Với tấm lòng kính yêu Bác vô hạn, ông Trần Đình Phong, (sinh năm 1944) ở làng Tân An, xã Quảng Thanh (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) đã cần mẫn sưu tầm bộ ảnh quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để có hơn 1.300 tấm ảnh về Bác trong nhiều thời điểm khác nhau, cùng hàng trăm tư liệu quý về Đảng, ông đã dành nửa cuộc đời của mình để cất công tìm kiếm.bo anh Bac Ho cua kien tuong cay

Ông Trần Đình Phong bên bộ sưu tầm ảnh Bác Hồ.

Những ngày Tháng 5 lịch sử này, ngôi nhà nhỏ bên bờ sông Gianh của ông Trần Đình Phong lại nhộn nhịp tiếng người tới tìm hiểu, chiêm ngưỡng bộ ảnh Bác. Để người xem thuận tiện, ông Phong đã cẩn thận chú thích cụ thể những bức ảnh, rồi phóng to, ép plastic và tỉ mỉ đính vào nền các phông vải đỏ để treo lên. 

Trong cuộc trò chuyện nơi hiên nhà, ông Phong nhớ lại, đầu năm 1962, ông tham gia học lái máy kéo ở Văn Điển, (Thanh Trì, Hà Nội). Cũng chính năm đó, HTX Đại Phong (Phong Thủy, Lệ Thủy) vinh dự được Bác Hồ tặng một chiếc máy cày hiệu DT54, đây là chiếc máy cày đầu tiên của tỉnh Quảng Bình. Khi hoàn thành lớp học trở về quê hương, ông là một trong những người đầu tiên lái chiếc máy cày màu đỏ ấy.

Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ và tinh thần lao động hăng say, Trần Đình Phong luôn luôn đạt danh hiệu “Kiện tướng cày” nhiều năm liên tục.

Trong thời gian máy bay Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, để cày ruộng được, ngoài ông Phong ra cần thêm người lái phụ và hai người cảnh giới. Năm 1968, trong lúc đang cày,  máy bay địch thả bom gần đó khiến máy cày lật nhào, ông bị văng ra xa, ngất lịm đi. Sau khi xuất viện, sức khỏe ông giảm sút, mắt mờ đi, tai gần như không nghe được. Ông về nghỉ mất sức, đành xa chiếc máy cày DT54 màu đỏ từ đó.

Nỗi buồn chưa dừng lại ở đó, năm 1969, khi biết tin Bác Hồ kính yêu đã ra đi mãi mãi, ông Phong xót thương vô cùng. Ông nhớ lại: “Hồi đó tivi chưa có như bây giờ, chỉ có nghe đài mà ông thì không nghe được, để nắm được thông tin “đặc biệt” này, tôi phải tìm sách báo để đọc. Trong lúc đọc, thấy có những hình ảnh về Bác rất đáng quý, tôi liền giữ lại để kể cho con cháu và mọi người trong làng biết”. 

47 năm qua, ông Phong kiên trì sưu tầm bộ ảnh về thân thế, cuộc đời hoạt động cách mạng của lãnh tụ Hồ Chí Minh với hàng ngàn bức ảnh khác nhau. Đặc biệt, năm 1992, ông Phong đem bộ sưu tầm ảnh Bác ra sắp xếp lại một cách có hệ thống và khoa học. Cụ thể, những tư liệu, hình ảnh về Bác mà ông tâm huyết sưu tầm trong thời gian qua được ép platic và đóng thành từng tập, với từng chủ đề, thời kỳ rõ ràng để giới thiệu với mọi người một cách dễ dàng. 

Có thể nói, bộ sưu tầm ảnh Bác Hồ quý giá của ông Trần Đình Phong là tấm lòng sắt son của người “kiện tướng cày” đối với vị Cha già của dân tộc; là những nỗ lực không mệt mỏi đòi hỏi sự kiên trì, một ý chí thép, một lòng kính yêu Bác vô bờ bến của ông. 

Không cất riêng cho mình, vào những dịp lễ, Tết, nhất là vào dịp Ngày sinh nhật Bác 19-5, ông Phong lại mang bộ ảnh đến trưng bày để mọi người cùng tìm hiểu, qua đó khơi dậy niềm tự hào về truyền thống dân tộc, về Người lãnh tụ muôn vàn kính yêu.   

Theo http://daidoanket.vn/

Minh Nguyệt (st)

Bài viết khác: