Chủ nhật, 22/12/2024

 7  cuon sach

 Trong những năm 60, cuộc chiến đấu chống Mỹ anh dũng của nhân dân Việt Nam đã chiếm được cảm tình và lòng khâm phục của bạn bè thế giới. Nhiều soạn giả, nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài luôn theo dõi từng bước đi vững chắc của phong trào giải phóng dân tộc ở miền Nam Việt Nam và cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ. Họ đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu và cho ra đời nhiều tác phẩm để giới thiệu với nhân dân thế giới và nước họ biết đến cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Họ đã ca ngợi con người và đất nước Việt Nam. Nhân dân Việt Nam chiến đấu không chỉ cho độc lập của đất nước Việt Nam mà còn đóng góp cho sự nghiệp hoà bình thế giới. Một trong số những tác phẩm như vậy  cuốn “Vietnam North” (Miền Bắc Việt Nam) của Wilfred Burchett đã có mặt tại Nhà sàn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc trong Khu Phủ tịch.

Wilfred Burchett (1911- 1983) là nhà báo Australia nổi tiếng thế giới từ những năm 1940, 1950. Ông đã đem hết nhiệt tình và sự say mê đối với công việc làm báo để ủng hộ những cuộc cách mạng giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa đế quốc và nghề làm báo đã gắn bó ông với nhân dân Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Burchett được coi là người đầu tiên lên tiếng thông báo cho dư luận phương Tây về cuộc chiến đấu chống Mỹ của nhân dân Việt Nam và ông đã đứng về phía Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Năm 1954, ông sang Chiến khu Việt Bắc (Việt Nam) để tìm hiểu và thu lượm tư liệu chuẩn bị viết về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông có mặt ở Hà Nội trong ngày giải phóng và có mặt ở Hải Phòng trong ngày quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi thành phố này, đồng thời rút hoàn toàn khỏi Miền Bắc Việt Nam. Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, ông có mặt ở nhiều vùng giải phóng miền Nam, nhiều lần ra tận chiến trường để tìm hiểu cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Burchett đã nhiều lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khi không quân Mỹ ném bom miền Bắc, năm 1964 Burchett đến Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông ta muốn biết ý kiến của Người về điều mà báo chí Mỹ đang làm rùm beng về sức mạnh quân sự Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời: “Tốt hơn hết là ông bạn nói việc đó với đồng chí Võ Nguyên Giáp. Nhưng ý kiến đó làm tôi nhớ lại hình ảnh một con chồn bị mắc một chân vào bẫy. Nó bắt đầu giãy dụa để tìm cách thoát thì cái chân thứ hai lại mắc vào một chiếc bẫy khác”.

Năm 1966, trong chuyến đi thăm Miền Bắc Việt Nam, Burchett đã có những cuộc tiếp kiến với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Sau chuyến đi này, Burchett cho ra mắt bạn đọc cuốn sách của mình với tên gọi “Vietnam North” (Miền Bắc Việt Nam) xuất bản trong cùng năm đó. Cuốn sách được viết bằng tiếng Anh, gồm 191 trang, in khổ 14,5 x 21,5 cm do Nhà xuất bản Quốc tế New York xuất bản năm 1966. Cuốn sách đã thu hút được sự quan tâm của hầu hết độc giả phương Tây vì đây là phóng sự về tình hình Miền Bắc Việt Nam trong chuyến đi thăm 7 tuần tới Việt Nam của Wilfred Burchett (tháng 2/1966 và tháng 4 - 5/1966). Với sự quan sát nhạy bén, khả năng nắm bắt tình hình thời sự đang diễn ra, ông đã có những bài phóng sự sâu sắc, được cập nhật và sáng tỏ nhất về tình hình Miền Bắc Việt Nam lúc bấy giờ, mô tả cuộc cách mạng mới do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tiến hành chống sự nô dịch của chủ nghĩa thực dân mới. Ông còn cung cấp cho người đọc một cái nhìn chân thực về hệ thống phòng vệ dựa vào quần chúng để bảo vệ nền độc lập và xã hội chủ nghĩa của người dân miền Bắc Việt Nam. Cuộc chiến tranh cũng làm thay đổi vai trò của những người phụ nữ trên mọi lĩnh vực và cả việc gánh vác nhiệm vụ chiến đấu… Trong cuốn sách này, Burchett đã trình bày toàn bộ quá trình chuẩn bị cho cuộc chiến của quân và dân miền Bắc Việt Nam.

 Xuất phát từ tình cảm, lòng kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và khâm phục trước cuộc chiến tranh mà nhân dân Việt Nam đã phải trải qua, tác giả đã gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh cuốn sách này. Trên trang ba của cuốn sách tác giả đã thể hiện tình cảm của mình với lời đề tặng bằng tiếng Anh, tạm dịch là:

 “Với tất cả tình cảm dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam anh hùng”

                                                     Ngày 18 tháng 11 năm 1966

                                                                   Tác giả ký tên

Ông còn viết trong cuốn sách của mình rằng, cuối tháng 4/1966, sau cuộc phỏng vấn Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Phủ Chủ tịch, Burchett đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã đề nghị Người trả lời một câu hỏi bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp: Chủ tịch Hồ Chí Minh nghĩ thế nào về luận điểm “đánh phá miền Bắc để giành thắng lợi ở miền Nam” của Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cười và nói: “Phía Mỹ đang tự lừa dối mình khi nghĩ rằng bằng việc ném bom miền Bắc, họ có thể giành thắng lợi ở miền Nam. Họ sẽ không bao giờ giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh này. Chúng tôi không bao giờ chịu khuất phục bởi vì đây là cuộc chiến tranh yêu nước, cuộc chiến tranh chính nghĩa và chúng tôi quyết chiến đấu đến cùng cho dù nó có thể kéo dài 5, 10, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Chúng tôi sẽ giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh này bởi vì chúng tôi ở phe chính nghĩa và chúng tôi đang nhận được sự ủng hộ của nhân dân thế giới trong đó có cả nhân dân Mỹ”. Chính bằng câu trả lời này, Burchett đã tìm ra được lý do tại sao sống dưới mưa bom, bão đạn người dân miền Bắc Việt Nam vẫn luôn cháy rực niềm tin chiến thắng cho dù cuộc chiến tranh có thể kéo dài “20 năm”.

Cuốn sách “Miền Bắc Việt Nam” của Wilfred Burchett gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh là kỷ niệm quý báu, nội dung cuốn sách đã phản ánh được phương hướng, nhiệm vụ và từng bước đi của Bắc Việt Nam, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp, mở ra phong trào cách mạng rộng lớn, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai. Đồng thời xây dựng mặt trận của các lực lượng yêu hoà bình, tự do và công lý trên thế giới. Ngoài ra, cuốn sách còn minh chứng cho tình cảm, sự đồng tình và ủng hộ không chỉ của tác giả mà còn của cả nhân dân thế giới đã dành cho nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Những tình cảm mà tác giả dành cho nhân dân Việt Nam nói chung và cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng đã được Người trân trọng và gìn giữ cuốn sách này ngay tại nơi ở và làm việc của mình.

Sau ngày Người đi xa, cuốn sách đã được ghi chép, đánh số kiểm kê: BTHCM 880/G-694. Hiện nay cuốn sách đồng thời đã được phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu sưu tầm và được đặt ở vị trí vốn có của nó ở trên chồng thứ nhất kệ thứ ba giá sách phòng làm việc tầng 2 ngôi Nhà sàn gỗ. Hồ sơ khoa học của cuốn sách đã được xây dựng và đã góp phần vào việc tuyên truyền giáo dục về tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thế giới và nhân dân thế giới đối với Người.

Theo ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Thu Hương (st)

Bài viết khác: