Những ngày trước Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, tại lán Nà Lừa - Tân Trào, nơi đặt cơ quan đầu não của mặt trận Việt Minh. Tại đây, trong chiếc lán đơn sơ của núi rừng Việt Bắc, Bác đã có những quyết định hệ trọng liên quan đến vận mệnh của dân tộc. Nhưng trong những ngày khẩn trương của công việc bề bộn ấy, Người bị sốt nặng…
Ông Nguyễn Việt Cường
Đồng chí Võ Nguyên Giáp thời kỳ này luôn ở bên Bác, lo lắng tìm thầy thuốc chữa bệnh cho Người. Trong hồi ký của mình, Đại tướng ghi lại: “Ông cụ lang già người Tày xem mạch, sờ trán Bác rồi đốt cháy một thứ củ vừa đào trong rừng về, hoà vào cháo loãng. Sau đó Bác tỉnh. Hôm sau, Bác ăn thêm vài lần với cháo loãng nữa, cơn sốt nhẹ dần...”. Ngoài cụ lang người Tày, Đại tướng còn dẫn một y tá đến tiêm thuốc chữa bệnh cho Bác. Đó là ông Nguyễn Việt Cường (tên thật là Nguyễn Đức Kính, sinh năm 1925, ở làng Khau Chủ, xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn).
Năm 1943, ông Cường vào học tại Trường Y tá Thực hành Bắc Kỳ ở Hải Dương. Khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), Trường đóng cửa, ông về quê. Cũng trong thời gian đó, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân từ Cao Bằng về đến quê hương ông. Ông được vị đại diện Việt Minh là đồng chí Khang (tức Đại tướng Hoàng Văn Thái ) vận động vào tổ chức Việt Minh.
Trước ngày gia nhập giải phóng quân, ông được người quen tại Nhà thương tỉnh và Sở Cẩm cho một ít thuốc sốt rét, thuốc cảm, thuốc kháng sinh, một ít bông băng, hai ống bơm tiêm và một chiếc máy chữ mang đi kháng chiến. Ông được học tại Trường Quân chính kháng Nhật, và sau đó được cử về Ban Chỉ đạo Khu giải phóng làm thư ký đánh máy kiêm y tá và được tổ chức phân công ở cùng nhà với đồng chí Văn (tức Võ Nguyên Giáp), đồng chí Lý (tức Hoàng Hữu Kháng) và một đồng chí nữa ở nhà cụ Hoàng Trung Dân.
Nhắc đến câu chuyện chữa bệnh cho Bác Hồ ở Tân Trào trước ngày Tổng khởi nghĩa, ông Việt Cường bồi hồi xúc động: “Vào một buổi trưa, lúc đó khoảng 12h30 phút, đồng chí Văn bảo tôi: “Đồng chí Việt Cường đi cùng tôi mang theo túi thuốc vào thăm người ốm”. Tôi được đồng chí dẫn lên một chiếc lán, lên đến nơi tôi thấy Bác mặc bộ quần áo chàm nằm bất tỉnh thoi thóp thở ở trạng thái hôn mê.
Tôi nhận thấy sự lo lắng trên nét mặt của đồng chí Văn. Tôi sờ tay lên trán Bác bắt mạch và thấy mạch của Bác đập loạn. Thấy vậy, tôi quyết định báo cáo với đồng chí Văn cho được tiêm thuốc cho Bác. Đồng chí Văn đồng ý. Tôi chuẩn bị dụng cụ tiêm thuốc, lấy 1 ống ether, 2 ống dầu long não tiêm cho Bác (vì tôi biết rằng khi tiêm hai thứ thuốc này cho người bị cảm sốt, thuốc sẽ làm cho người bệnh bị nóng lên, kích thích bộ máy tuần hoàn làm việc ).
Tôi tiêm vào đùi cho Bác. Khi rút kim ra, tôi thấy Bác bị mất cảm giác. Một lúc sau đã thấy mùi dầu long não tỏa ra theo hơi thở của Người. Sau 2 phút, Bác động đậy chân tay, 10 phút sau, thấy Bác bắt đầu cựa mình, người bắt đầu ấm lên. Sau đó Bác lại thiếp đi. Rồi Bác mở mắt, khi trông thấy đồng chí Văn, Bác dặn việc đồng chí Văn. Đồng chí Văn trả lời đại ý là đã biết việc đó và mong Bác cứ yên tâm nghỉ ngơi dưỡng bệnh.
Sau đó, tôi xin phép đồng chí Văn cho xuống làng, lúc đó khoảng 3 giờ chiều. Đến 5 giờ chiều, đồng chí Văn xuống, tôi chưa kịp hỏi thăm tình hình sức khỏe của Bác thì đồng chí bảo sáng mai tôi lên tiêm cho Người.
Tâm trạng của tôi lúc đó nửa mừng nửa lo. Mừng vì Bác đã đỡ được phần nào, lo là vì nội quy y tế quy định y tá không có quyền chữa bệnh khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Khi trấn tĩnh lại, tôi cũng yên tâm vì bệnh của Bác có chiều hướng tốt lên, vả lại trước khi tiêm tôi đã được sự đồng ý của đồng chí Văn rồi.
Sáng hôm sau tôi lên lán ngay, đến nơi đã thấy Bác đang đánh máy chữ. Tôi chào Người và báo cáo là đồng chí Văn bảo “cháu lên tiêm cho Bác”. Bác nhìn tôi một lượt rồi hỏi: “Hôm qua chú tiêm thuốc gì cho tôi? Tiêm vào đâu?”
Tôi báo cáo với Bác là đã tiêm những thứ thuốc đó và tiêm vào đùi bên trái. Người bảo: “Tiêm vào đùi bên trái sao lại đau sang bên phải, đau cả bả vai và trên đầu?” Tôi đoán chắc là Bác thấy tôi còn trẻ quá nên Bác hỏi thử mình xem có biết thuốc men gì không mà tiêm cho Bác, và tôi báo cáo với Bác là cả hai thứ thuốc đó đều dễ tan nên không thể gây đau chỗ khác được, Bác đau là do sốt rét. Nghe xong Bác bảo: “Ừ, thế thì tiêm đi”.
Tôi xuống nhóm lửa luộc ống tiêm, Bác xuống ngồi bên cạnh hai tay hơ vào bếp lửa. Bác hỏi: “Chú là con nhà ai mà biết tiêm thuốc?” Tôi báo cáo với Bác về gia đình và bản thân, quá trình học y tá. Nghe xong Bác bảo: “Các chú là thanh niên phải học nhiều vì làm cách mạng thì gian khổ lắm.”
Sau đó, tôi tiếp tục tiêm cho Bác bằng thuốc ký ninh, với liều lượng 2 ống bằng 1 gam ký ninh. Sáng hôm sau, tôi lại tiếp tục lên tiêm cho Bác, Bác bảo: “Thôi tôi khỏi ốm rồi, chú không phải tiêm nữa.”
Tôi xuống làng nhưng lòng vô cùng áy náy (vì nguyên tắc khi tiêm thuốc sốt rét thì phải tiêm đủ 3 mũi thì mới cắt sốt). Rất may, khi đi xuống thì tôi gặp đồng chí Văn. Tôi báo cáo lại sự việc, đồng chí im lặng một lúc rồi bảo tôi cùng lên lán. Lên đến nơi vào gặp Bác, đồng chí Văn nói:
“Thưa Bác, tình hình bây giờ rất khẩn trương thế này mà tổ chức lại không có thuốc chữa trị cho Bác, đề nghị Bác cho chú thanh niên này tiêm cắt sốt để Bác làm việc. Sau này đoàn thể tiếp tục chữa chạy cho Bác”.
Nghe đồng chí Văn báo cáo xong, Bác đồng ý cho tôi tiêm mũi cuối cùng. Sáng hôm sau, tôi lên lán đem theo 8 viên ký ninh được gói cẩn thận, đưa và dặn Bác mỗi ngày uống đủ hai viên cho khỏi hẳn”...
Tháng 5 năm 2003, ông Việt Cường viết những dòng tâm huyết gửi Đại tướng. Ông nhắc lại những việc đã được Đại tướng giao và những điều ông được nghe khi trở lại Tân Trào. Nhận được thư của ông Việt Cường, ngày 10/10/2003, Đại tướng đã viết vào mặt sau tờ giấy ông Việt Cường gửi cho Đại tướng với những dòng chữ: “Tôi xác nhận trong thời gian Bác ốm ở lán Nà Lừa năm 1945, đồng chí Việt Cường, y tá giải phóng quân đã tiêm thuốc cho Bác...”.
Chữ ký và bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là sự hồi tưởng bổ sung thêm sự kiện chữa bệnh cho Bác Hồ tại lán Nà Lừa năm 1945.
Thùy Dương - Nghĩa Hoa A
Theo baomoi.com.vn
Kim Yến (st)