Hội nghị Trung ương lần thứ 23 nhận định: “Cả về thế chiến lược và lực lượng quân sự, chính trị, ta đã có sức mạnh áp đảo quân địch, còn địch thì đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong. Mỹ tỏ ra bất lực, dù có tăng viện cũng không thể cứu vãn được tình thế sụp đổ đến nơi của nguỵ”(1). Bộ Chính trị khẳng định: “Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo“thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian ngắn nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975, không thể để chậm”(2).
Trung ương Đảng, Bộ Tổng Tham mưu cùng quân và dân cả nước với tinh thần quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu, giải phóng hoàn toàn miền Nam trong một thời gian ngắn nhất, khi có thời cơ và điều kiện thuận lợi.
Sau chiến thắng Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Trị Thiên - Huế - Đà Nẵng, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi cực kỳ to lớn, hàng chục tỉnh, thành phố, thị xã đã được giải phóng, gần một nửa binh lực quân nguỵ trên toàn miền Nam đã bị tiêu diệt và tan rã. Âm mưu co cụm chiến lược của chúng bị phá sản. Khả năng tập trung lực lượng để tăng cường phòng thủ Sài Gòn bị hạn chế. Tình hình đó đã tạo ra một thời cơ chiến lược hết sức thuận lợi để bước vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Để bảo đảm thắng lợi nhanh chóng, Bộ Tổng tham mưu đã giải quyết hàng loạt vấn đề phức tạp, trong đó có vấn đề điều động và cơ động lực lượng cho chiến dịch. Ngoài những lực lượng có sẵn trên địa bàn, phải sử dụng một lực lượng cơ động từ xa. Quân đoàn 3 phát triển tiến công xuống đồng bằng Nam Trung Bộ rồi ngược lên Tây Nguyên hành quân thần tốc vào Nam Bộ. Quân đoàn 2 hành quân thần tốc gần một nghìn km trong 17 ngày đêm; tổ chức cho 2.376 xe các loại, trong đó có hơn 100 xe tăng, thiết giáp, gần 100 pháo lớn từ 85 đến 155mm và hơn 100 khẩu pháo phòng không các loại vượt qua nhiều sông, suối, vừa hành quân vừa tiến hành đột phá tuyến phòng thủ của địch từ Phan Rang, Phan Thiết đến Hàm Tân. Đưa các lực lượng lớn kịp thời vào trận đánh một cách nhịp nhàng, đúng kế hoạch trong thời gian ngắn, bảo đảm bất ngờ, đó là điều kỳ diệu chưa từng thấy trong tổ chức và hành quân thần tốc, táo bạo của ta. Tập trung được lực lượng trong một thời gian nhanh chóng như vậy là một thành công đặc biệt, thể hiện một quyết tâm rất cao của quân và dân ta nhằm chớp thời cơ, thần tốc xốc tới giành thắng lợi quyết định.
Quá trình phát triển của cuộc tổng tiến công và nhất là thắng lợi mau chóng của Chiến dịch Hồ Chí Minh đã khiến cho Chính phủ và các nhà quân sự chiến lược Mỹ và nguỵ quyền Sài Gòn vô cùng sửng sốt, không sao hiểu nổi. Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Thủ tướng Việt Nam Cộng hoà, sau khi thoát thân ra được tàu Midway của Mỹ đã thốt lên rằng: “Điều tôi khó hiểu nhất là cuộc chiến đấu đã kết thúc quá nhanh... Cách đây chưa đầy một tuần tôi còn yêu cầu chính quyền để cho tôi được tiếp tục chiến đấu... Mới một tuần trước đây thôi, tôi còn cho rằng không thể chấm dứt mau chóng như thế được”(3). Tại Oasinhtơn, khi nghe tin Sài Gòn thất thủ, Kítxinhgiơ ngậm ngùi nói: “Tôi cứ tưởng rằng họ có thể thương lượng một sự đầu hàng, chứ đâu lại... tuyên bố đầu hàng. Tôi không ngờ sự việc diễn ra nhanh chóng đến mức đó”(4). Còn tướng Oétmolen thì thú nhận: “Đó là một đòn đau đớn... Tôi phải nói rằng quá trình sụp đổ đã nhanh hơn thực tế tình hình mà tôi đã nghĩ”(5).
Điều mà đối phương không hiểu đã là hiện thực. Thần tốc, mau lẹ là một phương châm giành thắng lợi của Đảng ta khi thời cơ đến trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Xét toàn bộ cuộc chiến tranh, trên cơ sở đánh lâu dài, đánh địch từng bước, giành thắng lợi từng phần, Đảng ta luôn năng động, sáng tạo và nắm bắt thời cơ, tranh thủ thời gian giành thắng lợi càng sớm càng tốt. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là sự thực hiện đường lối và phương châm trên một cách đúng đắn, sáng tạo nhất. Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương cũng như các tướng lĩnh chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đã theo sát tình hình, giải quyết thấu đáo các vấn đề chỉ đạo chiến lược, chọn đúng phương hướng, tiến công thần tốc, táo bạo và bất ngờ, xác định đúng hình thức tác chiến và cách đánh linh hoạt, phát hiện thời cơ sau mỗi trận đánh, sau mỗi chiến dịch, để tổ chức chiến đấu, giành thắng lợi nhanh chóng và toàn diện. Một khi thời cơ xuất hiện thì yêu cầu thần tốc trở thành một nội dung trong phương châm chỉ đạo chiến lược, cũng như trong hành động quân sự.
Tuy nhiên, muốn đánh nhanh, thắng nhanh cũng cần phải táo bạo, bất ngờ. Táo bạo là một phương châm, là một yêu cầu quan trọng của hành động quân sự, là nét đặc sắc của nghệ thuật chỉ đạo tiến công. Trong lịch sử dân tộc, Lý Thường Kiệt đã hết sức táo bạo trong hành quân, khi ông thực hiện chiến lược “tiêu phát chế nhân”, đánh trước để chặn mũi nhọn của quân địch. Quang Trung - Nguyễn Huệ táo bạo, dám tiến công địch khi chúng còn rất mạnh nhưng thiếu phòng bị. Những đòn đánh tài tình, bất thần, táo bạo đó thường dẫn đến thắng lợi vang dội. Trong chiến dịch Ngọc Hồi - Đống Đa (1789), Nguyễn Huệ đã táo bạo sử dụng lực lượng ít hơn để thực hiện đánh hiểm, điểm huyệt, đánh thọc sâu vào đại bản doanh, vào trung tâm đầu não quân Thanh, khiến chúng không kịp trở tay. Trong chiến dịch đó, Nguyễn Huệ đã đánh địch trên nhiều hướng, sử dụng những lực lượng tinh nhuệ thọc sâu, bất ngờ, chia cắt và tiêu diệt quân địch. Trong khi tướng giặc Tôn Sĩ Nghị đang để tâm ở Ngọc Hồi thì nghe tin đạo quân đô đốc Long đã từ phía Tây Nam hạ đồn Đống Đa và đang tiến thẳng về đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị, khiến hắn sợ mất mật, bủn rủn chân tay, rút kiếm chém xuống đất nói: “Sao mà thần đến vậy”; rồi “người không kịp mặc giáp, ngựa không kịp đóng yên, nhằm thẳng hướng Bắc mà chạy”. “Quân Thanh như bị sét đánh mang tai, nghe tin hoảng hồn, tan tác, tranh nhau bỏ chạy”(6).
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cách đánh táo bạo, bất ngờ, mãnh liệt thể hiện rất rõ không chỉ ở tư tưởng chỉ đạo mà cả trong hành động quân sự tiến công của quân và dân ta. Chưa bao giờ ta sử dụng một lực lượng quân sự lớn mạnh như ở Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tham gia Chiến dịch gồm 5 quân đoàn tinh nhuệ cùng các lực lượng vũ trang nhân dân. Bên cạnh còn có hàng chục sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn thuộc các quân và binh chủng với nhiều vũ khí và phương tiện kỹ thuật hiện đại. Đây là một bước phát triển mới, một biểu hiện của cách đánh táo bạo của Bộ chỉ huy về việc sử dụng tập trung lực lượng trong một chiến dịch tiến công, nhằm tạo thế lực áp đảo, tiêu diệt và làm tan rã tập đoàn phòng ngự lớn có chuẩn bị trước của địch tại trung tâm đầu não của chúng. Nếu như trước kia, trong chiến dịch Thăng Long, Nguyễn Huệ đã mạnh bạo sử dụng cùng một lúc hàng trăm voi chiến mang trên mình hoả hổ, hoả pháo khiến kỵ binh của quân Thanh vô cùng khiếp sợ, thì tại Chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đã sử dụng khoảng 400 xe tăng và xe bọc thép, hơn hai chục trung đoàn, lữ đoàn, tiểu đoàn pháo binh, tên lửa và cả lực lượng không quân tham gia chiến đấu, khiến quân địch hết sức bất ngờ.
Trong một thời gian ngắn ta đã thực hiện được một cuộc hội quân lớn như vậy, chứng tỏ sự quyết tâm, táo bạo và trình độ tổ chức, chỉ huy chiến dịch của Bộ thống soái tối cao và các tướng lĩnh của quân đội ta. Tập trung lực lượng, bất ngờ tạo ưu thế tuyệt đối so với địch là một nhân tố cơ bản bảo đảm thắng lợi. Nhưng vấn đề còn quan trọng hơn là sự độc đáo sáng tạo của cách đánh thần tốc, táo bạo và bất ngờ của nghệ thuật tiến công. Cả Quang Trung - Nguyễn Huệ khi tiến công Thăng Long và quân ta khi giải phóng Sài Gòn - Gia Định đều thực hiện thế trận tiến công toàn diện, trên nhiều mũi, nhiều hướng; thực hiện bao vây, chia cắt, thọc sâu nhanh chóng và mãnh liệt, tạo nên thế áp đảo; vừa tiêu diệt, làm tan rã, vừa bịt đường tháo chạy của địch.
Để thực hiện cách đánh “thần tốc, táo bạo và bất ngờ”, ta đã sử dụng đại bộ phận lực lượng tinh nhuệ thọc sâu kết hợp các lực lượng tại chỗ đánh chiếm các địa bàn then chốt ven đô, mở đường cho các binh đoàn đột kích cơ giới tiến nhanh theo các trục đường, đánh thẳng vào các mục tiêu đã lựa chọn, kết hợp các lực lượng đánh từ ngoài vào với đánh từ trong ra khiến cho quân địch bị chia cắt, phân tán và nhanh chóng bị đập tan. Cách đánh đó đã đưa lại hiệu quả chiến dịch lớn, giành thắng lợi trong một thời gian ngắn.
Thần tốc và táo bạo luôn tạo ra những bất ngờ lớn đối với địch, đồng thời đánh bất ngờ thường giành thắng lợi mau chóng. Đánh địch bất ngờ là một nguyên tắc mà dân tộc ta đã vận dụng một cách sáng tạo. Trong điều kiện nước nhỏ, quân ít phải chống lại những kẻ thù xâm lược lớn, đông quân và tàn bạo thì vận dụng lối đánh bất ngờ “xuất kỳ bất ý” là hết sức cần thiết. Nhân tố bất ngờ được nhà Trần vận dụng thành công trong kháng chiến chống Mông - Nguyên, khi tập kích ở Đông Bộ Đầu giải phóng Thăng Long năm 1288, hoặc tiến công địch ở Bạch Đằng Giang năm 1288. Nguyễn Trãi đã tổng kết: “Yếu chống mạnh hay đánh bất ngờ” (Bình Ngô đại cáo). Lê Lợi cho rằng, nắm thời cơ đánh bất ngờ là phương châm hành động để “dùng sức một nửa mà công được gấp đôi”.
Đảng ta và quân, dân ta đã vận dụng và phát huy những kinh nghiệm đánh giặc của tổ tiên. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, điều kiện tương quan lực lượng đã khác trước. Quân ta đã vượt hẳn quân địch cả về thế và lực. Tuy nhiên, trong bất kỳ tình huống nào, yếu tố bất ngờ cũng là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần tạo nên thắng lợi trong chiến tranh. Đòn “điểm huyệt” ở Buôn Ma Thuột, là một bất ngờ lớn đối với địch dẫn tới sự tan rã dây chuyền nhanh chóng của chúng. Chiến dịch Hồ Chí Minh là một bất ngờ lớn hơn nữa mà địch tuy đã lường định nhưng vẫn không đoán được. Chúng đâu có ngờ ta sử dụng tới 5 quân đoàn và đơn vị tương đương tiến theo 5 hướng khác nhau trong đó có những mũi thọc sâu bằng các binh đoàn cơ giới. Chúng không ngờ ta đã huy động đến 400 xe tăng và xe bọc thép làm lực lượng đột kích, cùng 500 khẩu pháo lớn và hơn nửa triệu tấn vật chất kỹ thuật cho chiến dịch, chúng sửng sốt khi ta sử dụng cả lực lượng không quân. Và chúng càng không ngờ trận tiến công lại diễn ra và kết thúc nhanh chóng đến thế.
Như vậy, “thần tốc, táo bạo, bất ngờ và chắc thắng” là tư tưởng chỉ đạo, là phương châm hành động quân sự, là nét độc đáo sáng tạo về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh có tính truyền thống của dân tộc ta, đã trải qua một quá trình thừa kế, phát triển sáng tạo. Tiến công thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng là một trong những bài học quý của nghệ thuật quân sự Việt Nam thể hiện tiêu biểu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thắng lợi vĩ đại mùa Xuân 1975 chứng tỏ sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương, của các tướng lĩnh chỉ huy và sự nỗ lực phi thường của quân và dân cả nước. Chiến thắng vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4-1975 không những ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi nhất mà còn là nét nổi bật và đặc sắc nhất của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh.
Phát huy bài học “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện, có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao; xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại để Quân đội thực sự là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trước tình hình mới. Muốn vậy, toàn quân cần quán triệt, thấu suốt quan điểm của Đảng về nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; đồng thời, luôn có sự đổi mới và phát triển về nội dung và phương thức xây dựng Quân đội cho phù hợp trên nền tảng của tư duy mới về tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong điều kiện mới.
(1) Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 23 (số 240-NQ/TW) ngày 25-12-1974.
(2) Hội nghị Bộ Chính trị quyết định phương án giải phóng miền Nam (từ ngày 18-12-1974 đến ngày 8-1-1975).
(3) Lời thú nhận của vị tướng nguỵ Sài Gòn, Hồi ký Nguyễn Cao Kỳ, Nxb Thông tin, Hà Nội, 1990.
(4) Tài liệu Bộ Quốc phòng Mỹ về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, t.1, TTXVN dịch, Hà Nội, 1971.
(5) Oétmolen tường trình của một quân nhân, Thư viện Quân đội dịch, Hà Nội, 1982.
(6) Ngô Gia Văn Phái: Hoàng Lê nhất thống chí, Nxb Văn hoá, Hà Nội, 1984, tr.186.
Đại tá, PGS, TS Trần Nam Chuân
Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng
Thu Hiền (st)