Vợ chồng nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Kim Côn với an-bum ảnh về Bác
Hình ảnh Bác Hồ sống mãi với thời gian được ghi lại qua ống kính của nhiều tác giả, trong đó có ba nghệ sĩ sinh sống tại Hải Dương là Nguyễn Kim Côn (tức Nam), Nguyễn Đình Khuê và Tô Kim Trọng. Họ vẫn còn lưu giữ được nhiều hình ảnh, ký ức về Bác.
Nhà nghệ sĩ nhiếp ảnh Kim Côn ở khu phố Trần Hưng Đạo, thị trấn Sao Đỏ (Chí Linh). Năm nay, ông Côn ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, sức yếu do tai nạn giao thông phải nhờ sự chăm sóc của vợ, nhưng những ký ức về những ngày được làm việc, sống bên Bác Hồ vẫn còn nguyên vẹn.
Lần đầu ông Nguyễn Kim Côn được gặp Bác Hồ khi còn là chiến sĩ trinh sát của Ty Công an liên tỉnh Quảng Yên-Hồng Gai. Ngày 20-10-1946, khi nhân dân TP Hải Phòng nô nức đón Bác vừa thăm Pháp trở về, Kim Côn trong vai một chú bé bán kẹo rong để nắm tình hình, bảo vệ trật tự an ninh cho buổi đón Bác. Rồi khi được phân công làm phóng viên nhiếp ảnh của Phủ Chủ tịch ở A.T.K (Việt Bắc), ông được sống, làm việc và gần Bác. Một buổi sáng mùa Đông năm 1950, khi Kim Côn đeo máy, hai tay bưng bát cháo nóng lên bàn ăn cho Bác Hồ, được Bác hỏi:
- Cháu chụp ảnh được à?
- Thưa Bác, cháu chụp được ạ! - Kim Côn trả lời đầy tự tin. Và anh thật bất ngờ khi nghe Bác nói:
- Vậy cháu chụp cho Bác một kiểu.
Bằng tất cả tình cảm và lòng ngưỡng mộ Bác, Kim Côn thận trọng bấm máy. Nụ cười hiền hậu trên môi Bác để lại dấu ấn về một con người đầy vị tha, giàu lòng nhân ái. Chụp ảnh cho Bác Hồ xong, Kim Côn cúi xuống, trong cổ áo dây đeo thánh giá lộ ra, ông tỏ vẻ e ngại.
Thấy vậy, Bác liền nói:
- Cháu là người theo đạo, cháu có niềm tin của cháu, cứ đàng hoàng, không việc gì phải giấu.
- Dạ thưa Bác… Kim Côn còn đang lúng túng thì Bác đã nói:
- Cháu thờ Chúa, cháu vẫn đi theo kháng chiến, cứu nước, thế là vừa kính Chúa, vừa yêu nước. Có rất nhiều người khác như cháu. Cơ quan ta có chú Vũ Đình Huỳnh là người công giáo, cả gia đình đều tham gia cách mạng, cụ linh mục Phạm Bá Trực mà cháu đã gặp là Trưởng ban Ban Thường trực Quốc hội đó...
Trong 11 năm làm phóng viên trong Phủ Chủ tịch, nhiếp ảnh gia Kim Côn được sống gần Bác, học tập Bác về lòng nhân ái, quan tâm đến đồng chí, đồng bào…; đặc biệt là sự rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lý tưởng cách mạng, suốt đời vì dân, vì nước. Vì vậy, mỗi lần chụp ảnh Bác, ông chụp nhiều, ở nhiều góc độ, thời gian, sự kiện khác nhau để cố gắng biểu đạt những tâm tư, tình cảm của Bác qua những bức ảnh.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khuê có gần 100 bức ảnh về Bác. Năm 1960, đang công tác ở Ty Văn hóa tỉnh thì ông Khuê được cử đi học lớp nghiệp vụ chụp ảnh do Phân xã Nhiếp ảnh Trung ương tổ chức. Sau một năm học tập, ông trở về cơ quan làm phóng viên ảnh, nhờ đó mọi sự kiện của tỉnh cần chụp ảnh để tuyên truyền, làm tư liệu ông đều có mặt. Trong đó, mỗi lần được đi chụp ảnh Hồ Chí Minh khi Người về thăm Hải Dương đều khiến ông cảm động và nhớ nhất. Hồi ấy mọi thứ còn khó khăn, máy ảnh ông dùng thuộc loại cũ, mỗi cuộn phim chỉ chụp được 12 kiểu, do vậy trước khi bấm máy phải chọn kỹ từ góc độ, ánh sáng, cử chỉ của Bác, nếu không ảnh sẽ không đạt. Bức ảnh ông chụp Bác cùng các đồng chí lãnh đạo đạp guồng nước ở xã Hiệp Lực (Ninh Giang) là một trong những kỷ niệm khó quên. Khi ấy, cánh đồng phía trước ngập chìm trong nước, để bức ảnh đạt cả về tính thời sự và tính nghệ thuật, ông đã lội xuống ruộng cách nơi Bác guồng nước chừng 4m để chụp chính diện. Nhưng khi đưa ống kính lên ngắm thì ánh sáng ngược chiều, mặt Bác bị tối nên ông cứ loay hoay hết bên trái, sang phải, đưa máy lên, hạ máy xuống nhiều lần. Cuối cùng, ông cũng chụp được bức ảnh đẹp về Bác. Hay trong lần Bác về thăm Nhà máy Sứ Hải Dương, đoạn Bác cầm sản phẩm lên vẽ, anh em công nhân vây quanh Bác, góc chụp rất hẹp. Lúc ấy ông nhanh trí leo lên một điểm cao hướng ống kính xuống bấm liền mấy kiểu. Kết quả vượt cả sự mong đợi, bức ảnh được giới nhiếp ảnh đánh giá cao...
Tuy vậy, trong số gần 100 bức ảnh chụp Bác có những bức làm ông tiếc nuối chỉ vì bấm máy quá nhanh hay quá chậm, không bắt kịp cái "thần" của Bác. Hiện những bức ảnh ấy ông vẫn giữ làm kỷ niệm và dự định trong thời gian không xa sẽ mở cuộc triển lãm cho nhiều người cùng chiêm ngưỡng, đồng thời cũng để sẻ chia niềm vinh hạnh với bạn bè, đồng nghiệp.
Ông Tô Kim Trọng là tác giả của những bức ảnh Bác về thăm xã Nam Chính (Nam Sách) năm 1965. Đến nay, ông Trọng vẫn nhớ như in cái ngày ông được Trưởng Ty Y tế tỉnh gọi lên bảo "chuẩn bị máy ảnh, phim để sáng mai đi công tác, có việc quan trọng". Lúc ấy, ông không biết việc quan trọng kia là gì, chỉ khi đến xã Nam Chính mọi thắc mắc mới được giải tỏa. Hóa ra ông có vinh dự được chụp ảnh Bác Hồ, một điều mà ông chưa bao giờ nghĩ đến. Lần đầu tiên được cầm máy chụp ảnh vị lãnh tụ kính yêu không tránh khỏi bỡ ngỡ nhưng rồi ông nhanh chóng bắt nhịp vào công việc. Ông đã không bỏ lỡ cơ hội có một không hai này, chụp được khá nhiều ảnh góp phần làm phong phú tập ảnh tư liệu về Bác Hồ với Hải Dương. Tiêu biểu như các bức ảnh: Bác cùng nhân dân Nam Chính hát bài Kết đoàn; Bác Hồ thăm giếng nước của gia đình ông Giao; Bác cho kẹo cháu Ngô Kim Oanh...
Thời gian đã lùi xa, các tác giả ảnh Nguyễn Kim Côn, Tô Kim Trọng, Nguyễn Đình Khuê đều đã cao tuổi, nhưng ký ức về những lần được chụp ảnh Bác còn đọng lại mãi trong tâm trí các ông.
THÀNH CHUNG - VĂN HÀ
Theo http://www.baohaiduong.vn
Thanh Quỳnh (st)