Thứ hai, 23/12/2024

 

Có lẽ, lịch sử quân sự trên thế giới hiếm có những vị tướng như ở Việt Nam: Bị thương mất một cánh tay khi còn rất trẻ, nhưng vẫn kiên quyết xin ở lại quân đội tiếp tục chiến đấu để rồi trở thành những vị tướng nổi danh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là Trung tướng Lê Hữu Đức và cố Thiếu tướng Nguyễn Thái Dũng.

“Hổ cụt Tây Nguyên”

Trong ngôi nhà nhỏ của hẻm nhỏ trên phố Đội Nhân (Hà Nội), Trung tướng Lê Hữu Đức vẫn chăm chú đọc báo. Đã 92 tuổi, vóc người cao lớn, tuy có hơi mỏi mệt hơn so với mấy năm trước tôi gặp, song giọng ông vẫn ấm và sang sảng, chất giọng đặc trưng của người Hà Tĩnh. Tôi hỏi, biệt danh “Hổ cụt Tây Nguyên” do ai đặt cho ông, ông trả lời rằng ông cũng không nhớ nữa, chỉ biết rằng cả ta và địch đều gọi ông như vậy và ông rất tự hào về điều đó.

su-trung-hop-1
Trung tướng Lê Hữu Đức. Ảnh: Song Thanh

Sinh năm 1924 tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, năm 1945, khi đang học Tú tài ở Huế, chàng trai Lê Hữu Đức được giác ngộ cách mạng đã tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế, và sau đó cùng đội quân Nam tiến chiến đấu ở Quảng Nam. Ngày 23-3-1947, khi chỉ huy đơn vị chống quân Pháp ở huyện Đại Lộc, người Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 17, Trung đoàn 96, Liên khu 5 bị thương nặng. Hồi đó, do điều kiện rất khó khăn, bộ đội ta có gì mặc nấy. Ông là chỉ huy, người to cao, lại mặc bộ đồ trắng, nên là mục tiêu của máy bay Pháp. Nấp sau mô đất, loạt đại liên đầu địch bắn không trúng, ông định di chuyển thì dính loạt đạn thứ hai. Ông kêu lên một tiếng rồi lăn ra bất tỉnh. “Tôi tỉnh dậy ở bệnh viện huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cổ, bờ vai trái được băng bó, còn bàn tay phải bị đạn xuyên được nẹp cố định. Vài ngày sau, bờ vai phải được anh y sĩ, giám đốc bệnh viện mổ để lấy các mảnh xương vụn ra. Mổ không có thuốc mê, chẳng khác gì Hoa Đà mổ cho Quan Vân Trường, đau không kể xiết” - Trung tướng Lê Hữu Đức chậm rãi kể.

Còn lại bàn tay, do thuốc thang lúc bấy giờ khan hiếm, ông phải đeo nó vào người, lúc công tác, chiến đấu rất vướng víu, lại thêm mùi hôi thối do bị hoại thư. Tháng 1-1949, được sự động viên của đồng chí Nguyễn Chánh, Chính ủy Liên khu 5, ông quyết định cắt bỏ. “Mất tay, tôi không buồn, nhưng sợ nhất là tổ chức cho giải ngũ, hoặc chuyển làm việc khác. Đất nước còn chiến tranh, mình mới 23 tuổi mà bị “loại khỏi vòng chiến đấu” thì không gì buồn bằng” - ông nói.

Nhưng tuổi xuân, ý chí nghị lực và khả năng quân sự đã chiến thắng. Ông vẫn tiếp tục ở lại quân đội, không phải ở cơ quan, mà trực tiếp chiến đấu ở đơn vị. Năm 1953, khi đang làm Trung đoàn phó Trung đoàn 108 của Liên khu 5, ông được điều ra Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu phụ trách Tổ chiến trường xa. Được ở gần các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái, Trần Văn Quang là thời gian vô cùng quý báu để Lê Hữu Đức hoàn thiện mình, nhất là khả năng quân sự. Năm 1965, Mỹ đưa quân ồ ạt vào miền Nam thực hiện “Chiến tranh cục bộ”, cuộc chiến tranh bị đẩy lên một nấc thang mới. Đang là Trưởng phòng Tổng kết chiến tranh của Cục Khoa học quân sự, ông tình nguyện xung phong vào chiến đấu ở Mặt trận Tây Nguyên và được trên bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Sư đoàn 325B. Từ đây cho đến khi lên làm Tham mưu phó Mặt trận Tây Nguyên, biệt danh “Hổ cụt Tây Nguyên” gắn liền với tên tuổi của ông.

- Thưa, sao mọi người gọi ông là “Hổ cụt? - Tôi hỏi.

- Thường con hổ cụt là con dũng mãnh nhất - ông cười - Nhưng nói thế thôi, đi chiến đấu mà chỉ còn một tay là vô vàn khó khăn. Tôi người to cao, lại chỉ một tay, cậu thử tưởng tượng xem mỗi lần vào đồn địch trinh sát với dày đặc dây thép gai thì vất vả như thế nào? Thế mà tôi nhiều lần cùng với cấp dưới vào đồn địch. Bởi trong chiến đấu, nếu người chỉ huy mà không tỉ mỉ, chính xác thì cầm chắc thất bại.

Không những trực tiếp chỉ huy chiến đấu mà sau này ra cơ quan chiến lược làm Cục phó rồi Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu hay thời gian học ở Học viện Vô-rô-si-lốp (Liên Xô trước đây), Lê Hữu Đức không ỷ lại mình là thương binh, mà tự vượt khó, tích lũy kinh nghiệm, học hỏi những tài năng quân sự trong và ngoài nước để trở thành một trong những người làm công tác tham mưu nổi tiếng ở Tổng hành dinh trong mùa Xuân Đại thắng năm 1975.

su-trung-hop-2
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung đoàn trưởng Nguyễn Thái Dũng (ngoài cùng, bên trái) và Tiểu đoàn trưởng Dũng Mã sau Chiến dịch Biên Giới 1950. Ảnh tư liệu

Được chào bằng tay... trái

Trong Quân đội ta có hai người được chào bằng tay trái: Người thứ nhất là Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân La Văn Cầu; người thứ hai là Thiếu tướng Nguyễn Thái Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân. 

Nguyễn Thái Dũng sinh năm 1919 ở Cao Bằng. Tháng 8-1945, ông nhập ngũ. Năm 1948, khi là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 147 đánh Pháp, ông bị thương cụt nửa cánh tay phải. Vết thương chưa lành, sợ phải về tuyến sau làm công việc ở cơ quan hoặc đi điều dưỡng, ông vội đến gặp Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đề đạt nguyện vọng tiếp tục về đơn vị chiến đấu. Sau một thoáng nghi ngại, nhưng trước quyết tâm của người tiểu đoàn trưởng trẻ tuổi nổi tiếng gan dạ, đồng chí Hoàng Văn Thái chấp nhận. Ông được trở về trung đoàn cũ, đảm nhiệm chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Lũng Vài danh tiếng.

Ngày 28-8-1949, Đại đoàn Quân Tiên Phong (Sư đoàn 308) được thành lập, Nguyễn Thái Dũng được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 88. Mất bàn tay phải, tay thuận của mình trong điều kiện sống và chiến đấu vô cùng ác liệt, song ông vượt qua tất cả để cùng cán bộ, chiến sĩ trung đoàn làm nên những chiến thắng lẫy lừng: Chiến dịch Đường số 4 Thu Đông 1949 tiêu diệt cứ điểm Nà Han, Bản Bé; Chiến dịch Biên Giới 1950 cùng đơn vị bạn tiêu diệt cả binh đoàn Sác-tông và Lơ Pa-giơ; Chiến dịch Hòa Bình tháng 12-1951 đến tháng 2-1952 tiêu diệt cụm cứ điểm Tu Vũ, đánh địch trên Đường số 6, bao vây tiến tới giải phóng thị xã Hòa Bình… Một kỷ niệm đi suốt cuộc đời của Nguyễn Thái Dũng là sau Chiến dịch Biên Giới, ông được gặp và chụp ảnh cùng Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Biết ông bị thương cụt tay, Bác khen ông “tàn nhưng không phế” và động viên ông tiếp tục khắc phục khó khăn, trau dồi đạo đức cách mạng, học tập kinh nghiệm đánh giặc của cấp trên và đồng đội để trở thành cán bộ quân sự tài đức vẹn toàn.

Cuộc đời quân đội của Nguyễn Thái Dũng theo cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc, hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, hết chiến trường này đến chiến trường khác. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, có thời gian ông được điều lên làm Cục phó Cục Tác chiến (1955-1961), nhưng năm 1964 ông trở về đơn vị làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 308 chiến đấu ở chiến trường khốc liệt Quảng Trị, sau đó là Tham mưu trưởng Mặt trận Tây Nguyên (1966-1967). Cuối đời binh nghiệp, Thiếu tướng Nguyễn Thái Dũng là Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân, chuyên viên Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng).

Vĩ thanh

Trong Quân đội ta, có nhiều cán bộ, chiến sĩ từng nhiều lần bị thương, thậm chí bị thương rất nặng, nhưng thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “tàn nhưng không phế”, đã vượt qua muôn vàn khó khăn, trở thành cán bộ cao cấp như Đại tá La Văn Cầu; Đại tá, họa sĩ Lê Duy Ứng; Thiếu tướng Lê Mã Lương… Riêng Trung tướng Lê Hữu Đức và cố Thiếu tướng Nguyễn Thái Dũng là trường hợp đặc biệt, và giữa hai ông có những sự trùng hợp rất thú vị.

Hai ông đều bị mất bàn tay trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp lúc còn rất trẻ với cương vị tiểu đoàn trưởng. Mất tay, chỉ ở cơ quan nghiên cứu một thời gian, hai ông đều xung phong đi chiến đấu ở hai sư đoàn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam rồi làm công tác tham mưu ở Mặt trận Tây Nguyên. Tuy thời điểm có khác nhau, hai ông từng làm việc ở Cục Tác chiến (Thiếu tướng Nguyễn Thái Dũng là Cục phó, Trung tướng Lê Hữu Đức là Cục trưởng) và phó tư lệnh ở hai quân khu. Cuối đời quân ngũ, cả hai đều là cán bộ của Học viện Quân sự cấp cao… Tìm hiểu sự trùng hợp này, chúng tôi thấy rằng, ngoài ý chí, nỗ lực vượt qua khó khăn của bản thân các ông thì Đảng, Bác Hồ rất giỏi dùng nhân tài khi đánh giá đúng khả năng của từng người cho dù họ có hạn chế về thân thể. Đó cũng là nét đặc sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam./.

HỒNG SƠN

Theo Báo Quân đội nhân dân

Huyền Anh (st)

Bài viết khác: