Chủ nhật, 22/12/2024

        “Trước giờ chúng tôi chỉ mới được nhìn Bác Hồ qua ảnh, đến khi được gặp, trò chuyện và ngắm nhìn Bác bằng xương, bằng thịt, anh em chúng tôi người thì cười vì hạnh phúc, người lại khóc vì quá xúc động”, ông Vũ Thanh Hải bồi hồi kể lại.

nguoi van cong a

Cựu chiến binh Vũ Thanh Hải kể về chiếc áo trong vai diễn Bế Văn Đàn làm Bác Hồ xúc động

         Dưới cái nắng vàng chói chang của những ngày đầu hè của trung tuần tháng 5, được một người bạn giới thiệu và dẫn đường, chúng tôi đã đến được gia đình người Cựu chiến binh Vũ Thanh Hải (SN 1935, trú tại xóm 12, xã Hải Bắc, Hải Hậu, Nam Định) - người đã từng vinh dự được gặp, được ngắm nhìn và trò chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ dân tộc bằng xương bằng thịt.

          Người văn công “Bế Văn Đàn” được Bác vào thăm

         Như bao chàng trai, cô gái khác, sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước đấu tranh chống kẻ thù, lòng yêu nước - căm thù giặc như đã ngấm vào máu thịt người dân Việt. Khi vừa tròn 17 tuổi, chàng trai trẻ Vũ Thanh Hải đã tham gia chiến đấu tại Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 (Danh hiệu là Đoàn Bông Lau).

nguoi van cong b

Trước khi gặp được Hồ Chủ tịch, ông Hải chỉ ngắm nhìn Người qua bức hình do Liên Xô làm

       Năm nay, dù đã tuổi 81 tuổi, sức khỏe có phần giảm sút, song hồi ức về những giây phút vinh dự được gặp mặt, được nghe lời dặn dò của Bác Hồ vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của cuộc đời của người Cựu chiến binh Vũ Thanh Hải.

        Nhắc lại kỷ niệm gặp Bác Hồ, ông Hải bồi hồi nhớ lại, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1955, Đoàn Văn công Đại đoàn 316 và Đoàn tình nguyện quân Pa-thet (Lào) là hai đoàn có vinh dự được biểu diễn phục vụ Bác Hồ và Bộ Chính trị tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vào lần đó, ông Hải được chọn đóng vai anh hùng Bế Văn Đàn trong vở diễn “Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng” khi mới 22 tuổi.

       “Đứng từ trong cánh gà nhìn ra, tại hàng ghế thứ ba có một ghế nhung, trên ghế có một ông già ngồi trên nên mọi người trong đoàn đều phỏng đoán đó là Bác Hồ rồi reo lên với nhau - Bác Hồ. Nhưng vì đang trình diễn nên Bác nói với bảo vệ của Bác bảo chúng tôi cứ biểu diễn tốt, xong Bác sẽ vào thăm, đừng làm như vậy người ta cười cho. Vừa biểu diễn, tôi vừa nhìn về phía Bác thì thấy Bác lấy khăn tay lau nước mắt, có lẽ Bác xúc động vì thương bộ đội, thương những người anh hùng như Bế Văn Đàn đã ngã xuống, hy sinh vì đất nước.

       Trước giờ chúng tôi chỉ mới được nhìn Bác Hồ qua ảnh, đến khi được gặp, trò chuyện và ngắm nhìn Bác bằng xương, bằng thịt, anh em chúng tôi người thì cười vì hạnh phúc, người lại khóc vì quá xúc động”, ông Vũ Thanh Hải bồi hồi kể lại.

      Trầm ngâm một lát, ông Hải kể tiếp: “Khi chúng tôi biểu diễn xong thì Bác cũng đã ra ngay cánh gà để ân cần thăm hỏi. Lúc đó, tôi còn đang mặc trang phục Bế Văn Đàn, nhưng Bác (có ông Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Trường Chinh, ông Phạm Văn Đồng đi cùng - PV) đã vỗ vai tôi và hỏi: Các chú mặc thế này có lạnh không? Anh em trong Đoàn Văn công đồng thanh đáp: Thưa Bác, không ạ!

       Bác nói: Bác biết các chú lạnh đấy! Nhưng vì các chú phải nhường áo ấm cho Bộ đội miền Nam đang chiến đấu gian khổ nữa. Rồi Người căn dặn: Ở đây, Nam có, Bắc có, già có, trẻ có, các cô chú phải luôn đoàn kết, thương yêu nhau để xứng đáng là những nghệ nhân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

          Chiến sĩ trấn thủ và lời dạy của Bác

          Chỉ một lần được gặp Bác, trong ít phút vỏn vẹn với những lời nói hết sức giản dị, sâu sắc và cùng những cử chỉ rất thân thiết, gần gũi của Bác đã thấm vào từng người, như ngôi sao dẫn lối cuộc sống của họ. Trở về cuộc sống đời thường, ông Hải luôn cố gắng noi gương Bác Hồ sống gần gũi, yêu thương, và tiết kiệm. Ông Hải còn tận dụng một số đồ vật như vỏ hộp bánh, miếng nhựa ... để tạo nên mô hình “Hướng về hải đảo”.

nguoi van cong c

Mô hình “Hướng về hải đảo” được ông Hải sự chế tạo

       Hiện nay, chiếc áo trấn thủ ông Hải mặc trong lần đóng vai anh hùng Bế Văn Đàn ấy đã được ông Hải gìn giữ gần 60 năm qua, kể từ ngày biểu diễn lịch sử được gặp Bác và được Bác chạm tay lên bờ vai. Với ông Hải, ngoài kỷ niệm gặp Bác thì “chiếc áo trấn thủ” mà ông gìn giữ là báu vật quý giá nhất của đời ông.

      Hòa bình lập lại, ông Hải trở về địa phương và từng nhận đảm nhận chức vụ Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh xã Hải Bắc. Hiện nay, ông đang là Phó Chủ tịch Chi hội Người cao tuổi xã Hải Bắc và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dưỡng sinh xã Hải Bắc.

      Ông đã có nhiều lần đến các trường Tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn xã Hải Bắc để kể chuyện về Bác Hồ, về kỷ niệm tự hào khi được gặp Bác ngoài đời thật.

nguoi van cong djpg

Nhiều Huân chương còn lưu trữ cùng với “chiếc áo trấn thủ” sẽ mãi là kỷ niệm vô giá của người chiến sỹ

       Ông Hải có 3 người con trai và 1 người con gái, 3 người con trai của ông đều là những chiến sĩ hiện đang công tác trong ngành quân đội. Ông Hải chia sẻ, ông luôn căn dặn con cháu mình và những người xung quanh rằng: “Trong cuộc sống phức tạp phải biết tiết kiệm, nhất là phải đoàn kết noi gương Bác Hồ, gia đình cần nhất là sự đoàn kết, gắn bó, yêu thương nhau nếu muốn. Đoàn kết thì mới xây dựng được gia đình vững mạnh”.

       Năm nay, kỷ niệm 126 năm Ngày sinh nhật Bác, ông Hải lại tự hào kể lại cho con cháu mình và những người xung quanh nghe về những kỷ niệm về tình yêu thương, những bài học mà Bác chỉ bảo. Chính những lời dạy và tấm gương đạo đức của Người đã soi đường, chỉ lối cho dân tộc Việt Nam “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

       Trước khi chia tay, người Cựu Chiến binh Vũ Thanh Hải đã hát cho chúng tôi nghe một trong những bài hát mà ít người hiện nay có thể ghi nhớ được. Theo ông Hải, ca khúc ông yêu thích nhất mang tên “Biết ơn Bác Hồ” có đoạn: “Ngày 19 tháng 5, ngày toàn quốc kính nhớ Cha già, Người đã dựng lại nước Nam/Ngày 19 ra đời, một người Cha anh dũng, bao phen thực dân phải kính nể Người/Toàn thế giới chiêm ngưỡng ánh hào quang Cụ Hồ/Nơi trời Nam bừng sáng Phương Đông/Ngày 19 tháng 5 ngày toàn quốc hô vang muôn năm chúc mừng Hồ Chí Minh/Ngày 19, ngày 19 sức sống khắp nơi tràn lan tới khắp muôn người/Ngày 19, ngày 19 tháng 5, muôn năm”.

Minh Trang - Đức Biên

Theo http://www.phapluatplus.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: