Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ đây, chính quyền nhân dân được thành lập, đảm nhiệm sứ mạng lãnh đạo toàn dân đấu tranh bảo vệ nền độc lập vừa giành được và từng bước kiến thiết đất nước. Nhưng, ta vừa giành được chính quyền lại đứng trước nguy cơ mất chính quyền, vận mệnh dân tộc chẳng khác nào: “Ngàn cân treo sợi tóc”. Nguy cơ chính của chúng ta chính là chủ nghĩa thực dân Pháp đang lăm le quay trở lại tái lập chế độ thuộc địa trên bán đảo Đông Dương.
Chỉ vài ngày sau cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội thành công, Jean Sainteny đáp nhờ máy bay của người Mỹ đã hạ cánh xuống Hà Nội với nhiệm vụ khôi phục quyền lực của nước Pháp. Sainteny vốn là một Thiếu tá tình báo cầm đầu mạng lưới tình báo, gián điệp chống phát xít Nhật hoạt động ở Côn Minh (Trung Quốc) năm 1945, rồi được Chính phủ Pháp cử làm đại diện chính thức ở Bắc bộ vào đầu năm 1946. Trên cương vị này, Sainteny có nhiều cuộc gặp gỡ và trao đổi với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian tiến hành cuộc đàm phán Pháp - Việt và ngày 6/3/1945 đã cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tên vào bản Hiệp định sơ bộ, mở đầu cho quan hệ giữa 2 nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà và Cộng hòa Pháp. Ông cũng tháp tùng Phái đoàn Việt Nam sang đàm phán tại Hội nghị Fontainebleau và chuyến viếng thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp từ ngày 24 tháng 4 đến ngày 19 tháng 9 năm 1946.
Trước sự lấn tới của thực dân Pháp, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ, oai hùng chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam. Trong tình hình vô cùng khẩn trương buổi đầu kháng chiến, vượt qua những khó khăn về thông tin liên lạc quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà, bằng mọi con đường và phương tiện có thể được, đã kiên trì đấu tranh ngoại giao nhằm tố cáo bọn thực dân hiếu chiến, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, vu cáo của chúng, đề cao chính nghĩa và thiện chí của ta, tranh thủ dư luận, trước hết là dư luận ở Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng bày tỏ với Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Pháp nguyện vọng của Việt Nam, mong muốn vãn hồi hoà bình. Khả năng này rất mong manh, nhưng tinh thần của chúng ta là “còn nước còn tát”. Với tinh thần đó, từ ngày 19/12/1946 đến đầu tháng 3 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 8 lần gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp, phân tích nguyên nhân nổ ra xung đột và đề ra những biện pháp chấm dứt chiến sự, nối lại đàm phán Việt - Pháp.
Bức thư mà Chủ tịch Hồ Chí Minh viết gửi cho Sainteny ngày 24/2/1947 cũng nằm trong những nỗ lực đề cao chính nghĩa và thiện chí của ta, bày tỏ nguyện vọng hoà bình của dân tộc ta, tranh thủ sự đồng tình của dư luận, trước hết là dư luận Pháp đối với cuộc chiến tranh chính nghĩa của chúng ta.
Tài liệu này chưa được đăng trong Hồ Chí Minh toàn tập, bộ 12 tập do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 1995-1996 và các lần tái bản năm 2000, 2002. Tuy nhiên tài liệu này đã được in trong cuốn sách của Jean Saiteny có nhan đề là Câu chuyện về một nền hoà bình bị bỏ lỡ do Nhà xuất bản Công an Nhân dân xuất bản năm 2004.
Xin trân trọng giới thiệu tư liệu này với bạn đọc.
Thư gửi ông Sainteny
Bạn thân mến,
Tôi vừa nhận được tin ông sắp trở về Pháp. Tôi gửi tới ông và bà Sainteny những lời chúc lên đường bình an và sức khoẻ tốt.
Tôi tin chắc rằng, cũng như tôi, ông rất tiếc công việc chung vì hoà bình của chúng ta đã bị phá huỷ bởi cuộc chiến tranh này. Tôi đã hiểu ông khá rõ để nói với ông; là ông không phải chịu trách nhiệm về chính sách vũ lực và tái chinh phục này.
Vì vậy, tôi muốn được nhắc lại với ông, mặc dù mọi việc đã xảy ra, giữa ông và tôi, chúng ta vẫn còn là bạn. Và tôi cũng có thể khẳng định với ông, nhân dân hai nước chúng ta cũng vẫn là bạn của nhau.
Đã xảy ra khá nhiều chết chóc và tàn phá! Ông và tôi, chúng ta phải làm gì bây giờ? Chỉ cần nước Pháp công nhận nền độc lập và thống nhất của Việt Nam, lập tức những cuộc xung đột sẽ ngừng, hoà bình và niềm tin cậy lẫn nhau sẽ trở lại, chúng ta sẽ lại có thể bắt tay vào công việc xây dựng lại vì lợi ích chung của hai nước chúng ta.
Về phần tôi, tôi sẵn sàng cộng tác vì hoà bình, một nền hoà bình chính đáng và danh dự cho hai nước chúng ta. Tôi mong rằng, về phía ông, ông cũng sẽ làm việc theo hướng đó.
Chúng ta hãy cùng cầu mong Thượng đế ban cho chúng ta sự thành công.
|
24/2/1947 Người bạn tận tụy của ông HỒ CHÍ MINH |
Theo ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Phương Thúy (st)