Thứ hai, 23/12/2024

Cách đây 70 năm, có một nữ du kích ở tỉnh Thái Bình một lòng một dạ đi theo cách mạng. Bị địch bắt và tra tấn dã man vẫn không nhụt chí, can trường, bền gan chiến đấu lập chiến công xuất sắc. Người nữ anh hùng đầu tiên của lực lượng vũ trang Việt Nam đó chính là Nguyễn Thị Chiên, giờ đây đã là một cụ bà 86 tuổi, sống giản dị trong ngôi nhà nhỏ ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. Dù sức khỏe chỉ cho phép bà quanh quẩn trong khoảng sân đầy nắng, tỏa ngát hương hoa bưởi thanh tao, dịu mát, song trí tuệ và tinh thần của bà vẫn luôn hướng về Đảng và đất nước.

nguoi-nu-anh-hung-1
Trung tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Chiên. Ảnh: Tuệ Lâm

Nữ trung đội trưởng anh hùng

Trải qua hơn 70 năm thành lập nước, từ trong gian khó, Đảng, Bác Hồ đã lãnh đạo quân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong kì tích chung của toàn Đảng, toàn dân vẫn còn đó câu chuyện về những nữ chiến sĩ cách mạng trung kiên, anh dũng luôn là những bông hoa đẹp góp phần tô thắm trang sử truyền thống hào hùng của dân tộc. Trước khi đến thăm anh hùng Nguyễn Thị Chiên, được sự giúp đỡ của đồng nghiệp tại báo Nhân Dân, chúng tôi đã có bản sao bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh CB, in trong số 60 ra ngày 5-6-1952, trong đó viết "Nữ trung đội trưởng du kích Nguyễn Thị Chiên là một cố nông, 22 tuổi, vào đội du kích từ 1946. Vùng chị Chiên thường bị giặc càn quét. Cơ sở tan rã. Nhân dân hoang mang. Chị cứ bám sát lấy dân, lập lại cơ sở chính quyền và đoàn thể, tổ chức một trung đội nữ du kích chống càn quét, bảo vệ làng.

Bị bắt, bị tra tấn suốt 3 tháng, bị đưa ra bắn dọa 3 lần, chị vẫn bình tĩnh, không khai nửa lời. Vừa thoát được về, tuy mình đầy vết thương, chân đau không đi được, chị vẫn hoạt động lại ngay. Trong đợt thi đua từ ngày 19-5 đến 19-12-1951, chị đã thắng 10 trận, tự tay tước được 15 súng và bắt sống 12 tên giặc (1 tên quan hai Pháp). Trong các trận, chị không hề bỏ sót một người thương binh nào. Trong vụ thuế nông nghiệp, chị đã thức 30 đêm liền, tuyên truyền giải thích từng nhà, từng người. Nhiều người lạc hậu, thấy chị chân thành, đều cảm động và trở nên hăng hái. Khi bắt được tên đồn trưởng (nó đã giết người anh của chị), chị giải thích chính sách khoan hồng của Chính phủ, rồi thả nó. Vì vậy, nó đã gọi nhiều ngụy binh ra hàng.

Chị Chiên, vì yêu nước, căm thù giặc, trung thành với đoàn thể, kiên quyết bám sát dân, luôn thương yêu đồng đội, nắm vững và ra sức thi hành chính sách nên đã lập được công to, rất xứng đáng là Anh hùng Quân đội".

Mở cửa cho chúng tôi là người bạn đời của bà cũng đã gần bước sang tuổi 90. Ông là Đại tá Vũ Anh Tài, nguyên là cán bộ phụ trách lĩnh vực thi đua của Quân đội, được giao nhiệm vụ tham gia bình xét, sàng lọc, chọn lựa những điển hình tiêu biểu để chuẩn bị cho Đại hội thi đua toàn quốc vào tháng 5-1952. Trong danh sách những người được Thường vụ Quân ủy Trung ương năm ấy chọn lựa, đề nghị Bộ Chính trị báo cáo với Bác Hồ tuyên dương khen thưởng có tên Nguyễn Thị Chiên, Trung đội trưởng Du kích xã Tán Thuật (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Đọc những bản báo cáo trên cả nước gửi về, ông vô cùng cảm phục những người đồng đội đang chiến đấu trên khắp các mặt trận và càng thêm nể trọng người nữ du kích miền quê lúa chưa từng biết mặt. Tại Đại hội Chiến sĩ thi đua năm ấy, cùng với La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Nguyễn Quốc Trị thì Nguyễn Thị Chiên - nữ du kích của Thái Bình đang ở tuổi đôi mươi, đã trở thành người nữ anh hùng lực lượng vũ trang đầu tiên của cả nước.

Người nữ anh hùng tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, giờ đang ngồi trước mặt chúng tôi với nụ cười hiền hậu. Có những chuyện bà không còn nhớ, nhưng những năm tháng tuổi trẻ tham gia dân quân xã trong những ngày đầu lập nước thì bà không quên. Thời ấy, chính quyền về tay nhân dân chưa được bao lâu thì Chính phủ đã kêu gọi toàn quốc kháng chiến, thực hiện phương châm "Toàn dân là chiến sĩ, mỗi làng là một pháo đài", xã đội Tán Thuật đã tích cực luyện quân, rèn cán, cùng bà con đẩy mạnh sản xuất, dự trữ lúa gạo để xây dựng làng kháng chiến. Mùa xuân năm 1950, quân Pháp tái chiếm Thái Bình và thiết lập một hệ thống đồn bốt dày đặc. Chúng tiến hành đàn áp và mua chuộc, ép buộc nhân dân "lập Tề" hòng tạo ra một vành đai vững chắc làm bàn đạp cho chúng tiến công sang các địa phương khác.

Đội nữ du kích Tán Thuật sau khi thành lập đã hoạt động không biết mệt mỏi. Tuy nhiên có một số người không chịu nổi đàn áp đã phải đi tránh giặc. Những cán bộ, đảng viên ở lại bám đất, bám dân phải ẩn nấp ngoài đồng ruộng, trong hầm kín, sinh hoạt trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, hiểm nguy. Vậy mà, cô thanh nữ Nguyễn Thị Chiên vốn chỉ quen tay cấy, tay cày đã "thắp lửa" cho đồng đội mình, giúp chị em vượt qua những phút giây yếu lòng để dũng cảm bước tiếp dưới cờ Đảng, dưới khát vọng độc lập, tự do cho dân tộc. Chứng kiến cảnh giặc Pháp tàn sát đồng bào, nhiều chị em kiên gan thề sẽ đánh giặc đến khi nào giải phóng mới nghĩ đến chuyện chồng con. Thành tích của Nguyễn Thị Chiên cũng chính là thành tích chung của cả đội nữ du kích gan dạ ấy, thể hiện chi tiết trong bài viết nhỏ nhưng đầy hàm súc của Bác Hồ.

"Vì họ, vì cuộc đời này..."

Sau khi được vinh danh, với kinh nghiệm tổ chức, triển khai lực lượng du kích địa phương và những chiến công lẫy lừng một thời, Nguyễn Thị Chiên được điều về Thủ đô Hà Nội, giao nhiệm vụ phụ trách và quản lý lực lượng dân quân 4 huyện ngoại thành. Cũng sau Đại hội năm ấy, người nữ du kích và anh sĩ quan phụ trách thi đua Vũ Anh Tài đã nên duyên chồng vợ và có một người con gái. Rồi cũng như bao lứa đôi áo lính khác, ông tiếp tục lên đường chống Mỹ, bà ở lại vừa công tác, vừa nuôi con và chống chọi với những cơn đau do vết thương bị giặc tra tấn để lại. Sau nhiều năm công tác, do điều kiện sức khỏe và hoàn cảnh gia đình, người nữ anh hùng ấy xin được nghỉ chế độ với quân hàm Trung tá, trở về với cuộc sống bình dị bên sông Hồng.

nguoi-nu-anh-hung-2
Bác Hồ và các Anh hùng Chiến sĩ thi đua tại Việt Bắc năm 1952
(Anh hùng Nguyễn Thị Chiên đứng thứ 5 từ trái qua). Ảnh: Tư liệu

Mặc dù nghỉ chế độ, nhưng bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội như tham gia Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh Việt Nam, tham gia hội phụ nữ phường cùng các phong trào của tổ dân phố. Cuộc sống vốn không dư dả, song ông bà chưa từng vin vào công trạng của mình trước kia để có thêm sự quan tâm, thêm quyền lợi. "Biết bao đồng bào, đồng chí đã hy sinh trong thầm lặng, họ cống hiến hơn mình rất nhiều nhưng không ít người, không ít gia đình vẫn chịu thiệt thòi, có những người đã mãi mãi ra đi. Chính vì lẽ đó, vì họ, vì cuộc đời này, mỗi người cần ghi nhớ một điều là còn sống, còn làm việc có ích cho xã hội", bà Chiên nói.

Đồng cảm với vợ, Đại tá Vũ Anh Tài kể rằng: "Báo chí cứ nói vợ chồng tôi khốn khổ. Chị Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch Nước quan tâm đến tận nhà, hỏi chúng tôi có gì khó khăn không, tôi bảo, hàng tháng chúng tôi vẫn lĩnh đủ lương, sống rất tốt. Thời kỳ chiến tranh thì cả dân tộc mình khốn khó. Cách mạng thành công rồi thì chẳng còn gì khốn khó nữa. Hàng xóm xung quanh đây rất thương vợ chồng tôi".

Rồi ông chỉ cho chúng tôi mảnh giấy để dưới khung kính bàn nước, đó là những lời bà đọc cho cháu ngoại ghi lại. Những nét chữ học trò nắn nót ghi lại những lời tâm huyết của bà: "Để đất nước phát triển, cần phải khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống. Phải quyết liệt đối với kẻ thù bên trong, những giặc nội xâm đang phá Đảng ta từ bên trong. Mọi sự nể nang, né tránh, bao che cho những tệ nạn tiêu cực đều là có tội với Đảng, với dân, cần được xử lý kịp thời. Xây dựng các tổ chức Đảng từ trên xuống dưới thật trong sạch vững mạnh; đặc biệt, các tổ chức Đảng ở cơ sở phải thực sự là nền tảng tổ chức của Đảng trong cuộc đấu tranh chống thoái hóa, biến chất; tổ chức Đảng cấp trên phải nêu gương cho tổ chức Đảng cấp dưới; tổ chức Đảng ở cấp cao nhất phải thực sự là tấm gương chống tệ nạn tiêu cực để toàn Đảng noi theo".

Loa phát thanh của phường Ngọc Thụy đang phát đi những ca khúc chào mừng thành công Đại hội Đảng lần thứ XII, giọng ca sĩ thánh thót: "Như hoa hướng dương hướng về mặt trời. Chúng ta nguyện đi theo Đảng. Đời đời nguyện đi theo Đảng. Hoa là hoa hướng dương tắm trong là trong ánh nắng. Chúng ta đi theo Đảng chỉ đường. Mỗi chúng ta là một bông hoa nhỏ hướng dương". Đại tá Vũ Anh Tài đứng lên mở cửa sổ để tiếng hát ùa vào cùng hương hoa bưởi. Còn ánh mắt bà sáng lên theo điệu nhạc. Nhìn hai lão thành cách mạng chăm sóc cho nhau lúc tuổi già bóng xế, mà lòng còn mang nặng nhiều tâm tư, suy nghĩ về đất nước, về sự tồn vong của Đảng, tôi thầm mong cho hai đóa hướng dương ấy sẽ luôn là tấm gương kiểu mẫu, cho những người đảng viên thời đại mới sau này./.

Tuệ Lâm

Nguồn: bienphong.com.vn

Kim Chi (st)

Bài viết khác: