Một chiều tháng 5, tôi đến thăm Toà soạn Báo và Hãng phim Tư liệu NIHON-DENPA-NEWS tại khu Azabuyuban, Thủ đô Tokyo.
Trong căn phòng nhỏ trên tầng ba, chung quanh là những tấm ảnh Hồ Chủ tịch và nhiều kỷ vật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi được nghe câu chuyện về nguồn gốc những bức ảnh chụp vị Chủ tịch vô vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Giám đốc Tòa soạn Misao-Ischizaki hiện nay, người đã gắn bó với Việt Nam trong suốt hơn 30 năm (một trong những nhà quay phim đã quay Lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản quyền duy nhất của Tòa soạn NIHON-DENPA-NEWS, đã được trình chiếu tại Việt Nam nhân kỷ niệm 63 năm Quốc khánh Việt Nam và 39 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh) kể lại: "Tôi tới Việt Nam lần đầu tiên vào những ngày cuối tháng 8, khi đó, nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh ốm rất nặng, cả Đoàn chúng tôi lặng người đi. Ngày 9/9/1969, tại Quảng trường Ba Đình, chúng tôi có mặt trong Lễ Quốc tang của Người, chứng kiến cả dân tộc Việt Nam khóc tiễn đưa vị lãnh tụ của mình. Tại Nhật Bản chưa từng có thời khắc lịch sử nào như vậy…Tôi nhìn thấy giọt nước mắt lăn trên má Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh. Tôi nghe cả tiếng khóc than rất lớn của những người dân đứng cạnh. Trái tim tôi bật khóc, mặc dù tôi chưa được gặp người bao giờ và lắng sâu ý nghĩa hai từ mà người Việt Nam gọi vị lãnh tụ của mình là Bác Hồ…"
Hồ Chủ tịch tiếp Đoàn nhà báo, làm phim
của NIHON-DENPA- NEWS năm 1966 tại Phủ Chủ tịch.
Lật lại cuốn album của Tòa soạn NIHON-DENPA-NEWS, tôi cùng ông Ishizaki quay về quá khứ cách đây 50 năm. Lúc đó Tòa soạn này mới thành lập được hai năm, Đoàn nhà báo do cố Tổng biên tập Yasuo-Yanagisawa, người sáng lập Tòa soạn, có mặt tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 28/6/1962 và được vinh dự gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay lập tức, nhà nhiếp ảnh Okozima (thành viên trong đoàn) đã chớp được hình ảnh quí báu Đoàn nhà báo của Tòa soạn ngồi bên Người tại chân cầu thang Phủ Chủ tịch, tấm ảnh đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh của NIHON-DENPA-NEWS.
Hồ Chủ tịch tại cuộc mít tinh chào mừng ngày quốc tế lao động 1/5/1965.
Kể từ đó, NIHON-DENPA- NEWS càng gắn bó với Bác Hồ và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Bức ảnh thứ hai chụp Bác Hồ của nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Nhật Bản Suzuki tại cuộc mít tinh chào mừng Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1965. Bức ảnh lột tả sinh động chân dung một vị lãnh tụ vĩ đại gần dân. Sau lễ mít tinh, Bác Hồ đã Chỉ huy dàn nhạc tấu bài ca Kết đoàn.
Bác Hồ với thiêú nhi 1969 (ảnh lấy từ tư liệu phim)
Phóng viên tòa soạn Takesi-Yanasisawa phỏng vấn
phi công Mỹ bị bắt tại Phố Huế, Thủ đô Hà Nội, tháng 9 năm 1967 .
Hai nam nữ dân quân Việt Nam chia xẻ niềm vui chiến thắng.
Một năm sau (1966), Đoàn nhà báo, nhiếp ảnh gia, quay phim của NIHON-DENPA-NEWS một lần nữa lại có cơ hội tiếp kiến Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe từng người, căn dặn các thành viên trong Đoàn nên lưu ý chớp những thước phim miêu tả về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Người nhấn mạnh, lịch sử không quay lại mà chỉ những thước phim mới giúp chúng ta nhìn nhận đúng về giá trị của lịch sử…Chi tiết xúc động nhất đối với các thành viên trong Đoàn là cử chỉ rất đời thường nhưng chan chứa tình thương cao cả của một bậc lãnh tụ Bác Hồ chọn những bông hoa đẹp nhất, tặng cho nhà nhiếp ảnh Suzuki và các phóng viên trong đoàn với lời khen “Các chú chụp đẹp lắm”…
Trưởng đoàn Xuân Thủy và cố Tổng Thư ký
Tòa soạn NIHON- DENPA-NEWS tại Hội nghị Pari 1972.
Giám đốc Isizaki với chiếc máy quay phim và kỷ vật thời chiến tranh ở Việt Nam.
Nghe theo lời căn dặn của Bác, NIHON-DENPA-NEWS đã thiết lập chi nhánh tại Hà Nội trong suốt những năm tháng chiến tranh cho đến ngày đất nước Việt Nam thống nhất…Tòa soạn đã cho ra đời hơn 2000 bộ phim tài liệu, phóng sự, tin tức và hàng trăm bức ảnh về Việt Nam. Căn phòng cuối Tòa soạn trở thành một góc bảo tàng nhỏ trưng bày ảnh Hồ Chủ tịch và các tư liệu quí về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Từ những bức ảnh chụp với ông Xuân Thủy, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Pa-ri năm 1972 cho tới những bức ảnh chụp phóng viên Tòa báo phỏng vấn phi công Mỹ trên phố Huế bị dân quân Hà Nội bắt sau khi máy bay bị bắn rơi tháng 9 năm 1967. Rồi cả bức ảnh hai nam nữ dân quân ngoại thành Hà Nội uống chung bi đông nước, chia sẻ niềm vui chiến thắng….
Ông Ishizaki kể về cuộc gặp đầu tiên giữa
Hồ Chủ tịch và Ban Lãnh đạo NIHON-DENPA-NEWS.
Bức ảnh cuối cùng của Tòa soạn và Hãng phim tài liệu NIHON-DENPA-NEWS chụp Bác Hồ với thiếu nhi năm 1969 hiện vẫn còn phim lưu giữ. Lúc đó, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, các thành viên trong Tòa soạn và hãng phim không biết đó là lần cuối cùng được gặp Người. Ông Ishizaki xúc động bày tỏ: "Tôi nghe câu chuyện từ các bậc đàn anh trong Tòa soạn, trong những tháng năm kháng chiến gian khổ, Bác Hồ là hiện thân về tài năng lãnh đạo xuất chúng, một tư tưởng vĩ đại. Người thật giản dị nhưng cũng thật thanh cao. Dành cả cuộc đời phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chúng tôi thường nói với nhau, cuộc sống của một vị lãnh tụ mà không một chút xa hoa, được mọi người dân yêu quí. Hình ảnh của Người, tư tưởng của Người sẽ sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam, nhân dân Nhật Bản và bạn bè thế giới…"
Ông Isizaki tự hào về bức ảnh chụp Hồ Chủ Tịch tại cuộc mít tinh 1/5/1965.
Giờ đây, gần như tất cả những nhân vật được gặp Bác Hồ của NIHON-DENPA-NEWS đã qua đời, song những kỷ vật quí giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, nhà chính trị lỗi lạc, danh nhân văn hóa thế giới vẫn đang được trân trọng lưu giữ như những báu vật giữa lòng Thủ đô Tokyo.
Theo Nguyễn Thu Hà /Tinmoi.vn
Thúy Hằng (st)