Thứ hai, 23/12/2024

Ngày nay, nhân dân trong nước và khách quốc tế về Lăng viếng Bác, tham quan Quảng trường Ba Đình đều nhận thấy vẻ đẹp hài hòa của các loài cây xanh được trồng xung quang Lăng của Người. Để có được không gian xanh, sạch, đẹp phù hợp với cảnh quan kiến trúc, sinh cảnh và tôn thêm vẻ đẹp của Lăng Bác có sự đóng góp thầm lặng của những người trực tiếp giữ màu xanh bên Lăng Bác.

de-mai-mai-3
Những bông hoa sen tỏa hương thơm Bên Lăng Bác Hồ

Ngày 02 tháng 9 năm 1969, đúng 9 giờ 47 phút, trái tim của một lãnh tụ vĩ đại đã ngừng đập "Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa". Cả dân tộc chìm vào đau thương trong tiếng nấc nghẹn ngào gọi tên Bác!

Ngày 29 tháng 11 năm 1969, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Quyết nghị: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Công trình Lăng của Người”. Thực hiện Quyết nghị của Bộ Chính trị, ngày 2 tháng 9 năm 1973, Thủ tướng Phạm Văn Đồng trang trọng ký Quyết định chính thức khởi công xây dựng Lăng Bác và cải tạo toàn bộ Quảng trường Ba Đình lịch sử. Trong đó, vườn hoa, cây cảnh, cây xanh là một bộ phận không thể thiếu trong quần thể kiến trúc Lăng, góp phần quan trọng tạo nên sự trang nghiêm, dân tộc, cảnh quan sinh thái thanh bình, môi trường trong lành cho khu vực Lăng.

Sinh thời, Bác Hồ vốn yêu thiên nhiên, yêu lao động, Người thích trồng cây và luôn kêu gọi nhân dân trồng cây để bảo vệ môi trường. Vì vậy, khi khởi công xây dựng Lăng Bác và cải tạo toàn bộ Quảng trường Ba Đình đã có hàng trăm loại cây được gửi về trồng bên Lăng của Người. Cùng với việc lựa chọn những vật liệu quý hiếm như gỗ, cát, đá... để xây dựng Lăng, các địa phương trong cả nước đã lựa chọn những cây cảnh quý, tiêu biểu cho từng vùng quê để về trang trí, tôn tạo Lăng Bác. Cùng với cả nước, đồng bào chiến sĩ miền Đông Nam bộ trong hoàn cảnh còn đang chiến đấu quyết liệt với quân thù, vẫn dành tâm sức sưu tầm những hoa cảnh quý đưa về Thủ đô Hà Nội góp phần xây dựng Lăng Bác, gửi gắm tấm lòng mình, tấm lòng kính yêu của toàn thể quân dân về bên Bác. Cây và hoa của non sông gấm vóc về đây hội tụ, đâm chồi khoe sắc thay lòng người dâng niềm tôn kính thiêng liêng dành cho Bác, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam. Nơi đây trở thành một khu vườn đa dạng phong phú với đủ loại cây xanh của mọi vùng quê Việt Nam.

Sự hình thành và phát triển

Ngày 29 tháng 8 năm 1975, Lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể trong niềm vui thống nhất non sông. Để duy trì, tôn tạo cảnh quan môi trường khu vực Lăng Bác xanh, sạch, đẹp phục vụ nhân dân khách quốc tế về Lăng viếng Bác, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 323/TTg ngày 15 tháng 10 năm 1975 về tổ chức quản lý Quảng trường Ba Đình. Theo đó, Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội (nay là Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội) đã ban hành Quyết định số 1465/QĐ-TC ngày 16 tháng 12 năm 1975 về việc thành lập Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình, với nhiệm vụ là giúp Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội “Bảo dưỡng, sửa chữa hè, đường, thoát nước trong khu vực Quảng trường, chăm sóc cây, cỏ, vườn hoa và trồng cây trong Quảng trường theo thiết kế; quản lý các công trình thuộc hai khu Tập kết nhân dân vào Lăng viếng Bác; đảm bảo công tác vệ sinh hàng ngày ở khu vực Lăng”.

de-mai-mai-2
Trang trí hoa quanh Cột cờ phục vụ Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành
kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9

Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra lúc này là phải thành lập một tổ chức mang tính hợp nhất, để thống nhất kế hoạch hoạt động, điều hòa, phối hợp công tác của đơn vị chuyên trách làm nhiệm vụ quản lý vận hành Lăng, Quảng trường và các công trình có liên quan nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Hồ Chủ tịch, vận hành an toàn các công trình, bảo đảm tốt mọi mặt hoạt động trong khu vực Lăng và Quảng trường (Thông báo số 14/TB-TW ngày 11 tháng 7 năm 1976 của Bộ Chính trị).

Ngày 14 tháng 8 năm 1976, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 145/CP về việc tổ chức bảo đảm nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch, quản lý Lăng Hồ Chủ tịch và Quảng trường Ba Đình. Theo đó, Ban phụ trách quản lý Lăng Hồ Chủ tịch và Quảng trường Ba Đình (nay là Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) được thành lập. Đến năm 1985, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 374/CT ngày 07 tháng 12 năm 1985 về việc đổi tên Ban phụ trách quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình thành Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời, để kiện toàn tổ chức bộ máy và phục vụ cho yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 276/HĐBT ngày 07 tháng 12 năm 1985 về nhiệm vụ của các ngành trong việc bảo đảm giữ gìn lâu dài thi  hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình thay thế Quyết định số 145/CP ngày 14 tháng 8 năm 1976 của Hội đồng Chính phủ.

Là một đơn vị sự nghiệp công ích thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đồng thời là một đơn vị chuyên trách phối hợp hoạt động trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho đến năm 1996, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 930/TTg ngày 14 tháng 12 năm 1996 về việc giao Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quản lý Quảng trường Ba Đình và Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã bàn giao nguyên trạng Ban quản lý Quảng trường Ba Đình cho Ban quản lý Lăng từ ngày 28 tháng 3 năm 1997. Từ đó đến nay, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã có bước phát triển mới cả về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức, bộ máy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những đóng góp thầm lặng

Nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa chính trị, văn hóa và lịch sử của Công trình Lăng, Quảng trường Ba Đình, với tấm lòng kính yêu vô hạn và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ những ngày đầu thành lập với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và cả nguồn nhân lực, nhiệm vụ đa dạng, yêu cầu cao nhưng tất cả cán bộ, viên chức, người lao động đều có chung niềm vinh dự, tự hào được sống và làm việc bên Lăng Bác Hồ kính yêu, trực tiếp tô điểm thêm màu sắc, góp phần giữ gìn nâng cao giá trị văn hóa, chính trị của Công trình Lăng, Quảng trường Ba Đình.

Đặc biệt từ năm 2011, triển khai thực hiện Đề án 2341 của Thủ tướng Chính phủ về “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”, đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động của Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã đoàn kết, vượt khó vươn lên, tận tâm, sáng tạo và tích cực chủ động trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn, tôn tạo cảnh quan môi trường khu vực Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ luôn khang trang, sạch đẹp, là điểm nhấn tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và của cả nước.

Đầu tiên, phải kể đến là việc trang trí cảnh quan ở khu vực Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức, vào những dịp lễ, Tết đơn vị đã chủ động xây dựng các phương án thiết kế, trang trí hoa trên các khu vực; thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên như chăm sóc vườn hoa, cây xanh, cây cảnh được giao quản lý. Đặc biệt, năm 2013, đã thực hiện việc cải tạo, trồng mới 02 vườn tre bên Lăng Bác bảo đảm sinh trưởng phát triển tốt, duy trì vẻ đẹp vốn có của Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình; thay thế trồng mới một số cây bóng mát tại Lăng, Quảng trường Ba Đình và tuyến phố đi bộ; đưa các bồn hoa, chậu hoa, ghế đá hoa cương vào trang trí… làm cho cảnh quan khu vực ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn, tạo được ấn tượng sâu sắc đối với nhân dân và du khách đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan khu vực.

Đã tròn 40 năm Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được thành lập, cũng trong suốt bấy nhiêu năm hàng nghìn cá thể cây và hoa từ khắp mọi miền đất nước về hội tụ nơi đây thường xuyên được duy trì chăm sóc cẩn thận. Cây và hoa bên Lăng của Người ngày ngày vẫn toả hương thơm, trăm hoa đua sắc tạo cho Lăng của Người một vẻ đẹp độc đáo, thiêng liêng mà gần gũi.

Để đạt được những kết quả to lớn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, không thể không kể đến những nỗi vất vả của đội ngũ công nhân môi trường. Công tác bảo đảm vệ sinh môi trường có tính đặc thù là phải hoàn thành công việc trước giờ mở cửa Lăng đón nhân dân và khách quốc tế đến viếng Bác nên có bộ phận anh, chị em công nhân Đội Vệ sinh môi trường đã phải làm việc từ 3h sáng. Ngoài những nhọc nhằn, độc hại của nghề, nhiều khi các chị còn phải đối mặt với những nguy hiểm. Song với tinh thần, ý thức vượt qua mọi khó khăn, chấp hành nghiêm các quy định về giờ giấc lao động, các công nhân vệ sinh môi trường vẫn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là khi diễn ra các sự kiện trọng đại của đất nước để người dân, du khách đến viếng Bác, tham quan khu vực Quảng trường Ba Đình được đi lại trên những vỉa hè, lòng đường sạch sẽ. Tuy công tác thu gom còn thủ công nhưng tập thể cán bộ, công nhân vệ sinh môi trường với nỗ lực và quyết tâm đã hoàn thành khối lượng lớn công việc trong những ngày này. Mùa hè nóng nực, mùa đông giá buốt, mưa giông, gió bão những tiếng chổi tre của các chị, em vệ sinh môi trường chưa một ngày ngừng nghỉ.

d mmai mai vuon tre

 

de mai mai 2
Cảnh quan bên Lăng Bác Hồ được chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ

Có thể khẳng định, cảnh quan Lăng Bác đã phát triển bền vững hài hòa, không gian rộng mở như tình cảm sâu sắc của nhân dân đối với Bác Hồ từ thế hệ này qua thế hệ khác... Và thực sự trở thành một mẫu mực trong nghệ thuật xanh hóa đô thị, có tác dụng tốt tới môi trường sinh thái của nước ta đang nỗ lực không ngừng để mỗi ngày thêm tươi đẹp, cho thế hệ hôm nay và mai sau. Điều đặc biệt là những điểm mới trong trang trí ở khu vực Lăng thời gian vừa qua đã đảm bảo được sự hài hoà của vườn hoa, cây cảnh với công trình kiến trúc tuân thủ đúng tư tưởng chung được chỉ đạo từ khi xây dựng Công trình Lăng là đảm bảo tính “hiện đại, dân tộc, trang nghiêm và giản dị”. Cảnh quan sạch, đẹp, không khí trong lành ở Quảng trường Ba Đình đã thực sự tạo dấu ấn trong lòng đồng bào cả nước mỗi khi về Thủ đô. Ngày ngày, dòng người nối nhau đi trên Quảng trường Ba Đình thành kính vào Lăng viếng Bác, trong niềm xúc động được một lần nhìn thấy Bác, mọi người còn thêm cả niềm vui vì Quảng trường Ba Đình luôn giữ được không khí trong lành, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Nhìn lại những thành tích kết quả đã đạt được, mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình luôn trân trọng và tự hào. Nhiều khó khăn, thử thách nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Bác Hồ kính yêu, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã và đang quyết tâm thi đua, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho./.

Nguyễn Minh Đức

Bài viết khác: