Thứ hai, 23/12/2024

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới ở nước ta trong 30 năm qua đã giành được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để Đảng và nhân dân ta tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức rằng: Sự nghiệp cách mạng vĩ đại đó trong thời kỳ phát triển mới hiện nay đang diễn ra dưới sự tác động đan xen của những thời cơ và thách thức lớn... Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ "diễn biến hòa bình" của thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, diễn biến phức tạp…, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại, làm giảm sút lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức cảnh giác, ngăn chặn đẩy lùi những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, xấu độc của âm mưu "diễn biến hòa bình" trong giai đoạn hiện nay càng trở nên cấp thiết và cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

Cần nhận thức một cách đầy đủ rằng: "Diễn biến hòa bình" là chiến lược rất thâm độc, tấn công toàn diện, lâu dài và đã được các thế lực thù địch sử dụng từ lâu nhằm chống phá nước ta. Vì vậy, các thế lực thù địch cho rằng hiện nay đây là thời cơ thuận lợi nên chúng ra sức đẩy mạnh “diễn biến hòa bình” với những thủ đoạn rất tinh vi, thâm độc và điên cuồng, chống phá cách mạng nước ta toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Và, không loại trừ khi có điều kiện và thời cơ, chúng kết hợp cả bạo loạn lật đổ…. Song, trọng tâm, then chốt vẫn là phá hoại về chính trị - tư tưởng, coi đó là khâu đột phá, là mũi nhọn của cuộc tấn công thọc sâu và có sức lan tỏa rộng, đưa lại hiệu quả cao. Trong âm mưu "diễn biến hòa bình", chủ nghĩa đế quốc và các lực lượng thù địch cho rằng: Làn sóng điện sẽ thay thế các thanh gươm, còn cây bút là phương tiện đi vào trái tim khối óc của những người đang sống, 1 USD chi phí cho tuyên truyền có tác dụng bằng 5 USD chi cho quốc phòng. Vì vậy, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch rất chú trọng đến việc sử dụng các công cụ truyền thông đại chúng để tiến công vào Việt Nam. Chúng triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông trên mạng internet, các trang mạng xã hội để tuyên truyền kích động nhằm hạ uy tín về vai trò lãnh đạo của Đảng, làm băng hoại những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, khuyến khích lối sống thực dụng, hưởng thụ..., núp dưới chiêu bài "dân chủ", "nhân quyền", lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để truyền bá tư tưởng và các quan điểm tư sản; phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc; đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang nhân dân…

Như đã thành quy luật, cứ vào dịp đất nước ta tổ chức các sự kiện chính trị, các lực lượng thù địch trong và ngoài nước lại tung ra những thông tin bịa đặt, xuyên tạc sự thật nhằm bôi nhọ lãnh đạo, gây chia rẽ nội bộ với hy vọng làm lung lay niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta. Trước và trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vừa qua, vẫn với chiêu bài cũ rích, các thế lực thù địch, phản động ra sức chống phá, “hướng mũi” công kích vào công tác chuẩn bị và tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Ngoài việc kêu gọi, cổ vũ cho xu hướng “ứng cử tự do”; bôi nhọ, hạ thấp chất lượng ứng cử đại biểu Quốc hội, thổi phồng một số khuyết điểm, hạn chế trong công tác quản lý kinh tế - xã hội của đất nước…, chúng còn lớn tiếng hô hào “tẩy chay bầu cử”, ráo riết kêu gọi cử tri không nên đi bầu; lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc… một bộ phận quần chúng tham gia tụ tập đông người gây rối, biểu tình, làm mất ổn định chính trị, xã hội…, chống phá công tác tổ chức bầu cử tại một số địa bàn nhạy cảm… Trên một số diễn đàn, mạng xã hội, chúng hồ đồ suy diễn và kết luận rằng: “Dân chúng sẽ không đi bầu”; “Cuộc bầu cử ở Việt Nam lần này sẽ nhận quả đắng”; “Bầu cử là sự gò ép chứ không phải ý chí nguyện vọng của quần chúng nhân dân”… Một số người tự cho là “cấp tiến”, “yêu nước”, đã hô hào vận động tranh cử trên mạng, có nhóm lập facebook “Vận động ứng cử đại biểu Quốc hội 2016”, một tờ báo điện tử giả danh, ngang nhiên cử người xưng là “phóng viên” đi phỏng vấn, viết bài “đánh bóng”, lăng xê một số người tự ứng cử. Các cá nhân này đã vi phạm các quy định của pháp luật: Điều 20, Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin điện tử trên internet; Điều 65 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Một số trang mạng và đài, báo nước ngoài còn đưa ra các luận điệu xuyên tạc cuộc bầu cử này là không chính danh, chỉ là hội nghị Đảng Cộng sản mở rộng. Họ bày tỏ rõ ý định phá hoại cuộc bầu cử, trên trang của cái gọi là “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”, họ phát động “thảo luận đầu xuân” về tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đưa ra tuyên bố yêu cầu “xóa cơ chế Đảng cử, dân bầu”... Cùng trong thời gian này, trên mạng xã hội và đài, báo nước ngoài xuất hiện nhiều thông tin về việc những người tự ứng cử bị “gây khó dễ”, “phân biệt đối xử”; thậm chí có người còn cho rằng “đang có một chiến dịch “tẩy chay”, “đấu tố” những người tự ứng cử”... Vậy, sự thực là gì?

Một số cá nhân tự ứng cử đại biểu Quốc hội kỳ này có người là thành viên Đảng Dân chủ Việt Tân (một tổ chức phản động), đã tham gia tụ tập đông người gây rối trật tự nơi công cộng trái pháp luật, vi phạm Nghị định số 08/2005/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, có người tự ứng cử đã có những phát ngôn, bài viết trên mạng xã hội với những nội dung thiếu văn hóa, phản cảm, cổ vũ các đối tượng lợi dụng bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ môi trường, tụ tập đông người gây rối... Việc làm của họ được nhân dân, chính quyền nơi cư trú đóng góp, phê bình, không tín nhiệm và ghi nhận xét, điều đó không thể coi là “bị phân biệt đối xử, bị đấu tố”. Thực tế cho thấy những người đưa ra các luận điệu trên đã quên mất rằng, mỗi quốc gia có một thể chế chính trị khác nhau. Tại Việt Nam, việc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cuộc bầu cử đã được hiến định rõ ràng trong Điểm 1, Điều 4, Hiến pháp năm 2013 “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”…

Sau quá trình chuẩn bị khẩn trương, chu đáo theo đúng quy định của pháp luật, ngày bầu cử 22-5 vừa qua thực sự là ngày hội của toàn dân. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã diễn ra trong phạm vi cả nước và thành công tốt đẹp, tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao. Đây là cuộc bầu cử lớn nhất từ trước tới nay với hơn 69 triệu cử tri tại 91.476 tổ bầu cử trong cả nước đã đồng loạt đi bỏ phiếu tham gia lựa chọn những đại biểu ưu tú nhất để bầu 500 đại biểu Quốc hội, gần 4.000 đại biểu Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; gần 25.000 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và 124.000 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. Trên các phố phường, ngõ xóm, hệ thống loa truyền thanh liên tục gửi tới người dân những thông tin về cuộc bầu cử nhiệm kỳ này.

Đến 17 giờ ngày 22-5, cả nước đã hoàn thành chương trình bầu cử với 95,84% cử tri cả nước từ miền xuôi đến vùng cao biên giới, từ đồng bằng đến thành phố tới các đảo tiền tiêu đã đi bầu cử với tinh thần trách nhiệm và quyền lợi công dân. Có những nơi giao thông cách trở, đi lại khó khăn, nhưng cử tri vẫn đi bầu đông đủ. Nhiều người bị ốm đau, bệnh tật vẫn thực hiện trọn vẹn quyền và nghĩa vụ của mình khi hòm phiếu được đưa tới tận giường bệnh của các cơ sở y tế với niềm tin gửi trọn vào lá phiếu để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Kết quả bầu cử đạt được thật khác xa với luận điệu mà các lực lượng thù địch từng rêu rao; đã phản ánh sinh động, chân thực về một cuộc bầu cử thực sự dân chủ ở Việt Nam; khẳng định vai trò, trách nhiệm của cử tri và nhân dân cả nước trong tham gia cuộc bầu cử có ý nghĩa quan trọng này. Hơn thế, cuộc bầu cử còn là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của toàn dân, thực sự là ngày hội của non sông. Theo báo cáo của Ủy ban bầu cử một số địa phương cho thấy: Tất cả đều đạt yêu cầu và đúng quy định của Luật.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban bầu cử Thành phố cho biết đã bầu đủ 105 đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố nhiệm kỳ mới, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của thành phố đều đạt tỷ lệ phiếu bầu cao với tỷ lệ trên 70,%; trong số 105 đại biểu trúng cử có 7 người ngoài Đảng, 33 người tái cử, 15 người dưới 35 tuổi, 46 nữ..; 04 người tự ứng cử thì có 02 đã người trúng cử. Tại Hà Nội, theo Ủy ban bầu cử thành phố, cuộc bầu cử trên địa bàn Thành phố đã diễn ra an toàn, đúng quy định của pháp luật, ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân, số cử tri đi bầu đạt tỷ lệ 98.98%. Kết quả là Thành phố đã bầu đủ 30 đại biểu Quốc hội và 105 đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố. Thành công của cuộc bầu cử lần này, một lần nữa góp phần khẳng định bản chất ưu việt của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và những giá trị truyền thống cốt lõi của dân tộc Việt Nam, quyền làm chủ của nhân dân thực sự được phát huy. Đó là việc người dân luôn chủ động, trách nhiệm, thực hiện trọn vẹn trách nhiệm, bổn phận công dân đối với Tổ quốc.

Thực tiễn cho thấy, từ khi có chính quyền cách mạng, nhân dân ta luôn biết cách trân trọng, bảo vệ và thực hiện quyền, nghĩa vụ chính đáng. Quyền và nghĩa vụ công dân không chỉ thể hiện trong ngày bầu cử, mà hơn thế, còn được minh chứng trong suốt quá trình tham gia đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu. Việc mở thùng phiếu được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và minh bạch. Các ứng cử viên, người được ứng cử viên ủy quyền, cơ quan của ứng cử viên, phóng viên báo chí được tiếp cận, chứng kiến việc mở hòm phiếu và kiểm phiếu, bảo đảm tính công khai, công bằng trong bầu cử. Tất cả các tổ bầu cử đã thực hiện việc kiểm phiếu theo đúng quy trình và đúng luật. Điều đó đã khẳng định bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa; khẳng định chân lý: Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhân dân tổ chức ra Nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước ở các cấp. Thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, để thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước; góp phần thiết lập ra bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội.

Một số tờ báo nước ngoài đã ghi nhận phản ánh, phân tích, đánh giá cao tính dân chủ trong công tác bầu cử và cho rằng: Tất cả công dân Việt Nam đều đã thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc ứng cử và bầu cử theo đúng nguyên tắc và quy định của pháp luật. Thắng lợi của cuộc bầu cử ở nước ta vừa qua đã khẳng định niềm tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và là đòn đáp trả mạnh mẽ làm thất bại âm mưu thủ đoạn đen tối, thâm độc của các thế lực thù địch trong chiến lược "diễn biến hòa bình”./.

TS. Vũ Ngọc Am

Tạp chí Cộng sản điện tử

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: