Những người lính trở về từ sau cuộc chiến, không ít người mang trên mình thương tật nặng nề, nhưng với quyết tâm “thương binh tàn nhưng không phế”, nhiều cựu chiến binh, thương binh đã làm những điều kỳ diệu giữa đời thường…
Cựu chiến binh - thương binh 3/4 Nguyễn Mạnh Đa (Ảnh: Thanh Bình)
Ông Nguyễn Mạnh Đa, một thương binh, bệnh binh hạng 3/4 đang cư trú tại ấp An Phước, xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Ria – Vũng Tàu, dù đã bước sang tuổi ngoài bảy mươi nhưng trí nhớ của ông vẫn còn rất minh mẫn, giọng nói hào sảng, cùng dáng người đậm chắc. Ông Đa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của một thời khói lửa hào hùng của dân tộc, đã trở thành một phần ký ức không thể nào quên của ông. Ông Nguyễn Văn Đa sinh năm 1940 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở Thái Nguyên. 18 tuổi, ông cũng như bao thanh niên khác tình nguyện lên đường, đi theo tiếng gọi của non sông đất nước.
Sau những năm tháng phấn đấu, trưởng thành trong quân ngũ, ông được giao giữ nhiệm vụ là cán bộ chính trị của Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 33 thuộc Sư đoàn 6. Ông phụ trách công tác chính trị và văn hoá của đơn vị, thời gian đó ông còn được giao thêm nhiệm vụ phụ trách công tác thương binh và liệt sỹ, trực tiếp chỉ đạo việc vận chuyển và đưa các đồng chí thương binh đi cấp cứu, lo mai táng cho các đồng chí đã hy sinh. Ông kể lại, nỗi đau của ông khi phải chứng kiến những người đồng đội, đồng chí của mình ngã xuống càng thôi thúc ông quyết tâm chiến đấu giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
Trong một lần chiến đấu với kẻ thù, ông Đa bị thương nặng và được chuyển về khu điều dưỡng của trại thương binh, trong khói lửa của chiến tranh, ngoài tình yêu quê hương đất nước, còn ẩn sâu trong lòng những người lính cụ Hồ tình đồng chí, đồng đội. Những tháng ngày trong trại điều dưỡng thương binh và bệnh binh, tình yêu của ông với người nữ thanh niên xung phong ngày đêm tận tình chăm sóc cho ông và đồng đội đã chớm nở. Nữ thanh niên xung phong đó là Trần Thị Oanh, quê ở xã An Phước, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tình yêu thương của họ bắt đầu trong khói lửa của chiến tranh, để rồi, họ đã lấy khói súng của chiến trường làm khói pháo của ngày cưới và cơ sở điều trị thương, bệnh binh là nhà ngôi nhà chung của ông bà và đồng đội.
Chiến tranh kết thúc, ông Đa trở về quê hương của bà Oanh, cùng nhau xây dựng một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng niềm vui đoàn tụ trong hòa bình chưa được bao lâu, khi bà Oanh sinh cậu con trai đầu lòng mới 15 ngày tuổi, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông Đa lại cùng nhiều đồng đội lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Ngày đó, ông làm Chính trị viên Đại đội 25, huyện Long Đất, tỉnh Đồng Nai lúc bấy giờ và hiện thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Chiến tranh biên giới kết thúc, một lần nữa ông lại được trở về với vợ con, tuy nhiên trên người ông mang đầy thương tích, cùng với căn bệnh sốt rét hoành hành đã làm cho sức khỏe của ông bị giảm sút rất nhiều. Nhớ lại những năm tháng khó khăn ấy, trong ánh mắt của người cựu chiến binh năm xưa vẫn ánh lên niềm tin mãnh liệt và bồi hồi xúc động.
Ông kể, rời quân ngũ lần hai trở về quê hương của người vợ thân yêu, dù sức khỏe suy giảm nhưng ông luôn nghĩ đến lời dạy của Bác kính yêu: “Thương binh tàn nhưng không phế”…, vậy là bằng nghị lực, phát huy phẩm chất quý báu của anh bộ đội Cụ Hồ, ông đã tiếp tục xung phong trên các mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, tham gia góp phần xây dựng quê hương Long Điền - một mảnh đất truyền thống anh hùng đã đóng góp nhiều sức người, sức của trong các cuộc kháng chiến để bảo vệ Tổ quốc.
Vừa làm kinh tế của gia đình, vừa giúp những người xung quanh xóa đói, giảm nghèo, ông Đa còn tham gia nhiệt tình vào công tác ở địa phương. Trong quân ngũ, khó khăn gian khổ đã tôi luyện và giúp ông có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trách nhiệm cao, có tác phong nhanh nhẹn và quyết đoán, không ngại khó khăn gian khổ, đem sức lực và trí tuệ của mình để xây dựng quê hương. Ông Nguyễn Ngọc Thành - Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh huyện Long Điền cho biết, phát huy truyền thống tốt đẹp của người lính, cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Đa rất gương mẫu trong sinh hoạt Đảng bộ, trong đời sống, lao động và sản xuất. Năm 1985, ông được Nhà nước cho nghỉ chế độ, về tham gia Hội đồng nhân dân xã, năm 2000 ông được bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân, và kiêm làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã và làm bí thư chi bộ ấp An Phước cho đến nay. Môi trường quân đội đã giúp người cựu chiến binh này có uy tín cao trong quần chúng nhân dân ông còn năng động trong việc phát triển kinh tế gia đình trở thành tấm gương sáng tại địa phương.
Đàn bò của Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Đa (Ảnh: Thanh Bình)
Ông Đa cho biết, sau chiến tranh trở về lập nghiệp với hai bàn tay trắng, ông được Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Long Điền cho mượn 3 triệu đồng để làm vốn mưu sinh, với số tiền ít ỏi nhưng giàu tình đồng chí, đồng đội, ông đã nguyện với lòng mình làm thế nào để không phụ lòng của các đồng đội mình, từ đó ông ngày đêm trăn trở và quyết định bỏ ra số tiền 1,1 triệu đồng mua 2 con bò làm giống, số tiền còn lại ông mua vườn để làm, và cứ thế với ý chí kiên cường sẵn có trong ông, ông đã phát triển và nhân rộng thêm bò và mua thêm được 4 mẫu ruộng, khi có điều kiện tốt ông còn giúp đỡ xóm làng, hướng dẫn và trau rồi kinh nghiệm cho bà con trong xã để cùng nhau phát triển kinh tế.
Từ số vốn khiêm tốn ban đầu, đến giờ ông Đa đã có trong tay một đàn bò lên đến hơn một trăm con. Ngắm nhìn đàn bò con nào, con nấy no tròn trên đồng cỏ, càng cảm phục sự kiên cường của người lính Nguyễn Mạnh Đa. Không chỉ chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, ông Đa còn mua được ruộng để trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Với quy trình khép kín trong chăn nuôi đại gia súc, ông Đa giờ đã thành tỷ phú ở một vùng quê An Ngãi, Long Điền.
Nhớ lại thời kỳ gian khó cách đây gần 40 năm, ông Đa tâm sự, với trợ cấp ít ỏi, đời sống khó khăn, một số mảnh đạn vẫn còn trong cơ thể gây đau đớn mỗi khi trái gió trở trời, nhưng ông chưa bao giờ trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của địa phương mà chủ động vươn lên. Ông nghĩ, còn sức khỏe thì còn tham gia đóng góp xây dựng quê hương, giáo dục con cháu noi gương các thế hệ đi trước. Ở xã An Ngãi, từ việc thôn xóm, làng xã cho đến các vụ hòa giải, các cán bộ và người dân nơi đây thường tham khảo và mời ông Đa tham gia ý kiến. Việc nhà, việc xã, người thương binh hạng 3/4 Nguyễn Mạnh Đa đều chu toàn, ông luôn thể hiện ý chí và nỗ lực vươn lên trong xây dựng quê hương, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, là tấm gương sáng để cán bộ, nhân dân và lớp trẻ học tập, noi theo./.
K.V- Nguyễn Thanh Bình
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản
Tâm Trang (st)