Thứ hai, 23/12/2024

Trong cuộc đời bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước của Bác Hồ, một trong những công việc Người làm đầu tiên là học viết báo và làm báo.

Suốt 79 năm đời mình, Người cũng đã có 50 năm liên tục cầm bút viết báo. Cuộc đời hoạt động Cách mạng của Người luôn gắn chặt với hoạt động viết báo viết văn. Ba lần Người cảm thấy hạnh phúc nhất trong công việc cầm bút là lần đầu tiên được đăng một bài báo, lần đầu tiên được đăng một truyện ngắn và lần viết xong Tuyên ngôn độc lập năm 1945, một tác phẩm được coi là “thiên cổ hùng văn”.

bac ho 1

Bác Hồ - Người gắn liền hoạt động báo chí với hoạt động Cách mạng

Ngoài tầm cỡ một lãnh tụ vĩ đại, một danh nhân văn hóa, có thể nói Bác Hồ còn là một nhà báo tài ba, uyên bác và có tay nghề xuất sắc. Bác đã sử dụng ngòi bút tinh luyện xuất chúng của mình như một vũ khí sắc bén, trở thành “ đòn xoay chế độ”, vì Bác quan niệm rằng “báo chí là một mặt trận, cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Trang giấy cây bút là vũ khí sắc bén của họ”. Sinh thời Bác không nhận mình là nhà báo, mà chỉ là “người có duyên nợ với báo chí”.

Cái “duyên nợ với báo chí” kéo dài suốt đời hoạt động Cách mạng của bác đã cho thấy Bác không chỉ là một nhà báo mà còn là người sáng lập ra báo chí Cách mạng Việt Nam. Bác từng viết nhiều thể loại báo chí, từ những tin ngắn đến những bài chính luận phóng sự. Bác từng tham gia hầu hết các công đoạn làm báo như làm chủ bút, chụp ảnh viết bài, biên tập, vẽ minh họa, sửa bản in, và thậm chí cả đi bán báo. Bác từng nói kinh nghiệm làm báo của Bác là kinh nghiệm ngược. Bác từng làm báo ở nước ngoài trước rồi mới làm báo trong nước. Đầu tiên Bác làm báo ở Pháp, Bác đến Pháp năm 1918, 4 năm sau, vào năm 1922 Bác đã sáng lập ra tờ Le Paria xuất bản tại Paris. Khi về nước Bác mới lập ra, chỉ đạo và trực tiếp viết một số tờ báo ở Việt Nam , như các báo Người cùng khổ 1922, Quốc tế nông dân 1924, Thanh niên 1925, Công nông 1925, Lính Kách mệnh 1925, Thân ái 1928, Đỏ 1929, Việt Nam độc lập 1941, Cứu Quốc 1942. Đặc biệt bằng việc sáng lập tờ báo Thanh niên, tờ báo của Thanh niên Cách mạng đồng chí hội (tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam, ra số đầu tiên vào 21-6-1925, Bác đã khai sinh ra nền báo chí Cách mạng Việt Nam, Và ngày 21-6 hàng năm đã được chọn là ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ngoài ra Bác còn là người chỉ đạo, cộng tác thân thiết với các báo của Đảng như Búa liềm, Tranh đấu, Tiếng nói của chúng ta… Sau CMT8 Bác tiếp tục cộng tác, tổ chức và cho ra đời nhiều tờ báo mới, nhưng đặc biệt Bác dành nhiều công sức và tình cảm nhất cho báo Nhân Dân (tiền thân là báo Sự Thật) từ số đầu tiên của báo năm 1951 đến bài viết cuối cùng trên số báo 5526 ngày 1/6/1969 Bác đã viết và đăng tổng cộng 1205 bài báo với khoảng 20 bút danh khác nhau riêng trên báo Nhân Dân.

Bác Hồ - Một nhà báo lớn để lại nhiều bài học lớn

bac ho 2

Bác Hồ nói và viết được bằng nhiều thứ tiếng Pháp, Nga, Trung Quốc, đầu tiên là nhờ Bác có một chút vốn tiếng Pháp khi còn học ở Quốc Học Huế. Sau đó là có thời gian bôn ba ở nước ngoài. Đến nước nào Bác cũng bắt tay vào tự học tiếng nước đó, rảnh tay là học, mỗi ngày cố gắng thuộc 10 từ, vừa học vừa hành. Vì thế Bác tiến bộ rất nhanh, có khi sau hai tháng đã có thể giao tiếp được bằng tiếng nước ngoài, sau vài tháng nữa Bác đã viết tin bằng tiếng nước ngoài. Viết rồi sửa, rồi đối chiếu với bài người ta sửa giúp, cứ thế Bác rất mau chóng nắm được tiếng nước ngoài để phục vụ cho công việc viết báo cũng như hoạt động cách mạng. Bác quan tâm đến báo chí cho đến những năm cuối cùng của cuộc đời. Bài báo thực sự đầu tiên của Bác là vào năm 1919, bài báo cuối cùng là vào năm 1969. Theo Giáo sư tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, trong khoảng 50 năm cầm bút, Bác đã viết hơn 2000 bài báo, 276 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký, bác có gần 200 bút danh… Con số đó cho thấy khối lượng công việc của một người cầm bút như Bác rất lớn, rất chuyên nghiệp. Bác khuyên “nhà báo phải biết ít nhất môt ngoại ngữ” và Bác đã là một tấm gương lớn về việc này, vì Bác có thể viết và sử dụng thành thạo 3 thứ tiếng là Pháp, Nga, Trung. Bây giờ đã hết thập niên đầu của thế kỷ 21, soi rọi lại mới thấy yêu cầu “mỗi nhà báo phải biết ít nhất 1 ngoại ngữ” của chúng ta chưa phải là phổ cập. Một học giả cho rằng khối lượng công việc của một người tự cho rằng “chỉ có duyên nợ với báo chí” mà như thế thì đến nay vẫn chưa nhà báo nhà văn chuyên nghiệp nào của chúng ta vượt qua được. Một nhà sử học của Pháp đã thốt lên đầy ngạc nhiên sau khi nghiên cứu về các tác phẩm của Bác Hồ: “Nếu Nguyễn Ái Quốc không phải bận việc lớn là lãnh đạo Cách Mạng Việt Nam mà chuyên tâm theo con đường cầm bút thì chắc chắn ông đã là một trong những nhà văn lớn nhất thế giới thế kỷ 20”.

Với Bác - Quan điểm phục vụ là một phần của đạo đức báo chí

bac ho 3

Một nhà nghiên cứu đã nói rất đúng: Trong tư duy của Người đối tượng của báo chí không chỉ dành riêng cho một số tầng lớp nào đó mà nhất thiết phải hướng về “đại đa số dân chúng”. Tính chất báo chí, theo Bác, chính là tinh thần quần chúng và tính chiến đấu…”. Bác dạy: Nhà báo phải là người chí công vô tư, hiểu biết rộng và có cái tâm trong sáng. Đạo đức báo chí trước hết thể hiện ở những mặt ấy. Người hết sức chú trọng về mặt đạo đức báo chí, hễ có dịp gặp gỡ các nhà báo là người đề cập đến vấn đề này. Chính Bác cũng là một tấm gương về đạo đức cao cả của báo chí, mà thể hiện rõ rệt nhất là Người làm báo để phục vụ Cách mạng, cho nhân dân, không viết để lưu danh thiên cổ, mà viết để tuyên truyền giáo dục lý tưởng Cách mạng. Bác đã để lại tấm gương sáng về mục đích viết báo của mình. Bác viết cho cả những tờ báo nhỏ, Bác viết cho cả các em thiếu nhi, Bác viết tiết kiệm trên một mặt giấy của tờ giấy đã dùng. Bác bao giờ cũng nhờ người phục vụ có văn hóa thấp đọc trước xem có dễ hiểu không rồi mới cho đăng. Bác viết lỡ có chi tiết sai là chủ động đính chính. Bác là lãnh tụ của đất nước mà cầm bút viết bài khen ngợi hai anh hùng ngành quân giới là Trần Đại Nghĩa và Ngô Gia Khảm. Sau Cách mạng Tháng 8 có một tờ báo tư nhân đến xin bài Bác cũng sẵn sàng viết tặng một bài thơ chúc Tết. Là một người có trình độ chữ nghĩa uyên thâm song Bác luôn viết bằng tất cả ngôn ngữ giản dị trong sáng dễ hiểu nhất. Nhuận bút của Bác mà tòa soạn “quên trả” là Bác… nhắc, nhưng Bác dùng nhuận bút ấy để gửi cho các nhà trẻ. Quan điểm viết cho dân chúng đọc đã xuyên suốt các hoạt động và suy nghĩ của Người khi cầm bút viết báo, và Người cũng luôn dặn người viết báo phải xác định được động cơ viết báo. Bác cho rằng: Báo chí “cũng là một ngành kinh tế” và cũng phải biết bán báo vì “muốn nấu cơm phải có gạo”, nhưng không vì thế mà quên đi tính chiến đấu, tính tập thể của nghề báo, không vì thế mà buông lỏng ngòi bút vì mục đích cá nhân riêng tư. Bác luôn là người kỹ càng thận trọng trong viết báo viết văn. Bác đặt ra tiêu chí với các nhà báo: “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra, không nên nói ẩu. Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ viết”.

Báo chí Cách mạng Việt Nam tự hào đã có một lãnh tụ của đất nước rất quan tâm đến công việc làm báo, hơn thế nữa, Người lại là một nhà báo xuất chúng, là người sáng lập ra báo chí Cách mạng Việt Nam. Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đối với các nhà báo Việt Nam còn là học tập tấm gương làm báo vì dân vì nước của Người./.

Theo http://daotaobaochi.com.vn/

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: