Trong quá trình sưu tầm hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 11 năm 2005, Phòng Sưu tầm-kiểm kê tư liệu đã sưu tầm được một số hiện vật mới, trong đó có chiếc máy chữ hiệu Japy Script, một chiếc Huy hiệu có hình cờ 2 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cùng 4 trang bút tích viết tay bằng chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Được sự giới thiệu và giúp đỡ của ông Cù Văn Chước nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch, nguyên Phó Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nay đã nghỉ hưu chúng tôi đến gặp ông Đoàn Đỗ (tức Đỗ Uông). Ông Đỗ quê ở xã Tây Mỗ - Huyện Từ Liêm - ngoại thành Hà Nội, đã công tác tại Phủ Chủ tịch ở Việt Bắc từ năm 1946 đến năm 1954. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Thủ đô Hà Nội, ông Đỗ được điều động từ Văn phòng Phủ Chủ tịch sang giúp việc cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng và làm Bí thư chi bộ của Văn phòng Thủ tướng từ năm 1954 đến năm 1973. Từ năm 1973 đến 1992 ông làm Phó Viện trưởng, quyền Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương. Sau đó ông đã nghỉ hưu, hiện ở tại phòng 301, N3 ngõ 36 phố Vạn Bảo - Ba Đình - Hà Nội.
Theo lời kể của ông Đỗ, trong thời gian công tác ở cơ quan Văn phòng Phủ Chủ tịch ông thường được phân công đánh máy trong các phiên họp của Hội đồng Chính Phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa. Còn các văn bản, tài liệu khác thì ông không làm mà Bác Hồ tự tay đánh máy tại nơi Người ở và làm việc như Nhà 54, Nhà BK1 (nhà Bác tiếp khách), Nhà sàn…
Trong thời gian công tác bên cạnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông Đoàn Đỗ được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho chiếc máy chữ hiệu Japy Script mà theo ông là của một Việt kiều ở Đức biếu Bác từ năm 1956. Bác không dùng đến mà giao cho ông giữ để thỉnh thoảng mang sang Nhà sàn đánh máy tài liệu do Bác đọc, còn ngày thường ông vẫn làm nhiệm vụ đánh máy ở Văn phòng Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thời gian này, cơ quan văn phòng Phủ Chủ tịch rất ít người, chưa có người chuyên đánh máy, mọi tài liệu, công văn giấy tờ đều do cơ quan Văn phòng Phủ Thủ tướng đánh máy, còn Bác tự đánh máy những văn bản của mình bằng chiếc máy chữ Hermes baby (người dùng từ năm 1938 cho đến năm 1969).
Chiếc máy Japy Script được ông Đoàn Đỗ sử dụng từ năm 1956. Ông Đỗ đã sử dụng để đánh các văn bản giấy tờ cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thỉnh thoảng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho gọi ông đem máy sang để đánh giúp Người một số tài liệu cần thiết. Chúng tôi đã nhờ ông Cù Văn Chước thẩm định lời kể trên. Theo lời kể của ông Cù Văn Chước, chiếc máy Japy Scrip là do Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho ông Đoàn Đỗ sử dụng, chỉ khi cần thì Người cho gọi ông Đỗ để đánh máy các bài báo, thư, điện … cho Bác và những lúc đó Bác đọc cho ông Đỗ đánh máy và ông Đỗ dùng chiếc máy Japy Scrip mang theo sang.
Chiếc máy chữ Japy Script được cấu tạo bằng kim loại, máy hình chữ nhật màu xám, phía sau có khe luồn giấy và cần kẹp giấy. Mặt trên có đề chữ Japy Scrip. Chiều cao: 8cm, chiều rộng: 26cm, chiều dài: 28cm. Có 4 hàng chữ và 1 thanh cách; máy được đựng trong vỏ hộp bằng da, màu nâu nhạt. Hiện giờ chiếc máy đã cũ, một số chỗ bị bong sơn.
Thời gian ông Đỗ sang công tác tại Viện Quản lý Kinh tế Trung ương ông đã đem theo chiếc máy chữ này. Khi nghỉ hưu năm 1992, cơ quan thanh lý chiếc máy chữ đó, ông Đỗ đã xin lại để làm kỉ niệm. Ông giữ gìn cẩn thận từ đó đến tháng 11 năm 2005, thì ông tặng lại cho Khu Di tích Phủ Chủ tịch để lưu giữ, bảo quản, sử dụng làm hiện vật bảo tàng lâu dài. Như vậy, theo các nhân chứng, thì chiếc máy chữ này cũng đã trực tiếp sử dụng và phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Và nó là một tặng phẩm nước ngoài tặng Bác, Bác trực tiếp giao cho ông Đoàn Đỗ từ năm 1956. Nó còn có ý nghĩa nhất định trong việc nghiên cứu không chỉ về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn về Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu tiếp tục bổ sung hồ sơ khoa học cho thêm đầy đủ về hiện vật này.
Cùng với chiếc máy chữ này, ông Đoàn Đỗ còn tặng cho Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch 01 chiếc Huy hiệu màu vàng đựng trong một chiếc hộp nhỏ có đề tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Huy hiệu có đường kính 3cm, trên Huy hiệu có hình hai lá cờ, bên phải là Quốc kỳ Việt Nam cờ đỏ sao vàng, bên trái là cờ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, phía trên có biểu tượng, phía dưới hai lá cờ là hai chữ Trung Quốc được dịch là "Hữu nghị", mặt sau huy hiệu có ghim cài, có ghi 01/10/1959 (là ngày Quốc khánh Trung Quốc), dưới có ngôi sao nhỏ, phía dưới ngôi sao có dòng chữ Trung Quốc dịch là: "Hồ Chí Minh tặng".
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 1959, chuẩn bị cho chuyến đi thăm hữu nghị Trung Quốc, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Bác đã yêu cầu Văn phòng Phủ Chủ tịch chuẩn bị cho Bác ít quà để sang tặng, trong đó có làm một ít Huy hiệu như mẫu kể trên. Lúc đưa Huy hiệu về thì một số người có mặt bên cạnh Bác, trong đó có ông Đỗ (nay ông Đỗ không nhớ gồm những ai). Những người này đều được Bác cho mỗi người một chiếc Huy hiệu, ông Đỗ cũng được một chiếc. Ông được biết Huy hiệu này Bác chỉ dành tặng các đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước Trung Quốc. Ông đã rất sung sướng khi được tặng Huy hiệu và đã giữ gìn cẩn thận từ đó cho đến khi ông trao tặng lại chiếc Huy hiệu cho Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 11 năm 2005. Chiếc Huy hiệu hữu nghị Việt-Trung còn là một hiện vật rất có ý nghĩa đã góp phần nghiên cứu hoạt động đối ngoại của Bác: Quan hệ đối ngoại của Bác với Trung Quốc, Việt Nam với Trung Quốc nên chúng tôi cho là cũng cần ghi chép và lập hồ sơ khoa học cho hiện vật này.
Ngòai ra ông Đỗ cũng tặng Khu Di tích 4 trang giấy viết tay bằng chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng vì khuôn khổ bài viết có hạn, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu ở những số báo sau.
Cù Thị Ban/Phòng ST-KK-TL
Theo ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Thu Hương (st)