Cựu chiến binh (CCB) Trần Đức Hồi, ở thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái đã miệt mài sưu tầm tài liệu, tư liệu, tranh ảnh về Bác Hồ, sau đó ông sao chép lại bằng tay, tập hợp thành các tập sách quý. Công việc thầm lặng đó được ông cần mẫn thực hiện suốt hơn 40 năm qua.
Từ tấm lòng kính yêu Bác Hồ
Hẹn ông đã nhiều lần, nhưng mãi chuyến công tác vừa rồi, tôi mới có dịp đến thăm ông, ở số nhà 55, phố Nguyễn Đức Cảnh, tổ 46, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Ông Trần Đức Hồi vui vẻ giới thiệu với tôi rất nhiều sách báo, tranh ảnh về Bác Hồ và những tài liệu ghi chép lại bằng tay do ông dày công sưu tầm được. Toàn bộ những tư liệu quý ấy, ông Hồi trân trọng lưu giữ trên một căn gác nhỏ, với tất cả lòng thành kính, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Hơn 40 năm con theo hình bóng Bác/ Từ buổi ban đầu Người đi tìm đường cứu nước/ Vượt đại dương bốn bề sóng nước/ Để đi tìm chân lý cứu nước non” - đó là những dòng tâm sự của ông Hồi ở trang đầu cuốn sổ, được ông nâng niu gìn giữ cẩn thận.
Ông Hồi hàng ngày ghi chép, lưu giữ những tư liệu, tài liệu về Bác Hồ mà ông sưu tầm được.
Năm 1959, chàng thanh niên Trần Đức Hồi vừa tròn 17 tuổi. Hình ảnh Bác Hồ và ước mơ trở thành Bộ đội Cụ Hồ đã thôi thúc anh viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Không lâu sau, Trần Đức Hồi nhập ngũ và tham gia chiến đấu trong đội hình Lữ đoàn Pháo binh 378. Đơn vị anh có Anh hùng Bùi Đình Cư làm Chính trị viên Đại đội. Những ngày đầu nhập ngũ, cứ mỗi khi được nghe kể về Bác Hồ, Trần Đức Hồi luôn chăm chú lắng nghe, khi có thời gian, anh lại ghi chép cẩn thận vào cuốn nhật ký...
“Ngày 1-6-1960 đã trở thành một kỷ niệm thiêng liêng trong đời quân ngũ của tôi. Đó là lần đầu tiên tôi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày ấy, tôi vinh dự là một trong các cá nhân tiêu biểu của thế hệ trẻ Lữ đoàn Pháo binh 378 được theo đồng chí Bùi Đình Cư về Thủ đô Hà Nội để nghe Bác nói chuyện. Lần đầu tiên tôi được gần Người đến thế! Giây phút gặp Bác như vẫn còn mới đây thôi”-ông Hồi tâm sự.
Sau lần gặp Bác Hồ, Trần Đức Hồi trở về đơn vị tiếp tục học tập, công tác. Anh ra sức học tập, rèn luyện, vượt qua bao khó khăn gian khổ để trở thành một sĩ quan, người chỉ huy đơn vị. Đơn vị anh luôn dẫn đầu Phong trào thi đua “Luyện giỏi đánh thắng”... Gần 10 năm sau đó, khi nghe tin Bác Hồ mất, cả đơn vị ông như chùng xuống. “Ngày ấy, khi nghe tin Bác mất, cả Huyện đội Mường Khương, nơi tôi công tác ai cũng òa khóc. Ngay lúc bấy giờ, tôi tự nhủ lòng sẽ không để hình ảnh Bác phai mờ trong tâm khảm. Từ thời điểm đó, ý định sưu tầm tài liệu về Bác được bắt đầu và đến nay vẫn luôn thôi thúc trong tôi” - ông Hồi kể.
Năm 1983, ông Hồi rời quân ngũ về nghỉ hưu, sống tại thành phố Yên Bái. Từ ngày nghỉ chế độ, ông càng có thời gian để chuyên tâm hơn vào công việc sưu tầm tài liệu về Bác. Bằng tất cả sự kính yêu và lòng biết ơn sâu sắc của một người lính Cụ Hồ với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, hơn 40 năm qua, ông Hồi đã miệt mài ghi chép lại tất cả những sự kiện lịch sử quan trọng…
Cứ mỗi khi có sự kiện lịch sử lớn, thông qua báo chí, khi có tài liệu, sách báo, ảnh… quý về Bác Hồ là ông lại kiên trì tìm cho được. Ông thường xuyên ra thư viện tỉnh mượn tài liệu về ghi chép. Cũng có người quen, khi biết sở thích của ông liền mang tặng. Cứ thế, bộ sưu tập của ông ngày một dày hơn. Ông tâm sự: “Đã gần 50 năm qua, kể từ khi Bác Hồ về với thế giới người hiền, nhưng tôi vẫn thấy Người như ở quanh ta. Đôi mắt sáng của Người như vẫn dõi theo và khơi dậy trong tôi khát khao mãnh liệt, thôi thúc tôi đi tìm lại dấu chân Người một cách miệt mài, không ngừng nghỉ…”.
Mong muốn lưu giữ, phát huy hiệu quả “công trình”
Gắn bó với công việc thầm lặng này từ năm 1969, đến nay, ông Hồi đã lưu giữ được rất nhiều tài liệu quý, gồm: 155 tài liệu sách báo, ghi chép lại được 142 quyển và 4.172 bài viết, bài nói của các nguyên thủ quốc gia, các giáo sư, viện sĩ, các nhà khoa học, sử học và những người vinh dự được gặp Bác Hồ viết lại, kể lại về Bác Hồ. Đặc biệt nhất trong số các tài liệu mà ông Hồi sưu tầm được là 450 bức ảnh của Bác qua các thời kỳ hoạt động cách mạng trên sách báo và tài liệu (bản gốc), trong đó có nhiều bức ảnh từ những năm 1949-1969. Những bức ảnh quý mà ông có được phải kể đến là 16 bức ảnh đen trắng do đồng chí Đinh Đăng Định chụp, mà ông được một gia đình công giáo ở xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ tặng, như: Ảnh Bác đang dành thời gian nghiên cứu, viết bài (tại Bắc Kạn, tháng 5-1949), Bác chuẩn bị lên đường đi thăm mặt trận (tại Bắc Kạn, tháng 12-1950), ảnh Bác tại Thái Nguyên, năm 1953…
Những tài liệu sưu tầm về Bác Hồ được ông Hồi sắp xếp và phân chia theo giai đoạn lịch sử, chia thành chương, mục rõ ràng. Ông còn cẩn thận ghi mục lục, trích dẫn ngày, tháng cụ thể. Ông thuộc lòng những cuốn sách hay Bác viết, hoặc các tác giả viết về Bác Hồ, như: “Những tiên tri thiên tài nước nhà độc lập”; “Ông tiên sống mãi”; “Hồ Chí Minh - Thế giới ca ngợi Người”; “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”...
Những tài liệu, tư liệu sưu tầm về Bác Hồ được ông Hồi trân trọng, nâng niu gọi đó là “công trình đi qua hai thế kỷ”. Ông hy vọng, thời gian tới có thể tập hợp tất cả các tài liệu về Bác Hồ mà ông sưu tầm được thành những cuốn sách hoàn chỉnh, trước hết là để phục vụ cho học sinh, sinh viên và những người có nhu cầu tìm hiểu về Bác, sau là có thể gửi tặng huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, giúp nhân dân và cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió có thêm tài liệu, tư liệu nghiên cứu học tập và làm theo Bác. Còn các bức ảnh về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông đã sưu tầm và lưu giữ bấy lâu nay, ông mong muốn cơ quan chức năng giúp lưu giữ cẩn thận, không để bị hư hỏng, mai một theo thời gian.
Ông Phạm Văn Hoành, Bí thư Chi bộ khu phố Nguyễn Đức Cảnh, nhận xét: “Ông Hồi là người luôn gương mẫu trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân, luôn tâm huyết và đầu tư công sức trong việc tìm kiếm, lưu giữ những tư liệu có giá trị lịch sử. Ông đã dành nhiều công sức ghi chép, lưu giữ những tài liệu, tư liệu về Bác Hồ và những tài liệu quý về Đảng, Nhà nước. Chị bộ khu phố và bà con nhân dân luôn ghi nhận những đóng góp của ông, bởi ngoài giá trị lịch sử, “công trình” của ông còn góp phần giúp mọi người, nhất là thế hệ trẻ tìm hiểu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Nhìn người lính già nâng niu “công trình đi qua hai thế kỷ” của mình, tôi thầm nghĩ, công việc ông làm tuy thầm lặng, nhưng thật đáng quý biết bao. Ông đã và đang tiếp tục cần mẫn từng ngày để dâng trái ngọt cho đời, bởi mỗi trang tài liệu về Bác Hồ là một bài học có giá trị lịch sử, nhân văn để truyền lại cho thế hệ hôm nay và mai sau nghiên cứu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người./.
Bài và ảnh: HOÀNG NHƯỠNG
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)