Thứ hai, 23/12/2024

Thông tin Thiếu tướng, TS Nguyễn Quang Tấn, nguyên Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, kiêm Tư lệnh Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đột ngột qua đời đã làm mọi người bất ngờ; bởi rất nhiều cán bộ, nhân viên của cơ quan Bộ Tư lệnh sáng 14-6 còn gặp ông đi cùng với người con trai cả là Đại tá Nguyễn Văn Phương, Phó Cục trưởng Cục Chính sách, Bộ Công an, đến cảm ơn đơn vị sau lễ tang người vợ của ông; vậy mà, 14 giờ 30 phút cùng ngày, ông đã đi vào cõi vĩnh hằng.

Vẫn biết “sinh có hạn, tử bất kỳ” là quy luật của cuộc đời, nhưng khi nghe tin ông ra đi đột ngột, mọi người vô cùng bàng hoàng, thương tiếc...

Hưởng thọ 80 tuổi, với 48 năm tuổi quân, ông đã trải qua nhiều cương vị công tác, nhưng thời gian gắn bó với nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là dài nhất (1983 - 2007); ông cũng là người đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (1992 -2005) và Tư lệnh Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (1992 - 2003) trong giai đoạn có nhiều khó khăn, thử thách lớn nhất đối với nhiệm vụ chính trị của Bộ tư lệnh và Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

tu lenh
Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn (bên phải) cùng Viện trưởng Viện Cấu trúc sinh học Liên bang Nga ký biên bản phối hợp pha chế dung dịch đặc biệt tại Việt Nam (ngày 3-6-2003). Ảnh tư liệu.

Nhớ lại những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi Liên Xô tan rã, các hiệp định ký kết giữa ta và bạn trong nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh không còn có hiệu lực, chuyên gia bạn rút về nước, trong khi đó, đội ngũ cán bộ y tế của ta còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Chính trong thời điểm đó, ông đã đề xuất với Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh làm tham mưu cho Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và Bộ Quốc phòng báo cáo với Thủ tướng Chính phủ cho phép Ban Quản lý Lăng hợp tác trực tiếp với Viện Cấu trúc sinh học Liên bang Nga (viện giữ gìn thi hài Lê - nin thời Xô - viết). Được sự đồng ý của Chính phủ, đoàn cán bộ của Ban Quản lý Lăng do ông dẫn đầu đã đi Liên bang Nga ký kết văn bản hợp tác trực tiếp với Viện Cấu trúc sinh học Liên bang Nga từ cuối năm 1992. Điều này đã mở ra một chương mới trong quan hệ giữa ta và bạn đối với nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những năm trước khi Liên Xô chưa tan rã, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình viện trợ không hoàn lại của Liên Xô cho Việt Nam. Khi Liên bang Nga ra đời, hai nhà nước Việt Nam và Liên bang Nga chưa ký kết được các thỏa thuận hợp tác, trong đó có nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì việc hợp tác trực tiếp giữa Ban Quản lý Lăng với Viện Cấu trúc sinh học Liên bang Nga để bảo đảm không bị gián đoạn nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công việc có ý nghĩa chính trị vô cùng lớn lao. Cũng chính từ cơ chế này, kết hợp với sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của chúng ta trong từng bước vươn lên làm chủ nhiệm vụ chính trị mà tháng 6-2003, cũng tại Mát-xcơ-va, ta và bạn đã ký văn bản hợp tác pha chế dung dịch đặc biệt tại Việt Nam từ đầu năm 2004. Đây là cột mốc lịch sử, đánh dấu một chương mới trong quá trình vươn lên làm chủ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh của đội ngũ các nhà khoa học y tế, kỹ thuật của Việt Nam. Trong 12 năm, từ lúc chuyển đổi cơ chế đến khi hợp tác trực tiếp giữa các nhà khoa học y tế Liên bang Nga với các nhà khoa học y tế Việt Nam, tôi đã chứng kiến nhiều lần phải xử trí các mối quan hệ giữa ta và bạn. Song với tình cảm kính yêu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, gìn giữ mối quan hệ truyền thống giữa Việt Nam - Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay, Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn đã nhiều đêm mất ngủ để suy nghĩ, tìm tòi các phương án tối ưu, giải quyết hài hòa những tình huống phát sinh, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất giữa ta và bạn để tuyệt đối không được ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Tôi xin dẫn lời của đồng chí Phan Văn Khải, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ khi đó, đã nhận xét về Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn: “Nếu không có anh Tấn hiểu kỹ cả ta và bạn thì không thể có kết quả tốt đẹp như vừa qua”. Lời đánh giá, nhận xét của người đứng đầu Chính phủ đối với công lao đóng góp của ông trong triển khai thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là một sự ghi nhận những cố gắng không mệt mỏi trong nhiều năm giữ trọng trách của người đứng đầu Ban Quản lý Lăng và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đối với ông, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn được đặt lên hàng đầu, nhưng nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền để mọi người đến viếng Bác, thăm công trình Lăng và tổ chức các sinh hoạt chính trị, văn hóa ngày càng nhiều hơn là một nhiệm vụ rất quan trọng. Với suy nghĩ đó, một mặt, ông chỉ đạo các đơn vị của Ban Quản lý Lăng phải phối hợp chặt chẽ để đón tiếp nhân dân, khách quốc tế tận tình, chu đáo; mặt khác, từ năm 2003, ông đã bàn bạc và thống nhất với Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam triển khai đến các địa phương tổ chức cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng... được về Lăng viếng Bác, tham quan Thủ đô Hà Nội, được miễn giảm tiền tàu, xe và nhà nghỉ tại Hà Nội, trong đó, Bà mẹ Việt Nam anh hùng được miễn giảm 99% giá vé tàu (đường sắt giữ lại 1% để làm bảo hiểm cho các mẹ). Ông cũng trăn trở là làm sao cho nhân dân đến thăm viếng Bác thuận tiện nhất, không để ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là các cụ già, các cháu nhỏ, thương binh, bệnh binh... Suy nghĩ đó đã đưa ông đến một sáng kiến làm mái che nắng, che mưa cho nhân dân vào viếng Bác trong những ngày mưa, ngày nắng. Ngày nay, mái che mưa, che nắng đã được thay đổi chất liệu và công nghệ hiện đại hơn, nhưng khung cột inox và những tấm vải bạt màu xanh nước biển trước đây đã để lại những kỷ niệm khó quên cho mỗi người dân khi về Lăng viếng Bác...

Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đơn vị, nhất là đội ngũ cán bộ y tế và kỹ thuật; trên cương vị là Phó bí thư Đảng ủy Đoàn 969, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn đã cùng với tập thể Ban Thường vụ và Đảng ủy thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, tìm mọi nguồn để đưa cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, tay nghề. Chính vì vậy, khi làm việc với Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam), ông đã chủ động đề xuất với lãnh đạo Tổng Công ty tài trợ kinh phí cho đội ngũ bác sĩ, kỹ sư của Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng sang Liên bang Nga đào tạo phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Kể từ năm 2000 đến 2015, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã tài trợ kinh phí cho Ban Quản lý Lăng gửi cán bộ đi đào tạo sau đại học tại Liên bang Nga với hàng chục thạc sĩ và tiến sĩ. Đây thực sự là nguồn nhân lực quý báu giúp đơn vị luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ chính trị đặc biệt trong mọi tình huống.

Nhớ lại những kỷ niệm đối với công việc của ông, mỗi cán bộ cấp dưới chúng tôi không sao kìm nén được xúc động. Cả cuộc đời tâm huyết với nhiệm vụ, khi lên đường nhập ngũ học chưa hết cấp 2, nhưng với lòng say mê học tập, kết hợp với sự quan tâm của quân đội, ông đã tốt nghiệp Học viện đào tạo sĩ quan Công binh Quybisev (Liên Xô trước đây), bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) tại Bun-ga-ri. Trên mọi cương vị công tác, dù ở đâu hay làm gì, ông đều giữ được tình cảm, mối quan hệ chan hòa, cởi mở; được mọi người quý mến, kính trọng. Những năm sau này không còn trên cương vị chỉ huy đơn vị, mặc dù đã nghỉ hưu nhưng mỗi khi đơn vị cần, ông đều sẵn sàng có mặt và sự nhiệt tình, trách nhiệm đối với công việc vẫn hăng hái như xưa.

Hôm nay, khi ngồi ghi lại những dòng kỷ niệm này, Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn đã ra đi, ông sẽ trở về với quê hương Văn Nhuệ, Ân Thi, Hưng Yên, yên nghỉ cùng với người bạn đời gắn bó thủy chung, chia ngọt sẻ bùi với ông suốt mấy chục năm qua... Chúng tôi, những cán bộ, nhân viên công tác tại Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh xin được thắp nén hương thơm bày tỏ sự ngưỡng mộ, tri ân những công lao đóng góp của ông đối với đơn vị và nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong tâm khảm của chúng tôi, hình ảnh người Tư lệnh luôn tâm huyết với nhiệm vụ còn lưu giữ mãi mãi... Tấm gương của ông sẽ còn sáng mãi... Xin vĩnh biệt ông!   

Hà Nội, đêm 14-6-2016

Trung tướng, PGS, TS ĐẶNG NAM ĐIỀN

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: