Thứ hai, 23/12/2024

Mối quan hệ giữa lực lượng cầm quyền với nhân dân là một mối quan hệ đặc biệt: Không có lực lượng cầm quyền, lãnh đạo, nhân dân không có người dẫn đường; không có nhân dân thì người cầm quyền, lãnh đạo không có lực lượng. Từ quan hệ này, trong các thời kỳ lịch sử, các nhà hiền triết, các chính khách từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đều bàn đến khái niệm “lòng dân”, “an dân” và khái quát thành các mệnh đề đạt đến chiều sâu triết lý nhân sinh, hành động.

Từ xưa tới nay, bất cứ thể chế chính trị nào cũng phải nỗ lực “thu phục nhân tâm" và "giành dân tâm”. Trong văn hóa phương Đông tồn tại huyền thoại về thời đại Nghiêu Thuấn với những giá trị chứa đựng sự hư ảo nhưng cũng có những chất liệu mang tính hiện thực, để người đời sau dựa vào khuôn mẫu đó sống khát vọng về một “thời đại vàng son” với đấng minh quân thương dân hết mực: "Một người dân đói, hãy nói rằng ta làm cho người dân ấy rét”(1) (nhất dân cơ, viết ngã cơ chi, nhất dân hàn viết ngã hàn chi); trong tâm tưởng tạo ra hình tượng vua Nghiêu, người nói câu nổi tiếng ấy, là sự gửi gắm một lý tưởng, một khát vọng của đạo lý Khổng - Mạnh. Nếu "vua coi dân như cỏ rác” thì dân sẽ "coi vua như cừu thú” nên Mạnh Tử phải bàn đến cái lẽ “dân vi quý” (dân có vị trí cao nhất so với vua và nước), “dân vi bang” (dân là gốc nước) và tâu vua rằng “được lòng dân là được mệnh trời”. Vị á thánh của đạo Nho còn dám lớn tiếng mắng vua: “Bếp vua có thịt béo, tàu vua có ngựa mập mà dân thì sắp đói, đồng ruộng la liệt những người chết đói, như vậy khác nào nhà vua sai thú ăn thịt người"(2)! Bản lĩnh ấy cần cho mọi thời đại. Nhưng “mắng" vua như vậy hoàn toàn không để nhằm thực thi "dân chủ”, không nhằm đề xướng “dân chủ”. Thực chất của việc các nhà nho muốn “được lòng dân” chính vì mục tiêu “được mệnh trời”, khi họ xác định "dân là gốc” nhưng cũng chính là nhằm để "giữ mệnh trời, bảo vệ ngôi vua” chứ không phải để đem lại quyền làm chủ cho người dân. Cho nên, tuy khẳng định "dân vi quý”, thậm chí “vua lấy dân làm trời” nhưng Nho giáo rất triệt để trong tư tưởng ngu dân: “Dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi" (dân có thể khiến họ noi theo, không thể khiến họ hiểu biết). Hệ tư tưởng Nho giáo rất nhất quán trong quan điểm: Dân phải biết giữ phận “dân đen con đỏ”, cái số phận đã được an bài đó cũng là mệnh trời không được cưỡng lại. Chính vì thế, nhà nho xưa muốn giành "dân tâm”, nhưng lại rất kỵ “dân chủ”, rất sợ dân chủ!(3).

Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, từ đặc điểm sinh tồn và chấn hưng dân tộc, cha ông ta đã tổng kết: Có dân là có tất cả; an dân bền vững thì cơ đồ sự nghiệp muôn thủa thái bình; việc cương thường muôn thủa là ở dân tâm! Có dân, có niềm tin của dân là có sức mạnh dời non lấp bể.

Tiếp nối nguồn mạch truyền thống này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát thành chân lý: Trong bầu trời quý nhất là nhân dân; về sức mạnh của nhân dân: Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân, “dễ mười lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Theo Người, muốn được dân tâm, muốn được dân tin, phải thực hiện những điều hết sức thực tế:

- Muốn cho dân tin, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết các vấn đề khó do thực tiễn đặt ra, những vấn đề có quan hệ tới đời sống nhân dân, như ăn, mặc, ở, học hành, đi lại, khám chữa bệnh... Hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân phải được người lãnh đạo đặc biệt chú ý.

- Đối với mọi tầng lớp dân chúng, người cầm quyền, lãnh đạo phải có thái độ mềm dẻo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách người ta; phải tỏ cho người dân biết rằng công việc là công việc chung, dân ủy quyền thì ra gánh vác, khi không còn đủ điều kiện, dân không còn ủy thác thì sẵn sàng nhường lại cho ai muốn làm và làm được.

Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư (4).

Khi đã trở thành một đảng cầm quyền, Đảng phải tìm mọi cách đáp ứng các nhu cầu của người dân, bảo đảm trên thực tế quyền dân sinh, dân chủ để con người, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, miền ngược, miền xuôi được sống theo đúng nghĩa con người và hưởng các giá trị làm người. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Nếu dân đói, dốt, bệnh… thì Đảng là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm. Trong Di chúc, Người đã đề xuất thực hiện hệ thống các chính sách xã hội nhằm an dân và mong muốn Đảng phải có kế hoạch thật tốt, rõ ràng, chu đáo để phát triển kinh tế, văn hóa nhằm không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Để thực hiện mục tiêu này, “phải giáo dục toàn dân, động viên toàn dân và dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.

Trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải nghiệm và thấm thía sức mạnh của lòng dân. Qua hơn 84 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ta được nhân dân tự nguyện, tự giác coi là Đảng của chính mình. Với tư tưởng chủ đạo “lấy dân làm gốc”, Đảng ta luôn khẳng định: Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Đây là thuộc tính bản chất và là ưu thế vượt trội trong sức mạnh của Đảng. Đảng chăm lo mọi mặt đời sống nhân dân, từ những việc lớn như lựa chọn con đường phát triển, đến những việc nhỏ như cơm ăn, áo mặc hàng ngày. Hễ còn một người dân đói, dốt, bệnh tật thì Đảng cảm thấy phiền lòng, cho rằng mình chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Mặt khác, Đảng ta cũng rất tự hào được lãnh đạo một nhân dân tuyệt đối trung thành, nhân nghĩa, thủy chung, khoan dung, rộng lượng. Trong quá trình lãnh đạo, có lúc, có nơi, Đảng phạm phải sai lầm, khuyết điểm, làm hại đến lợi ích của nhân dân, nhưng khi Đảng biết nhận ra sai lầm khuyết điểm, nhận lỗi trước nhân dân thì nhân dân sẵn lòng tha thứ, lại càng tin tưởng, quý trọng, trung thành và cùng Đảng đi trọn con đường đã chọn.

Vì vậy, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua những chặng đường đầy gian khổ hy sinh, giành được những thắng lợi vĩ đại và có ý nghĩa lịch sử. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã đập tan ách thống trị của thực dân và phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với thể chế chính trị dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á, thoả mãn các nhu cầu phát triển khách quan của dân tộc, phù hợp với xu thế của thời đại: Độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta đã đánh thắng những kẻ thù xâm lược mạnh hơn mình gấp nhiều lần về tiềm lực kinh tế và quân sự, khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta từng bước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới toàn diện, giữ vững ổn định chính trị, tạo được thế và lực mới để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thắng lợi đó đã tạo nên sự tiến bộ rõ nét của xã hội và con người Việt Nam hiện nay, đưa nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến trở thành một quốc gia độc lập, tự do, ổn định và phát triển theo con đường chủ nghĩa xã hội; nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội và bản thân mình, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao. Những điều này được thực tiễn chứng minh và khẳng định, không thể phủ nhận, là căn cứ xác đáng nhất, bền vững nhất để nhân dân Việt Nam xác lập, xây đắp và củng cố niềm tin vững chắc vào Đảng của mình.

Công cuộc đổi mới càng đi vào chiều sâu, kinh tế thị trường càng phát triển, tác động của toàn cầu hóa càng mạnh mẽ thì quan hệ Đảng - dân, niềm tin của dân vào Đảng càng đặt ra những chiều cạnh mới, thách thức và không thể coi thường. Thách thức này, trước hết bắt nguồn từ những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, rõ nhất là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng... Những hiện tượng tiêu cực và tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân và sách nhiễu dân diễn ra nghiêm trọng, đáng chú ý là trong các cơ quan công quyền, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý tài chính - tiền tệ…, gây nên những bất bình và làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Nguy hiểm nhất là sự chuyển hóa từ cơ hội, thực dụng về kinh tế sang cơ hội, thực dụng về chính trị; từ tha hóa về đạo đức, lối sống sang tha hóa về chính trị - tư tưởng; đáng lo ngại nhất là sự tha hóa của một số người trong đội ngũ cán bộ cấp cao, đảm nhận những vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng, Nhà nước.

Khi một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức có quyền vụ lợi, lấy lợi ích nhóm đối lập với lợi ích cộng đồng thì trong nhận thức và hành động họ sẽ ngày càng xa dân và mất lòng dân, rất dễ phản bội Đảng và dân tộc, làm cho sự phân hóa xã hội và bất bình của nhân dân ngày càng gia tăng, tạo điều kiện và thời cơ để các thế lực thù địch thúc đẩy “diễn biến hoà bình” lật đổ chính quyền, Đảng mất vị thế cầm quyền, làm sụp đổ chế độ xã hội.

Thực tiễn cho thấy, niềm tin của dân đối với Đảng là phạm trù thuộc về ý thức xã hội, trở thành chuẩn mực của một quan hệ chính trị đặc thù giữa người chủ và người đầy tớ, mang tầm vóc văn hoá, không tự nhiên mà có. Tình yêu, niềm tin thật sự của nhân dân đối với Đảng chỉ có thể có được và thể hiện tập trung, sâu sắc nhất ở sự cảm nhận trực tiếp về chủ trương, chính sách, các hoạt động thực tiễn của Đảng và Nhà nước hợp quy luật, hợp lòng dân, mang lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân và cảm nhận trực tiếp về tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đất nước.

Với ý nghĩa đó, trong bối cảnh hiện nay, để củng cố niềm tin của mọi người dân đối với Đảng, để an dân, cần tập trung giải quyết bốn nhóm vấn đề sau:

Trước hết, tập trung tâm huyết và trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân để xây dựng, thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách và hoạt động thực tiễn hợp lòng dân, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân; chú trọng vào những vấn đề nhạy cảm đang được nhân dân đặc biệt quan tâm như: Tái cấu trúc lại nền kinh tế, nhất là hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước; sửa đổi, hoàn thiện luật và chính sách đất đai, ưu tiên hàng đầu cho sử dụng đất nông nghiệp, quản lý đất đô thị; kiềm chế lạm phát; nhanh chóng đổi mới chính sách y tế, giáo dục, đảm bảo cho người dân, đặc biệt là tầng lớp nghèo có quyền được hưởng thụ những dịch vụ an sinh xã hội tốt nhất, khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội mà chúng ta xây dựng; tiến hành đồng bộ, kiên quyết các giải pháp xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, giảm tải ùn tắc, tai nạn giao thông... Mỗi một chính sách thực tiễn đưa ra phải được điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh chủ quan, nóng vội và không bao giờ được phép làm thí nghiệm trên cơ thể xã hội, vì nếu thất bại sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, nguy hiểm nhất là làm sụp đổ niềm tin của nhân dân.

Ở mỗi lĩnh vực này, phải nhanh chóng hoàn thiện cơ chế và hệ thống định chế, đổi mới phương thức lãnh đạo để nâng cao hiệu lực lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là những quyết sách chiến lược có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu rộng, không để mắc sai lầm chiến lược trong hoạch định, tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, không hợp lòng dân, làm rạn vỡ sự gắn bó máu thịt của Đảng với nhân dân. Về phương thức thực hiện, phải bằng mọi cách hiện thực hoá triết lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Trong mọi việc xây dựng và chấn hưng đất nước, phải biết và khéo “đem tài dân, sức dân, của dân để làm lợi cho dân”(5).

Hai là, xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược cán bộ đúng đắn. Đây là khâu trọng yếu. Niềm tin của dân đối với Đảng được thể hiện ở thước đo quan hệ trực tiếp của từng người dân với những cán bộ, đảng viên đang lãnh đạo, quản lý, hàng ngày sống, sinh hoạt cùng họ. Trong công tác tổ chức, sắp xếp cán bộ ở các tổ chức đảng, bộ máy nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, nhất là những vị trí chủ chốt, cần tiến hành đồng thời trên cả hai mặt: Một mặt, chú ý lựa chọn đúng, lắng nghe dân, tham chiếu ý kiến, đánh giá của dân, những người thực sự tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực trí tuệ và trình độ tổ chức thực tiễn, gần dân, biết lo cho dân và được dân tin yêu, ủng hộ. Mặt khác, kiên quyết loại bỏ những người có biểu hiện tha hóa về chính trị - tư tưởng, đạo đức và lối sống, toan tính cá nhân, cơ hội, thực dụng, xa dân và sách nhiễu dân. Thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý thực chất, công khai; xử lý cán bộ tha hoá, biến chất phải kịp thời, công tâm, đúng người, đúng tội cho dù đó là ai, ở vị trí công tác nào, không được lạm dụng “xử lý nội bộ” và tất cả quy trình xử lý này phải được đặt dưới sự giám sát của nhân dân.

Ba là, các chính sách thực tiễn phải có tác dụng điều tiết sự phân hóa xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cốt lõi là điều tiết hài hòa quan hệ lợi ích, nhất là bảo đảm lợi ích cơ bản của công nhân, nông dân và trí thức, của đồng bào các dân tộc, vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa; kiểm soát và điều tiết thu nhập hợp lý, không để sự phân hóa giàu - nghèo phát triển tự phát dẫn đến bất bình đẳng và xung đột xã hội. Cùng với khuyến khích làm giàu chính đáng, cần tích cực đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, nhất là ở nông thôn, miền núi, hải đảo còn nhiều khó khăn gian khổ; thực hiện tốt việc “đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công và đối tượng chính sách, thể hiện sâu sắc tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, truyền thống và đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Bốn là, các cơ quan và cán bộ của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là cán bộ chủ chốt cần dành nhiều tâm huyết, trí tuệ để chỉ đạo và trực tiếp làm công tác dân vận, học tập và làm theo phong cách dân vận Hồ Chí Minh: Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân(6). Người làm công tác dân vận phải hội đủ các tiêu chuẩn: Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm, nhằm nắm được dân tình, hiểu thấu dân tâm, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí. Cần phải xây dựng định chế cụ thể về việc cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trực tiếp đối thoại với nhân dân. Thực tiễn cho thấy, chỉ những cán bộ thực sự có bản lĩnh, trí tuệ, biết giữ mình liêm khiết, trong sạch mới thẳng thắn và chân tình đối thoại với quần chúng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, kịp thời phát hiện và tích cực giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhân dân, đồng thời biết thu nhận được nhiều điều bổ ích từ đối thoại để điều chỉnh cơ chế, chính sách cho sát hợp với thực tiễn, cuộc sống và cũng là một phương thức để cán bộ sửa đổi hành vi theo chiều hướng tích cực nhằm không ngừng hoàn thiện nhân cách cộng sản chân chính, văn hóa lãnh đạo và quản lý.

Đảng tin dân, lòng dân hướng về Đảng là những phạm trù văn hóa chính trị, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khơi nguồn, hình thành và phát triển trong tiến trình cách mạng hơn 84 năm qua, làm thành nội dung văn hóa cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày nay, phẩm chất này được củng cố, nâng lên một tầm cao mới đòi hỏi không chỉ đổi mới nhận thức, quyết tâm mà cả bản lĩnh và trí tuệ. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI), học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh “suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị”, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp đang là một chỉ báo quan trọng làm cho niềm tin của dân đối với Đảng tiếp nối dòng chảy liền mạch, có căn cứ thực tiễn vững vàng và thấm đẫm bản chất nhân văn./.

PGS. TS. Phạm Ngọc Anh - Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

----------------------

Ghi chú:

(1) Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử triết học phương Đông, tập 1, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1987, tr.103.

(2) Sđd, tập 2, tr.60-70.

(3) GS.Tương Lai, Dân tâm và dân chủ, Tạp chí Tia sáng, ngày 13/12/2005.

(4) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H.2011, tr.51-52.

(5), (6) Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 5, tr.81; tr.333-338.

Tạp chí Tổ chức nhà nước

Đức Lâm (st)

Bài viết khác: