Hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Ban Biên tập Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng xin giới thiệu bài viết “Ý nghĩ chính trị, văn hóa và yêu cầu phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới” của Thiếu tướng Hồ Bá Vinh, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh những giá trị tinh thần cao quý của dân tộc và thời đại. Sự nghiệp cao cả, vĩ đại cùng với tấm gương đạo đức trong sáng của Người đã để lại trong lòng nhân dân ta và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới những tình cảm vô cùng sâu sắc và gần gũi. Sau khi Người qua đời, thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài và xây dựng Lăng của Người giữa Ba Đình lịch sử, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Chính vì vậy, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mang ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc nhằm tôn vinh nhân cách, tư tưởng, đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương sáng để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân noi theo.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng sinh động và cao đẹp của “Lòng dân - ý Đảng”; của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị và thời đại sâu sắc như lời đồng chí Trường Chinh phát biểu tại Lễ Khánh thành Lăng ngày 29/8/1975: “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình kiến trúc có ý nghĩa chính trị và tư tưởng to lớn, thể hiện tình cảm sâu sắc của đồng bào ta đối với Bác Hồ kính yêu. Đây là nơi nhân dân Việt Nam, từ thế hệ này đến thế hệ khác sẽ đến chiêm ngưỡng để tỏ lòng biết ơn Hồ Chủ tịch, quyết tâm đi theo con đường cách mạng của Người; xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là công trình văn hóa đặc biệt, một kỳ đài lịch sử của thế kỷ XX giữa Thủ đô Hà Nội, là nơi diễn ra nhiều hoạt động quan trọng của dân tộc, của Đảng, Nhà nước; nơi tổ chức các buổi mít tinh, duyệt binh, diễu binh, diễu hành chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc; nơi thường xuyên tổ chức các sinh hoạt chính trị, văn hoá, nghệ thuật nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết, “Uống nước nhớ nguồn”; nơi hun đúc chí khí cách mạng của thế hệ trẻ Việt Nam càng tôn thêm giá trị văn hoá, tinh thần và ý nghĩa chính trị của công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới.
Kể từ Ngày Khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay đã có hơn 52 triệu lượt người, trong đó có 8,4 triệu lượt người nước ngoài của hầu hết các quốc gia và tổ chức quốc tế vào Lăng viếng Bác. Đối với mỗi người dân Việt Nam, vào Lăng viếng Bác đã thành một nhu cầu tình cảm, một phong tục tập quán mới, một sinh hoạt truyền thống biết ơn cội nguồn, hướng về giá trị gốc rễ trước mỗi bước phát triển đi lên. Nhiều người nước ngoài coi Lăng Bác là một địa chỉ thiêng liêng, hấp dẫn mỗi khi tới Việt Nam. Trong số khách đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh không ít người trước đây là kẻ thù của dân tộc Việt Nam, nhưng sau khi vào Lăng thăm viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện thái độ trân trọng và hợp tác tích cực.
Đây cũng là công trình thể hiện tình hữu nghị Việt Nam – Liên Xô và Liên bang Nga ngày nay. Với sự giúp đỡ nhiệt tình, hiệu quả của Đảng, Nhà nước Liên Xô, trực tiếp là các nhà khoa học y tế, chúng ta đã giữ gìn, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện chiến tranh ác liệt, khí hậu nhiệt đới. Điều đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo tiền đề cơ bản cho quá trình giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, thể hiện ý chí quyết tâm, trí tuệ, khát vọng của đội ngũ cán bộ, các nhà khoa học y tế Việt Nam.
Như vậy, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình có ý nghĩa chính trị, văn hóa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Là hình ảnh thiêng liêng, biểu tượng hội tụ những tinh hoa về đạo đức, văn hóa, nhân cách Hồ Chí Minh và truyền thống dân tộc, có giá trị thiết thực đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho mỗi người dân Việt Nam. Đồng thời là cầu nối về văn hóa và tình hữu nghị giữa dân tộc ta với bạn bè quốc tế.
Phục vụ, đón tiếp chu đáo các Đoàn vào Lăng viếng Bác
Để phát huy ý nghĩa chính trị, văn hoá của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, tuyên truyền trong các hoạt động thăm viếng của đồng bào, chiến sĩ cả nước và bè bạn quốc tế, chúng ta cần thực hiện tốt một số yêu cầu sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu tuyên truyền, giáo dục làm sâu sắc hơn, tỏa sáng hơn giá trị tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Làm cho giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là nền tảng vững chắc, soi sáng Đảng ta, làm cho Đảng ta thực sự là đạo đức, là văn minh, là trí tuệ. Làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa Hồ Chí Minh thấm dần, thành đạo đức, văn hóa, lẽ sống của mỗi người. Đây là vấn đề rất quan trọng làm cho di sản quý báu đó trường tồn, phát huy. Đây cũng là yếu tố hàng đầu để phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, phải tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện tốt Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” trong Quân đội. Gắn với tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, ngăn chặn hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống của một số cán bộ, đảng viên nhằm tiếp tục phát huy, tỏa sáng phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Tổ chức tốt các hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật, hội thi, kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, làm nổi bật vẻ đẹp nhân cách, đạo đức, trí tuệ, tâm hồn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới được UNESCO công nhận trong thời đại mới. Bên cạnh đó cần tích cực, chủ động đấu tranh kiên quyết với âm mưu, luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín tiến tới phủ nhận thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và các giá trị văn hóa, đạo đức của Người.
Hai là, quán triệt, triển khai nghiêm túc, đầy đủ, sáng tạo quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc giữ gìn, bảo vệ thi hài và phát huy giá trị của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó chú trọng triển khai thực hiện tốt Đề án 2341 về “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22-12-2010; Nghị quyết số 122-NQ/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương, ngày 08-3-2012 về “Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”. Đây vừa là tình cảm trước vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, vừa thể hiện trách nhiệm chính trị cao cả trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân của cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong đó nòng cốt là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ba là, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phươngnâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đón tiếp, tuyên truyền phục vụ nhân dân, khách quốc tế vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, chính trị tại khu vực Lăng. Đây là việc làm thường xuyên, nghiêm túc, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhằm phát huy giá trị của công trình Lăng; đồng thời, là biện pháp giáo dục thực tiễn sinh động để mỗi tổ chức, con người bồi đắp thêm tình cảm, nhân cách, đạo đức Bác Hồ trong công tác và trong cuộc sống.
Thực tế hiện nay, nhu cầu được về Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhân dân trong cả nước rất lớn. Vì vậy, cần phối hợp với sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ của các cơ quan chức năng Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong việc giáo dục tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho nhân dân và khách quốc tế đến tham quan Lăng và Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Mặt khác, cần chủ động phối hợp với các lực lượng làm nhiệm vụ tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh, đề xuất để cải tiến nội dung, hình thức giáo dục, tuyên truyền, nhất là hình thức trực quan sinh động để tạo ấn tượng hấp dẫn phong phú cho nhân dân và khách quốc tế đến với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và khu vực Quảng trường Ba Đình lịch sử.
Chăm sóc hoa bên Lăng Bác Hồ
Mặt khác, bảo đảm cho các hoạt động đạt hiệu quả cao, có ý nghĩa thiết thực cần phải thường xuyên nghiên cứu, đổi mới, nâng cao chất lượng nghi lễ tại công trình Lăng như: Tổ chức chào cờ hằng ngày trước Lăng; duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống chiếu sáng, vườn hoa, thảm cỏ, cây xanh; phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức tuyến phố đi bộ, các hoạt động nghệ thuật định kỳ hằng tháng, tổ chức các sự kiện quan trọng tạo nên không gian văn hóa quanh Lăng, để nơi đây trở thành điểm văn hóa độc đáo của Thủ đô, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham quan.
Bốn là, quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác bảm đảm an ninh, bảo đảm an toàn tuyệt đối thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công trình Lăng cũng như các hoạt động văn hóa, chính trị, hoạt động thăm viếng của nhân dân cả nước và khách quốc tế. Quá trình đó đòi hỏi công tác tổ chức đón tiếp nhân dân và khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham gia các hoạt động trong khu vực vừa thuận lợi, chu đáo, vừa tuyệt đối an toàn. Đây là yêu cầu lớn nhất đối với các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong tình hình hiện nay, kẻ địch có thể lợi dụng bất cứ sự sơ hở nào để gây mất ổn định chính trị, tạo cớ để vu khống, phá vỡ sự bình yên của đất nước. Chính vì thế, các lực lượng của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng cùng với lực lượng công an và các lực lượng khác cần phải có kế hoạch, phương án cụ thể và hợp đồng chặt chẽ để chủ động ứng phó với mọi tình huống, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ. Bên cạnh việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, cần chú trọng làm tốt công tác đón tiếp, hướng dẫn nhân dân và khách quốc tế, để mọi người đều cảm nhận được sự thoải mái, chu đáo khi về Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan khu vực. Không vì nhiệm vụ bảo đảm an ninh mà ảnh hưởng đến công tác đón tiếp, tuyên truyền. Mỗi suy nghĩ, mỗi việc làm của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên phải thấm nhuần tư tưởng nhân ái, yêu thương con người như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở. Làm tốt những điều đó chính là góp phần vào việc tuyên truyền, học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong mọi tầng lớp nhân dân và tuyên truyền quảng bá hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân và bè bạn quốc tế. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi trường tồn cùng với dân tộc và là nơi hội tụ tình cảm của nhân Việt Nam và bè bạn quốc tế.
Năm là, quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục xây dựng tình cảm, đạo đức, tinh thần trách nhiệm cao cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, góp phần giữ gìn lâu dài thi hài Bác, phát huy có hiệu quả ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới. Trong đó, phải đặc biệt coi trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ các chuyên gia giỏi làm chủ công nghệ bảo quản và giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kỹ thuật, vận hành các thiết bị, trang bị kỹ thuật của công trình. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên nâng cao trình độ chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm tuyệt đối an toàn cho công trình. Đồng thời, coi trọng hướng dẫn nghiệp vụ giao tiếp, ứng xử, tuyên truyền, giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ chí Minh tới nhân dân trong nước và khách quốc tế. Bảo đảm đội ngũ cán bộ, chiến sĩ vừa hiểu biết sâu sắc về thân thế sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị vừa tạo ấn tượng tốt đẹp về thái độ tiếp đón tận tình, chu đáo, giúp khách tham quan tìm hiểu đầy đủ những giá trị văn hoá của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Như vậy, Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của dân tộc, biểu tượng đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam: Văn hóa Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn mới, câu nói: “Đường lối chính trị, nền nếp làm việc và đạo đức cách mạng của Đảng ta hiện nay là của Hồ Chí Minh” của đồng chí Tôn Đức Thắng trong Diễn văn khai mạc Đại hội II của Đảng ngày 11-02-1951 vẫn còn nguyên giá trị. Hiện nay, văn hóa Hồ Chí Minh đang định hướng cho cán bộ, đảng viên và toàn dân ta tu dưỡng về đạo đức cần, kiệm, liêm chính, về đạo làm người, làm cán bộ để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Với ý nghĩa đó, giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị, ý nghĩa chính trị, văn hóa của công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là trách nhiệm, là tình cảm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đối với Bác kính yêu mà còn thể hiện sự kiên định con đường Bác Hồ đã lựa chọn là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây cũng là vinh dự, trách nhiệm cao cả nhưng rất vẻ vang của cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
Thiếu tướng Hồ Bá Vinh
Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị
Tâm Trang (st)