Thứ hai, 23/12/2024

            1. Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2016

Theo đó, người nộp thuế không khai hoặc khai sai về tên hàng, chủng loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, trị giá, mã số hàng hóa, thuế suất, mức thuế, xuất xứ hàng hóa trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhưng đã tự phát hiện và khai bổ sung hồ sơ khai thuế trước thời điểm thông quan hàng hóa vẫn sẽ bị phạt 10% số tiền thuế khai thiếu.

Bên cạnh đó, Nghị định này cũng quy định phạt từ 1 - 3 triệu đồng đối với người xuất cảnh không khai hoặc khai sai số ngoại tệ, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, vàng mang theo vượt mức quy định khi xuất cảnh tương đương từ 5 - 30 triệu đồng; trong khi trước đây, chỉ khi mang theo tiền, vàng vượt mức quy định từ 10 - 30 triệu đồng mới bị áp dụng mức phạt này.

Đặc biệt, Nghị định đã tăng mức phạt với hành vi tẩy xóa, sửa chữa chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đã được đăng ký mà không ảnh hưởng đến số tiền thuế phải nộp từ mức 500.000 đồng - 02 triệu đồng lên mức từ 01 - 02 triệu đồng. Trái lại, với hành vi đánh tráo hàng hóa đã kiểm tra hải quan với hàng hóa chưa kiểm tra hải quan, mức phạt giảm từ 20 - 60 triệu đồng xuống còn 20 - 30 triệu đồng…

2. Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2016

Từ ngày 01/8/2016, Chính phủ đã quyết định tăng mức phạt tiền đối với một loạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Cụ thể, người đang điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự sử dụng ô (dù), điện thoại, di động, thiết bị âm thanh (trừ máy trợ thính) sẽ bị phạt từ 100.000 đồng - 200.000 đồng, thay vì chỉ bị phạt mức tiền từ 60.000 đồng - 80.000 đồng như trước đây. Trường hợp điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; không đi đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên hè phố (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà) cũng bị phạt từ 300.000 đồng - 400.000 đồng, trước đây là 200.000 đồng - 400.000 đồng…

Người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; người không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông hoặc người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng; trong khi trước đây, những hành vi này chỉ áp dụng mức phạt từ 10 - 15 triệu đồng.

Đối với hành vi gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn, mức phạt cũng tăng từ 2 - 3 triệu đồng lên 5 - 6 triệu đồng…

3. Nghị định 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/09/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2016

Theo Nghị định, mức phạt đối với hành vi đặt in hóa đơn mà không ký hợp đồng bằng văn bản sẽ giảm từ  2 - 4 triệu đồng xuống còn từ 500.000 đồng - 1,5 triệu đồng.

Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp đặt in hóa đơn khi cơ quan thuế đã có văn bản thông báo tổ chức, doanh nghiệp đó không đủ điều kiện đặt in hóa đơn sẽ bị phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng; đồng thời buộc phải hủy các hóa đơn đã đặt in không đúng quy định.

Bên cạnh đó, cá nhân không thông báo bằng văn bản cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp phải thông báo giá; áp dụng mức giá kê khai, đăng ký không đúng thời hạn sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng. Trường hợp không kê khai giảm giá phù hợp với biến động giảm giá; không kê khai giá đúng thời hạn theo văn bản yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, mức phạt tiền dao động từ 5 - 10 triệu đồng.

4. Nghị định số 51/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2016

Nghị định này quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ, bao gồm:

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con.

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ.

Nghị định này áp dụng cho các đối tượng:

- Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

- Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Giám đốc công ty.

- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,Ủy bannhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật được Chính phủ giao thực hiện quyn,trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với công ty.

- Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động tại công ty.

5. Nghị định số 52/NĐ-CP ngày 13/06/2016, Chính phủquy định tiền lương, thưởng đối với quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2016

Theo đó, quỹ tiền lương, thù lao thực hiện được xác định như sau:

- Đối với quản lý chuyên trách: căn cứ vào số người quản lý và mức tiền lương bình quân kế hoạch gắn với mức độ thực hiện chỉ tiêu theo Điều 5 Nghị định này, trong đó:

+ Nếu lợi nhuận vượt kế hoạch thì cứ 1% lợi nhuận, quản lý được tính thêm tối đa 1% tiền lương; và không vượt quá 20% mức tiền lương bình quân kế hoạch.

- Đối với quản lý không chuyên trách: tính trên cơ sở số quản lý, thời gian làm việc và mức thù lao theo Khoản 2 Điều 4 Nghị định này.

            6. Nghị định 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ về việc quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2016

Cụ thể, tổ chức khoa học và công nghệ công lập vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như đối với doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Cụ thể, tổ chức khoa học công nghệ công lập được áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm; được miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, tổ chức khoa học và công nghệ công lập còn được hưởng các chính sách ưu đãi về tín dụng, trong đó: Được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam; được vay vốn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ ở các bộ, ngành, địa phương và các quỹ khác…

7. Nghị định số 55/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trước năm 1995, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2016

Nghị định 55/2016cho phép tăng lương hưu, trợ cấp được tính trên nền mức lương cơ sở đã tăng lên mức 1.210.000 đồng một tháng.Nâng mức lương hưu, trợ cấp hàng tháng của nhóm đối tượng thu nhập thấp lên mức 2.000.000 đồng một người. Nghị định cũng quy định khá chi tiết mức hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng của người lao động, từcán bộ, công chức, viên chức, quân nhân, công an nhân dân... đến người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.

8. Quyết định 24/2016/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc trợ cấp một lần đối với người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2016

Từ 01/08/2016, người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ được hưởng trợ cấp từ ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, người có thành tích tham gia kháng chiến, được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ sẽ được trợ cấp một lần với mức tiền 1,815 triệu đồng; nếu được nhận Bằng khen cấp Bộ, cấp tỉnh, mức trợ cấp một lần là 1,21 triệu đồng. Trường hợp người có Bằng khen đã từ trần mà chưa được hưởng trợ cấp một lần thì đại diện thân nhân được hưởng thay. Đặc biệt, không áp dụng mức trợ cấp một lần này với người tham gia kháng chiến được tặng Huân chương, Huy chương kháng chiến.

9. Thông tư số 12/2016/TT-BGTVT ngày 09/6/2016 của Bộ Giao thông vận tảihướng dẫn thi hành Nghị định 132/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2016

Theo đó, trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ và chỉ tạm giữ bản chính một trong các giấy tờ theo thứ tự sau đây cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt:

- Bằng hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng, chứng chỉ lái phương tiện;

- Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện hoặc Giấy xác nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực đối với trường hợp phương tiện thế chấp;

- Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện;

- Bằng hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của máy trưởng;

- Giấy tờ liên quan đến tang vật, phương tiện khác.

10. Thông tư số 05/2016/TT-BNV ngày 10/6/2016 của Bộ Nội vụhướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2016

Theo đó, mức lương, phụ cấp và hoạt động phí của các đối tượng quy định tại Điều 1 Thông tư này sẽ được tính theo mức lương cơ sở là 1.210.000 đồng kể từ ngày 01/5/2016.

Đồng thời hướng dẫn đối với cán bộ, công chức có hệ số lương từ 2,34 trở xuống đã được hưởng tiền lương tăng thêm quy định tại Nghị định 17/2015/NĐ-CP như sau:

- Nếu tổng tiền lương và các khoản phụ cấp lương tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng của tháng 5/2016 thấp hơn tiền lương và các khoản phụ cấp lương cộng với tiền lương tăng thêm theo Nghị định số 17 tính theo mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng của tháng 4/2016 thì được hưởng chênh lệch cho bằng tổng tiền lương đã hưởng của tháng 4/2016.

- Mức hưởng chênh lệch này không dùng để tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các loại phụ cấp lương.

Thông tư 05/2016/TT-BNV bãi bỏ Thông tư 07/2013-TT-BNV ngày 31 tháng 7 năm 2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội có tính chất đặc thù.

Các Khoản trích và các chế độ được hưởng tính theo mức lương cơ sở được tính lại tương ứng từ ngày 01 tháng 5 năm 2016.

11. Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 15/6/2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn quy trình, thủ tục, mức hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và nội dung, mức hỗ trợ phát triển thị trường lao động ngoài nước quy định tạiĐiều 10 và Điều 12 của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/1016

Theo đó, mức hỗ trợ được quy định như sau:

- Đào tạo nghề: theo chi phí thực tế, mức tối đa theo Điều 4 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg (ngày 28/09/2015);

- Đào tạo ngoại ngữ: theo mức cụ thể từng khóa học và thời gian học thực tế, tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học;

- Bồi dưỡng kiến thức cần thiết: tối đa 530.000 đồng/người/khóa học;

- Tiền ăn trong thời gian đào tạo: 40.000 đồng/người/ngày;

- Chi phí đi lại (01 lượt đi và về) từ nơi cư trú hợp pháp đến địa điểm đào tạo:

+ Cư trú cách nơi đào tạo 15km trở lên: 200.000 đồng/người/khóa học;

+ Cư trú tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn cách nơi đào tạo từ 10 km trở lên: 300.000 đồng/người/khóa học;

- Người lao động tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch này thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP (ngày 27/12/2008) được hỗ trợ thêm:

+ Tiền ở; và

+ Tiền trang cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5Thông tư liên tịch 31/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC.

12. Thông tư số 13/2016/TT-BLĐTBXH ngày 16/6/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2016.

Theo đó, các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động mới được bổ sung như sau:

- Các công việc làm việc trên cao cách mặt bằng làm việc từ 2 mét trở lên;

- Chế tạo, sử dụng, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình, thiết bị, hóa chất, dung dịch dùng trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, khai thác dầu khí, các sản phẩm của dầu khí trên biển và trên đất liền;

- Các công việc làm việc có tiếp xúc bức xạ ion hóa;

- Các công việc có tiếp xúc điện từ trường tần số cao ở dải tần số từ 30 GHz tới 300 GHz.

13. Thông tư số 83/TT-BTC ngày 17/6/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện ưu đãi đầu tư quy định tại Luật đầu tư và Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2016

Theo đó, dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư quy định tại mục A Phụ lục I hoặc thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Phụ lục II Nghị định118/2015/NĐ-CPđược áp dụng ưu đãi thuế nhập khẩu như sau:

- Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định theo quy định tại Khoản 6, Khoản 8 Điều 12 Nghị định 87/2010/NĐ-CP.

- Nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư (trừ những dự án sản xuất không được ưu đãi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ) được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 (năm) năm, kể từ ngày bắt đầu sản xuất.

Ngoài ra, Thông tư  còn hướng dẫn các trường hợp được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

14. Thông tư 84/2016/TT-BTC ngày 17/6/2016 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thủ tục nộp ngân sách Nhà nước đối với các khoản thuế và thu nội địa, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2016

Tại Thông tư số 84/2016/TT-BTCBộ Tài chính quy định người nộp thuế có thể nộp thuế điện tử trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc qua dịch vụ nộp thuế điện tử do ngân hàng cung cấp.

Để nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, người nộp thuế phải đăng nhập hệ thống nộp thuế điện tử bằng tài khoản giao dịch thuế điện tử đã được cấp; chọn nộp tiền theo trường hợp “Lập giấy nộp tiền” hoặc “Lập giấy nộp tiền nộp thay” và kê khai các thông tin về loại tiền nộp thuế, người nộp thuế và người nộp thay, thông tin ngân hàng/Kho bạc Nhà nước và tài khoản trích tiền nộp thuế, thông tin nộp ngân sách Nhà nước…

Đối với nộp qua dịch vụ nộp thuế điện tử do ngân hàng cung cấp như ATM, Internet banking, mobile banking, POS hoặc hình thức thanh toán điện tử khác, người nộp thuế lập chứng từ theo hướng dẫn của từng hệ thống ngân hàng, nhưng phải đảm bảo các thông tin về khoản nộp ngân sách Nhà nước, tên cơ quan quản lý thu, thông tin tài khoản Kho bạc Nhà nước, thông tin nộp ngân sách Nhà nước…

Còn nữa

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: