Bầu cử để lựa chọn người xứng đáng gánh vác việc nước là nguyên tắc tồn tại và phát triển của tất cả các nước dân chủ. Tuy nhiên, do tính chất và trình độ dân chủ ở những nước này không giống nhau nên thái độ của người dân cũng như động cơ của ứng cử viên đều không giống nhau.
Khác với các nước tư bản, ở Việt Nam bầu cử là một quá trình do người dân hoàn toàn làm chủ, toàn bộ quyền lực đều thuộc về nhân dân. Tất cả những phương thức, những đại biểu được đề cử hoặc tự ứng cử đều do dân bàn bạc, dân bầu, dân ủy thác,… đây là một quá trình nghiêm túc tự do lựa chọn để tìm người tài đức - tìm người gánh vác những trọng trách của đất nước theo tinh thần "sẵn sàng làm tôi tớ trung thành của nhân dân", mà hiện thân của tinh thần có ý nghĩa nguyên tắc ấy là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Khi được bầu làm đại biểu Quốc hội, được cử giữ chức Chủ tịch nước, trả lời các nhà báo về vị trí này Người đã nói rất rõ "Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng làm, cũng như mọi người lính vâng lệnh quốc dân ra trước mặt trận… Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"(1). Tất cả là quyền dân, khi nào dân miễn nhiệm "cho lui" thì trở về với đời thường, với cuộc sống bình dân chứ không phải là nhà cao cửa rộng, đầy đủ tiện nghi sang trọng và phương tiện. Đó là mẫu mực về nhân cách người đại biểu được dân ủy thác, là tấm gương để các thế hệ công dân Việt Nam, trước hết là cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp được dân tin tưởng, lựa chọn ở những vị trí quyền lực càng cao thì càng phải tự soi mình, làm theo và sáng tạo trong toàn bộ quá trình thể hiện quyền lực của dân thông qua những công việc và việc làm cụ thể.
Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, mẫu mực nhân cách người đại biểu Quốc hội là nói đi đôi với làm theo tinh thần của "ham muốn tột bậc", cho nên ở Người còn hàm chứa nhân cách của một đại biểu tự nhiên, tự ứng cử theo tinh thần "hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử"(2). Đó là giá trị tiềm ẩn theo chủ nghĩa yêu nước. Do vậy cũng hàm chứa những đòi hỏi nghiêm túc về bản lĩnh của mỗi đại biểu muốn được dân tín nhiệm, trước hết họ phải là người yêu nước thương dân thật sự. Đấy là một giá trị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từ sớm đã bộc lộ hết sức sâu sắc. Câu trả lời các nhà báo của Người chính là lời kết của toàn bộ quá trình đấu tranh không mệt mỏi, từ quyết định ra đi tìm đường cứu nước cho tới khi thiết lập được nhà nước của dân. Có thể nói, từ lời kết ấy đều hiểu thêm một cách sâu sắc hơn rằng việc quyết định không theo ham muốn của nhiều chí sĩ yêu nước đương thời, nghĩa là từ khi còn ở bậc tiểu học đã bộc lộ ham muốn theo hướng độc lập dân tộc phải gắn với bảo đảm hạnh phúc bền vững cho đồng bào. Và chính sự ham muốn là cội nguồn sức mạnh, là ý chí vượt khó đi lên làm tất cả mọi việc để sống, để giải đáp cho kỳ được câu hỏi như Nguyễn Tất Thành đã đặt ra lúc ấy là: "Làm thế nào để cứu nước", để thực hiện cho kỳ được ham muốn như Người nói "Tôi muốn đi ra ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào mình"(3). Nói như vậy và làm đúng như vậy. Thể hiện sự vững vàng của một "ham muốn tột bậc" cho nên: Phương châm: "- Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục"(4) đã trở thành nền tảng tư tưởng giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chối mọi thể chế dân chủ tư sản, kiên trì bôn ba tới 10 năm và rồi tiếp nhận được chủ nghĩa Mác! Vì thế khi tìm thấy con đường cứu dân, cứu nước rõ ràng Người "sung sướng đến phát khóc" và vấn đề được giải đáp đầu tiên trong tư tưởng của Người là đảng cách mạng, tức là phải có một tổ chức bao gồm những chiến sĩ tiên tiến nhất, trung kiên với "ham muốn tột bậc", có chí khí "sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân"(5). Kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam ngày 03-3-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ thực chất mọi hoạt động lãnh đạo cách mạng của những người cộng sản Việt Nam là như vậy. Đó là một tuyên thệ, một cam kết trước nhân dân và toàn thể những người cộng sản Việt Nam.
"Làm tôi tớ trung thành của nhân dân" theo Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là trăn trở "làm sao cho nước ta hoàn toàn được độc lập" mà quan trọng hơn là làm sao để đất nước tồn tại và phát triển bền vững, bảo đảm cho hạnh phúc của đồng bào không ngừng được cải thiện theo quy luật phát triển của nền "dân chủ đến nơi". Bởi "Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập chẳng có nghĩa lý gì"(6). Vì thế ngay sau Tuyên ngôn độc lập, ngày 03-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Người đề nghị tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu để bầu ra Quốc hội và lập ra chính phủ của dân, đó là một thứ công cụ tuyệt đối cần phải có, bao gồm những đại biểu đã được dân sáng suốt lựa chọn, ủy thác, tất cả đều chung một "ham muốn tột bậc", đều "hiểu rằng các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân". Nói như vậy và cũng làm được như vậy nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tồn tại, vượt qua hoàn cảnh "ngàn cân treo sợi tóc".
Nói đi đôi với làm như thế đã được mọi thế hệ đại biểu nhân dân của nước Việt Nam mới thể hiện, giá trị nhân cách ấy đã trở thành ý thức xã hội, xã hội hóa, là lẽ sống đạo đức của toàn dân tộc, lẽ sống mà không chỉ những đại biểu được dân cử mà tất cả mọi người yêu nước Việt Nam đều hành động như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn:
"Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh"
Nước Việt Nam mới đã tồn tại hơn 70 năm, về cơ bản lẽ sống này được thể hiện nhất quán và nghiêm túc, trong đó các thế hệ đại biểu Quốc hội được dân ủy thác qua 13 kỳ bầu cử đều là những mẫu mực, đều được dân tin tưởng và nối tiếp những tình cảm cách mạng. Do đó sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy. Đặc biệt, những lúc nhiều khó khăn, nhiều diễn biến phức tạp tưởng như không thể vượt qua nhưng kỳ vọng thắng lợi của dân đều trở thành hiện thực. Đó là những điểm sáng của niềm tin phát triển. Sự hào hứng, tin tưởng của dân được bộc lộ theo tinh thần làm chủ đất nước ngày càng cao, khí thế hoạt động nhộn nhịp ở các kỳ bầu cử đã nói lên tất cả.
Hiện nay, trong hoàn cảnh mới "nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững"(7). Đó là một thực tế nhiều trăn trở để đất nước phát triển nhanh bền vững. Từ khí thế mới sau Đại hội XII của Đảng, dân đặt nhiều niềm tin và sự kỳ vọng sớm hiện thực hóa những tư tưởng cơ bản của Đại hội. Bởi lẽ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thực sự trở thành nơi hội tụ trí tuệ toàn dân, hội tụ khí thế cách mạng của toàn dân tộc, của xã hội chủ nghĩa. Đường lối do Đại hội đề ra được thể hiện trong các văn kiện đều có căn cứ khoa học chắc chắn. Đó là cơ sở bảo đảm cho ham muốn "làm sao" theo tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh của dân được giải đáp. Và nghị quyết của Đại hội đã nhanh chóng được triển khai trong đời sống hiện thực. Việc toàn Đảng, toàn dân khẩn trương đi vào tổ chức bầu cử Quốc hội khóa XIV, hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 là một giải pháp chắc chắn, thành công của bầu cử là một thắng lợi bước đầu rất quan trọng, bảo đảm cho toàn bộ quá trình biến nghị quyết của Đảng thành hiện thực. Bởi thông qua bầu cử nhân dân lại lựa chọn được những đại biểu ưu tú nhất phù hợp với tình hình mới để lo việc nước.
Đất nước đang đứng trước rất nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen… Tất cả đều đòi hỏi phải được xử lý tốt thì mới phát triển nhanh và bền vững, nhưng tất cả đều không có việc nào dễ. Và suy cho cùng thì "nhiều hạn chế, yếu kém" đã, đang thể hiện trên tất cả các mặt, các lĩnh vực, từ công việc lớn đến công việc nhỏ, từ vị trí cao đến vị trí thấp hợp thành những nguy cơ và 4 nguy cơ mà Đảng nêu lên đã hơn 20 năm vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp, những biểu hiện "tự diễn biến", tự chuyển hóa" trong nội bộ làm cho niềm tin của cán bộ, đảng viên có mặt bị giảm sút… Tất cả đều bộc lộ từ nhân cách - nói đi đôi với làm chưa nghiêm túc. Cho nên để vượt qua tất cả những khó khăn, thách thức dân đòi hỏi một thế hệ đại biểu mới phải khắc phục được cái tình trạng ấy, phải có sự "ham muốn tột bậc" theo tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh để trong hoàn cảnh còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên tha hóa biến chất, còn tình trạng đạo đức xuống cấp… cũng không thể bị chi phối, "quyến rũ", không gì có thể chuyển lay, khuất phục. Mỗi người một việc, các đại biểu đã công khai chương trình hành động, đã cam kết, đã nói những lời nói tốt đẹp. Hình ảnh về một đất nước Việt Nam tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém để phát triển nhanh và bền vững đã được phác ra, đã có những dấu hiệu tích cực ban đầu nhưng dân còn chờ đợi, còn kỳ vọng bởi tiêu chuẩn của chân lý là thực tiễn biến đổi của đất nước, là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng được triển khai thành công rất tốt đẹp như chính sự thành công của Đại hội. Sau bầu cử, dân kỳ vọng rất nhiều ở Quốc hội - ở nhân cách Hồ Chí Minh trong tất cả các đại biểu./.
ThS. Kiều Thị Hồng Nhung - Đại học Phương Đông
Theo http://www.tapchicongsan.org.vn
Thu Hiền (st)
-----------------------------------------------------
(1) (2) (5) (6) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, tr.100, 72, 35, 6, 36
(3) Hồ Chí Minh tiểu sử, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2006, tr.4
(4) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986, tr.54-57
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương, HN, 2016, tr.65