Chủ nhật, 22/12/2024

Mỗi lần gặp mặt bạn chiến đấu là dịp Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Xuân Đài (SN 1939, nguyên trắc thủ cự ly Tiểu đoàn 61) và đồng đội ôn lại những chiến công của Tiểu đoàn tên lửa 61 lừng danh bởi những trận đánh đi vào sử sách. Trong những câu chuyện, họ xúc động nhớ những lần được Bác Hồ đến thăm, khen ngợi và căn dặn cán bộ, chiến sỹ; đặc biệt là những món quà thể hiện tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của Người.

Mon qua dac biet 1

Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Xuân Đài (bìa trái)
 cùng đồng đội Tiểu đoàn 61 ôn lại truyền thống

Trận đánh đầu tiên của Bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam do Tiểu đoàn 63 và 64 (Trung đoàn 236) thực hiện ngày 24-7-1965, diễn ra tại địa bàn huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội).

Sau 2 loạt đạn phóng, chiếc máy bay tiêm kích, ném bom tầm xa siêu thanh F4 – Phantom (Con Ma) của không quân Hải quân Hoa Kỳ bị bắn rơi xuống một quả đồi thuộc xã Võ Miếu (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ).

Viên Đại uý phi công Richarge Polcon nhảy dù xuống một cánh rừng và bị bắt sống. Đây là chiếc máy bay thứ 400 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc và là chiếc đầu tiên bị bộ đội tên lửa tiêu diệt.

Chiến công này làm nức lòng toàn quân bộ đội tên lửa. Thi đua với đơn vị bạn, cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn tên lửa 61 háo hức vào trận… Đại tá Nguyễn Xuân Đài nhớ lại: Đêm 10-8-1965, đơn vị tôi vượt phà Chi Nê hành quân vào chiếm lĩnh trận địa Xích Thổ (nay thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), với nhiệm vụ tiêu diệt máy bay Mỹ và kéo giãn địch ra xa Hà Nội, bảo vệ tuyến giao thông quan trọng Đồng Giao – Ninh Bình.

Khoảng 20h ngày 11-8-1965, tiểu đoàn vào cấp I do Tiểu đoàn trưởng Hồ Sỹ Hưu, chính trị viên Vũ Ngọc Thụy chỉ huy. Chúng tôi phát hiện một tốp mục tiêu và quyết định phóng 3 quả tên lửa khi cự li cho phép; một chiếc máy bay bốc cháy dữ dội và rơi tại chỗ.

Sau này qua tin tình báo, chúng tôi được biết, 2 chiếc còn lại bị trọng thương bay ra biển thì rơi một chiếc, chiếc còn lại hạ cánh xuống tàu sân bay Midway với hàng chục lỗ thủng do mảnh đạn tên lửa găm vào.

Hai tuần sau chiến công này, Tiểu đoàn 61 vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm đơn vị khi đang đóng quân tại trận địa Phùng (nay thuộc huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Đại tá Nguyễn Xuân Đài nhớ lại: Buổi chiều ngày 26-8-1965, chúng tôi đang thường trực chiến đấu thì Bác và các đồng chí lãnh đạo Quân chủng bất ngờ đến thăm, không báo trước. Bác vào thẳng các nhà bạt ẩn dưới những rặng cây xoan. Mỗi nhà bạt thường kê 4-5 chiếc phản để anh em ngủ nghỉ. Thấy một nhà bạt không được ngụy trang kín đáo, Bác nhắc chúng tôi: “Tàu bay Mỹ trên trời, nhưng nó tinh mắt lắm đấy!”.

Nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 61, sau khi biểu dương chiến công trận đầu ra quân đánh thắng, Bác nhắc nhở chúng tôi không được thỏa mãn với thành tích, luôn luôn trau dồi học tập nâng cao trình độ chiến đấu, tiết kiệm khí tài… Người khích lệ: “Bắn rơi máy bay địch là chiến công lớn nhưng sẽ tốt hơn nếu tốn ít tên lửa mà vẫn bắn rơi nhiều máy bay địch”.

Theo lời Bác dạy, Tiểu đoàn 61 đã phát động đợt thi đua nâng cao chất lượng, trình độ tác chiến và lập công xuất sắc vào ngày 7-3-1966. Bằng 1 tên lửa tại trận địa xã Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), Tiểu đoàn 61 đã bắn rơi tại chỗ 2 máy bay RF101 (được công nhận là chiếc máy bay Mỹ thứ 900 và 901 bị bắn rơi tại miền Bắc Việt Nam)… Với những chiến công lập được, ngày 1-1-1967, Tiểu đoàn 61 được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau khi ôn lại những chiến công của Tiểu đoàn 61, Đại tá Nguyễn Xuân Đài tự hào kể: “Tôi có vinh dự được nhiều lần gặp Bác Hồ. Trong đó, có 2 lần để lại những kỉ niệm sâu sắc và chúng tôi đều được Bác thưởng, tặng quà. Lần đầu, năm 1960, tôi tham gia đội hình tập luyện phục vụ Lễ diễu binh kỉ niệm 15 năm Quốc khánh.

Khi chúng tôi đang tập ở sân bay Bạch Mai thì Bác đến thăm. Thấy chúng tôi ai cũng vất vả, người đen nhẻm vì nắng gió, Bác rất thương. Bác đến bên một chiến sỹ, nhấc chiếc mũ của anh ấy ra khỏi đầu và thấy hai vạch trắng rõ hai bên má, do dây mũ ngăn nắng, còn khuôn mặt đen sạm.

Mon qua dac biet 2

Bác Hồ đến thăm Tiểu đoàn tên lửa 61 (ngày 26-8-1965)

Bác hỏi đồng chí thủ trưởng đơn vị và chỉ đạo tăng tiền ăn cho chúng tôi từ 7 hào/bữa lên 1 đồng/bữa. Ăn 1 đồng/bữa khi đó là rất tươi. Hằng ngày sau giờ luyện tập, chúng tôi ăn no, ngon; vẫn còn thừa nhiều cơm và thức ăn nên anh em tôi lấy về để tối cải thiện…

Lần cuối cùng tôi gặp Bác khi Người đến thăm đơn vị vào dịp đầu xuân Kỷ Dậu 1969 – mùa Xuân cuối cùng trước khi Bác đi xa. Dịp đó, đơn vị tôi nuôi được một “ông trư” nặng tới 3 tạ. Dù phải cơ động chiến đấu nhưng đi đâu chúng tôi cũng đem theo chú lợn bự này. Chúng tôi phải dùng máy cẩu đưa lên ôtô, đến nơi đóng quân lại cẩu xuống và phân công nhau kiếm rau, nấu cám…

Hôm Bác đến thăm, đồng chí Trung đoàn trưởng báo cáo thành tích huấn luyện, chiến đấu và tăng gia sản xuất rồi xúc động bày tỏ: “Chúng cháu biếu Bác con lợn này ạ!”.

Đáp lại tình cảm của chúng tôi, Người vui vẻ nhận và nói: “Bác rất vui vì đơn vị lập được nhiều chiến công, thành tích trong huấn luyện, chiến đấu và tăng gia sản xuất. Quà các chú biếu, Bác xin nhận; nhưng Bác biếu lại các chú và nhờ đơn vị bán con lợn này, lấy tiền mua nhiều lợn giống tặng các đơn vị trong Quân chủng để tăng gia, cải thiện bữa ăn cho bộ đội”…

Gần nửa thế kỉ đã qua, kỉ niệm về những lần gặp Bác vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm Đại tá Nguyễn Xuân Đài và cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn tên lửa 61 anh hùng. Với họ, học tập và làm theo đạo đức của Bác, trước hết phải từ những việc cụ thể, thiết thực trong công việc hằng ngày của mỗi người.

Trần Duy Hiển

Theo Báo Công an nhân dân

Kim Chi (st)

Bài viết khác: