Thứ hai, 23/12/2024

Năm 2016 đánh dấu một sự kiện lịch sử khá đặc biệt: Cách đây tròn 200 năm (1816-2016), Vua Gia Long thân chinh ra Hoàng Sa thực hiện chủ quyền. Sự kiện này không chỉ khiến mọi công dân Việt Nam hết mực dõi theo, mà còn làm cho cả nhân loại yêu chuộng hòa bình, công lý quan tâm chú ý.

200 nam truoc

Minh họa: Minh Khuê

Trên 40 lượt triển lãm bản đồ và tư liệu lịch sử - pháp lý chứng minh phần lãnh hải ở Biển Đông với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vừa qua tại hàng loạt các tỉnh, thành phố đã chứng minh hùng hồn cho toàn thế giới biết về chân lý ấy. Những chứng cứ lịch sử và pháp lý về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam thì có rất nhiều, từ trước cả năm Canh Tuất 1490, là năm Vua Lê Thánh Tông cho vẽ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào bộ Hồng Đức bản đồ.

Người Việt ta đã thực hiện quyền khám phá, quản lý và khai thác Biển Đông diễn ra thường xuyên và liên tục từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đến năm 1815, Vua Gia Long sai cai đội Đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa Phạm Quang Ảnh đi tiền trạm ra quần đảo Hoàng Sa để dọn đường cho năm sau (1816) đích thân nhà vua ra tận đảo thực hiện chủ quyền. Sách Ðại Nam thực lục chính biên viết: "Tháng Giêng năm Ất Hợi (1815), sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra đảo Hoàng Sa xem xét, đo đạc thủy trình". Ngày nay, tên của vị cai đội này đã được đặt cho một hòn đảo ở quần đảo Hoàng Sa và ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nhà thờ vị cai đội này vẫn quanh năm ngát thơm hương khói của cháu con hậu duệ và khách muôn phương tìm về viếng vọng.

Sự kiện năm 1816 đích thân Vua Gia Long thân chinh ra tận quần đảo Hoàng Sa thực hiện chủ quyền đã được ghi lại trong các công trình khảo cứu địa lý và lịch sử của Giám mục người Pháp Gioang Lu-ít Ta-bét. Giám mục Gioang Lu-ít Ta-bét sinh tại Xanh Ê-chiên, nước Pháp năm 1794, gia nhập Hội truyền giáo nước ngoài ở Pa-ri và được thụ phong linh mục năm 1817. Năm 1820, ông sang Việt Nam với tên Việt là cha Từ. Năm 1830, ông được tấn phong Giám mục coi sóc địa phận Đàng Trong. Đầu năm 1833, vì phải trốn chính sách diệt đạo của nhà Nguyễn nên ông tạm lánh sang Ben-gan (Ấn Độ). Đến 1835, ông mới thôi nhiệm vụ cai quản giáo phận Đàng Trong. Giám mục Gioang Lu-ít Ta-bét mất năm 1840, tại Can-cút-ta, Ấn Độ.

Vì có nhiều năm sinh sống và truyền giáo ở xứ Đàng Trong nên Gioang Lu-ít Ta-bét có thời gian và điều kiện để tìm hiểu, tra cứu từ nhiều nguồn tài liệu viết nên những công trình khảo cứu về địa lý và lịch sử của xứ sở này. Trong một bài viết in ở tập sách xuất bản định kỳ hằng năm của Nhà xuất bản Firmin-Didot Frères et Cie ở Pa-ri (Pháp), năm 1833 có tên "Bức tranh thế giới - lịch sử và mô tả các dân tộc, tôn giáo, phong tục, tập quán của họ", Gioang Lu-ít Ta-bét cho biết: "Chúng tôi không rõ họ (ý chỉ người Việt) có thiết lập một cơ sở nào tại đó không, nhưng có điều chúng tôi biết chắc rằng, vua Gia Long đã chủ tâm đính thêm cái đóa hoa kỳ lạ đó vào vương miện của Ngài, vì vậy mà Ngài xét thấy đúng lúc phải thân chinh vượt biển để tiếp thâu quần đảo Hoàng Sa và chính năm 1816, Ngài long trọng treo tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong" (Hoàng Sa, Trường Sa - hỏi và đáp).

Cũng theo vị Giám mục người Pháp Lu-ít Ta-bét, 5 năm sau, trong bài "Ghi chú thêm về địa lý xứ Đàng Trong" in trong tập san "Hội Châu Á của xứ Ben-gan" tập VII, xuất bản tháng 4-1838, ông viết: "Pracel hoặc Paracels (được người Việt gọi là Cồn Vàng, tức Hoàng Sa). Tuy rằng quần đảo này không có gì ngoài những tảng đá và những cồn lớn hứa hẹn nhiều điều bất tiện hơn là lợi ích, nhưng Vua Gia Long đã nghĩ đến việc mở rộng lãnh thổ nên rất bằng lòng với mảnh đất buồn tẻ này. Năm 1816, nhà Vua đã tới cắm cờ một cách long trọng để giữ chủ quyền các hòn đảo này, nơi hình như không có một ai tranh giành với nhà Vua" (sách đã dẫn).

(Xin nhắc lại: Năm 1820, Gioang Lu-ít Ta-bét đến Việt Nam, chỉ sau có 4 năm sự kiện vua Gia Long ra Hoàng Sa, nên ông biết tường tận và ghi lại).

Sở dĩ Gioang Lu-ít Ta-bét viết "như đinh đóng cột" rằng: "...nơi hình như không có một ai tranh giành với nhà Vua" như vậy là vì lúc bấy giờ "tiền nhân" của nhóm người bành trướng ngày nay chưa có ý tưởng và điều kiện để chiếm đoạt cái không phải của mình. Nếu hôm nay mà Giám mục Gioang Lu-ít Ta-bét sống lại được, chắc chắn ông phải ngạc nhiên đến thảng thốt về cái luận điểm "...nơi hình như không có một ai tranh giành với nhà Vua" của mình ngày trước!

Việc Vua Gia Long thân chinh ra quần đảo Hoàng Sa năm 1816 là một sự kiện lịch sử quý giá về ý thức mở mang bờ cõi và giữ nước, về tầm nhìn chiếc lược vị trí, vai trò của biển đảo thuộc lãnh thổ quốc gia của ông cha ta thuở trước là rất đáng trân trọng và tự hào. Thử tưởng tượng, một vị Vua đầy quyền quý, cao sang lại đích thân thân chinh vượt qua phong ba bão tố trùng khơi để thể hiện chủ quyền một cách chính danh và đĩnh đạc như vậy, đáng tôn kính lắm thay!

Qua chuyện này, nghĩa vụ và trách nhiệm của chúng ta ngày nay là phải "cùng nhau giữ lấy nước" như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã răn dạy.

Tạ Văn Sỹ

http://www.bienphong.com.vn/

Minh Nguyệt (st)

Bài viết khác: