Những tấm ảnh đen trắng đã phai màu theo năm tháng được ông A Phao, ở làng Kon Rôn, xã Ngọc Réo, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum trân trọng gìn giữ, xem như báu vật quý giá nhất cuộc đời. Bởi đó chính là hình ảnh Bác Hồ kính yêu của dân tộc mà ông vinh dự 6 lần được gặp.
Ông A Phao và tấm ảnh Bác Hồ. Ảnh: Lê Quyên
Sinh ra ở xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, trong hoàn cảnh đất nước bị giặc ngoại xâm khi còn rất trẻ, ông A Phao đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Năm 1947, tham gia đội công tác hoạt động cách mạng tại địa phương, đến năm 17 tuổi, ông A Phao được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc được biên chế vào Trung đoàn 120, Bộ đội Tây Nguyên đóng quân ở vùng Thanh Hóa - Nghệ An.
Tháng 10-1954, 3 trung đội thuộc Trung đoàn 120 được chọn ra Hà Nội duyệt binh phục vụ cho ngày giải phóng Thủ đô. Đứng trong hàng ngũ những người lính của Trung đoàn 120, ông A Phao may mắn được tận mắt nhìn thấy Bác Hồ kính yêu. Tuy lần gặp ấy chỉ là thoáng qua, nhưng hình ảnh về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc thật giản dị, gần gũi trong bộ trang phục ka ki trắng hơi sẫm màu, nụ cười hồn hậu mãi khắc sâu trong tâm trí ông.
Năm 1956, trong lần về Nghệ An thăm Sư đoàn 304, Trung đoàn 90, Bác Hồ đã ghé thăm Trung đoàn 120 nơi ông A Phao đang công tác. Bác ân cần thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị như chính người thân của mình: "Các chú có khỏe không?", "Các chú có nhớ miền Nam không?". Rồi Bác còn căn dặn: "Pháp rút, Mỹ nhảy vào miền Nam. Chúng có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh nên các chú phải ra sức học tập cả về chính trị lẫn quân sự để đối phó". Cuộc gặp chỉ diễn ra chốc lát rồi Bác nói: "Bác xin phép phải đi".
Năm 1957, trong lần về thăm quê, Bác cũng đến thăm Trung đoàn 120. Hôm đón Bác Hồ về thăm cũng là ngày ông A Phao được giao nhiệm vụ trực ban nên ông được nhìn rõ Bác hơn và còn vinh dự được Bác hỏi han nhiều điều. Ông A Phao nhớ lại: "Lần đó, Bác Hồ mặc bộ đồ màu nâu. Nhìn thấy A Phao, Bác hỏi ngay: "Chú là người dân tộc gì?". Tôi trả lời Bác: "Dạ, cháu là người dân tộc Ba Na ở Gia Lai - Kon Tum". Bác lại hỏi tiếp: "Thế chú có ở gần nhà anh Núp không?". Tôi thưa với Bác: "Dạ, cháu ở cùng huyện với anh Núp"...”.
Cuối năm 1958, ông A Phao được nghỉ phép về thăm anh em đang học tập tại trường Dân tộc miền Nam ở Gia Lâm (Hà Nội) và ông đã may mắn thêm một lần được gặp Bác Hồ, khi Bác về thăm nhà trường và động viên học sinh miền Nam. Tháng 4-1959, ông A Phao cùng 40 cán bộ, đảng viên được tập trung tại trường Huấn luyện cán bộ Hà Nội để học tập chuẩn bị trở về miền Nam tham gia chiến đấu. Lần đó, thật vinh dự và tự hào những người con miền Nam như ông A Phao được vinh dự gặp Bác Hồ và Người trực tiếp dành khoảng 1 giờ đồng hồ nói về "Khí tiết người cộng sản".
Đến tháng 7-1959, cách 5 ngày trước khi ông A Phao cùng 40 cán bộ trở về miền Nam tham gia chiến đấu, mọi người được tập trung về Bộ Quốc phòng. Lần ấy, ông A Phao cũng vinh dự được gặp Bác Hồ và nghe Người dặn dò. Bác dặn: "Các chú vào Nam cố gắng giữ bí mật cho Đảng, Nhà nước và miền Bắc; vào miền Nam, các chú cố gắng vận dụng những gì đã được học tập và rèn luyện ở miền Bắc để cùng với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".
Trở về miền Nam, ông A Phao được phân công làm Chính trị viên Huyện đội H16. Những năm tháng ác liệt của chiến tranh, ông đã tham gia chiến đấu trên nhiều mặt trận. Chỉ tính riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông A Phao đã trực tiếp tham gia chiến đấu 24 trận đánh ở các vùng Ngọc Bay, Đắk Ui, Ngô Trang, Đắk Cấm... Năm 1970, Tỉnh đội Gia Lai - Kon Tum rút ông về làm Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ.
Sau giải phóng năm 1975, ông được phân công làm Trưởng ban Dân vận - Địch vận Gia Lai - Kon Tum; tham gia chiến đấu tại chiến trường Cam-pu-chia. Năm 1978, ông được Quân khu V rút về nước làm công tác chính sách quốc tế. Đến năm 1979, ông được chuyển về làm Chính trị viên Huyện đội Kon Plông, cho đến năm 1983 thì nghỉ hưu...
Năm 1994, thành lập huyện Đắk Hà, ông A Phao được phân công giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ngọc Réo cho đến năm 2000. Nhớ lời Bác dạy, dù ở cương vị nào, ông A Phao cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những giây phút được gặp Bác Hồ đã đi theo ông A Phao suốt cuộc đời. Đó cũng là vinh dự và là nguồn động lực giúp ông vươn lên trong công việc và cuộc sống.
Cầm ảnh Bác Hồ trên tay, đôi mắt của ông rưng rưng cảm động. Đã 84 tuổi đời, 65 tuổi Đảng và 34 năm công tác trong quân đội, ông A Phao luôn giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nêu gương sáng người đảng viên trong công tác cũng như sinh hoạt đời thường. Dù ở đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì, ông cũng luôn ghi nhớ lời dạy của Bác: Thực hiện cho tốt chính sách của Đảng, Nhà nước là không lấy cái kim, sợi chỉ của nhân dân, suốt đời vì dân, vì cách mạng./.
Đồng Lê - Tú Quyên
Kim Chi (ST)
Nguồn: bienphong.com.vn