ky niem 105 nam

Ước mơ của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh năm nào đã trở thành sự thật. Từ một sự khởi đầu đúng đắn, với ý chí, quyết tâm và sự phấn đấu không mệt mỏi cho con đường mình đã chọn, Hồ Chí Minh - Người ra đi từ Bến Nhà Rồng năm xưa, đã tìm thấy được con đường để đưa dân tộc Việt Nam đến độc lập, thống nhất, nhân dân Việt Nam đến tự do, hạnh phúc. 105 năm sau- một nước Việt Nam hồi sinh sau những năm dài chiến tranh ác liệt đang hội nhập cùng bạn bè quốc tế, ngày một phát triển giàu mạnh và phồn vinh.

Nghiên cứu, luận giải về những dấu mốc, những sự kiện lịch sử, những quyết định đúng đắn, sáng tạo, phù hợp quy luật thời đại của Nguyễn Tất Thành- Hồ Chí Minh từ khi Người rời Tổ quốc ngày 5/6/1911 đến khi đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 để có thể hiểu sâu sắc hơn về hành trình tìm đường và hiện thực hóa khát vọng giải phóng dân tộc của Người vẫn luôn là một nhiệm vụ quan trọng của những người nghiên cứu lịch sử nói chung, những người nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng. Lịch sử đã có độ lùi và sự lựa chọn, khởi đầu chính xác đó đã góp phần làm nên “nhà cách mạng vĩ đại Hồ Chí Minh và chắc chắn Người là một trong những người hiếm có của thời đại chúng ta, mà người ta có thể nói rằng: Không có Người, lịch sử có thể đã đi theo một con đường khác. Lịch sử đã đặt Người vào đúng chỗ của mình, trong quá trình đó, Người là nhân vật sáng tạo quyết định”[1].

  1. Ra đi tìm đường cứu nước - sự lựa chọn một con đường đúng

Trước khi rời Tổ quốc ra đi tìm đường giải phóng dân tộc, Nguyễn Tất Thành từng được nuôi dưỡng trên mảnh đất giàu truyền thống của người dân xứ Nghệ. Lòng yêu nước, ý chí ham học hỏi, ham hiểu biết của người cha, lòng yêu thương con trẻ, sự chịu thương, chịu khó của người mẹ, tinh thần vượt khó và vươn lên, cần cù trong lao động, cố kết trong tình làng nghĩa xóm của quê hương, đất nước, v.v.. đã là chiếc nôi tốt, sớm nuôi dưỡng trong Nguyễn Tất Thành tình yêu nước, thương dân với một thiên hướng đặc biệt đến mẫn cảm. Đồng thời với những thành tố đó, tuổi thơ của Nguyễn Tất Thành cũng có nhiều biến động. Không chỉ sống ở xứ Nghệ, Nguyễn Tất Thành còn được sống ở kinh thành Huế; không chỉ được học chữ Hán, Người còn được học chữ Pháp, bước đầu làm quen với văn minh Pháp, với thời đại qua những sách “Tân thư”, “Tân văn” bằng tiếng Hán và tiếng Pháp. Cùng đó, Nguyễn Tất Thành không chỉ chịu tác động bởi thực tế các phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta (cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo, cuộc khởi nghĩa nông dân do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo, phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh…) liên tiếp nổ ra và thất bại, mà còn sớm bị mất mẹ và người em ruột khi mới hơn 10 tuổi đầu.

Những suy tư của một Nguyễn Tất Thành sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào đã được cộng hưởng bởi bầu không khí yêu nước, cảnh thực dân Pháp chém giết người yêu nước, đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta trong bể máu và một thực tế đau xót “dân tộc thì bị nô lệ, nhân dân thì bị áp bức” cùng những bất công diễn ra thường ngày. Thấu triệt và tâm đắc với câu nói của người cha: “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ hựu nô lệ” - Quan trường là nô lệ trong đám nô lệ lại càng nô lệ hơn, Nguyễn Tất Thành hiểu rằng: Học hỏi, làm giàu tri thức cho bản thân là rất quý, song “khát vọng giải phóng đồng bào” của Người không chỉ thực hiện được bằng việc học trong sách vở.

Luôn bận tâm, trăn trở về con đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành hiểu được những hạn chế của các vị tiền bối cách mạng trong việc quy tụ sức mạnh của quần chúng nhân dân; khoảng cách quá xa trong tương quan so sánh lực lượng giữa một Việt Nam (đại diện cho phương thức sản xuất phong kiến đã lỗi thời) và thực dân Pháp (đại diện cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện đại); cùng những bế tắc trong việc định hướng được đường lối, con đường đi của các phong trào đấu tranh yêu nước. Khâm phục lòng yêu nước của các bậc tiền nhân, nhưng khác họ, qua những kiến thức mới mẻ do tiếp thu được từ Tân thư, từ những năm tháng học tập, sinh sống ở Huế, và bằng nội lực bẩm sinh, Nguyễn Tất Thành hiểu rằng một thời đại mới, đòi hỏi một con đường đi mới, một phương thức đấu tranh mới khác những gì đã từng xảy ra, đó là phải làm cách mạng. Đây là một suy nghĩ đúng đắn, hợp quy luật, hợp thời đại.

Song không chỉ có vậy, qua những sách Tân thư được đọc, Nguyễn Tất Thành muốn làm quen với văn minh Pháp, muốn xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ mỹ từ: Tự do, Bình đẳng, Bác ái của Đại cách mạng tư sản Pháp và muốn “xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào …sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”[2]. Như vậy là, “trong khi lòng yêu nước và tư tưởng chống Pháp của các sĩ phu có nguồn gốc trong sự đối lập giữa hai nền văn hoá (Đông -Tây) và ở sự khác nhau về chủng tộc (da vàng - da trắng) thì tinh thần yêu nước và ý thức phản đế của Nguyễn Ái Quốc xuất phát từ chế độ xã hội với cốt lõi của nó là quan hệ giữa người với người”[3] và xuất phát điểm này đã quyết định con đường đi sau đó của Người - mở đầu một chặng đường dài xa Tổ quốc khi quyết định làm thuê trên tàu Đô đốc Latútxơ Trêvilơ, rời Tổ quốc ngày 5/6/1911 “tìm dường đi cho dân tộc theo đi”.

Suốt tuổi thanh xuân của đời mình, suốt những năm tháng bôn ba qua nhiều quốc gia, châu lục, Nguyễn Tất Thành dành cho việc lao động kiếm sống, tích luỹ tri thức và tìm hiểu đời sống chính trị, xã hội các quốc gia, dân tộc và các nền văn hoá. Ngư­ời đã “nắm chắc bản lĩnh, cởi mở tiếp thu” đầy nhân hoà và khoan dung, và đặc biệt là Ngư­ời thực hiện nguyên tắc “vư­ợt gộp” để chắt lọc, tìm thấy điểm gặp gỡ và giao thoa giữa hai nền văn hoá phương Đông và phương Tây, giữa các tôn giáo, các học thuyết chính trị, các vị lãnh tụ, các chính khách lớn để vượt trước thời đại, để tìm ra con đường cứu dân, cứu nước.

Trải qua những tháng ngày lao động vất vả bằng rất nhiều nghề: Làm phụ bếp  trên tàu, thợ chụp ảnh, vẽ đồ giả cổ ở thủ đô Paris của nước Pháp, cào tuyết cho trường học, bồi bàn ở khách sạn ở nước Anh; trải qua những đêm dài lạnh giá giữa thủ đô Paris hoa lệ với viên gạch ủ nóng thay cho lò sưởi… là một Nguyễn - Người thanh niên yêu nước đã sống, học tập và hoạt động không mệt mỏi. Không chỉ tham gia Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, thay mặt Hội gửi Yêu sách của nhân dân An nam đến Hội nghị Vécxay năm 1919, tham gia sáng lập Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa năm 1921, ra báo Người cùng khổ, viết nhiều bài đăng trên các báo, các tạp chí; đấu tranh, tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân trên các diễn đàn, các phương tiện thông tin đại chúng, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - một người dân nô lệ ở thuộc địa đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, đến với con đường cách mạng vô sản, đến với cách mạng tháng Mười Nga, Quốc tế thứ III- Đó là sự lựa chọn đúng đắn. Sự lựa chọn này theo như linh mục Nguyễn Bá Cần, đó là “Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn Mác- Lênin bởi vì không còn một sự lựa nào khác”, và còn hơn thế nữa “Nguyễn Ái Quốc đã trở thành cộng sản vì… Liên xô và Đệ tam quốc tế là đã chủ trương giải phóng các dân tộc bị áp bức như là một chặng đường cần thiết trong cuộc giải phóng toàn diện con người… Họ đã đơn độc tố cáo những tội ác của thực dân và Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn họ”[4]. Đây là sự lựa chọn con đường cách mạng chính xác để giải phóng “các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”- công cuộc giải phóng toàn diện loài người.

Từ một khát vọng và tin tưởng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”[5]; từ nhận định sâu sắc: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản”[6]; từ một nghị lực phấn đấu cao độ, phi thường và một định hướng chính trị đúng; từ sự khảo nghiệm thực tiễn, Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh đã gom góp và đanh thép đưa ra bản cáo trạng tội ác thực dân, “bác bỏ mối quan hệ bất bình đẳng và bất công, điều mà Hồ Chí Minh đã tố cáo trong cuốn sách xuất bản tại Pháp mang tên Bản án chế độ thực dân Pháp”[7]. Và cũng từ sự nhận định và phân tích sâu sắc sự bất bình đẳng về quyền lợi và hưởng thụ xảy ra ở cả các nước chính quốc và các nước thuộc địa, ở cả nước Mỹ (với Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776) và nước Pháp (với bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng 1791) nổi tiếng; từ sự thấu hiểu nhu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam và với một tầm nhìn rộng mở, một tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, cuối cùng Hồ Chí Minh rút ra được kết luận chính xác: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”[8].

Thực tiễn lịch sử cho thấy, không chỉ tìm đ­ường đi cho dân tộc theo đi, Hồ Chí Minh còn dành cả cuộc đời mình để đấu tranh, kiên định thực hiện con đ­ường mình đã chọn. Từ những tri thức tích luỹ được, tháng 11/1924, một Hồ Chí Minh thấu hiểu được nguồn sức mạnh nội lực “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”; với niềm tin cháy bỏng về một Tổ quốc Việt Nam được độc lập, nhân dân Việt Nam được tự do; với mong muốn: Đem lại “hạnh phúc không phải cho một số đông mà cho tất cả mọi người” đã về đến Quảng Châu, Trung Quốc. Lại cũng vẫn một Hồ Chí Minh trên cơ sở những nguyên lý của học thuyết Mác-Lênin về xây dựng Đảng, Nhà nước, về phương pháp vận động quần chúng, tập dượt đấu tranh cách mạng được tích luỹ trong những năm tháng hoạt động của tuổi trẻ, tận tâm, tận lực truyền giảng cho những thanh niên Việt Nam yêu nước, đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán đầu tiên, xúc tiến cho sự ra đời của một chính Đảng vô sản kiểu mới ở Việt Nam.

2. Hiện thực hóa khát vọng giải phóng dân tộc

Mở lớp huấn luyện chính trị; thành lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên 1925; sáng lập báo Thanh niên 6/1925; tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản, về Đảng Cộng sản, về cách mạng tháng Mười Nga, xuất bản tác phẩm Đường Cách mệnh 1927,v.v.. trong đó, Người kết luận: Cách mạng Pháp và cách mạng Mỹ là những cuộc “cách mệnh tư bản, mà cách mệnh tư bản là chưa phải cách mệnh đến nơi”[9] và “chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”[10]… Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu, của các hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã không chỉ đem đến cho những thanh niên Việt Nam yêu nước, những người chủ tương lai của nước nhà một luồng sinh khí mới, một con đường cách mạng mới, mà còn thổi vào phong trào yêu nước của nhân dân ta phương pháp đấu tranh mới theo nguyên lý của học thuyết Mác - Lênin, đưa đến sự chuyển biến về chất trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước - Đó là phương pháp cách mạng đúng đắn.

Từ những định hướng chính trị nêu trên, cùng với việc chuẩn bị về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một chính Đảng vô sản kiểu mới, Người còn nỗ lực hoạt động để chuẩn bị cho sự ra đời của một nhà nước mới, một thể chế chính trị mới Việt Nam. Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, v.v.. và các văn kiện do Người soạn thảo, được thông qua tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 (6/1-8/2/1930) tại Hương Cảng (Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng) đã nêu rõ những mục tiêu trư­ớc mắt và lâu dài của Đảng: Về chính trị, trư­ớc hết là giải phóng dân tộc, giải phóng công nông khỏi ách tư­ bản, phong kiến; thiết lập nền chuyên chính của giai cấp vô sản, “a, Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. b, Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập. c, Dựng ra Chính phủ công nông binh”[11]; về xã hội, thiết lập một nền dân chủ mới trên tất cả các lĩnh vực văn hoá - xã hội; về kinh tế,  đư­a ra những biện pháp căn bản nhằm giải phóng lực l­ượng sản xuất, giải phóng sức lao động của toàn dân để xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới...

Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định bản chất của Đảng: "Đảng là đội tiên phong của đạo quân vô sản gồm một số lớn của giai cấp công nhân và làm cho họ đủ năng lực lãnh đạo quần chúng"[12] và “1. Đảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp phải thu phục cho đ­ược đại bộ phận giai cấp mình… 2. Đảng phải thu phục cho đ­ược đại bộ phận dân cày… 3. Đảng phải làm cho các đoàn thể thợ thuyền và dân cày (công hội, hợp tác xã) khỏi ở d­ưới quyền lực và ảnh hưởng của bọn t­ư bản quốc gia. 4. Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư­ sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, .v.v.. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và t­ư bản An Nam mà ch­ưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập"[13] là quyết định đúng đắn, là sự sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc trư­ớc thực tiễn Việt Nam. Người đã tìm ra hướng đi đúng đắn cho dân tộc và con người bị áp bức. Bằng những nỗ lực phi thường, Người đã đưa đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước - phản ánh kết quả tư duy chính trị sắc sảo, sự khảo nghiệm thực tiễn và vận dụng sáng tạo học thuyết Mác- Lênin vào Việt Nam. Đồng thời cũng chứng tỏ rằng: “Một trong những đặc điểm của phương pháp tư tưởng của Người là luôn luôn nắm vững quá trình tư duy biện chứng, nắm vững một cách chính xác, và cùng một lúc tính phổ biến cũng như tính đặc thù”[14], để tạo đà cho việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, phát huy nguồn sức mạnh nội lực của toàn dân trong công cuộc giải phóng dân tộc khỏi chế độ thuộc địa nửa phong kiến.

Xác định đường lối cách mạng Việt Nam là phải trải qua hai giai đoạn: trước hết là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, sau đó tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển chế độ tư bản chủ nghĩa, thực hiện chủ nghĩa cộng sản ở nước ta. Từ việc đòi quyền bình đẳng dân tộc “bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu” trong Bản yêu sách của nhân dân An Nam, đến mục tiêu “Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”[15] trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Hồ Chí Minh và đội ngũ cán bộ, đảng viên cộng sản đã tập hợp quần chúng, đưa quần chúng ra đấu tranh với tinh thần và ý chí “toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Gần 10 năm sau kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và từ thực tiễn lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, cuối năm 1939, Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 10/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương) đã tập trung hướng toàn bộ cuộc vận động cách mạng vào mục tiêu giải phóng dân tộc, thay đổi từ việc lập “Chính phủ công nông binh” bằng việc “lập Chính phủ Liên bang Cộng hòa dân chủ Đông Dương”[16]. Đặc biệt, trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước, Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (10 - 19/5/1941). Tại Hội nghị này, Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã quyết định thay đổi chiến lược cách mạng và chỉ rõ: Cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa, “mà là cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”, vậy thì cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”[17]. Nghị quyết Trung ương 8 khẳng định: “Sau lúc đánh đuổi được Pháp - Nhật sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới theo tinh thần tân dân chủ. Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp nào mà của chung của toàn thể dân tộc”[18] và Chính phủ ấy do Quốc dân Đại hội cử ra”[19]. Trong chính quyền đó, chỉ trừ có bọn tay sai của đế quốc Pháp - Nhật, những bọn phản quốc, những bọn thù, không được giữ chính quyền, còn tất cả người dân sống trên dải đất Việt Nam đều phải tham gia giữ chính quyền, phải có một phần nhiệm vụ giữ lấy và bảo vệ chính quyền ấy.

Nhận thức sâu sắc rằng, “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn”, nên giải phóng dân tộc phải là nhiệm vụ chung của tất cả các giai cấp, các đảng phái, tôn giáo, v,v.. được tập hợp trong mặt trận “Việt Nam độc lập đồng minh, hay nói tắt là Việt Minh” được thành lập 19/5/1941 do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Cùng với sự phát triển của Mặt trận Việt Minh, các đoàn thể Cứu quốc: Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, còn có Quân nhân (hay binh sỹ, du kích) cứu quốc, Thương gia cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nhi đồng cứu vong... phát triển rộng khắp cả ba kỳ. Như vậy là, từ việc xác định rõ Nhật, Pháp là kẻ thù của nhân dân Đông Dương, tập trung vào mục tiêu giải phóng dân tộc, nhằm phát huy được nguồn sức mạnh nội lực của toàn thể dân tộc trong sự nghiệp giải phóng, Hồ Chí Minh và những người cộng sản Việt Nam đã quyết định thay đổi chiến lược cách mạng, thay đổi việc lựa chọn từ mô hình Chính phủ công nông binh (1930) thành mô hình Chính phủ dân chủ cộng hòa (1941).

Việc lựa chọn mô hình nhà nước “dân chủ cộng hòa” là một bước phát triển mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh, một sáng tạo của Người về thể chế chính quyền nhà nước trong quá trình tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Quyết định “chuyển hướng” này không chỉ đáp ứng yêu cầu khách quan của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, mà còn phù hợp với xu thế của thế giới. Đó là một bước tiến trong tư duy lý luận về tổ chức chính quyền nhà nước của Hồ Chí Minh, của Đảng ta. Mô hình Chính phủ “dân chủ cộng hòa” thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về một nhà nước pháp quyền “của dân chúng số nhiều”, của chung toàn thể dân tộc ta, phù hợp với đất nước và con người Việt Nam, thể hiện sâu sắc tư tưởng “nước lấy dân làm gốc” của Người.

Tháng 8/1945, những điều kiện cho cuộc Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc đã chín muồi. Ngày 14/8/1945, vua Nhật tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Quân Nhật ở Đông Dương mất tinh thần, chính phủ Trần Trọng Kim hoang mang, tê liệt. Theo chỉ dẫn của lãnh tụ Hồ Chí Minh, “dân tộc ta đến lúc vùng dậy cướp lại quyền độc lập của mình”[20] và không chậm trễ, không để lỡ thời cơ, trước sự biến động của tình hình, Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã nhạy bén, đã có những quyết định táo bạo, “nhanh tay hơn các đối thủ”, “hành động một cách kiên quyết và nhanh chóng” tổ chức Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng tại Tân Trào (13 - 15/8/1945), quyết định phát động Tổng khởi nghĩa, thi hành Mười chính sách Việt Minh, thành lập Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc để thống nhất chỉ huy cuộc chiến đấu, ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước, nhằm kiến lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoàn toàn độc lập trước khi quân Đồng minh kéo vào Đông Dương giải giáp quân đội Nhật. Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang chiều ngày 16/8/1945 (Quốc dân Đại hội Tân Trào), với sự tham dự của khoảng 60 đại biểu, đại diện cho cả ba miền Bắc, Trung, Nam, đại diện kiều bào ta ở Lào và Thái Lan và các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc, các tôn giáo...  nhất trí việc phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc, đã hiệu triệu nhân dân toàn quốc và các đoàn thể cách mạng kịp thời đứng lên giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập và thông qua Mười chính sách của mặt trận Việt Minh. Quốc dân Đại hội quyết định: “Cử ra Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam” (do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch). Uỷ ban này cũng như Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam trước khi thành lập một chính phủ chính thức. Uỷ ban này thay mặt quốc dân mà giao thiệp với các nước ngoài và chủ trì mọi công việc trong nước”[21] và nhấn mạnh: Khi thời giờ cấp bách, Uỷ ban dân tộc giải phóng giao toàn quyền cho Uỷ ban khởi nghĩa để thống nhất chỉ huy cuộc Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc chính là quá trình hiện thực hóa sự thống nhất về tư tưởng chính quyền nhà nước do Hồ Chí Minh chỉ đạo và thực hiện.

Ngay sau đó, để tranh thủ thời cơ, Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước vùng lên khởi nghĩa: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Chúng ta không thể chậm trễ”. Đồng thời, Người cũng gửi thư yêu cầu Liên hợp quốc thực hiện lời hứa long trọng của mình về quyền được hưởng độc lập, dân chủ của tất cả các dân tộc và yêu cầu Chính phủ Pháp phải công nhận Chính phủ Việt Nam cùng các điều kiện về mối quan hệ giữa người Việt Nam và Pháp. Đáp lại lời hiệu triệu của Tổng bộ Việt Minh và Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa, giành lại chính quyền từ tay phát xít Nhật, lập nên chính quyền cách mạng trong toàn quốc. Ngày 24/8/1945, Vua Bảo Đại ra Tuyên cáo thoái vị để được làm người dân một nước độc lập. Việc cựu Hoàng đế Bảo Đại ra Tuyên cáo thoái vị theo yêu cầu của Uỷ ban dân tộc giải phóng có ý nghĩa pháp lý hoá truyền thống quốc tế: “Cựu Hoàng đế Bảo Đại trịnh trọng tuyên bố từ bỏ tất cả các quyền lợi của ông ta. Sự từ bỏ ấy như vậy là đã “hợp pháp hoá”, theo một số truyền thống ngày nay đã được thừa nhận trên thế giới”[22].

Không chỉ quyết tâm đấu tranh giành độc lập dân tộc, lời khẳng định “toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải đễ giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” trong bản Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 của Hồ Chí Minh thể hiện sự gắn bó hữu cơ giữa độc lập dân tộc với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Giá trị vĩnh hằng ấy là điều quý báu nhất mà mỗi người, mỗi dân tộc đều hướng tới và phấn đấu, nhất là nhân dân các dân tộc đã từng mất nước, từng phải sống đọa đầy với thân phận người nô lệ. Ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, đánh dấu sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mở ra một thời kỳ mới: Thời kỳ độc lập của dân tộc.

Với Tuyên ngôn độc lập năm 1945, khát vọng độc lập của Hồ Chí Minh và toàn dân Việt Nam đã trở thành hiện thực, nhưng Độc lập trong tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là khái niệm “độc lập” theo nghĩa cũ, vốn thường được lặp đi lặp lại trong sách giáo khoa - là quá trình Việt Nam giữ vững được độc lập và bản sắc (identity) của mình”[23] trước sự uy hiếp của ngoại bang, mà là độc lập, tự do và thống nhất thực sự của một quốc gia. Vì vậy, từ Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam, David.G.Marr nhận định: “Những độc giả đọc kỹ bản Tuyên ngôn có thể nhận thấy sự khác biệt khá tinh tế giữa những điều mà Hồ Chí Minh muốn nói với dân chúng trong nước và với người nước ngoài. Đối với người Việt Nam, độc lập là thực tế đã đạt được và phải kiên quyết bảo vệ nó. Đối với những nhà lãnh đạo Đồng minh, họ phải thừa nhận nền độc lập của Việt Nam như đã hứa tại các hội nghị quốc tế”[24]. Với ý nghĩa đó, nhân dân Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng: “Độc lập là một của báu, quý giá vô ngần, ta đã khổ sở đau đớn trong bao nhiêu lâu nay mới giành được nó, cần phải cố gắng dù phải hy sinh đến bậc nào đi nữa, cũng quyết giữ lấy nó”[25]. Và cũng với ý chí đanh thép đó, “nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”[26].

Ước mơ của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh năm nào đã trở thành sự thật. Từ một sự khởi đầu đúng đắn, với ý chí, quyết tâm và sự phấn đấu không mệt mỏi cho con đường mình đã chọn, Hồ Chí Minh - Người ra đi từ bến nhà Rồng năm xưa, đã tìm thấy được con đường để đưa dân tộc Việt Nam đến độc lập, thống nhất, nhân dân Việt Nam đến tự do, hạnh phúc. 105 năm sau- một nước Việt Nam hồi sinh sau những năm dài chiến tranh ác liệt đang hội nhập cùng bạn bè quốc tế, ngày một phát triển giàu mạnh và phồn vinh, sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước./.

TS. Văn Thị Thanh Mai


-------------------- 
[1]Pinô Tagơliađúcchi  Pêrugia: Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb.Khoa học xã hội, H, 1990, tr.127

[2]Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự Thật, H, 1975, tr.13

[3] Nguyễn Khánh Toàn: Tuyển tập, Nxb. Khoa học xã hội , H, 1999, tr.34

[4]Song Thành: Hồ Chí Minh- Nhà tư tưởng lỗi lạc, Nxb. Lý luận chính trị, H, 2005, tr.60

[5] Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1993, t.1, tr. 94

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H,1996, t.1, tr. 266 

[7] Hans D’Orville: Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị thời đại, www.vietnanm. Net, ngày 20-5-2010

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.268

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, t.2, tr.270

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.2, tr.270

[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.3, tr.1

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1998, t.2, tr.6

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.2, tr.4

[14] Phan Ngọc Liên, Nghiêm Văn Thái: Giá trị Tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay. Nxb. Viện Thông tin KHXH, H, 1993, tr.92

[15] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.2, tr.2.

[16]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, t.6, tr.542

[17] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.7, tr.119

[18] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.7, tr.114

[19] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.7, tr.150

[20] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.7, tr.558

[21] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.7, tr.560-561

[22] Lê Mậu Hãn, Lịch sử Chính phủ Việt Nam 1945-1955, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2005,  tr.37-38

[23] Tsuboi Yoshiharu: Tư tưởng Hồ Chí Minh dưới góc nhìn của một học giả Nhật Bản, Thanh niên oline, 5/12/2008  

[24] David G. Marr: Bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, tài liệu lưu Bảo tàng Hồ Chí Minh, tr.12

[25] Hà Nội chiến đấu: Tập hồi ký Thủ đô kháng chiến, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1964, tr.20

[26] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.4

 Theo Tạp chí Tuyên giáo

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: