Trong thư Bác Hồ gửi hội nghị tình báo có đoạn viết: “Tình báo cũng như mọi việc khác phải dựa vào dân. Tai mắt của người tình báo có hạn. Nhân dân có hàng chục triệu tai mắt. Việc gì họ cũng có thể nghe, có thể thấy, có thể biết. Vì vậy, tình báo phải cố gắng làm thế nào cho nhân dân giúp sức, thì sẽ thành công to”.
Với lực lượng tình báo quốc phòng, Bác Hồ dành cho sự quan tâm đặc biệt. Ngoài những lần gặp gỡ, trò chuyện thân ái với cán bộ, chiến sĩ, Bác còn chu đáo gửi thư mỗi dịp lực lượng tổ chức hội nghị. Ẩn trong những lời thăm hỏi thân thiết là những nhiệm vụ, mệnh lệnh, chỉ thị được đúc kết một cách sinh động. Bác từng khuyên cán bộ, chiến sĩ tham khảo sách vở đông tây kim cổ về tình báo, trong đó có Binh pháp Tôn Tử. Và Bác đã cẩn thận diễn nôm thêm rất sinh động, hấp dẫn dựa trên thực tế của cuộc kháng chiến kiến quốc khi ấy và thực tiễn của Việt Nam. Tiền Phong xin trân trọng trích giới thiệu cùng bạn đọc.
“Các chú đều biết rằng: Tình báo là tai mắt của Quân đội, trách nhiệm của nó rất quan trọng. Binh pháp nói: Biết mình, biết địch, trăm trận đều thắng. Muốn biết địch, thì phải có tình báo giỏi. Muốn khỏi địch biết ta, cũng phải có tình báo giỏi. Địch nhân có một tổ chức tình báo rất khôn khéo, xảo quyệt. Chúng có nhiều kinh nghiệm, nhiều mánh khóe và một truyền thống lâu dài. Vẫn biết các chú đều cố gắng, chịu khó, có sáng kiến, có tiến bộ. Nhưng chúng ta phải thật thà nhận rằng, tình báo ta còn kém. Phải cố gắng nhiều nữa, tiến bộ nhiều nữa”. (Trích thư gửi Hội nghị tình báo toàn quốc tháng 3/1948)
“Nhân dịp hội nghị, tôi gửi lời thân ái hỏi thăm anh em và mong hội nghị có kết quả tốt. Tôi nêu ra vài ý kiến để giúp hội nghị thảo luận:
1. Tình báo là tai và mắt của Quân đội. Tai phải nghe rõ, mắt phải thấy rõ tình hình của địch thì ta mới dễ đánh thắng địch.
2. Người xưa nói: “Biết địch, biết ta, thì 100 trận ta thắng cả 100”.
Biết địch là nhiệm vụ của tình báo.
3. Bên ta phải biết rõ địch, nhưng đồng thời không để địch biết ta. Vì vậy, nhiệm vụ của tình báo là hết sức giữ kín tình hình và tin tức của ta, không cho lọt đến địch. Tình báo là một khoa học. Người làm tình báo ắt phải có 4 đức tính: Bí mật, cẩn thận, khôn khéo, kiên nhẫn. Và phải tuyệt đối tẩy sạch những chứng: Khoe khoang, ba hoa, cẩu thả, hấp tấp, lộ bí mật, làm việc luộm thuộm, sơ suất hoặc làm bằng cách bàn giấy...
4. Tình báo cần có huấn luyện hẳn hoi, huấn luyện tinh thần và kỹ thuật. Từ cấp trên đến cấp dưới, phải thi đua nhau nghiên cứu, học tập. Mình không biết thì phải học, học rồi sẽ biết. Không nên giấu dốt, giấu dốt thì không bao giờ thông được. Lý luận tình báo trong quyển Tôn Tử binh pháp, tất cả các chú đã nghiên cứu chưa? Chưa thì cần phải nghiên cứu. Nó là nền tảng của công tác tình báo.
5. Trong công tác, cấp trên đối với cấp dưới luôn luôn phải có sự giúp đỡ, đôn đốc kiểm tra. Thiếu một điều trong ba điều đó thì công việc sẽ lúng túng.
6. Tình báo cũng như mọi việc khác phải dựa vào dân. Tai mắt của người tình báo có hạn. Nhân dân có hàng chục triệu tai mắt. Việc gì họ cũng có thể nghe, có thể thấy, có thể biết. Vì vậy, tình báo phải cố gắng làm thế nào cho nhân dân giúp sức, thì sẽ thành công to”. (Thư gửi Hội nghị tình báo tháng 8/1948)
Hồ Chủ tịch trên Đài quan sát mặt trận Đông Khê, Chiến dịch Biên giới 1950
“Trong cuộc hội nghị năm trước, Bác viết thư cho các chú, đại ý nói: Tình báo là tai mắt. Tai phải tỏ, mắt phải sáng, thì đầu óc định kế hoạch mới đúng. Đầu óc định đúng, thì chân tay hành động mới kịp thời. Ta tai mắt sáng tỏ, kế hoạch đúng sát, hành động kịp thời, thì ta nhất định thắng địch.
Về công tác tình báo, Bác bảo các chú: Nó là một công tác khoa học.
- Phải bí mật, tức là tuyệt đối tránh sơ suất.
- Phải khôn khéo, tức là tuyệt đối tránh luộm thuộm.
- Phải cẩn thận, tức là tuyệt đối tránh cẩu thả.
- Phải kiên nhẫn, tức là tuyệt đối tránh hấp tấp.
Đó là một việc cần phải chịu khó luôn luôn điều tra, nghiên cứu, học tập. Phải luôn luôn dựa vào dân, và đi sát địch, thì mới có kết quả.
Những ý kiến đó bây giờ vẫn đúng, mà sau này vẫn cứ đúng. Tất cả cán bộ phải thi đua thực hành cho đúng những điều đó. Kinh nghiệm bảo Bác thêm vài điểm trong thư này: Tất cả mọi công việc, nhất là công tác tình báo, phải kiên quyết tránh những bệnh chủ quan, khinh địch, hiếu danh, cá nhân chủ nghĩa. Đó là những kẻ địch “vô ảnh, vô hình”, nó nép trong tâm lý của cán bộ, và nguy hiểm hơn mấy Phòng 2 (Phòng Nhì) Pháp cộng lại... Vậy các chú phải dùng tự phê bình và phê bình thật thà, để tẩy sạch bệnh nguy hiểm ấy”. (Hồ Chí Minh tháng 6/1951)
Binh pháp Tôn Tử
Tôn Tử đã dựa vào 10 nguyên lý chính để tạo ra binh pháp của ông. Nguyên lý thứ nhất: Phải biết xét đoán tính người, biết tình hình thiên thời, địa lợi để định kế hoạch hành động mới có thể thắng trận được… Tôn Tử nói: “Biết mình, biết người, đánh trăm trận, được trăm trận. Chỉ biết mình mà không biết người, đánh trăm trận có khi được, khi thua. Không biết mình không biết người, đánh trăm trận chỉ thua hoài”. Ông lại nói: “Biết mình, biết người, thắng trăm trận và không bị nguy hiểm. Lại biết được thiên thời, địa lợi nữa, cầm chắc được toàn thắng”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gắn Huân chương Quân công hạng Nhất lên Quân kỳ quyết thắng của lực lượng Tình báo Quốc phòng. Ảnh: XB
Nhưng làm thế nào để biết mình được? Vậy trước khi chưa khai chiến, nghĩa là lúc đương định kế hoạch chiến tranh, phải tự xét mình xem đã đủ 5 điều kiện sau này chưa:
1. Đạo, nghĩa là chính sách của Chính phủ đối với dân chúng, chính sách này phải hợp với nguyện vọng và quyền lợi của dân chúng. Đối với dân, Chính phủ phải thi hành một nền chính trị liêm khiết như cải thiện đời sống của nhân dân, cứu tế thất nghiệp, sửa đổi chế độ xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa… Có như thế, dân chúng mới đoàn kết xung quanh Chính phủ.
2. Thiên thời, nghĩa là lợi dụng ngày, đêm, sớm, tối, mưa, nắng, nóng, rét… Về thời cổ, tối kỵ là đánh trận vào lúc rét quá hay nóng quá, vì sợ binh sỹ chết rét hay chết dịch nhiều hơn là chết vì chiến tranh. Ngay trong thời đại khoa học ngày nay, sự phòng nóng, rét đã tiến bộ nhưng chưa thể chinh phục hẳn được thời tiết.
3. Địa lợi, là từ căn cứ ra đến chiến trường xa hay gần, chiến địa hiểm trở hay bằng phẳng, chiến tuyến rộng hay hẹp, địa điểm lui quân có an toàn hay không an toàn. Đó là khoa học địa hình học ngày nay, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng trong khi đánh trận.
4. Tướng, nghĩa là người làm tướng phải có đủ trí, tín, nhân, dũng, nghiêm. Trí là mưu trí. Nếu có đủ mưu trí, có thể quyết định được thua từ ngoài nghìn dặm. Tín là không lừa dối, thưởng phạt công bình, tài chính phân minh. Dũng là không sợ hãi, trầm tĩnh để chiến đấu và gặp nguy nan phải tiến trước binh sỹ. Nghiêm là không dung thứ, phải nghiêm trang và trọng kỷ luật.
5. Pháp, gồm các mục là:
a) Cách tổ chức Quân đội lúc thời bình thế nào, lúc thời loạn thế nào.
b) Quy luật làm việc của các quan trưởng (người chỉ huy), nghĩa là lúc làm việc, các quan trưởng phải làm đúng quy luật đã định.
c) Quân phí, quân nhu phải lo tính cho đầy đủ.
Năm điều nói trên, người làm tướng phải biết rõ. Thế tức là biết mình. Nhưng biết phải có làm, làm được thời có nhân hòa, địa lợi, thiên thời, tướng giỏi, quân nhu đầy đủ để nắm chắc được phần thắng trong lúc chiến tranh.
(Bút danh Q.Th, Báo Cứu Quốc số 242 ra ngày 17/5/1946)
Theo Báo Tiền Phong
Kim Chi (st)