Từng nhiều năm chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Bùi Xuân Phước ở Phước Đồng, Nha Trang, Khánh Hòa đã bước qua tuổi ngoài 80 nhưng vẫn miệt mài sưu tầm các hình ảnh, kỷ vật về Bác Hồ với mong muốn lưu giữ mãi cho đời sau.
Băng rừng, vượt suối tìm kỷ vật về Bác
Thấm thoắt, tôi cũng đã quen ông Bùi Xuân Phước được gần 10 năm. Gần 10 năm ấy, cuộc gặp nào ông cũng hào hứng nói chuyện về Bác Hồ, về những bài học cao quý của Bác, những kỷ vật quý giá về Bác. Mùa hè năm 2016 này ông bước sang tuổi 82 nhưng vẫn cần mẫn chăm chút bảo quản các kỷ vật về Bác, tự tay trồng và dọn dẹp những mảnh vườn tái hiện những nơi Bác Hồ từng gắn bó.
Ông Phước kể: “Với tôi, hạnh phúc và ước vọng cháy bỏng là làm sao lan tỏa được hình ảnh cao đẹp về Bác đến hàng triệu triệu người Việt Nam. Từ đó nhân lên những điều tốt đẹp nhất. Muốn làm được như vậy thì không còn cách nào khác là phải sưu tầm, tìm kiếm và gìn giữ những kỷ vật và hình ảnh về Người”.
Ông Phước luôn sống giản dị, cả đời học theo tấm gương Bác Hồ
Cũng như bao thanh niên khác ở mảnh đất Phú Khánh (tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên cũ) khi vừa bước qua tuổi 18, ông Bùi Xuân Phước xung phong lên đường nhập ngũ. Ông bảo: “Khát vọng đi đánh giặc trong tôi cũng bắt nguồn từ tình yêu với lãnh tụ Hồ Chí Minh. Thấy hình ảnh và những lời kêu gọi của Bác là muốn lên đường ngay”.
Ông kể: “Nhiều năm chiến đấu trong Sư đoàn Đặc công 385, hơn ai hết tôi hiểu được nỗi gian khổ của vị lãnh tụ kính yêu của cả dân tộc Việt Nam. Sau ngày đất nước giải phóng, lòng kính yêu, ngưỡng vọng ấy lại tăng lên gấp bội. Có lần đang lên cơn sốt nặng nhưng nghe thấy một nơi xa xôi ở miền Đông có ảnh tư liệu mới về Bác Hồ, tôi liền lặn lội đến đó ngay để xin sao chụp nguyên bản. Có nhiều đêm nằm ngủ mơ, tôi cũng toàn mơ thấy hình ảnh của Bác”.
Rồi nữa, có những lần đang giữa mùa mưa bão nhưng khi nghe tin ở một bản làng nhỏ tận ngoài miền núi phía Bắc còn cất giữ chiếc áo của Bác, ông Phước cũng lập tức lên đường. Có được kỷ vật, ông tìm cách bảo quản và phục chế sao cho giữ được lâu nhất. Rồi có những khi nắng cháy như mùa hè năm 2010, biết ở Quảng Trị có một bộ ảnh tư liệu quý về Người, ông Phước lại lặn lội đến xin được sao chụp bộ ảnh quý ấy để mang về lưu giữ và kêu gọi mọi người cùng đến xem để hiểu thêm về những gian khổ và tinh thần cao cả, đức hy sinh lớn lao của Bác.
Không chỉ lúc nghỉ hưu ông mới miệt mài sưu tầm các hình ảnh, kỷ vật về Bác mà ngay sau ngày giải phóng ông đã làm việc này. Ông Phước kể rằng: “Biết ở đâu có hình ảnh, tư liệu, bút tích về Bác Hồ là tôi băng rừng, lội suối đến xin sao chụp lại ngay để lưu giữ”. Nhiều đơn vị mời ông Phước về công tác nhưng để thuận tiện cho đam mê sưu tầm kỷ vật về Bác Hồ nên ông lựa chọn về làm việc tại Bảo tàng Phú Khánh.
Cứ đến chiều thứ sáu hàng tuần, ông lại rong ruổi đi khắp nơi tìm kiếm các kỷ vật về Bác. Làm việc tại Bảo tàng Phú Khánh một thời gian, ông Phước được đề bạt làm Giám đốc. Ở vị trí ấy suốt mấy chục năm nhưng ông Phước luôn sống giản dị, liêm khiết.
Ông tâm niệm, làm việc gì cũng nghĩ đến Bác Hồ, sống sao cho không hổ thẹn với những chiến sỹ đã hy sinh cho sự bình yên của đất nước. Mái tóc gần như bạc trắng nhưng khi nói về việc mình đang làm, giọng ông vẫn rất hào sảng: “Các thế hệ muôn đời sau biết đến Bác Hồ không có gì khác đó là những hình ảnh, hiện vật về Bác. Thế nên phải giữ gìn lại dù là những hiện vật nhỏ nhất. Mấy chục năm làm Giám đốc Bảo tàng, tôi chưa bao giờ có một ý nghĩ tư lợi, dù là nhỏ nhất. Chính vậy nên luôn thấy tinh thần thư thái”.
Lập bảo tàng về Bác Hồ
Năm 1995, ông Phước về hưu. Tất cả tài sản tích cóp được trong mấy chục năm công tác ông dồn hết vào việc xây bảo tàng Bác Hồ. Không lựa chọn nơi phố thị ồn ào, ông lui về giữa vùng quê Phước Đồng mua lô đất rộng hàng nghìn mét vuông để thực hiện ước mong của mình.
Nói về ý tưởng này, ông kể: “Ở những vùng quê, nhiều trẻ em và người dân nghèo không có điều kiện tiếp cận các hình ảnh về Bác và các chiến sỹ đã hy sinh năm xưa nên tôi muốn lập bảo tàng ở đó. Xây bảo tàng ở đây, hàng nghìn người dân lao động, thuộc mọi tầng lớp ở các vùng quê quanh xã Phước Đồng cũng có thể về tham quan và tìm hiểu về Bác Hồ.
Việc đầu tiên là ông Phước cho xây dựng phòng trưng bày chính và tượng đài 79 mùa xuân - tượng trưng 79 năm cống hiến cho dân tộc của Bác Hồ. Vị trí trang trọng nhất của phòng trưng bày chính là hình ảnh Bác Hồ được tái hiện như thật, xung quanh là hàng trăm kỷ vật như mũ cát bi, dép cao su, gậy trúc, quần áo… của Bác.
Cùng với đó là trên 150 hình ảnh về các chặng đường hoạt động cách mạng của Bác Hồ được ông Phước phóng ra trưng bày trong tủ kính. Có những lần ông Phước phải thức đêm hàng tuần để phục chế các hình ảnh quý về Bác Hồ. Cùng với đó còn có hàng chục cuốn tài liệu có bút tích của Bác Hồ ông Phước sao chụp lại.
Tháng 5-2016 này, ông Phước còn cho dựng một tượng đài Bác Hồ bằng thạch cao ngay trước phòng trưng bày chính. Ông Phước cho biết: “Để có kinh phí đúc bức tượng này tôi và vợ phải hàng ngày chăm sóc vườn rau rồi mang đi bán. Ngày dựng tượng, các chú bộ đội, công an ở địa phương cũng đến dựng cho đấy”. Đền thờ Bác Hồ đối diện với tượng đài liệt sỹ như ngụ ý cho lời căn dặn của Bác: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tất cả các công trình, cách bài trí của ông Phước đều mang một ý nghĩa sâu sắc.
Từ ngày có Bảo tàng Bác Hồ tại gia đình nhà ông Phước, hàng nghìn người dân Khánh Hòa thường xuyên đến viếng thăm. Các đồng đội năm xưa của ông cũng thường về đây thắp hương lên đài liệt sỹ để tưởng nhớ đồng đội. Cách đây gần 10 năm, thấy cần có thêm một sân khấu cho nhân dân và các cháu thiếu nhi đến làm lễ tưởng niệm trong các ngày trọng đại, ông Phước đã bán nốt chiếc xe máy của mình để có kinh phí xây dựng.
Song hành cùng ông Phước và luôn hết lòng ủng hộ ông là người vợ tần tảo. Ông Phước vui vẻ nói: “Ban đầu khi nghe tôi trình bày là sau này bảo tàng sẽ dành cho tất cả mọi người ở mọi nơi đến tưởng nhớ về Bác, nhìn ngắm các kỷ vật về Bác, vợ tôi lấn cấn một chút. Nhưng sau đó bà ấy hiểu ra ý nghĩa cao đẹp nên cũng dốc sức cùng tôi chăm chút các công trình này. Có nhiều đêm cả hai vợ chồng cùng uống trà đặc để thức trắng làm các công đoạn bảo vệ kỷ vật. Sơn sửa không gian quanh bảo tàng cũng do hai vợ chồng tôi tự mày mò làm hết chứ lương hưu được ít đồng sao thuê mướn được ai. Làm cho đến khi nào không còn sức lực nữa mới thôi”.
Huy Hoàng
Thu Hiền (st)