Trước thềm Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, có một số vấn đề cần nêu ra từ thực tiễn tổ chức các hoạt động bầu cử trước đây nhằm rút kinh nghiệm, hướng tới để Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 thực sự là một sinh hoạt chính trị cởi mở, nghiêm túc và kỷ cương.
1- Trong các thể chế theo đuổi chế độ dân chủ thì hình thức tổ chức nhà nước thông qua bầu cử là hoạt động chính trị rất quan trọng. Thường theo định kỳ, người dân một nước lại có sự lựa chọn bằng hình thức bầu cử theo quy định của pháp luật, đây cũng được coi là một quyền cơ bản. Về nhận thức, việc này quan trọng vì một số lý do dưới đây.
Thứ nhất, nhà nước là tổ chức công quyền được tổ chức và bao gồm những con người cụ thể, hợp thành bộ máy quản trị xã hội. Về hình thức của một bộ máy, nhà nước nào cũng thể hiện giống nhau, chỉ khác nhau ở cách thức tổ chức. Mà cách thức có nguồn gốc từ chế độ xã hội. Ở các chế độ chuyên chế, việc tổ chức nhà nước là việc của một người, là vị vua theo chế độ thế tập. Trong các nhà nước dân chủ, theo ý chí số đông. Họ lựa chọn theo những tiêu chuẩn, điều kiện do pháp luật quy định.
Thứ hai, ở chế độ nào cũng vậy, con người kể cả trong bộ máy công quyền sống và tồn tại theo luật tự nhiên. Họ không thể làm việc mãi do các yếu tố sức khỏe, tinh thần và nhất là đòi hỏi không ngừng của người dân đối với nhà nước. Vì vậy, sớm muộn gì ai cũng đến lúc phải thoái lui, nhường vị trí cho người khác, do đó, bộ máy nhà nước phải được thay thế, chuyển tiếp, và mang tính giai đoạn. Ở mỗi quốc gia, thiên tài thường gắn liền với những bước ngoặt của lịch sử, có người là hiện thân của nhà sáng lập chế độ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh, có người là nhà cải cách, có người là biểu tượng của nền độc lập, của bước cách mạng về kinh tế, văn hóa. Ở nước Mỹ, trước đây, tổng thống lúc đầu không bị giới hạn về thời gian nếu họ còn được tín nhiệm, nhưng về sau quy định này đã được hiến pháp thay đổi. Hiện nay ở Hoa Kỳ, mỗi người chỉ giữ vị trí tổng thống không quá tám năm, tương ứng với hai nhiệm kỳ. Ở nước ta hiện nay, Đảng cũng quy định giới hạn thời gian đối với một số chức vụ quan trọng (thường trong số cán bộ gọi là chủ chốt).
Để có được hình thức sinh hoạt của các nền dân chủ là cả một quá trình lâu dài của lịch sử. Nó gắn với cuộc đấu tranh giữa một bên muốn duy trì hiện trạng chính trị để bảo vệ lợi ích là những người trong hệ thống công quyền (thuộc giai cấp thống trị), và một bên gồm đa số nhân dân - những người muốn thay đổi cho tương lai tốt đẹp hơn. Những quan điểm: Đẩy thuyền hay lật thuyền cũng là dân; cách mạng thuộc về quần chúng, hay quyền lực thuộc về nhân dân... đều phản ánh tương quan đó trong xã hội, ở mọi chế độ, nhất là trong các nền dân chủ cho đến ngày nay.
Thứ ba, trong thời đại của công nghệ thông tin, khoa học và công nghệ phát triển nhanh chóng (còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư), tuổi thọ của mỗi sáng tạo, thay đổi tiến bộ có xu hướng ngắn lại. Ngoài ra, còn phải tính tới sức cạnh tranh ngày càng quyết liệt các thị trường, đòi hỏi trí tuệ cần phải đổi mới thích ứng, kể cả các quyết sách chính trị liên quan đến những nhân vật được người dân chọn lựa, sàng lọc qua bầu cử. Vì vậy, việc người dân chọn lựa những người đại diện cho họ để lãnh đạo đất nước cũng đều nhằm đáp ứng những nhu cầu thay đổi đó. Vì thế các Cuộc bầu cử lựa chọn người trong cơ quan đại biểu hay chọn người đứng đầu nhánh quyền lực mang ý nghĩa chính trị rất quan trọng.
Ở nước ta, từ khi nhân dân giành được thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã qua nhiều Cuộc bầu cử để chọn ra những người ưu tú tham gia quản lý nhà nước. Từ chỗ “đứng ngoài chính trị” đến vị trí là người chủ của đất nước là một quá trình của nhận thức hành vi và trải nghiệm. Bản chất của chế độ vẫn là dân chủ, nhưng điều kiện chủ quan và khách quan thay đổi. Điều đó không thể không ảnh hưởng đến nhận thức của người dân, và cả những người trong bộ máy công quyền về dân chủ; nhất là ý thức về quyền, về sự “được, mất” khi chọn lựa những người xứng đáng đại diện cho mình chèo lái đất nước. Có thể nói, từ sau đổi mới, nhất là sau Hiến pháp 1992, vị thế công dân được xác lập bằng những quyền công dân được luật pháp quy định chặt chẽ, bám sát hiện thực trong một nhà nước hòa bình, thống nhất. Hoàn cảnh chính trị đó đã làm thay đổi nhận thức, tâm lý, hành vi và sự trải nghiệm dân chủ trong nhân dân.
Nếu bầu cử là một sinh hoạt quan trọng, thì công việc tổ chức để Cuộc bầu cử thành công với tinh thần dân chủ là việc rất hệ trọng. Ngày nay, trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, người dân là trung tâm chính trị trên các mặt, là chủ thể của chế độ, là đối tượng phục vụ của nhà nước, quyền công dân ngày càng được khẳng định từ trong hệ thống luật pháp. Điều này thể hiện qua những lần sửa đổi Hiến pháp, nhất là Hiến pháp năm 2013 vừa ban hành. Đảng Cộng sản Việt Nam trong mấy thập niên là đảng cầm quyền luôn thể hiện quan điểm coi người dân là chủ thể của xã hội. Mọi chủ trương đều lấy lợi ích nhân dân, nhất là đa số người lao động là trung tâm. Vì vậy, trong công việc tổ chức nhà nước - trung tâm của hệ thống chính trị, Đảng luôn khẳng định người dân luôn đóng vai trò trung tâm và quyết định.
Tuy nhiên, từ nhận thức đến hành động, từ lời nói đến việc làm thường không dễ thống nhất với nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong các Cuộc bầu cử không phải không còn vấn đề bất cập. Vì vậy cần có sự nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ các kỳ bầu cử trước và cần có sự đổi mới, thậm chí là chấn chỉnh.
2- Để bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 thực sự là một sinh hoạt chính trị cởi mở, nghiêm túc và kỷ cương, cần chú ý một số vấn đề:
Một là, về các đơn vị tổ chức phục vụ bầu cử: Đối chiếu với quyền bầu cử của nhân dân, gọi là quyền của các cử tri thì mọi cơ cấu, từ Ủy ban Bầu cử quốc gia, do một người có vị trí cao trong bộ máy nhà nước, đến các cơ cấu bên dưới (là các bộ phận ở Trung ương và cơ sở) đều không có quyền gì ngoài quyền phục vụ công việc bầu cử theo Hiến pháp và pháp luật về bầu cử. Về bản chất, những gì họ hoạt động theo quy định là trách nhiệm phục vụ. Có thể trong cơ cấu có một số bộ phận có quyền, nhưng quyền đó để phục vụ nhiệm vụ tổ chức bầu cử, như cảnh sát trong cơ cấu phục vụ bầu cử có quyền bảo đảm trật tự, ngăn chặn, thậm chí trấn áp các hoạt động làm hỏng kết quả bầu cử. Vì vậy, những người đại diện theo pháp luật về bầu cử phải thực hiện trách nhiệm một cách rất thận trọng, cân nhắc từ lời nói đến việc làm, phải nhất nhất theo luật, phải minh bạch, công khai và công bằng.
Hai là, nhận thức về quan hệ “đảng cử - dân bầu”: Đây là quan hệ chính trị trong bầu cử và thuật ngữ này có ở nước ta từ lâu. Ở nhiều nước trên thế giới, thậm chí có hiến pháp còn xác định việc bầu cử chủ yếu là công việc của các đảng chính trị, đó là trách nhiệm chuẩn bị con người, giới thiệu đại diện để người dân lựa chọn. Do đó, trong các cuộc bầu cử quốc hội hoặc là hội đồng địa phương, các đảng chính trị thường đưa ra các cương lĩnh chính trị với những gương mặt tích cực giới thiệu với công chúng. Đối với việc lựa chọn một người trong chế độ tổng thống, đảng nào cũng chọn gương mặt tích cực nhất để giới thiệu bằng các cách thức khác nhau. Hình thức như thế rõ ràng có sự gần, hay tương đồng với cách thức bầu cử ở Việt Nam, nghĩa là các đảng chính trị cần chọn ra những người ưu tú để nhân dân quyết định.
Hiến pháp Việt Nam về quyền bầu cử thiết nghĩ cũng không khác, quy định khẳng định quyền bầu cử thuộc quyền các cử tri và Đảng Cộng sản Việt Nam có trách nhiệm lựa chọn, giới thiệu các đảng viên ưu tú để nhân dân lựa chọn, quyết định. Qua đó cho thấy, cơ chế “đảng cử dân bầu” không phải ngoại lệ ở Việt Nam.
Ba là, hoạt động giới thiệu đại diện theo quy định về số lượng, cơ cấu: Bầu cử là cách thức người dân lựa chọn theo ý chí cá nhân và kết quả lựa chọn là theo đa số. Nhưng cử tri lại phân bố không đồng đều nhau, khu vực phát triển, tập trung đông dân; ngược lại nơi khó khăn về kinh tế, tự nhiên thì dân thưa thớt. Mỗi quốc gia ngoài nhà nước trung ương còn phân chia lãnh thổ thành các cơ cấu hành chính địa phương tập hợp thành quốc gia. Vì vậy, các nhà chính trị, luật học từ lâu đã có các ý tưởng phân chia lựa chọn đại diện nhà nước theo không gian hành chính và tỷ lệ dân cư. Nghĩa là địa phương đông dân sẽ có số người được giới thiệu bầu nhiều hơn. Họ còn dự liệu tình huống cho những lãnh thổ quá thưa dân cư cũng phải có đại diện tối thiểu “là đại biểu của mình”. Một đại diện khác mà pháp luật ở đâu cũng tính tới là các cộng đồng cư dân thuộc nhóm người thiểu số, như thổ dân ở Australia; hoặc các cộng đồng tín ngưỡng. Lịch sử còn chứng kiến sự đấu tranh pháp lý cho quyền chính trị của phụ nữ, nhất là quyền bầu cử.
Nước ta từ lâu đã theo tiêu chí của nhà nước dân chủ nên sự lựa chọn người đại diện, ngoài những yếu tố điển hình như trên đã nêu, còn tính tới cơ cấu về giới, về lứa tuổi, các nhóm dân cư bình dân và nhóm tri thức, lao động... Cách thức điều chỉnh các đại diện ở nước ta thường giao cho Mặt trận Tổ quốc là đại diện cho các cộng đồng dân cư cả nước. Hoạt động này ở nước ta gọi là “hiệp thương” bầu cử; nghĩa là sự thỏa thuận về cân đối tỷ lệ, cơ cấu một cách công khai, bình đẳng và công bằng. Vấn đề hiệp thương sẽ càng ngày càng khó khăn do xã hội ngày càng ý thức hơn về trách nhiệm chính trị cũng như lợi ích bộ phận (lãnh thổ, nhóm người...).
Bốn là, các hoạt động tổ chức bầu cử: Đó là hoạt động của Ủy ban Bầu cử Quốc gia (ở Trung ương và địa phương), các cấp ủy lãnh đạo bầu cử theo đúng luật, các thiết chế hành chính được giao phục vụ bầu cử... đều phải được triển khai theo luật định. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau mà các cơ cấu này thường có những ảnh hưởng đến bầu cử như không bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch. Một số hoạt động tưởng như rất bình thường, nhưng nếu đã nhân danh người phục vụ công tác bầu cử phải hết sức chú ý, nếu không sẽ trở thành vi phạm luật.
Hiểu và quán triệt nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, ngang nhau về quyền và vị thế trong bầu cử của cử tri và các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là yêu cầu quan trọng hàng đầu. Trong bầu cử thì những người làm công tác phục vụ bầu cử càng cần có sự cẩn trọng trong phát ngôn và hành động. Tình trạng trong hội nghị hiệp thương, người chủ tọa gọi ứng viên có chức vụ (và có thể quen biết) là đồng chí, hoặc gọi anh xưng em kèm theo sự hồ hởi nhiệt tình thái quá; trong khi đối với ứng cử viên khác lại chọn cách xưng hô khô khan bằng ông, bà với thái độ ít thiện cảm, nhất là khi lại thể hiện trước những ứng cử viên có những điều kiện, vị thế, nghề nghiệp khác nhau không được phép xảy ra.
Những hành vi trong đời sống bình thường, thậm chí trong công vụ có thể vô hại, nhưng trong phạm vi hoạt động phục vụ bầu cử, trong hội nghị tiếp xúc cử tri, ngay cả khi vô tình hay cố ý đều gây tác động đến các ứng cử viên, tạo ra tâm lý hoặc không được tôn trọng, hoặc tổ chức đã thiên vị… Bởi, đối với các ứng viên, các yếu tố bên ngoài rất được họ chú ý, quan sát và đánh giá.
Trong những trường hợp này, người chủ tọa đang làm và nói những việc thuộc về công vụ nhà nước giao hoặc ủy quyền về hoạt động bầu cử và đây là một hoạt động được yêu cầu không thiên vị.
Thực tế bầu cử ở một số khóa trước đã cho thấy những sai sót có thể mắc phải ở một số cá nhân hoặc tổ chức, như trường hợp, người đại diện chính quyền cơ sở tự tiện ghi vào hồ sơ ứng viên những hiện tượng có thể là có thật, nhưng trái quy định, không đúng thẩm quyền, thậm chí có tính đánh giá, gây ảnh hưởng thiếu tích cực đến ứng cử viên, như “đã từng không tham gia các đợt ủng hộ bão lụt”, “không đóng quỹ giảm nghèo” hoặc “đã bị gọi ra phường giải trình việc a, b”. Những việc làm này là trái quy định, cần phải sửa sai, thậm chí phải xin lỗi và có biện pháp khắc phục kịp thời./.
Nguyễn Hữu Khiển
GS, TS. nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia
Theo Tạp chí Cộng sản
Đức Lâm (st)