Dù đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng khi kể về ký ức thời bom đạn, đặc biệt là vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Trương Xuân Bái lại sáng ngời sức trẻ. Đối với ông, kỷ niệm được gặp vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc mãi mãi là những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời.
Một sáng Tháng Năm, chúng tôi tìm đến nhà CCB Trương Xuân Bái (xóm Thanh Tiến, xã Thạch Môn, TP Hà Tĩnh) để nghe ông trò chuyện. Bên chén nước chè vừa mới rót, câu chuyện về một thời chinh chiến của người lính già lại trở nên sôi nổi. Từ những câu chuyện về Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu”, về người đồng đội anh hùng Bế Văn Đàn cho đến câu chuyện 3 lần được gặp Bác Hồ vẫn còn là một ký ức sắc nét trong tâm khảm người CCB già.
Ông Trương Xuân Bái và bức hình chụp cùng các đồng đội trên đồi A1
Điện Biên Phủ
Lần đầu tiên, Trương Xuân Bái được gặp Bác Hồ là ngày 18/12/1957, sau khi Bác đi thăm các nước xã hội chủ nghĩa trở về. Lúc này, ông Bái là một trong 120 người được cử đi bảo vệ Bác từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội) về Phủ Chủ tịch.
“Đấy là lần đầu tiên tôi được trông thấy Người bằng da, bằng thịt. Khi thấy Bác cùng đồng chí Trường Chinh từ máy bay bước xuống, tôi cùng toàn bộ anh em vỡ òa trong niềm vui và vinh dự. Giây phút đó tuy ngắn ngủi nhưng đối với tôi là vô cùng hạnh phúc”.
Giữa không khí náo nhiệt ở sân bay, mọi người vẫy tay chào đón Bác thì có một chàng lính trẻ cố gắng căng các giác quan thu trọn ánh mắt, cử chỉ, tiếng nói của Bác. Sau lần gặp mặt ấy trở về, ông Bái vẫn nguyên vẹn cảm xúc vui mừng xen lẫn tiếc nuối khi chưa được lại gần trò chuyện cùng Người.
Thế rồi, may mắn lại đến, ngày 7/1/1958, ông tiếp tục được gặp Bác, khi Người và Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Hà Nội lên thăm khu tự trị Thái Mèo (sau đổi thành khu tự trị Tây Bắc) tại Thuận Châu, Sơn La. Tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn cho Bác trên đường đi, ông Bái cùng các đồng đội lại càng ý thức hơn trọng trách của mình. Cuối buổi, ông cùng anh em chiến sỹ được Bác Hồ ra thăm hỏi, động viên, hết lời khen ngợi. Lời cảm ơn của Bác dành cho các chiến sỹ càng khiến cho tất thảy thêm kính yêu vị lãnh tụ vĩ đại mà giản dị, gần gũi.
Hơn 2 tháng sau, ông Bái lại được gặp Người vào ngày 15/3/1958 khi ông được chọn là chiến sỹ tiêu biểu của Đại đoàn 316 tham gia Đại hội Chiến sỹ thi đua toàn quân khu Tây Bắc tại Phú Thọ. Với thành tích 10 năm là chiến sỹ thi đua, ông đã may mắn được gặp Bác tại Đại hội. Cũng tại đây, ông cùng đồng chí Giáp Văn Khương may mắn được Bác tặng áo sơ mi.
Lúc tặng áo, Bác còn nói: “Bác tặng các cháu chiếc áo sơ mi, các cháu muốn mặc hay làm gì tùy các cháu nhưng đây là món quà tinh thần Bác tặng để muốn các cháu cố gắng, phấn đấu và đạt nhiều thành tích cao hơn nữa”.
Đến tận bây giờ, lời nói đậm chất Xứ Nghệ của Bác vẫn còn in đậm trong tâm khảm. Được đứng cạnh Người, lắng nghe những lời dặn dò, động viên quý giá ấy, ông có cảm giác gần gũi, thân quen len lỏi trong từng đường gân, mạch máu. Sau khi được Bác trấn an, hỏi han quê quán, ông Bái còn được Bác nhận đồng hương Nghệ Tĩnh trước mặt mọi người. Với ông, đây mãi là những thước phim đẹp nhất trong cuộc đời. Chiếc áo mang dòng chữ: “Bác tặng cháu Trương Xuân Bái - Chiến sỹ thi đua toàn quân - Đơn vị Đại đoàn 316 - 1958” đã trở thành kỷ vật vô giá mà ông nâng niu suốt cuộc đời.
Chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm, chiếc áo Người tặng năm xưa ông Bái chưa một lần dám mặc. Ông vẫn luôn treo ở nơi trang trọng nhất trong nhà như lời nhắc nhở luôn phải sống và làm việc theo lời Bác căn dặn.
Suốt những năm sau đó, Trương Xuân Bái luôn nỗ lực để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Suốt 10 năm trời không liên lạc được với gia đình do ông được phân công làm nhiệm vụ quân báo tại sân bay Cò-rạt (Thái Lan), thế nhưng, ông vẫn kiên định vượt qua mọi thách thức, gian khó. Trong những năm tháng tham gia kháng chiến, ông Bái bị thương đến 7 lần.
Thế nhưng, trở về địa phương, ông vẫn tiếp tục gánh vác nhiều trọng trách. Đảm nhiệm chức vụ Đội trưởng Hợp tác xã Dệt thảm xuất khẩu sang Liên Xô của xã, 4 năm làm Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Thanh Tiến (1983-1986). Gần 60 năm tuổi Đảng, hơn 20 Huân, Huy chương được Đảng và Nhà nước trao tặng, ông Trương Xuân Bái xứng đáng là tấm gương anh dũng, quả cảm trong cả thời chiến và thời bình.
Và phần thưởng cao quý nhất với ông chính là niềm hạnh phúc được 3 lần gặp Bác Hồ để suốt cả cuộc đời vững chí, kiên tâm đi theo con đường Bác chọn, không quản gian khổ, hy sinh làm theo lời dạy của Bác, xứng đáng là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ con cháu noi theo./.
Theo (Baohatinh.vn)
Minh Nguyệt (st)