Giữa phòng khách nhà ông tại số 4, ngõ 24, phố Phong Vị, Tổ dân phố 6, phường Sơn Lộc, Sơn Tây, Hà Nội treo trang trọng một kỷ vật. Đó là món quà Bảo tàng Quân đội tặng ông sau một lần nói chuyện truyền thống. Đang miên man ký ức công kiên đồi E1, ông bật dậy, đến bên tấm bản đồ Chiến dịch Điện Biên Phủ khổ lớn, bao năm vẫn nằm đó. Trước mắt tôi, không còn cụ già 85 tuổi, chỉ còn lại khẩu đội trưởng đang chỉ huy đánh địch... Ông là một trong 16 Anh hùng LLVTND được phong tặng ngay sau Chiến dịch Điện Biên Phủ...

Hai tran chien anh 1

Anh hùng Phùng Văn Khầu

              Bác vẫn luôn ở chỗ trái tim mình

             18 giờ ngày 30-3-1954, quân ta được lệnh tiến công cứ điểm đồi E1. Khẩu đội sơn pháo 75 ly của Phùng Văn Khầu được cấp 30 viên đạn, bắn mở đường -"Tiết kiệm đạn được khen thưởng. Bắn quá chỉ tiêu bị phê bình, kỷ luật". Ông bồi hồi: "Pháo ta cách lỗ châu mai của địch 150 m, quả đầu mình bắn trượt.

              Bằng kinh nghiệm, mình đề nghị cho tăng cự ly bắn lên 10 m, thay đổi điểm ngắm. Viên thứ hai trúng lỗ châu mai địch. Trận đó, bắn 22 viên, chính xác 21 viên, tiêu diệt bốn lô cốt, tiết kiệm tám viên đạn".

             Sau trận đồi E1, ông được Bác Hồ gửi tặng Huy hiệu, tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba - hai kỷ vật ông đeo suốt 36 ngày đêm ác liệt.

             Ngày 2-4-1954, Đại đội 755 được lệnh đưa ba khẩu pháo, mỗi khẩu đội quân số chín người lên đồi E1, chiếm giữ điểm cao, yểm trợ bộ binh. Ngày 23-4-1954, địch phản công lớn, huy động xe tăng, pháo 105 ly chiếm lại đồi E1 và những điểm cao gần đó. Hai khẩu sơn pháo của ta bị đánh sập.

             "Đây là trận ác liệt nhất, mình không bao giờ quên. Anh em hy sinh, bị thương gần hết, khẩu đội chỉ còn bốn người, ngồi trong giao thông hào mà khóc thương bạn. Lời chính trị viên như mệnh lệnh: "Thương yêu giai cấp, thương yêu đồng đội không thể bằng nước mắt!". Nuốt cảm xúc, mình ra lệnh: Vào vị trí. Có lúc chỉ còn lại mình và đồng chí Lý Văn Pao. Bị sức ép đạn pháo địch, mình ngất đi, tỉnh dậy lấy tay xoa ngực thì chạm huy hiệu của Người. Mình như khỏe lại, ra lệnh đồng chí Pao nạp đạn. Chỉ ba viên đã làm câm họng khẩu pháo địch. Rồi Pao cũng bị thương.

             Mình làm nhiệm vụ của bảy người: Từ quan sát, ngắm mục tiêu, nạp đạn, giật cò... diệt thêm một khẩu pháo. Kết thúc trận khẩu đội mình diệt gọn cả năm khẩu pháo 105 ly, sáu súng máy đại liên, một kho đạn, một lô cốt và hàng trăm tên địch".

              Sau chiến dịch, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai và hạng Ba, đề bạt từ khẩu đội trưởng lên đại đội trưởng. Điều bất ngờ nhất, anh được lên Việt Bắc gặp Bác Hồ nhân dịp chúc thọ Người ngày 7-5-1954. Bác ôm hôn ông, trực tiếp gắn tặng Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên, rồi nói: "Thế là Bác cháu ta cùng vui! Vui để cố gắng mới, để khắc phục khó khăn giành thắng lợi mới!". Bác dặn: "Chớ vì thắng mà tự kiêu, chủ quan khinh địch, phải khiêm tốn, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư".

               Trong đời mỗi người, được gặp Bác đã là vinh dự lớn lao. Nhưng Anh hùng Phùng Văn Khầu được "gặp Bác Hồ" tới sáu lần. Ông hồn hậu kể: "Thực ra, mình chỉ trực tiếp gặp Bác bốn lần thôi. Hai lần trước "gặp Bác" qua lời động viên của Chính trị viên, khi làm anh nuôi tại Đại đội Chu Thịnh, rồi qua lá thư Bác gửi cán bộ chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ. Chỉ tới khi lên Việt Bắc báo công mới gặp Người bằng xương, bằng thịt". Ngày 31-8-1955, ông được gặp Bác Hồ lần thứ hai, khi được tuyên dương Anh hùng LLVTND. Bác lại dặn "không được tự kiêu, tự mãn, luôn khiêm tốn, thật thà", và "không được giấu dốt, giấu khuyết điểm".

              Vậy là khi đã 27 tuổi, Phùng Văn Khầu bắt đầu đi học... vỡ lòng - "Lạ lắm, bé toàn cầm cày cuốc, lớn đi làm cách mạng, tiếp xúc với đạn, pháo. Ấy vậy mà lần đầu cầm bút, nhẹ tênh, sướng lắm! Dễ như ăn cơm vậy! Môn nào cũng giỏi, được thầy cô khen ngợi, nêu gương suốt!". Cũng năm đó, ông được cử tham dự Liên hoan Thanh niên Sinh viên Thế giới lần thứ năm tại Ba Lan, lần thứ ba được gặp Bác. Dịp này, ông gặp nữ Chiến sĩ thi đua toàn quốc Hà Thị Cay, 17 tuổi, người Thái Bình, là người vợ đảm đang, hết mực thủy chung của ông bây giờ. Năm 1965, lên thăm Khu Tự trị Việt Bắc, Bác Hồ đến thăm gia đình ông khi ông đang chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên - Huế.

             Bác chia bánh kẹo cho hai con gái, gửi lời thăm ông và dặn bà Cay: "Phải nuôi con khỏe, dạy con ngoan, để chồng yên tâm chiến đấu". Năm 1969 khi đang ở Huế, Phùng Văn Khầu được ra Hà Nội "gặp Bác", cũng là đưa tang Bác.

              Với cá nhân ông, đó là lần thứ tư, lần cuối cùng ông gặp Bác, khép lại một chặng đường phấn đấu với mơ ước cháy bỏng từ thuở ban đầu nhập ngũ...

Hai tran chien anh 2

Những kỷ vật Điện Biên

            "Khắc đi, khắc đến!"

                Sinh ra trong một gia đình nghèo, dân tộc Tày (Trùng Khánh, Cao Bằng), 17 tháng, Phùng Văn Khầu đã mồ côi mẹ, bố phải sang nhà địa chủ vay gánh lúa làm tang. Lớn lên, ông đi ở đợ cho nhà địa chủ để trả nợ. Tháng 6-1946, tròn 16 tuổi, nghe lời cán bộ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, ông rủ ông Cầu (Anh hùng LLVTND La Văn Cầu) vào Vệ quốc đoàn.

Đầy háo hức, ông ngỡ ngàng khi nghe chính trị viên bảo làm... anh nuôi. Khầu quầy quậy từ chối.

             Chính trị viên hết giảng giải lại chất vấn: "Khầu đi theo Đảng, Bác Hồ làm cách mạng. Đánh Pháp, đuổi Nhật mang lại cơm no áo ấm cho nhân dân, trong đó có bố Khầu, tại sao Khầu không nhận nhiệm vụ?

              Khầu không yêu quý Bác Hồ sao?".

             Nghe nhắc đến Bác, chàng trai thật thà chất phác, nước mắt vòng quanh, mếu máo: "Vậy mình nhận, nhưng làm anh nuôi mấy hôm thì được gặp Bác Hồ?". Chính trị viên trìu mến: " Khắc đi, khắc đến! Khắc làm, khắc gặp, Khầu à!".

              "Phiên chợ đầu tiên, trung đội trưởng đưa mình năm đồng Đông Dương, dặn mua thịt, muối, rau.

              Mua về, cán bộ tính đi, tính lại vẫn thấy hụt năm hào, nghiêm khắc tra hỏi. Mình ngơ ngác, rồi khóc òa, tự tát vào mặt: "Mình đi theo Bác Hồ, không biết làm sai! Chỉ vì ngu dốt, không có chữ, nên mới ra cơ sự này. Mình xin trả lại nhiệm vụ!".

               Buổi tối, chính trị viên gọi lên an ủi nhưng Khầu vẫn không nguôi ấm ức. Mất ngủ, nửa đêm ông bỏ đơn vị về nhà. Đi được khoảng hai ki-lô-mét mới chợt tỉnh lời bố dặn: "Con đi theo Bác Hồ làm cách mạng phải theo đến cùng!" Thế là Khầu quay về đơn vị lúc tờ mờ sáng.

               Năm ngày sau, phiên chợ mới, trung đội trưởng giao cho anh nuôi Khầu 15 đồng, Khầu càng lo tợn.

             Năm đồng để mất năm hào, nhiều thế này mất lấy gì đền? Anh nuôi trước hụt quỹ phải về quê bán trâu, bán lợn đền. Khầu một tấc đất cắm dùi không có, lấy gì bán đây? Đôi chân Khầu nặng như đeo đá. Đi qua đám sỏi, Khầu bất chợt nảy ra ý định quy những viên sỏi này thành mệnh giá từng xu, hào, đồng. Ông Khầu cười thành tiếng: "Tất cả 750 hòn sỏi lớn nhỏ, mình nhét nặng trĩu túi quần, người cứ lệch một bên.

             Phiên chợ đó, không hụt hào nào.

            Anh em xúm lại hỏi "bí quyết", mình tiết lộ, được cả trung đội công kênh, tán thưởng. Từ đó mới yên tâm".

"Chiến công" của Khầu anh nuôi, sau ba năm đã tiết kiệm được hơn 300 đồng Đông Dương cho đơn vị, đem lại cho ông Huân chương Chiến công hạng ba, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 4-1950. Từ anh nuôi giỏi, Phùng Văn Khầu được biên chế tại Khẩu đội 1, Đại đội 755, Trung đoàn 675, Đại đoàn Công pháo 351, đóng ở Đồn Vàng (Phú Thọ) - "Có sáu khẩu đội sơn pháo, mỗi khẩu đội bảy người.

            Mình là pháo thủ số 2, kiêm khẩu đội trưởng. Không biết chữ, mình cứ kinh nghiệm ngắm bắn qua nòng pháo thôi!." Ngày 18-3, Đại đội 755 nhận lệnh vào chiến dịch, "cán bộ chiến sĩ hò reo vang cả cánh rừng!". Biên chế đại đội 280 người nhưng chỉ "chọn" 30 người.

           "Lần đầu cả pháo và người được đi ô-tô, mình sướng lắm. Đêm đi, ngày nghỉ, mất sáu ngày đêm mới lên tới chân đồi Him Lam...", chuẩn bị cho trận đánh lịch sử ở đồi E1...

       Không thể ngồi yên nhìn tham nhũng, tiêu cực

           Ngẫm lại những lần vinh dự gặp Bác Hồ, ông nghẹn ngào "Bác Hồ luôn dành cho mình rất nhiều tình cảm. Điều đó vô cùng thiêng liêng! Hơn 40 năm quân ngũ, phấn đấu giỏi lắm đến cấp phó, nghỉ hưu là Phó Chủ nhiệm chính trị Trường Sĩ quan Pháo binh, nhưng tôi chưa bao giờ bất mãn. Chừng này tuổi, nghiệm lại, chưa làm điều gì trái lời Bác dặn".

           Năm 1986, ông về hưu với quân hàm Đại tá. Đất nước bắt đầu đổi mới, khó khăn vất vả cũng chẳng chừa ông. Sáng sáng, dân thị xã quen thấy Anh hùng Phùng Văn Khầu trên chiếc xe đạp cà tàng bỏ mối bánh đa, bánh rán. Xế trưa, ông cùng vợ ra sông, vớt rong về nuôi lợn. Tham gia công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương đã đưa ông vào trận mới: Phòng, chống tiêu cực. Vị Đại tá về hưu, giờ lại nhiệt huyết như anh lính nuôi quân hồi trước. Nhân dân địa phương trìu mến gọi ông là "Người hùng chống tiêu cực". Nhưng, những người bị "lọt vào tầm ngắm" lại chẳng ưa gì.

Ông trải lòng: "Bao máu xương đã đổ, vậy mà hòa bình, một số cán bộ lại cố tình làm sai để trục lợi! Nhìn tham nhũng, tiêu cực, mình không thể ngồi yên! Hồi đánh E1 ở Điện Biên khác! Chiến đấu trên mặt trận này giờ vui ít, buồn nhiều đấy! Vẫn phải làm thôi. Đi họp, thấy chính quyền làm đúng mình khen, điều chưa đúng, mình thẳng thắn rút kinh nghiệm. Phê bình nhiều quá, đến nỗi, có cuộc họp, mình giơ tay phát biểu, người ta cũng "quên" không gọi nữa!".

Bạn bè, có người thấy ông và cộng sự bỏ thời gian, lương hưu đi đấu tham nhũng cũng sốt ruột: "Ôi trời ơi! Các cụ cống hiến thế đủ rồi! Lương để dưỡng già, chiến đấu làm chi cho cực? Tham nhũng giờ như cái mắt xích, các cụ có gỡ nổi không ?". Con cái băn khoăn, lựa lời can: "Bố đã là Anh hùng rồi, mình nên khiêm tốn bố ạ! Đi họp đừng phát biểu nhiều, người không thấy cái tâm mình lại bảo mình thích đấu đá!".

Bất chợt, ông thoáng buồn: "Này cô ạ, thậm chí cả lời ra tiếng vào đấy! Bảo chúng tôi là "công thần", nặng thì nói là "cố tình xuyên tạc, bôi xấu chính quyền, vì lợi ích cá nhân", nhẹ thì khuyên mình "về quê mà dưỡng già!". Nỗi buồn ánh lên trong đôi mắt ông, vụt qua, như là khoảnh khắc hiếm hoi trong suốt cuộc trò chuyện.

              Nỗ lực không mệt mỏi của ông cùng nhiều công dân dũng cảm khác đã góp phần giúp cơ quan chức năng phanh phui hàng chục vụ tiêu cực, nhất là vụ một số cán bộ xã Cổ Đông (Sơn Tây - Hà Tây cũ) lợi dụng quyền hạn cho thuê, xác nhận trái phép quyền sử dụng hơn 300.000 m2 đất, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Rồi vụ lợi dụng chức quyền "bí mật" cho "người quen" thuê hàng nghìn mét vuông đất mặt phố ở phường Sơn Lộc, Sơn Tây với giá "rẻ như cho". Sau thắng lợi này, chính quyền phải sửa sai, đưa ra đấu giá, thu về nộp ngân sách 16 tỷ đồng...

Bà Hà Thị Cay suốt buổi lặng lẽ, giờ mới lên tiếng: "Tôi đẻ bốn đứa con ở bốn tỉnh, không lần nào có mặt ông ấy! Đi biền biệt 40 năm chưa chán, về hưu lại tong tả suốt ngày. Ông ấy "nổi tiếng" đến mức, hễ ai biết vụ tiêu cực nào, bức xúc gì cũng đến mách. Nhiều đêm, nhìn ông ấy vò đầu bên đống hồ sơ, tôi còn lo hơn lo đạn thù thời chiến".

             "Mấy năm trước, ông lão còn mở lớp dạy Toán miễn phí cho các cháu học sinh quanh vùng, nhưng rồi, các giáo viên có ý kiến này kia, tôi khuyên ông ấy nghỉ ngơi, kẻo "động chạm" đến miếng cơm, manh áo của người khác. Đến năm 2012, ông ấy mới "súng gươm vứt bỏ" nghỉ đấy, cô ạ!".

              Ông Khầu đưa tôi lên tầng hai, tầng ba. Chỉ còn những bức ảnh về những kỷ vật đã từng "ở với ông" như báu vật suốt gần bảy thập kỷ. Viên sỏi hồi làm anh nuôi, Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên, Huy hiệu Bác Hồ, bộ quần áo ông mặc khi đưa tang Hồ Chủ tịch - " Hai mươi năm qua, rất nhiều lần, thiếu tá Lò Thị Xuân, Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vận động mình hiến tặng, lần nào mình cũng dứt khoát "chỉ khi mình chết, mới được tới lấy đi". Nhưng lại nghĩ "làm vậy là ích kỷ, chỉ thỏa mãn bản thân". Thế là tháng tư này, mình tự tay mang ba kỷ vật: Huân chương Quân công hạng ba, Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ, bộ quân phục hiến tặng bảo tàng...

               Chớm chiều, cả hai ông bà tiễn tôi ra tận đường cái. Tạm biệt người anh hùng Điện Biên Phủ trong quyến luyến, ông nắm chặt tay, cười đôn hậu. Vẫn vẹn nguyên nụ cười của chàng trai người Tày cách đây gần 70 năm, rời xa gia đình dấn thân theo cách mạng.

             "Mỗi khi gặp nguy hiểm, mình lại nhìn xuống ngực áo. Bác ở đó, ngay chỗ tim mình, động viên mình phải mưu trí, sáng tạo. Bác vẫn như chờ mình và đồng đội báo công đấy!" - Anh hùng Phùng Văn Khầu.

              "Khuyên ông nghỉ ngơi, ông ấy lại bảo: "Bà quên Bác Hồ dặn "Chiến sĩ Điện Biên phải luôn luôn khiêm tốn, giản dị, chân thành, trung thực, thật thà, thẳng thắn" à?" - Bà Hà Thị Cay, vợ ông Phùng Văn Khầu.

Theo http://www.nhandan.com.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: