Thứ hai, 23/12/2024

 

         Đại tá, cựu chiến binh (CCB) Lâm Quang Minh, 95 tuổi, ở phường Thanh Bình (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) từng vinh dự 7 lần được gặp Bác Hồ. Với ông, đó là niềm hạnh phúc lớn lao, cùng bao kỷ niệm sâu sắc, không thể phai mờ.

       Đầu năm 1952, ông Minh (quê xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), khi đó là Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 803 (đóng quân tại Bình Định), được cử làm trưởng đoàn cán bộ trung, sơ cấp Liên khu 5 ra Việt Bắc dự lớp chỉnh huấn chính trị. 6 tháng ròng rã hành quân theo đường Trường Sơn, đi qua bao tên đất, tên làng, đến giữa tháng 9-1952, Đoàn đã tới Thủ đô kháng chiến. Tại đây, các đoàn khẩn trương chặt cây làm lán ở, làm hội trường, nhà ăn, nhà bếp và được học chương trình chỉnh huấn, do Tổng cục Chính trị tổ chức.

Vinh du 7 lan

Đại tá, CCB Lâm Quang Minh trao học bổng tặng học sinh mồ côi nghèo

           Ông Minh kể: Một sáng cuối thu, 400 học viên được lệnh tập trung dưới tán cây cổ thụ. Anh em các đoàn mặc quần áo đủ kiểu; riêng đoàn Liên khu 5 (có 16 đồng chí) có trang phục đồng nhất bằng vải si-ta, mũ đan bằng nan tre lợp vải màu, ngoài bọc lưới ngụy trang, trông rất khỏe khoắn, nghiêm túc. Nhìn về phía bìa rừng, anh em thấy một ông Cụ đi đến, phía sau có mấy người đi cùng. Ông Cụ mặc bộ đồ bà ba màu nâu, đội mũ cối, khoác áo bông màu xanh chàm, nhanh nhẹn đi đến trước đội hình. Cả lớp học reo vang: “Bác Hồ!”, “Bác Hồ!”, “Hồ Chủ tịch muôn năm!”.

         Bác vẫy tay chào, rồi ra hiệu yên lặng và nói:

        - Bác biểu dương các chú đã tranh thủ làm lán trại, hội trường, duy trì nghiêm công tác canh gác, bảo mật, nêu cao tinh thần thảo luận để hiểu sâu, hiểu kỹ tình hình, học tập đạt kết quả rất tốt. Cuộc kháng chiến chống Pháp với phương châm trường kỳ, nhưng đến nay tương quan lực lượng giữa ta và địch đã thay đổi có lợi cho ta, vậy “trường kỳ” hay “đoản kỳ” đều do ta quyết định. Các chú bộ đội phải ra sức huấn luyện, hăng hái giết giặc lập công; các cô chú ở cơ quan Đảng, Chính phủ phải tích cực học tập, nâng cao lý luận và hiệu quả công tác. Bộ đội và nhân dân, trên dưới một lòng thi đua kháng chiến và kiến quốc thì cuộc kháng chiến của ta nhất định sẽ được rút ngắn lại.

           Hôm đó, Bác Hồ khen Liên khu 5 thực hiện tốt chủ trương tự lực cánh sinh, tự cung tự cấp, tổ chức sản xuất tốt, đã trồng được bông kéo sợi, dệt được vải si-ta, may trang phục thống nhất cho bộ đội… Về sau, ông Minh còn được gặp Bác 6 lần nữa, nhưng lần gặp Bác năm 1956 để lại dấu ấn sâu sắc nhất và là niềm hạnh phúc to lớn của cả gia đình ông. Lần đó, từ Nghệ An, ông Minh được đơn vị cho về Hà Nội thăm vợ con. Vợ ông mới sinh hai bé gái, đang ở nhờ nhà ông cậu là Hiệu trưởng Trường cấp 3 Chu Văn An, gần Hồ Tây.

          Một buổi chiều giữa tháng 12-1956, nghe tin Bác Hồ về thăm trường Chu Văn An, nhân dân hối hả tập trung ở sân trường để được thấy Bác. Ông Minh và vợ, mỗi người bồng một con nhỏ, len lỏi trong đám đông, được bà con ưu tiên nhường cho đứng phía trên. Đến nay, ông Minh vẫn còn nhớ rõ, Bác mặc bộ đồ ka-ki, tác phong nhanh nhẹn, giọng nói ấm áp, truyền cảm. Bác khen nhà trường đạt nhiều thành tích xuất sắc, động viên toàn trường thi đua dạy tốt, học tốt. Bác căn dặn học sinh phải cùng nhau ra sức vượt khó học giỏi, sẵn sàng tiếp bước cha anh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam…

             Ông Minh bồi hồi nhớ lại: “Thật là hạnh phúc cho gia đình tôi, cả vợ chồng và hai con nhỏ cùng được tận mắt thấy vị lãnh tụ kính yêu, sau hôm ấy tôi đặt tên hai con là Lâm Thị Minh Hạnh và Lâm Thị Minh Phúc”.

            Ngoài hai lần được gặp Bác Hồ kể trên, ông Minh còn được gặp Bác 5 lần nữa. Lần thứ nhất vào đầu năm 1946 khi ông vừa được điều động ra làm cán bộ khung Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1) ở Sơn Tây và được mời dự thính kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I. Tại kỳ họp này, ông được nghe Bác kêu gọi nhân dân thực hiện đại đoàn kết để chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Lần thứ hai, ông được gặp Bác ngày 26-5-1946, khi Bác đến dự Lễ khai giảng khóa I Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Tiếp đó, chỉ trong 6 tháng, ông Minh cùng cán bộ, học viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn được Bác đến thăm và động viên 2 lần. Lần cuối cùng, ông Minh được gặp Bác vào tháng 6-1957 khi ông đang công tác tại Sư đoàn 324, đóng quân ở Nghệ An. Lần đó, Người đến thăm Sư đoàn 324, động viên cán bộ, chiến sĩ thi đua học tập, huấn luyện, sản xuất, hăng hái tham gia xây dựng miền Bắc và sẵn sàng chi viện cho miền Nam.

            Nhớ lời Bác dạy, ông Minh luôn cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kỹ thuật và khả năng chỉ huy, thường xuyên năng nổ, tự lực, chủ động, lập nhiều chiến công trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Về hưu năm 1980, ông hăng hái tham gia công tác địa phương và tận tâm tận lực chăm lo khuyến học khuyến tài. Mới đây, ông đã bán nhà, ủng hộ gần 1 tỷ đồng cho các hoạt động khuyến học, tình nghĩa, nhân đạo của quê hương, tộc họ và nơi cư trú.

          Người CCB già hồ hởi trải lòng:

        - Nhờ hồng ân của Bác Hồ, hai cháu Hạnh và Phúc đều học giỏi. Cháu Hạnh được chọn đi học đại học luật ở Liên Xô, rồi công tác, phát triển trong ngành ngân hàng, còn cháu Phúc thi đỗ vào Trường Đại học Dược Hà Nội, ra trường được làm việc và trưởng thành tại Thủ đô Hà Nội.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

Theo http://qdnd.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: