Thứ hai, 23/12/2024

tong hop vb luat

Ảnh internet

1. Luật Điều ước quốc tế 2016

Luật Điều ước quốc tế 2016được Quốc hội thông qua ngày 09/4/2016 có những điểm mới nổi bật như sau:

- Điều ước quốc tế không được trái với Hiến pháp.

- Thứ tự áp dụng khi văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế có quy định khác nhau:

+ Hiến pháp;

+ Điều ước quốc tế;

+ Văn bản quy phạm pháp luật khác.

- Bổ sung trình tự, thủ tục rút gọn đối với đàm phán, ký, sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế.

- Điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ về vay nợ nước ngoài được đàm phán, ký, phê duyệt, sửa đổi, gia hạn theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công.

Luật Điều ước quốc tế 2016 có hiệu lực từ ngày 01/7/2016.

Đồng thời,Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Điều ước quốc tế 2016 có hiệu lực thi hành.

2. Luật sửa đổi các luật về thuế 2016

Ngày 06/4/2016, Quốc hội thông quaLuật số 106/2016/QH13sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế.

Trong đó, có một số điểm mới nổi bật như sau:

- Bỏ quy định cơ sở kinh doanh được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ nếu lũy kế sau ít nhất mười hai tháng tính từ tháng đầu tiên hoặc ít nhất sau bốn quý tính từ quý đầu tiên phát sinh số thuế giá trị gia tăng chưa được khấu trừ.

- Bổ sung các đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng:

+ Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật.

+ Sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên.

- Mức phạt tiền chậm nộp thuế là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.

Luật số 106/2016/QH13 có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016.

3. Luật An toàn thông tin mạng 2015

Luật An toàn thông tin mạng 2015 (ATTTM) gồm 8 chương 54 điều.

Luật này quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.

Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động an toàn thông tin mạng tại Việt Nam.  Theo đó, có một số điểm nổi bật như sau:

- Nguyên tắc bảo đảm ATTTM:

+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo đảm ATTTM.

Hoạt động ATTTM của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

+ Tổ chức, cá nhân không được xâm phạm ATTTM của tổ chức, cá nhân khác.

+ Việc xử lý sự cố ATTTM phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, không xâm phạm đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân, thông tin riêng của tổ chức.

+ Hoạt động ATTTM phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời và hiệu quả.

- Quy định rõ 06 trường hợp bị nghiêm cấm, xử lý vi phạm pháp luật về ATTTM.

Luật An toàn thông tin mạng 2015 có hiệu lực từ ngày 01/7/2016.

4. Luật Khí tượng thủy văn 2015

Ngày 23/11/2015, Quốc hội thông quaLuật Khí tượng thủy văn 2015(gồm 10 chương, 57 điều).

Luật quy định về hoạt động khí tượng thủy văn gồm: Quản lý, khai thác mạng lưới trạm; dự báo, cảnh báo; thông tin, dữ liệu; phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn; giám sát biến đổi khí hậu; tác động vào thời tiết; và quản lý nhà nước; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khí tượng thủy văn.

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài; tổ chức quốc tế tham gia hoạt động khí tượng thủy văn trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo đó, có những điểm nổi bật sau:

- Bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện củaLuật Đầu tư.

- Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, khai thác trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng có trách nhiệm báo cáo về hiện trạng các trạm thuộc quyền quản lý như sau:

+ Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.

+ Tổ chức, cá nhân báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trạm để tổng hợp báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Luật Khí tượng thủy văn 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn 1994hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

5. Luật Tố tụng hành chính 2015

Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)gồm có23 chương với 372 điều và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, trừ các quy định cụ thể hóa các quy định mới có liên quan của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017.

 Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) quy định Tòa án Nhân dân có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện của một số hành vi trong nội bộ tổ chức cơ quan, đơn vị như:Hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc.Tuy quy định Tòa án không can thiệp quá sâu vào hoạt động quản lý, điều hành của nội bộ cơ quan, đơn vị, điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền hạn của công dân. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chỉnh sửa bổ sung nội dung này theo hướng Tòa án Nhân dân có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện đối với người giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng hoặc chức vụ tương đương trở lên.

Ngoài ra, Luật còn có một số điểm đáng chú ý như sau:

- Quy định mới về quyền tiếp cận, trao đổi tài liệu, chứng cứ.

- Quy định rõ nguyên tắc đối thoại.

-  Quy định nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên tòa.

- Bổ sung các Chương sau so vớiLuật Tố tụng hành chính 2010:

+ Phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.

+ Thủ tục giải quyết khiếu kiện danh sách cử tri bầu cử đại biểu quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân.

+ Giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn tại tòa án.

+ Thủ tục giải quyết vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài.

+ Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính.

6. Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015

Luật này là cơ sở để mọi cá nhân, tổ chức thực hiện bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của nước ta. Theo đó:

- Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ được tổ chức từ ngày 01 đến 08/6 hằng năm.

- Các hải đảo sẽ được điều tra cơ bản, đánh giá tổng thể, toàn diện về điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường; thống kê, phân loại để lập hồ sơ và định hướng khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả.

- Việc nhận chìm vật, chất ở biển chỉ được thực hiện khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép chứ không phải diễn ra tùy tiện.

Đây là quy định rất quan trọng giúp tránh các tác động có hại đến sức khỏe con người, bảo vệ tiềm năng phát triển kinh tế của đất nước; hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu tới môi trường, hệ sinh thái biển.

7Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015

Luật An toàn, vệ sinh lao động có 7 chương và 93 điều, quy định về các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại cho người lao động; các biện pháp xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động và tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo đảm an toàn, vệ sinh  lao động đối với một số lao động đặc thù; bảo đảm an toàn, vệ sinh  lao động đối với cơ sở sản xuất kinh doanh và quản lý nhà nước về vệ sinh, an toàn lao động. Trong đó, đáng chú ý là quy định:

Trường hợp người lao động (NLĐ) giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) với nhiều người sử dụng lao động (NSDLĐ) thì NSDLĐ phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng HĐLĐ đã giao kết nếu NLĐ thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Theo quy định hiện nay, trong trường hợp NLĐ giao kết HĐLĐ với nhiều NSDLĐ thì chỉ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp với NSDLĐ của HĐLĐ giao kết đầu tiên.

NSDLĐ của các HĐLĐ còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của NLĐ khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của mình.

Như vậy, từ ngày 01/7/2016, với quy định mới trên thì những NSDLĐ của các HĐLĐ còn lại sẽ phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ bên cạnh việc chi trả cho NLĐ khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp hàng kỳ.

8. Luật Trưng cầu ý dân 2015

Luật quy định về việc trưng cầu ý dân; nguyên tắc trưng cầu ý dân; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong trưng cầu ý dân; trình tự, thủ tục quyết định việc trưng cầu ý dân và tổ chức trưng cầu ý dân; kết quả và hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân. Luật ra đời nhằm bảo đảm nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội.

TheoLuật Trưng cầu ý dân 2015thì công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi (trừ các trường hợp quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 25 Luật này) có quyền bỏ phiếu biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.

Theo đó, Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề sau đây:

- Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp.

- Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia.

- Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước.

- Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.

Ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân là ngày chủ nhật, do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định và được công bố chậm nhất là 60 ngày trước ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân.

Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố.

Luật trưng cầu ý dân 2015 được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2016.

9. Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng

Luật có 7 chương, 52 điều. Theo Luật này, thời hạn phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp trong thời bình như sau: Phục vụ có thời hạn ít nhất là 06 năm kể từ ngày quyết định chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp; phục vụ cho đến hết hạn tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp theo cấp bậc quân hàm: Cấp uý quân nhân chuyên nghiệp: Nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi; Thiếu tá, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp: Nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp: Nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi.

Quân nhân chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cao, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khoẻ và tự nguyện, nếu quân đội có nhu cầu thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 05 năm.

Chiến đấu viên thực hiện nhiệm vụ khi đủ 40 tuổi thì được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và được bố trí đảm nhiệm chức danh khác phù hợp với yêu cầu của quân đội hoặc được chuyển ngành. Trường hợp quân đội không thể tiếp tục bố trí sử dụng và không thể chuyển ngành được nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên thì được nghỉ hưu.

Theo Luật quy định, danh mục chức danh chiến đấu viên do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định. Hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân và viên chức quốc phòng được điều chỉnh như sau: Nam đủ 60 tuổi và Nữ đủ 55 tuổi.

10. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND gồm 10 chương và 91 điều. Luật này quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát.Nguyên tắc hoạt động giám sát:Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật;bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả; không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

11. Luật Thống kê 2015

Luật gồm 9 chương 72 điều và 01 phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia (tăng 1 chương, 30 điều so với Luật năm 2003 gồm 8 chương, 42 điều). Luật này quy định về hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước; tổ chức thống kê nhà nước và hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê ngoài thống kê nhà nước.

- Hoạt động thống kê nhà nước nhằm cung cấp thông tin thống kê phục vụ các mục đích:

+ Đáp ứng yêu cầu đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch, quy hoạch chính sách, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

+ Đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội;

+ Đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Hoạt động thống kê ngoài thống kê nhà nước nhằm cung cấp thông tin thống kê phục vụ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân và đáp ứng nhu cầu hợp pháp, chính đáng khác.

Luật Thống kê 2003hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực, trừ “Phân loại thống kê, chế độ báo cáo thống kê” được tiếp tục thực hiện cho đến hết ngày 30/6/2018.

12. Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi)

Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi) gồm 42 chương, 517 điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, trừ các quy định cụ thể hóa các quy định mới có liên quan của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Sau khi Luật này được thông qua, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án nhân dân giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và trình tự, thủ tục yêu cầu để Tòa án giải quyết các việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự, việc dân sự tại Tòa án; thủ tục công nhận và cho thi hành bản án tại Việt Nam, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài.

Bộ luật cũng quy định những nguyên tắc về thi hành án dân sự; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, của cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có liên quan nhằm bảo đảm cho việc giải quyết các vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật.

Điểm đáng chú ý trong Bộ luật này là quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Đây là một trong những điểm mới quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013, khắc phục một số bất cập trong thực tiễn xét xử các vụ án dân sự hiện nay.

13. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 gồm 17 chương, 173 điều, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển hai Luật hiện hành là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004, hợp nhất thành một Luật áp dụng thống nhất cho việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ Trung ương đến địa phương.

Nắm bắt được những thiếu sót cần phải hoàn thiện, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 ra đời thay thế Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008, với khá nhiều điểm mới đáng chú ý sau:

- Quy định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Giải thích rõ các ngữ nghĩa được dùng trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Bộ luật có chỗ đứng rõ ràng trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

- Cụ thể hóa một số nguyên tắc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Bổ sung đối tượng được tham gia đóng góp ý kiến: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Các tổ chức thành viên khác của Mặt trận.

Bổ sung tiểu mục vào bố cục của văn bản quy phạm pháp luật.

- Việc dịch văn bản quy phạm pháp luật có giá trị tham khảo.

- Bổ sung nội dung văn bản quy định chi tiết

- Cụ thể hóa việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hay đình chỉ thi hành văn bản quy phạm pháp luật…..

14. Luật Thú y 2015

Luật Thú y bao gồm 7 chương, 116 điều, quy định về phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; hành nghề thú y. Luật có một số quy định mới so với Pháp lệnh thú y năm 2004, cụ thể như sau:

1.Luật tiếp tục đề cao tầm quan trọng của việc phòng, chống dịch bệnh động vật qua việc khuyến khích các chủ cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tham gia Chương trình giám sát dịch bệnh động vật và xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật và được hưởng các quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan khi tham gia các chương trình này.

2.Luật quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức cá nhân có liên quan trong việc phòng, chống dịch bệnh động vật như khai báo, chẩn đoán bệnh, điều tra dịch bệnh; xử lý ổ dịch nhỏ lẻ, công bố dịch, tổ chức chống dịch trong vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm. 

3.Luật phân cấp thẩm quyền công bố dịch cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, tạo điều kiện để địa phương chủ động phòng, chống dịch bệnh được hiệu quả, thuận tiện và nhanh chóng bảo đảo khống chế được dịch ngay khi mới phát sinh trên địa bàn, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.

4.Luật quy định chỉ thực hiện kiểm dịch đối với động vật, sản phẩm động vật xuất tỉnh; đồng thời bỏ quy định kiểm dịch “theo số lượng, khối lượng”. Việc kiểm dịch được quản lý theo mối nguy cơ về dịch bệnh động vật như các cơ sở tham gia chương trình giám sát dịch bệnh, cơ sở an toàn dịch bệnh,... không phải thực hiện kiểm dịch mà chỉ thực hiện đăng ký kiểm dịch với cơ quan thú y để được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch lưu thông trong nước.

5.Luật quy định việc giết mổ động vật phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ tập trung và phải có sự kiểm soát của cơ quan thú y; trừ trường hợp tại các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn mà chưa có cơ sở giết mổ tập trung, luật mới cho phép được thực hiện tại cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ. Cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và do ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.

6.Luật quy định thuốc thú y phải được quản lý và bảo đảm chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật mới được cơ quan thú y cấp Giấy chứng nhận lưu hành trên thị trường.

7.Luật có nhiều quy định mạnh mẽ nhằm cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký kiểm dịch, thuốc thú y, hành nghề thú y như rút ngắn thời gian giải quyết, đơn giản hóa hồ sơ, cắt giảm thủ tục giấy tờ và nâng thời hạn của các loại giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán, xuất nhập khẩu thuốc thú y đều có thời hạn 05 năm.

8.Luật cho phép các cơ quan có thẩm quyền trong nước tổ chức thanh tra, kiểm tra tại nước xuất khẩu, cảnh báo và tạm dừng nhập khẩu các hàng hóa không đảm bảo, bảo vệ sản xuất trong nước.

Đặc biệt, Luật Thú y 2015 quy định tương đối chi tiết đối với từng lĩnh vực, khi có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 sẽ áp dụng được ngay, không chờ Nghị định và Thông tư hướng dẫn.

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: