Thứ hai, 23/12/2024

nha bao duc

Nhà báo, nhà thơ, dịch giả văn học Franz Faber và Bác Hồ năm 1954 (ảnh tư liệu)

Lần nào cũng vậy, có dịp sang Đức tôi lại đến thăm các nhà báo từng công tác ở Thông tấn xã ADN, trước hết là những người đã thường trú ở Việt Nam hoặc đã sang thăm Việt Nam. Trong những câu chuyện thân tình, họ nhắc lại nhiều kỉ niệm tốt đẹp về con người và đất nước ta. Một số vị đã già, tuổi ngót 80, 90 nhưng vẫn sôi nổi kể cho tôi nghe những lần được gặp Bác Hồ. Có lẽ sôi nổi nhất vẫn là cụ Franz Faber, nhà báo Đức đầu tiên đã sang công tác ở Việt Nam và là người cùng vợ là Irene dịch Truyện Kiều ra tiếng Đức. Khi viết những dòng này, tôi rất buồn được tin cụ đã qua đời.

Năm 1954, ở tuổi 38, Faber là ủy viên Ban biên tập báo Nước Đức Mới, dẫn đầu một đoàn nhà báo và điện ảnh Đức tới nước ta để viết báo, ghi hình trong hai năm. Sau chuyến đi ấy, ông hoàn thành tập bút ký Sông Cái rực hồng, được Nhà xuất bản Kongress ấn hành với số lượng lớn cùng lời thuyết minh cho hai bộ phim tài liệu quý về Việt Nam do các nhà điện ảnh Đức thực hiện.

Ông già Faber có trí nhớ tuyệt vời và giọng nói rõ ràng, nhiều khi hóm hỉnh. Cụ kể: “Cuối năm 1954, tôi có dịp được theo Bác Hồ lên Việt Bắc. Khi nghỉ chân trên một khu đồi thoáng mát, Bác bảo tôi cùng ăn cơm với Người. Vừa ăn vừa nói chuyện, Người hỏi tôi: “Chú có biết nhiều về văn học Việt Nam không?". Tôi thưa với Bác: “Ở Đức, dường như văn học Việt Nam chưa được giới thiệu gì cả!”. Người nói: “Muốn hiểu văn học Việt Nam, trước hết nên đọc Kiều. Đó là tác phẩm của Nguyễn Du, nhà thơ lớn nhất của chúng tôi. Ở tác phẩm ấy kết tinh nội dung nhân văn và tài năng nghệ thuật đến độ cao hiếm thấy. . .”. Rồi Người khuyên tôi: Hãy gắng đọc Kiều, hiểu Kiều. Nếu thấy hay, thấy được, chú hãy dịch và giới thiệu với các bạn ở Đức. Thế là, giữa một buổi sáng đẹp trời ở Việt Bắc, nơi có cảnh núi non hùng vĩ, nên thơ, có những con người bình dị, dũng cảm, tôi được nghe Bác Hồ giới thiệu về Truyện Kiều. Hơn thế, chính Người đã khích lệ tôi dịch Truyện Kiềura tiếng Đức”.

Cụ Faber nhìn tôi, nheo nheo mắt: "Anh biết không, khi về nước, tôi nói với vợ tôi: “Anh đã “phải lòng" một cô gái Việt Nam rồi em ạ!" Và tôi kể chuyện nàng Kiều - một thiếu nữ tài hoa xinh đẹp đã phải trải qua bao nỗi truân chuyên. Đến lượt vợ tôi, sau khi đọc nguyên bản Truyện Kiều, cũng không cầm được nước mắt. Vợ chồng tôi đặt quyết tâm chuyển ngữ Truyện Kiều ra tiếng Đức. Nhà tôi học tiếng Việt, đồng thời gọi điện sang Pháp hỏi các chuyên gia về hàng loạt điển tích trong Truyện Kiều. Nhà tôi dịch nghĩa từng đoạn và tôi chuyển thành thơ. Như vậy công lao vợ tôi lớn hơn, nên tôi để tên Irene lên trước tên tôi. Sau 7năm bản dịch hoàn thành và được xuất bản

Đúng vào năm bản dịch Truyện Kiều ra đời ở Đức, ông bà Faber được cử sang thường trú tại Việt Nam, với tư cách đại diện của Thông tấn xã Đức ADN và báo Nước Đức Mới. Bác Hồ và nhiều nhà lãnh đạo, nhà văn hóa nước ta được gửi biếu bản dịch này với lời đề tặng của Chủ tịch Quốc hội Đức Johannes Dickmann. Gặp ông bà Faber trong dịp mừng Quốc khánh Cộng hòa Dân chủ Đức ở Hà Nội, Bác Hồ hỏi: Anh chị đã dịch Truyện Kiều trong bao lâu?”. Họ thưa với Bác: “Thưa đồng chí Chủ tịch,  trong 7 năm ạ!”.  Bác cười: "Thế là trong 7 năm đó các bạn chỉ nghĩ đến Việt Nam".

Khi tôi hỏi về những lần khác được gặp Bác Hồ, cụ Faber nói: "Tôi không thể kể hết, vì là nhà báo,  lại là nhà báo của nước anh em nên tôi rất nhiều lần được gần Bác. Như ngày mới sang Việt Nam, vào một buổi tối mùa đông giá lạnh, tôi và nhà báo Úc Burchett, nhà báo Pháp Riffaud được Bác mời đến nhà riêng tại Phủ Chủ tịch nói chuyện thân tình. Người nói về nông dân, về bộ đội với tất cả tình thương yêu bao la của một vị cha già. Tôi còn có dịp đi theo Người đến dự một hội nghị cải cách ruộng đất. Tôi nhiều lần được phỏng vấn Người và Người đã vui lòng trả lời để chuyển đăng rộng rãi trên các báo Đức. Lần sau cùng được gặp Người là một ngày tháng hai năm 1965. Chúng tôi gồm mấy nhà báo Liên Xô, Đức, Tiệp Khắc đến thăm Người sau khi ở Đồng Hớc về. Đây là lần đầu tiên máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc. Bác Hồ nói với chúng tôi:"Với Đồng Hới, Mỹ bắt đầu thua ở Việt Nam rồi đấy!".

Tôi cũng đã đến thăm cụ Artur Mannbar, Cựu Phó Tổng Giám đốc thứ nhất kiêm Tổng Biên tập Thông tấn xã ADN. Cụ cho biết: Cụ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp vào buổi sáng ngày 10/7/1961 trong dịp dẫn đầu đoàn cán bộ Thông tấn xã Đức sang thăm Việt Nam lần đầu Trước đó ít hôm,cụ có nhờ Ban lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam chuyển lên Phủ Chủ tịch một số câu phỏng vấn với mong ước được Hồ Chủ tịch trả lời.

Cụ Mannbar kể: "Đó là một buổi sáng mùa hè rất đẹp trời mà tôi không thể nào quên được. Hà Nội với những vòm cây cao xanh và hồ nước trong mát.Những  đường nhựa phẳng lì. Ngay từ sáng sớm, ở thành phố này diễn ra một nhịp sống thật náo nhiệt. Tiếng xe điện, tiếng rao hàng, tiếng chuông reo của những dòng người đi xe đạp...

Xe nhẹ nhàng đỗ trước cổng Phủ Chủ tịch. Chúng tôi được dẫn vào tầng dưới ngôi nhà sàn của Bác Hồ. Chúng tôi đợi Người ở đấy. Tôi còn kịp lướt nhìn mọi thứ được sắp xếp trong phòng khách của Người. Gọi là phòng khách của một vị nguyên thủ quốc gia mà thật vô cùng đơn giản, có lẽ không khác những ngôi nhà của nông dân Việt Nam mà tôi từng có dịp đến. Trong gian phòng này, có lẽ chỉ có bộ bàn ghế mây được coi là nổi bật và sang trọng nhất. Và cũng có lẽ đây là nơi yên tĩnh hơn bất cứ ở đâu. Tôi nghe rõ tiếng chim hót trong những lùm cây lóa nắng trong vườn...

Rất đúng giờ, Bác Hồ từ trên thang gác nhanh nhẹn bước xuống. Người mặc bộ quần áo màu trắng, áo ngắn tay, may theo kiểu quần áo nông dân Việt Nam. Người đi dép cao su đen, mang bít tất ngắn cũng màu trắng. Bắt tay chúng tôi. Người chào hỏi rất thân mật. Người vui vẻ nói: "Tôi cũng là nhà báo đây các đồng chí ạ!”.

Nghe câu nói ấy, lòng tôi không khỏi tự hào vì được Bác nhận là đồng nghiệp. Tôi cảm thấy thật  vững tâm, bởi vì còn gì hơn là được ngồi bên một đồng chí cách mạng lão thành mà tên tuổi đã trở nên thân thiết với những người cộng sản.

Bác  mời chúng tôi uống trà, hỏi thăm sức khỏe gia đình, nhắc lại một vài kỷ niệm của Người về nước Đức dưới thời bí mật cũng như về nước Cộng hòa Dân chủ Đức mà Người đã sang thăm cách đó bốn năm”…

Cụ Mannbar sung sướng kể lại với Bác Hồ các cảm tưởng trong thời gian ở thăm Việt Nam, nhất là về Vĩnh Linh với lá cờ đỏ sao vàng tung bay ở phía bờ Bắc sông Hiền Lương. Trong khi báo cáo với Bác, cụ được Người hỏi thăm rất kỹ về tình hình Cộng hòa Dân chủ Đức trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau đó, nhìn nhà báo Mannbar, Người nói dịu dàng:

- Tôi đã đọc kỹ những câu phỏng vấn của đồng chí. Nhưng tôi sẽ không trả lời bằng văn bản đâu Hôm nay tôi cứ phát biểu rồi tùy đồng chí chọn lọc, sắp xếp, muốn viết thế nào thì viết...

Cụ Mannbar nói với tôi: “Nghe Bác Hồ chỉ rõ cách làm việc nhu vậy tôi thấy tự hào vì được Người tin tưởng, song cũng không ít lo lắng, vì trách nhiệm càng lớn,càng nặng nề hơn . Thông thường, các vị lãnh đạo cấp cao đều trả lời bằng văn bản, chúng tôi chỉ việc dịch nguyên văn bản và cho công bố. Đằng này chúng tôi phải tập trung nghe, ghi chép và sau đó viết lại, đánh máy sạch sẽ rồi gửi lên xin Người cho duyệt một lần nữa".

Đã nhiều năm trôi qua, kể từ ngày cụ Mannbar gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Song trong ký ức, cụ vẫn còn xúc động về thái độ ân cần của vị lãnh tụ, về những lập luận sáng rõ, súc tính kèm theo nhiều số liệu, mẩu chuyện sinh động trước những vấn đề chính trị lớn của Việt Nam. Cụ cho biết: Các vấn đề chính trị trọng đại được Hồ Chủ tịch diễn đạt rất lôi cuốn, hấp dẫn. Cụ đã chép đầy một cuốn sổ tay những điều Bác Hồ đã nói, sau đó chuyển bằng tê-lếch về Cộng hòa Dân chủ Đức và được công bố trên tất cả các báo ở Trung ương và địa phương.

Sau đó gần 10 năm, cụ Mannbar lại có dịp sang thăm Việt Nam. Tôi được cơ quan TTXVN cử đi làm phiên dịch cho cụ và các thành viên của đoàn. Đó là vào cuối năm 1970. Cụ lấy làm tiếc là không được gặp Bác Hồ nữa. Nhưng bù vào đó, cụ và các nhà báo Đức đã vào Nghệ An thăm quê Bác. Cụ Mannbar rất xúc động ghi lại những dòng tự đáy lòng vào sổ cảm tưởng của Bảo tàng Kim Liên.

Tôi từng viết về các kỷ niệm của cụ Walter Heilig, Chủ nhiệm Trung tâm ảnh (ZB) trực thuộc Thông tấn xã ADN và cụ Horst Sturm, phóng viên ảnh và chính trị - ngoại giao qua những lần đuợc tháp tùng và chụp ảnh các hoạt động của Bác Hồ tại Đức trong dịp Người sang thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Đức (tháng 7/1957). Được chụp ảnh Bác Hồ, Walter Heilig coi đó là “niềm vinh dự của tôi". Tấm ảnh Bác Hồ và Chủ tịch Wilhelm Pieck ôm hôn nhau thân thiết tại nhà riêng của Chủ tịch ở Berlin được lưu truyền rộng rãi, đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ của tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Đức. Cụ nói với tôi: "Đời người phóng viên thật có những phút sung sướng, vinh dự không ngờ. Đối với chúng tôi,  Bác Hồ đã trở thành một con người vừa gần gũi vừa thân thiết, vừa như một nhân vật trong truyền thuyết... Điều tôi nhớ nhất trong giờ phút Người đến thăm Chủ tịch Wilhelm Pieck của chúng tôi là cử chỉ hết sức nhẹ nhàng, hết sức dịu dàng của Người, không có gì là vồ vập, ôn ào, xã giao cả. Một sự dịu dàng xuất phát từ tình cảm vô cùng đằm thắm của Người đối với cụ Chủ tịch. Chúng tôi biết, trong những ngày đó, Người đã rất băn khoăn, lo lắng trước sức khỏe của người lão đồng chí. Nghĩ đến nỗi niềm đó, mỗi chúng tôi ở Cộng hòa Dân chủ Đức đều rất cảm ơn Người”.

Do quan hệ thân thiết với nhau đã từ lâu, vừa qua, trong chuyến thăm Đức dài ngày, cụ Horst Sturm mời tôi đến ở nhà cụ và hết lòng săn sóc. Chính vì được ở cùng, cụ đã có thể giới thiệu cho tôi xem hàng trăm bức ảnh cụ chụp với Bác Hồ. Cảm tưởng bao trùm của cụ về Bác Hồ là: "Một con người trọn vẹn". Cụ nói rằng, dù ở hợp tác xã nông nghiệp hay đơn vị quân đội, Bác Hồ luôn luôn thể hiện một tấm lòng gắn bó của vị lãnh tụ đối với quần chúng nhân dân. Cụ đã tặng tôi một số ảnh Bác Hồ do cụ chụp gần 60 năm trước.  Với tôi, đó là món quà xuân có ý nghĩa đặc biệt./.

Trần Đương

Theo http://vanhien.vn

Thanh Tâm (st)

Bài viết khác: