Thứ hai, 23/12/2024

Cụ Đỗ Thế Việt (SN 1928), Bí thư đầu tiên của Cẩm Phả, kể: Sáng sớm ngày 30-3-1959, tôi được lãnh đạo Khu ủy Hồng Quảng điện báo Bác Hồ sẽ về thăm vùng than Cẩm Phả. Cấp trên yêu cầu phải bí mật, còn về địa điểm thì chọn nơi nào để Bác vừa thăm mỏ, lại vừa được ngắm cảnh. Tôi nghĩ ngay đến tầng than Đèo Nai, vừa là trung tâm của vùng than Cẩm Phả, vừa có vị thế đẹp, bởi đứng trên đó sẽ bao quát được cả thị xã và vịnh Bái Tử Long. Tôi gọi cho anh Nguyễn Thanh Đính, lúc đó là Giám đốc Xí nghiệp Than Cẩm Phả để thống nhất kế hoạch đón Bác. Tầm 10 giờ Bác sẽ đến, vì thế chúng tôi đã thống nhất phải cho công nhân ca 1 nghỉ sớm một chút và ca 2 thì lên tầng sớm hơn để nhiều thợ mỏ có cơ hội được gặp Bác. Tầm hơn 10 giờ, chiếc Răng-rô-ve đưa Bác lên. Tôi bảo anh Nguyễn Minh Chính là Quản đốc và anh Mai Đức Khâm là Bí thư chi bộ công trường, đi cùng Bác lên tầng than 10 theo kế hoạch đã định. Tôi nhớ, hôm ấy đi cùng Bác có đồng chí Lê Thanh Nghị, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng (sau là Phó Thủ tướng).

bac-tham-deo-nai-1

Bác Hồ trên công trường than mỏ Đèo Nai - Ảnh tư liệu

Còn ông Mai Hữu Phần, trú tại khu Nam Tiến, phường Cẩm Bình, thành phố Cẩm Phả thì kể, hồi Bác về thăm Đèo Nai, ông là công nhân, kiêm Thư ký Công đoàn bộ phận của Công trường than Thủ công, thuộc Xí nghiệp Than Cẩm Phả. Khi Bác đến, ông cùng anh em công nhân vui sướng reo lên: “Bác Hồ, Bác Hồ!”. Bác giơ tay lên bảo anh em ngồi xuống rồi trò chuyện thân tình như người cha trò chuyện với các con.

Không quản bụi bặm, Người leo lên tận tầng 10 công trường khai thác cơ khí mỏ Đèo Nai, đến từng cỗ xe goòng, trò chuyện với công nhân và dặn dò. Bác cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế: Chất lượng than khai thác còn kém, than cục chưa bảo đảm tỷ lệ quy định; công tác bảo hộ lao động còn yếu. Bác nói: “Cán bộ có cố gắng, nhưng chưa đầy đủ và còn một số cán bộ quan liêu, mệnh lệnh, cần phải gần gũi giúp đỡ công nhân sản xuất. Công nhân và cán bộ đoàn kết thành một khối thì việc gì cũng làm được”.

bac-tham-deo-nai-2

Phù điêu trước trụ sở làm việc của Công ty

Bác bảo: “Trước đây 4, 5 năm, khu mỏ này của thực dân Pháp, công nhân còn là nô lệ bị bóc lột và đàn áp khổ cực. Ngày nay, khu mỏ là của nhân dân nói chung và của công nhân nói riêng. Công nhân là giai cấp lãnh đạo, là chủ khu mỏ thì phải làm sao cho xứng đáng; để xe máy hỏng, lười biếng, lãng phí đều không xứng đáng vai trò làm chủ. Muốn làm những người chủ xứng đáng thì phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Bây giờ chúng ta làm cho mình, cho nhân dân và cho con cháu chúng ta nữa”. Bác đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công tác thi đua: “Phải cố gắng thi đua, thi đua liên tục, mọi ngành, mọi người thi đua. Muốn thi đua tốt phải giúp đỡ nhau, người giỏi giúp người kém để cùng tiến bộ”. Đối với cán bộ, Bác dạy phải lao động trực tiếp cùng công nhân, để bớt quan liêu và giải quyết ngay được những vướng mắc trong sản xuất.

Sau khi đi thăm tầng than, Bác vào thẳng nhà ăn trên công trường. Bác hỏi chị em cấp dưỡng cho anh em ăn mấy món. Rồi Bác dặn: “Anh em công nhân mỏ làm việc vất vả, các cô phải cơm dẻo, canh ngọt cho mọi người”. Ông Mai Hữu Phần kể, lúc phải chia tay Bác, ai cũng bịn rịn. Hình ảnh Bác đến thăm công trường Đèo Nai hôm ấy tận đến hôm nay vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người thợ mỏ. Ông Phần, ông Việt cũng như những thế hệ của công ty mãi không thể quên hình ảnh Bác Hồ với bộ bà ba nâu giản dị, ánh mắt sáng ngời, nụ cười đôn hậu, phong thái gần gũi và một giọng nói ấm áp đầy sức thuyết phục trên tầng than Đèo Nai đầy nắng gió, thật vĩ đại mà thân thương… Đó sẽ là động lực, là niềm tin cho cán bộ, công nhân Đèo Nai vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Cũng từ ngày tháng lịch sử đó, tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty cổ phần Than Đèo Nai luôn tâm niệm phấn đấu thực hiện tốt những lời huấn thị ân cần của Người, xem đó là mệnh lệnh thực hiện nhiệm vụ, thi đua lao động sản xuất nâng cao sản lượng khai thác than. Cũng kể từ khi Bác Hồ về thăm, hàng năm Đèo Nai đều phát động phong trào “Cán bộ, công nhân làm theo lời Bác”, coi đây là nội dung trọng tâm gắn liền với những quy định, điều hành của doanh nghiệp. Nhờ có quy định chặt chẽ, được tuyên truyền sâu rộng nên ý thức tiết kiệm của cán bộ, công nhân được nâng lên rõ rệt, góp phần tiết kiệm chi phí vật tư, xăng dầu, điện năng, làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng. Đặc biệt, công ty đã đẩy mạnh việc trồng cây xanh hoàn nguyên môi trường, theo đó, vào dịp Tết trồng cây hằng năm, đông đảo cán bộ, công nhân công ty đều tham gia trồng cây, bảo đảm môi trường mỏ sau khai thác luôn xanh tươi.

Phạm Học

Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 395

Theo http://tuanbaovannghetphcm.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: