Một mùa thu nữa đang về trên dải đất hình chữ S thân yêu. Cứ mỗi độ thu sang, nhân dân ta lại tưng bừng chào đón một ngày lễ lớn của cả nước: Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đầu tiên trên thế giới do giai cấp công nhân lãnh đạo giành được thắng lợi. Kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, hãy cùng nhìn lại những sự kiện lịch sử trong những ngày Tháng Tám oai hùng của dân tộc ta.

Ngày 4-5-1945, Bác Hồ rời Pắc Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

CMT8.1
Lán Nà Lừa, nơi Bác Hồ làm việc và tiếp khách những ngày ở Tân Trào

Về Tân Trào, Bác được tổ chức bố trí ở xã Kim Lộng nay là xã Tân Trào, khu vực giáp ranh giữa Tuyên Quang và Thái Nguyên, có cơ sở cách mạng tốt, địa thế thuận lợi, phong trào quần chúng khá mạnh. Người cùng một số anh em chặt cây, cắt tranh dựng lán Nà Lừa. Đây là nơi Bác Hồ ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 8 năm 1945 để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Thời gian ở lán Nà Lừa, do điều kiện làm việc gian khổ và khó khăn, với những bữa ăn đạm bạc, nhưng Bác vẫn luôn giữ cho mình tinh thần làm việc và nghị lực phi thường, vượt qua mọi khó khăn gian khổ để vững vàng lãnh đạo cách mạng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp nhớ lại rất rõ những ngày gian khổ đó: “Đã mấy hôm liền Bác sốt nặng. Song Bác vẫn gượng làm việc”. Ngày 4-6-1945, tại lán Nà Lừa, Bác Hồ đã triệu tập Hội nghị cán bộ để chuẩn bị thành lập “Khu giải phóng, Quân giải phóng”, tiến tới Quốc dân Đại hội, Tổng khởi nghĩa.

CMT8.2
Bữa cơm đạm bạc của Bác Hồ và các chiến sỹ ở Tân Trào

Ngày 13-8-1945, trong không khí sục sôi cách mạng của thời kỳ tiền khởi nghĩa, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc họp ở Tân Trào quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành lấy chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương và ngay đêm hôm đó Uỷ ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng đã hạ mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa. Uỷ ban khởi nghĩa cũng đã ra Quân lệnh số 1. Quân lệnh viết: “Giờ Tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân, dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà!... Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta”.

 CMT8.3

Đình Tân Trào, Sơn Dương (Tuyên Quang)
 nơi diễn ra Đại hội Quốc dân ngày 16-8-1945

Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào đã thông qua Mười chính sách lớn của Việt Minh, thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa, quyết định Quốc kỳ nền đỏ, ở giữa có sao vàng năm cánh, chọn bài Tiến quân ca làm Quốc ca và bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Sáng ngày 17-8-1945, Uỷ ban Giải phóng dân tộc ra mắt quốc dân làm lễ tuyên thệ. Thay mặt Uỷ ban, hướng lên lá cờ đỏ sao vàng Hồ Chí Minh đọc tuyên thệ: "Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Uỷ ban Giải phóng dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta.

Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành độc lập cho Tổ quốc. Dù hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước. Xin thề!".

Giọng Bác nghiêm trang, lời thề dõng dạc biểu lộ khí phách kiên cường, dũng cảm, quật khởi của dân tộc ta. Tất cả những người có mặt trong buổi lễ này đều nắm chắc tay hô một cách mạnh mẽ: Xin thề!

Ngay trước giờ phút đấu tranh quyết liệt và khẩn trương của cuộc Tổng khởi nghĩa, Hồ Chủ tịch đã thay mặt Uỷ ban Dân tộc giải phóng gửi thư kêu gọi đồng bào toàn quốc kháng chiến. Bức thư có đoạn viết:

"Hỡi đồng bào yêu quý!

... Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.

Tiến lên! Tiến lên! D­ưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!".

Mệnh lệnh khởi nghĩa và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh như tiếng gọi của non sông thức tỉnh con tim mỗi người Việt Nam yêu nước hãy nhất tề đứng dậy tranh đấu giành quyền độc lập - tự do. Không khí cách mạng sôi sục trên khắp mọi miền Tổ quốc. Nhân dân cả nước, triệu người như một nhất tề nổi dậy với ý chí dù có hy sinh đến đâu. Đặc biệt, phải kể đến cuộc khởi nghĩa ở Thủ đô Hà Nội.

Ngày 19-8-1945, cả Hà Nội đỏ rực màu cờ. Hàng chục vạn quần chúng cách mạng ở nội và ngoại thành mang theo gậy, dao, súng, mã tấu... tiến về Quảng trường Nhà hát thành phố dự cuộc mít tinh do Việt Minh tổ chức. Cuộc mít tinh bắt đầu lúc 11 giờ. Sau loạt súng chào cờ và bài Tiến quân ca vang lên, đại biểu Uỷ ban Quân sự cách mạng đọc lời hiệu triệu khởi nghĩa của Việt Minh. Cuộc mít tinh phát triển nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình tuần hành vũ trang. Quần chúng biểu tình chia thành nhiều đoàn, có các đơn vị tự vệ chiến đấu, tiến về các ngả đường, chiếm các cơ quan của chính quyền bù nhìn: Phủ Khâm sai, Toà Thị chính, Sở cảnh sát, Trại bảo an binh... Trước khí thế sục sôi của quần chúng khởi nghĩa, phát xít Nhật dù có hơn một vạn quân cũng không thể làm gì được. Binh lính và cảnh sát ngụy cũng bất lực và cuối cùng phải đầu hàng cách mạng. Chính quyền hoàn toàn về tay nhân dân.

CMT8.4
Ngày 19-8-1945, hơn 10 vạn quần chúng
 Thủ đô Hà Nội đã tham gia biểu tình giành chính quyền.

CMT8.5

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội (ngày 19 tháng 8) đã có tiếng vang nhanh trong cả nước, có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ các tỉnh và các thành phố khác, làm tăng thêm cuộc khủng hoảng trong hàng ngũ kẻ thù, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tổng khởi nghĩa. Các địa phương khác trong cả nước cũng nhanh chóng giành được thắng lợi hoàn toàn: Huế (23/8/1945), Sài Gòn (25/8/1945)… Đến ngày 28 tháng 8, Việt Minh đã giành được chính quyền toàn quốc. Hai tỉnh giành được chính quyền cuối cùng là Hà Tiên và Đồng Nai Thượng.

Như vậy, chỉ trong 15 ngày (từ 14 đến 28/8/1945), cuộc Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng giành được thắng lợi. Lần đầu tiên chính quyền trong cả nước đã thuộc về nhân dân. Vua Bảo Đại xin thoái vị để “được làm dân tự do của một nước độc lập” .

 Ngày 22/8/1945, Bác rời Tân Trào về đến Hà Nội. Sáng ngày 26/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong số các quyết định của cuộc họp này, Thường vụ nhất trí chuẩn bị Tuyên ngôn độc lập và tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ lâm thời ra mắt nhân dân, cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa; Chủ tịch Hồ Chí Minh phụ trách thảo Bản Tuyên ngôn độc lập.

Ngày 2/9/1945, giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử rợp bóng cờ, hoa và trước hàng chục vạn nhân dân đủ các tầng lớp ở Thủ đô và các vùng lân cận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra đời. Bản Tuyên ngôn độc lập khẳng định quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của nhân dân Việt Nam được hưởng tự do độc lập mà tự mình giành lại từ tay kẻ thù xâm lược: "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập?... Và sự thật đã thành một nước tự do độc lập".

Bản Tuyên ngôn đồng thời cũng khẳng định ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam quyết giữ vững quyền thiêng liêng ấy: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

CMT8.6

CMT8.7

 Lễ Tuyên ngôn độc Lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2-9-1945

CMT8.8

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa

Buổi lễ kết thúc bằng những lời thề độc lập sục sôi tinh thần quyết tâm:

"Kiên quyết một lòng ủng hộ Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh''.

"Cùng Chính phủ giữ nền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chống mọi mưu mô xâm lược, dù có phải chết cũng cam lòng".

Nếu Pháp đến xâm lược lần nữa thì chúng tôi xin thề: "Không đi lính cho Pháp. Không làm việc cho Pháp. Không đưa đường cho Pháp".

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 nhân dân ta đã đánh đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp gần một trăm năm, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn đối với dân tộc Việt Nam. Nó chẳng những khẳng định giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam đã đồng tâm hiệp lực, chiến đấu quả cảm đã nhất tề đứng lên giành độc lập tự do mà còn khẳng định sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra đường lối chiến lược và sự thay đổi sách lược đúng đắn, chớp thời cơ, tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân, đưa Việt Nam gia nhập đại gia đình vô sản quốc tế sánh vai với các cường quốc văn minh trên thế giới. Và kể từ đây, một kỷ nguyên mới mở ra cho dân tộc Việt Nam ta: Kỷ nguyên của độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Cách mạng Tháng Tám là sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đánh dấu bước tiến nhảy vọt của cách mạng Việt Nam. 67 năm đã qua kể từ mùa thu lịch sử năm 1945, song tinh thần Cách mạng Tháng Tám vẫn còn đó, âm vang của bài ca chiến thắng vẫn còn ngân mãi trong lòng mỗi người con đất Việt. Quá khứ hào hùng sẽ mãi là điểm tựa tinh thần cho đất nước ta vững vàng trên con đường hội nhập và phát triển bền vững, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

                                                                                                            Thu Hiền(Tổng hợp)

Bài viết khác: