Thứ hai, 23/12/2024

Một trong những vấn đề Vua Minh Mệnh quan tâm chú trọng nhất trong thời kỳ làm Vua (1820-1840) là chủ quyền vùng biển đảo quốc gia. Thư tịch của triều Nguyễn, tộc phả của các dòng họ ở các tỉnh Nam Trung bộ (Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Định), đặc biệt là kho Châu bản hiện còn đã chứng minh: Minh Mệnh là một vị Vua cho công bố nhiều văn bản Nhà nước nhất về việc quản lý vùng biển đảo Hoàng Sa.

trieu minh menh.jpg

Bản dập mộc bản ghi việc Vua Minh Mệnh giúp thuyền buôn phương Tây

bị mắc cạn ở Hoàng Sa năm 1836.

Cho đến nay đã phát hiện được 14 văn bản triều Minh Mệnh liên quan đến Hoàng Sa, ghi chép lại trên các hình thức công văn khác nhau bao gồm: Tấu, Phúc tấu, Dụ (Tấu là các bản tâu trình của viên quan phụ trách ở các địa phương, ở các Bộ lên nhà Vua đương trị vì. Phúc tấu là bản tâu lần thứ hai (hoặc lần thứ ba) của địa phương và các Bộ sau khi đã sửa chữa, bổ sung theo ý chỉ Nhà Vua. Dụ là bản chỉ thị của nhà Vua ban xuống cho các địa phương, các Bộ xem xét những việc cần bàn bạc hay thực thi những việc mà nhà Vua đã chuẩn y).

Trước hết, triều đình xác định vùng biển Hoàng Sa là nơi trọng yếu của quốc gia: ''Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu". Để có thể quản lý chặt chẽ lãnh hải, biển đảo, Vua Minh Mệnh đã phái người trực tiếp đến vùng biển đảo Hoàng Sa thực hiện việc đo vẽ, bổ sung những khiếm khuyết trong lịch sử, hình thành nên một hệ thống bản đồ chi tiết: ''Trước kia đã phái vẽ bản đồ mà hình thế nó xa rộng, mới chỉ được một nơi, cũng chưa được rõ ràng. Hàng năm nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển''.

Triều thần theo ý chỉ nhà Vua nhấn mạnh việc thám sát, đo vẽ cần được thực hiện toàn diện, tránh bỏ sót về địa hình tự nhiên, cự ly, kích thước của các hòn đảo, dù to hay nhỏ... "Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, khi thuyền đi đến, cũng xem xét xứ ấy, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và bốn biển xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ. Lại, xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào, căn cứ vài thuyền đi, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại, từ xứ ấy trông vào bờ, đối thẳng là tỉnh nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào... Nhất nhất nói rõ, đem về tâu trình''. Liên tục trong 6 năm từ 1834 đến 1839, hàng năm Vua Minh Mệnh đều cử các đội thuyền ra Hoàng Sa thực hiện đo vẽ bản đồ.

Theo các sử liệu mới được phát hiện, trong năm không chỉ một lần triều đình đưa người ra Hoàng Sa, năm 1834 đã có tới ít nhất hai đội thuyền được cử đi. Sách Đại Nam thực lục chép "năm Minh Mệnh thứ 15 (1834), Đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền đến đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi vẽ bản đồ". Văn bản gốc của tờ Lệnh năm Minh Mệnh thứ 15 (1834), tháng 4, ngày 15, có dấu triện của Quan Bố chánh và Án sát sứ tỉnh Quảng Ngãi, hiện được lưu lại trong Gia phả của dòng họ Võ làng An Vĩnh, huyện Lý Sơn cho biết: Ông Võ Văn Hùng là người thuộc gia tộc họ Võ (Văn) tại làng An Vĩnh, một dòng họ có nhiều người đi Hoàng Sa trong nhiều thế kỷ.

Việc thám vãng, đo đạc trên vùng biển xa xôi, thường xuyên gặp trở ngại như gió to, bão lớn... do thiên nhiên gây ra, có những năm Thuyền trưởng cùng thủy thủ của đội thuyền phải mấy tháng trời bươn chải lênh đênh trên biển và các đảo. Quốc sử triều Nguyễn chép: Hai năm 1838 và 1839, dân binh ra Hoàng Sa, từ tháng 3 đến hạ tuần tháng 6 mới trở về.

Đồng thời với việc đo đạc, vẽ bản đồ, triều Minh Mệnh còn thường xuyên tiến hành cắm mốc để khẳng định chủ quyền lãnh hải và biển đảo quốc gia. Vào năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), nhà Vua đã ngự phê như sau: ''Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4,5 thước, rộng 5 tấc, khắc sâu hàng chữ "Năm Bính Thân (năm Minh Mệnh thứ 17) họ tên Cai đội thủy quân phụng mệnh đi đo đạc cắm mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu". Sau đó, bộ Công đã phái thủy quân Chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhựt (Nhật) giờ Mão đi Ô thuyền rời Thuận An vào Quảng Ngãi quản suất việc vãng thám Hoàng Sa. Bộ Công giao cho quan quân làm đủ số cột mốc gửi gấp vào Quảng Ngãi. Nhà Vua tiếp tục ban chỉ thị: ''Báo gấp cho Quảng Ngãi thực thu ngay, giao cho tên ấy nhận biện" và nhắc nhở "Thuyền nào đi tới đâu, cắm mốc tới đó để lưu dấu".

Không chỉ sử dụng gỗ để làm cột mốc, mà triều Nguyễn còn sử dụng cả những vật liệu chắc bền như gạch, đá để cột mốc chủ quyền được lưu giữ lâu dài. Năm 1834, Vua Minh Mệnh đã sai binh lính đi dựng miếu thờ thần và lập bia ở đảo Hoàng Sa, nhưng vì sóng to gió lớn không làm được, nên vào tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), sai Cai đội Thủy quân Phạm Văn Nguyên đem lính thợ Giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến dựng miếu, lập bia đá đảo Hoàng Sa.

Nhằm khuyến khích thủy thủ, dân binh các đội thuyền ra công tác tại Hoàng Sa, Vua Minh Mệnh đã thực hiện ban thưởng rất ưu đãi và kịp thời. Trong nhiều bản Dụ chỉ đều nhắc nhở phải lưu ý trọng thưởng bằng lương hoặc tiền, vì: ''binh dân hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đi Hoàng Sa... lặn lội biển cả cực khổ''. Đối với các thuyền chuyên chở dân binh ra Hoàng Sa đều được miễn thuế cả năm. Bên cạnh ban thưởng, triều Minh Mệnh cũng thực hiện nghiêm túc việc trách phạt những viên chỉ huy hoặc thủy thủ chưa làm tốt chức nhiệm được giao như khởi hành chậm trễ, vẽ họa đồ chưa chu tất...

Vùng biển Hoàng Sa xưa nay vẫn nổi tiếng là nơi có nhiều nguy hiểm rình rập, vì vậy, nhiều tàu buôn đi qua đây rất hay bị những tai nạn bất thường như mắc cạn hoặc va phải đá ngầm... dẫn đến tàu đắm, thiệt hại hàng hóa, thậm chí có người tử vong... Các quan ở các cửa biển và chính Vua Minh Mệnh đã không ít lần phái người đối xử rất chu đáo đối với những thuyền buôn phương Tây gặp nạn trên vùng biển này.

Năm Minh Mệnh thứ 11 (1830), Quan Thủ ngự cảng Đà Nẵng tâu báo về triều đình: Thuyền buôn của một người Pháp tên là Ê-đoa, Thuyền trưởng Đô-ô-chi-ly, phái viên Lê Quang Quỳnh cùng thủy thủ đoàn, ngày 20 tháng 6, rời cảng Đà Nẵng đi Lữ Tống (Lucon) buôn bán. Giờ Dần ngày 27, Ê-đoa và 11 thủy thủ đi trên chiếc tam bản lớn cập cảng nói rằng: Canh 2 đêm 21, ở phía Tây Hoàng Sa (xứ Cát Vàng), thuyền đụng đá ngầm bị ngập nước. Thuyền trưởng và phái viên còn đi sau, cảng đã phái thuyền đem theo nước uống để cứu hộ, giờ Ngọ đã gặp và đưa họ về cảng.

Sách Đại Nam thực lục chép ''Mùa đông, tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), thuyền buôn Anh Cát Lợi (nước Anh) đi qua Hoàng Sa, mắc cạn, bị vỡ và đắm; hơn 90 người đi thuyền tam bản đến bờ biển Bình Định. Vua (Minh Mệnh) được tin, ban Dụ cho các quan đầu tỉnh sắp xếp nơi trú ngụ, hậu cấp tiền và gạo cho họ. Lại phái thị vệ thông ngôn đến dịch lời thăm hỏi, tuyên Chỉ ban cấp. Bọn họ đều quỳ dài, khấu đầu không thôi. Sự cảm kích biểu lộ ra lời nói và nét mặt... Ngoài ra, nhà Vua còn sai thưởng cho thuyền trưởng và đầu mục, mỗi người 1 áo đoạn vũ hàng màu, 1 quần vải tây và 1 chăn vải; các người tùy tùng mỗi người 1 bộ áo quần bằng vải màu. Ban Sắc sai Nguyễn Tri Phương và Vũ Văn Giải đưa họ sang bến tàu Hạ Châu, cho về nước''.

Chính sách quản lý vùng biển đảo Hoàng Sa của triều Minh Mệnh khá toàn diện và tương đối chặt chẽ, từ xây dựng hệ thống bản đồ, lập bia cắm mốc đến thường xuyên cử đội thuyền ra các đảo hay thực hiện việc cứu hộ các tàu buôn nước ngoài... Tất cả những điều đó đã minh chứng triều Nguyễn là chủ nhân thực sự của vùng biển đảo Hoàng Sa.

TS. Nguyễn Hữu Tâm (Viện Sử học ViệtNam)

 Nguồn: Theo bienphong.com.vn

Minh Nguyệt (st)

Bài viết khác: