Được gặp Bác Hồ là niềm vinh dự đối với mỗi người dân. Với ông Nguyễn Khắc Thành niềm vinh dự, tự hào ấy còn được nhân lên gấp bội khi ông hai lần gặp Bác.
Đối với mỗi người dân Việt Nam, việc được gặp Bác Hồ, được nghe Bác chỉ dạy là niềm vinh dự, tự hào lớn lao. Với ông Nguyễn Khắc Thành - Cựu chiến binh ở Tổ 3, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, niềm vinh dự, tự hào ấy còn được nhân lên gấp bội khi ông hai lần được gặp Bác Hồ. Nó là kỉ niệm sâu sắc mang theo suốt cuộc đời ông.
Ông Thành bên những tấm Bằng khen, Giấy khen của mình. (Ảnh: Thào Ly)
Ông Nguyễn Khắc Thành quê ở Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, nhưng lại sinh ra, lớn lên ở Yên Bái. Thời điểm ông học xong tiểu học thì cũng là lúc Cách mạng Tháng Tám thành công. Ông vào Đội Thiếu niên tiền phong, tích cực tham gia các hoạt động thanh thiếu niên cổ động phong trào cách mạng; làm liên lạc cho các tổ chức cách mạng lúc bấy giờ….Với những đóng góp tích cực của mình, tháng 10 năm 1946, khi đó 14 tuổi, ông và một số bạn thiếu niên tiêu biểu cùng đoàn đại biểu khoảng 40 người thay mặt cho đồng bào tỉnh Yên Bái được về Thủ đô thăm Bác Hồ.
Ông Thành kể: Mọi thứ chuẩn bị cho chuyến đi được chuẩn bị chu đáo, đặc biệt là bản báo cáo về cuộc sống của đồng bào Yên Bái những ngày tháng sống dưới sự hà khắc của bọn Quốc dân đảng để báo cáo với Bác. Trước khi vào thăm Bác, đoàn được bố trí cho đi thăm những nơi đặc biệt quan trọng như: Xưởng quân giới Phan Đình Phùng, gặp gỡ nhân dân thủ đô ở phố Hoàng Diệu, Khúc Hạo, Vạn Phúc, thị xã Sơn Tây”.
Qua những nơi đó, mặc dù còn nhỏ tuổi, nhưng ông đã phần nào hiểu được sự chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Sau những ngày chờ đợi, giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời những người trong đoàn đại biểu năm đó đã đến. Đó là lúc Bác Hồ dắt tay cụ Huỳnh Thúc Kháng bước vào phòng. Không ai bảo ai, tất cả cùng đứng dậy, hát vang bài "Đón Bác về", miệng hát nhưng nước mắt trào ra vì sung sướng. Bác đã động viên, căn dặn mọi người phải đoàn kết, thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm để phục vụ cho kháng chiến. Đặc biệt, Bác còn giảng giải mọi người tám chữ: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Ngồi sau Bác, ông Cao Thành nghe say sưa như nuốt từng lời của Bác, ông còn được Bác hỏi: "Cháu nhắc lại cho Bác nghe chữ Cần là gì nào?". Ông nhắc lại không sai một từ, được Bác khen tốt, ông cảm thấy vô cùng sung sướng, hạnh phúc.
Ông Thành với thú vui tuổi già. (Ảnh: Thào Ly)
Ông Nguyễn Khắc Thành kể lại: Sáng hôm ấy đoàn chính thức được vào thăm Bác, Bác đi cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Bác nói hôm nay Bác cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng thay mặt chính phủ tiếp đoàn đại biểu Yên Bái. Bác chủ động hỏi cuộc sống của đồng bào Yên Bái như thế nào, Bác kể cho đoàn nghe chuyến công tác của Bác cùng phái đoàn Chính phủ sang Pháp để bàn về nền độc lập của nước nhà những không đạt được kết quả, tình hình này không thể tránh khỏi chiến tranh, Bác mời đồng bào Yên Bái về đây hôm nay là muốn để đồng bào hiểu được tình hình này”.
Ngay sau khi gặp Bác Hồ trở về quê Yên Bái, ông và hơn 10 người bạn cùng trang lứa đã ghi tên vào Đội Tuyên truyền xung phong, thoát ly đi công tác. Những lời dạy của Bác được ông và các bạn truyền đạt kịp thời tới đồng bào các dân tộc trong Tỉnh.
Ngày 19/12/1946, chỉ hai tháng sau khi đoàn trở về, cả nước đã được nghe "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Bác. Cuộc kháng chiến chống Pháp đã đưa ông hoạt động ở nhiều nơi, qua nhiều cương vị công tác khác nhau như đội viên Đội Tuyên truyền xung phong - Ty Thông tin Yên Bái, cán bộ Phòng Chính trị Tỉnh đội Yên Bái, cán bộ thủy lợi hóa nông thôn, Trưởng ban cán sự Châu đoàn Mường La, Phó Văn phòng Uỷ ban hành chính huyện Mường La - tỉnh Sơn La… Ở cương vị nào ông cũng luôn giữ vững bản chất của người chiến sỹ cách mạng, hoàn thành xuất sắc mọi được giao trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Năm 1959, ông lại được gặp Bác một lần nữa khi Bác lên dự lễ thành lập khu tự trị Thái Mèo ở Tây Bắc. Lần gặp này lại càng làm ông cảm nhận sâu sắc hơn về những lời căn dặn của Bác đối với đồng bào Tây Bắc về việc phải cần cù, chịu khó, đoàn kết xây dựng bản mường no ấm. Những lời dạy của Bác là lời nhắc nhở ông luôn dậy bảo con cháu cố gắng học tập, tu dưỡng, trở thành người có ích:“May làm sao mình lại được học chữ cần của Bác ngay từ lức mới 13, 14 tuổi trước khi bước vào đời, vì vậy mới giữ được thế này. Mình cũng có ý niệm ngay từ đầu và luôn nói với các con rằng các con phải cố gắng học hết cấp 3, sau này tham gia công việc gì thì cũng phải làm hết sức mình, hoàn thành cho thật tốt”.
Khi được Nhà nước cho nghỉ chế độ về sinh sống ở quê núi Sơn La, ông Nguyễn Khắc Thành vẫn tích cực tham gia các công tác của phường, của tổ dân phố. Ông còn cùng một số anh em yêu thơ thành lập câu lạc bộ thơ Hương Đào đóng góp nhiều tác phẩm thơ hay và khơi dậy phong trào văn hóa văn nghệ của cơ sở.
Ông Trần Phiến, người dân ở tổ 3, phường Chiềng Lề, cũng là thành viên của câu lạc bộ thơ Hương Đào nhận xét: Tuy bác Cao Thanh là người lớn tuổi, nhưng kể từ đảng viên đến quần chúng đồng chí nào cũng rất ngưỡng mộ vai trò của bác với đời thường và khu dân cư. Đặc biệt với anh em đồng chí ở xung quanh ai có trăn trở về xã hội, thậm chí liên quan đến cả đường lối chính sách của Đảng, những khi đến giãi bày với bác thì bác điều tháo gỡ được ngay.
Với những đóng góp của mình, ông Nguyễn Khắc Thành đã nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước như: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp văn hoá, Huy chương Đại đoàn kết dân tộc...
THÀO LY
Thu Hiền (st)