời vụ, phải tranh thủ nắng mưa…Muốn phát triển nông trường tốt, cần phải xây dựng con người tốt cả ở hai mặt vật chất và tinh thần. Ban giám đốc phải cùng anh chị em công nhân tìm mọi cách cải thiện ăn uống, học hành và giải trí. Bác bảo nông trường phải có nhà hát để cho công nhân giải trí, thưởng thức và biểu diễn nghệ thuật…

Trước khi đi lên nông trường Đông Hiếu, tại Vinh(13), Bác đã thăm trường sư phạm miền núi của tỉnh. Bác nói với các giáo sinh: Các cháu ở đây học không phải trả tiền, ăn không phải trả tiền, ngủ không phải trả tiền, như thế các cháu đã sống trong xã hội cộng sản rồi đấy. Để đền đáp công ơn đó, các cháu không phải học rồi ở đây, mà phải trở về giúp đỡ đồng bào.

Bác bảo các giáo sinh sau khi tốt nghiệp thì trở về giúp đỡ đồng bào. Điều đó có ý nghĩa rộng lớn. Cùng với việc bày cái chữ, người thầy giáo phải góp sức chăm lo cải thiện đời sống văn hóa cho nhân dân để miền núi mau tiến kịp miền xuôi.

Bác dặn ta những điều đó tính đã hơn 50 năm, khi đất nước còn tạm thời bị chia cắt. Bấy giờ, về phương diện kinh tế, cơ bản miền Bắc chỉ mới thông thương được với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa và nước bạn Lào. Nhân dân ta chủ yếu phải tự lực cánh sinh, phải thắt lưng buộc bụng để bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nghệ An lại là một tỉnh đất đai không được phì nhiêu, thiên nhiên vốn khắc nghiệt, nặng về hạn hán, gió Lào và lụt lội. Như vùng quê của cụ Phan Bội Châu được coi là xấu đến cỏ cũng không mọc nổi). Đất Kim Liên quê Bác thì đất gan gà. Làng Sen đóng khố thay quần/ Sớm khoai, chiều cháo xoay vần quanh năm. Bác thấu hiểu, biết nền nông nghiệp tỉnh nhà đi lên từ những cơ sở vật chất vốn không được tạo vật cưu đương(14) khi mà công nghiệp, thương mại, dịch vụ chưa phải là đã có truyền thống ăn nên làm ra, nên lời căn dặn chúng ta, điều ước muốn đối với quê hương của Người cũng chỉ mới ở mức vừa phải, tức mong sao Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc. Biết bao ý nghĩa gói vào trong chữ mau ấy. Trong lời căn dặn và điều mong ước của Bác đối với quê hương như chống sự ăn chia bình quân trong hợp tác xã nông nghiệp; phải thực hiện tốt khẩu hiệu nhanh, nhiều, tốt, rẻ trong sản xuất công nghiệp, tất cả đã hé mở ý thức đổi mới và hội nhập. Đến bây giờ, Nghệ An đã thực hiện được điều đó chưa? Cán bộ và nhân dân Nghệ An hôm nay còn phải cúi đầu nhận lỗi trước hương hồn Bác. Nghệ An đang phải phấn đấu để mau chóng thoát khỏi danh sách những tỉnh nghèo. Cho nên điều Bác mong muốn ở Nghệ An vẫn là điều lý tưởng đối với chúng ta kể cả hôm nay.

Nếu về điều kiện tự nhiên và cộng đồng dân cư, Nghệ An là một nước Việt Nam thu nhỏ thì phần nào lời tâm tình, khuyên bảo của Bác Hồ trong hai lần Người về thăm quê cũng là lời người gửi gắm đối với đồng bào cả nước. Bác dạy chúng ta phải biết dựa vào dân, phát huy sức trẻ, tháo gỡ khó khăn, tạo thêm thuận lợi, đổi mới và hội nhập để phát triển đi lên.

Ghi chú:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng. Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.1999, t3, tr.52.

2. Xem T.Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Sự thật, H.1976, tr. 84

3. Trích từ sách Hồ Chủ tịch với quê hương, Ban nghiên cứu Lịch sử Nghệ An ấn hành, 1970, tr. 24.

4. Bài thơ Không đề của Bác, viết năm 1949.

5. Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr. 19-21.

6, 7. Xem Sđd, t.10, tr.458-459, 462-470.

8. Xem Sđd, t.12, tr.480-483.

9,10,11,12,13. Xem Sđd, t.10,tr. 448 - 458, 471 - 476, 458 - 459, 477 - 480, 460 – 461.

14. Xem Đặng Thai Mai: Văn thơ Phan Bội Châu, Nxb. Văn hóa, H.1957.

Tô Hồng Hải Ủy viên Ban thường vụ
 Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An
Theo dangcongsan.vn
Kim Yến (st)

Bài viết khác: