Thứ hai, 23/12/2024

bac-ho-voi-bao-dang
Bác Hồ đến thăm và chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Báo Nhân Dân. Ảnh | TL

Những người làm báo Việt Nam nói chung và Báo Nhân Dân nói riêng ghi lòng tạc dạ công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã xây nền đặt móng cho báo chí cách mạng Việt Nam để có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng như hôm nay.

Bác Hồ từng tâm sự với các đại biểu dự Đại hội lần thứ hai của Hội Nhà báo Việt Nam rằng: “Là một người có nhiều duyên nợ với báo chí”. Chúng ta đều biết, từ một người phụ bếp trên chuyến tàu của một hãng buôn người Pháp, đi tới nhiều nơi trên thế giới, Bác đã chứng kiến cảnh lao động cực nhọc, sự bóc lột đến tận xương tủy của thực dân Pháp đối với các dân tộc thuộc địa, do vậy, khi trở về Pari, Bác Hồ thấy rằng cần phải sử dụng báo chí như là một công cụ cần thiết và quan trọng để vạch trần tội ác, thức tỉnh quần chúng hiểu rõ bản chất xấu độc của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Từ nhận thức sâu sắc đó, Bác đã mở đầu cuộc đời hoạt động cách mạng chuyên nghiệp của mình, bằng cách tự học viết báo, rồi tự mình sáng lập kiêm chủ bút, kiêm viết bài, chụp ảnh, kiêm phát hành… ngay từ những năm 20 của thế kỷ 20 trên đất Pari. Những bài viết của Nguyễn Ái Quốc trên báo Le Paria (Người cùng khổ) đã góp phần cổ vũ các dân tộc bị áp bức trên thế giới vùng dậy đấu tranh đòi độc lập, tự do, đòi dân sinh, dân chủ. Qua các số báo này, nhân dân tiến bộ Pháp đã tỏ tình đoàn kết, ủng hộ các cuộc đấu tranh chính nghĩa đó.

Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Bác Hồ lại đích thân sáng lập tờ báo Thanh Niên, cơ quan Trung ương của Hội thanh niên cách mạng Việt Nam, chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời một đảng cách mạng chân chính của Việt Nam - đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Với sự xuất hiện của báo Thanh Niên, đã khởi nguồn cho nền báo chí cách mạng Việt Nam về nội dung tư tưởng và chính trị; về đối tượng đấu tranh và đối tượng phục vụ; về quan điểm, phương châm và nguyên tắc nghiệp vụ cũng như về phương thức hoạt động…

Kế thừa truyền thống của báo Thanh Niên, ngay sau khi Đảng ta ra đời vào ngày 3-2-1930, trải qua các giai đoạn cao trào và thoái trào cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng báo chí là một công cụ xây dựng lực lượng cách mạng vững mạnh và là vũ khí chiến đấu sắc bén. Ngoài báo ở Trung ương, còn có hàng chục tờ báo ở các cơ sở công nghiệp và địa phương; và ngay trong nhà tù cũng xuất hiện nhiều tờ báo của các chiến sĩ cộng sản. Tháng 3-1951, tại Chiến khu Việt Bắc, đã diễn ra Đại hội lần thứ II của Đảng Lao động Việt Nam (tức Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay). Đại hội đã quyết định xuất bản tờ báo lấy tên là Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng. Đây là sự tiếp nối các tờ báo của Trung ương Đảng trước đó như Tranh đấu, Cờ giải phóng, Sự Thật,… phản ánh, động viên kịp thời công cuộc kháng chiến kiến quốc vĩ đại của quân và dân ta. 65 năm qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã có hàng chục nghị quyết, chỉ thị về Báo Nhân Dân, khẳng định vai trò, vị trí của tờ báo là cơ quan Trung ương của Đảng; đồng thời là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Điều đặc biệt vinh dự và tự hào dành cho những người làm báo Đảng là, kể từ năm 1951 cho đến lúc Bác vĩnh biệt nhân dân ta vào năm 1969, ngày nào cũng vậy, công việc đầu tiên của Người mỗi sáng là đọc Báo Nhân Dân, đánh dấu những bài hay, nhất là những bài viết về gương “người tốt việc tốt”, Bác ghi bên lề “Thưởng một huy hiệu của Bác”. Chúng ta trân trọng và xúc động khi thấy, trong 18 năm liền, Bác đã viết hơn 1.200 bài cho báo Đảng với gần 30 bút danh thuộc hơn 10 thể loại. Bài cuối cùng của Bác là bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Trên bàn viết của Bác trong nhà sàn, vẫn còn đặt tờ Báo Nhân Dân cuối cùng trước lúc Bác đi xa, trong đó có bài của nhà báo Phạm Thanh viết về công tác xây dựng Đảng ở Nghệ An, được Bác đánh dấu chú ý. Cũng trong 18 năm đó, những người lãnh đạo của Báo Nhân Dân cùng một số báo khác, khi được tiếp xúc, Bác Hồ chỉ bảo ân cần những điều cần đổi mới nội dung, hình thức, làm cho tờ báo phong phú và hấp dẫn hơn. Bác cũng khen một số bài hay và chê bài chưa hay; đặc biệt, Bác nhấn mạnh, cùng với biểu dương cái tốt, đồng thời cũng chỉ rõ thiếu sót, hạn chế của đời sống thực tiễn, tránh “tô hồng, bôi đen” một chiều. Về cách viết, Bác dặn: Phải chú ý viết sao cho các tầng lớp nhân dân dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, nhất là cần khắc phục nhanh bệnh sính dùng chữ nước ngoài…

Thiết nghĩ, những lời dạy bảo chân tình đó vẫn còn giá trị thời sự cho đến hôm nay đối với giới báo chí cách mạng Việt Nam, nhất là ở thời điểm Hội Nhà báo Việt Nam đang đẩy mạnh việc học và làm theo phong cách báo chí Hồ Chí Minh./.

HỒNG VINH

Theo Báo Nhân Dân

Thanh Huyền (st)

Ngày nào cũng vậy, công việc đầu tiên của Người mỗi sáng là đọc Báo Nhân Dân, đánh dấu những bài hay, nhất là những bài viết về gương “người tốt việc tốt”.

 

 

 

Bài viết khác: