Hệ thống Trợ năng

Thứ tư, 12/02/2025

Với Thủ đô Hà Nội, hai tiếng Ba Đình là sự vật (từ ngữ) nhập nội. Ba Đình là địa danh của một khu vực - thuộc huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) - gồm ba làng Mỹ Khê, Thượng Thọ, Mậu Thịnh, mang đặc trưng là mỗi làng có một ngôi đình, nhưng lại xây đình ở các vị trí mà đứng ở ngôi đình này, đều thấy được hai ngôi đình kia. Cuối thế kỷ 19, trong phong trào yêu nước Cần Vương - giúp vua Hàm Nghi chống thực dân Pháp xâm lược và đô hộ, các thủ lĩnh Phạm Bành, Đinh Công Tráng… đã cùng nghĩa quân và nghĩa dân xây dựng một căn cứ, với kỹ thuật trúc thành cổ truyền dân gian và dân tộc độc đáo ở khu vực này, khởi nghĩa, gây nhiều nguy khốn cho kẻ thù, đặc biệt là trong hai tháng cuối năm 1886 - đầu năm 1887.

su-tich-ba-dinh
Quảng trường Ba Đình hôm nay. Ảnh: Cấm Thủy.

Từ chỗ là địa danh, hai tiếng Ba Đình trở thành tên của một cuộc đấu tranh vũ trang oanh liệt - “khởi nghĩa Ba Đình”, trở thành niềm tự hào về tinh thần và truyền thống anh hùng đánh giặc, cứu nước và giữ nước của dân tộc - “Tinh thần và truyền thống Ba Đình”. Do vậy, vào tháng 7-1945, hai tiếng “Ba Đình” đã được đưa vào sử dụng làm địa danh cho một địa điểm quan trọng của Hà Nội.

Bấy giờ, người đứng đầu bộ máy hành chính Hà Nội, với chức danh “Thị trưởng” (trước đó gọi là “Đốc lý”), là bác sĩ Trần Văn Lai, được người Hà Nội khi ấy quý mến gọi là “Cụ Đốc (“đốc-tờ”, “đốc lý”) Lai”. Chỉ làm chức Thị trưởng Hà Nội trong vòng một tháng trước ngày Cách mạng Tháng Tám, nhưng “Cụ Đốc Lai” đã kịp thực hiện và để lại cho Hà Nội một công trình kép, có giá trị và ý nghĩa lớn, là: Đổi các “tên Tây” của đường phố, công viên… Hà Nội thành “tên ta” (tức là: Đổi một loạt tên các nhân vật lịch sử - văn hóa Pháp, chủ yếu là tên của các quan tướng thực dân Pháp mà các đường phố, công viên Hà Nội lúc ấy phải mang, thành tên của các nhân vật lịch sử và địa danh Việt Nam), đồng thời tạo ra một hệ thống nhân danh lịch sử ở cùng với nhau trên một không gian lịch sử (ví dụ như: Khi đổi tên “Đại lộ Gambetta” thành “Phố Trần Hưng Đạo”, thì các “đường xương cá” chầu (nối) vào đường trục này, hoặc ở gần đấy, đều mang tên các thuộc tướng hoặc gia thần, hoặc “cấp dưới” của vị anh hùng dân tộc này: Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Nguyễn Chí Nghĩa, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản…).

“Vườn hoa Ba Đình” đã được đổi đặt thành tên gọi cho “Rond Point Puginier” (Vòng xoay Puginier) trong hoàn cảnh đó.

Cái vòng xoay (còn gọi là “vòng xuyến” này, vốn nằm trong ý đồ của Toàn quyền Méc-lanh (Merlin), đầu thế kỷ XX, theo thiết kế của kiến trúc sư Hê-lơ-ra (Hélerard), muốn xây dựng một “Công viên trung tâm” ở chỗ cổng “Phủ Toàn quyền” (nay là Phủ Chủ tịch) trông ra. Mấy con đường được thiết kế, hoặc đã thi công, chầu vào chỗ ấy, trong đó, có đường Puginier (nay là đường Điện Biên Phủ), cho nên chỗ “Công viên trung tâm” ấy - đã làm được một bồn hoa cỏ hình tròn nằm ở chính giữa - mới được người Pháp đặt tên là “Vòng xuyến Puginier”.

Nhưng trước đấy, từ cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp đánh chiếm rồi hạ giải tòa Thành cổ Hà Nội (đồ khớp lên khu Hoàng thành Thăng Long từ trước đấy nữa) thì chỗ có “Vòng xuyến Puginier”, chính là phần đất cửa Tây của Cấm Thành thời nhà Lê, và cũng là chỗ có tòa Võ Miếu mà Tổng đốc Hoàng Diệu, năm 1882 giữ Thành cổ Hà Nội chống Pháp không nổi, đã thắt cổ tự tử, chết theo tòa thành bị mất vào tay giặc ở đấy. Tinh thần đấu tranh anh hùng và bất khuất ấy, hẳn đã gợi ý cho “Cụ Đốc Lai” đem tên “Vườn hoa Ba Đình” đổi đặt cho “Vòng xuyến Puginier”.

su-tich-ba-dinh-2
Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Ảnh tư liệu.

Và chỉ hơn một tháng sau, vào ngày 2-9-1945, “Vườn hoa Ba Đình” đã thành địa điểm lịch sử, khi được chọn để xây dựng một lễ đài (khung bằng gỗ đóng đinh, ngoài phủ (bọc) vải (lụa) hai màu đỏ, vàng) ở ngay trên chỗ có bồn hoa cỏ hình tròn, giữa vòng xuyến, để Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; chính phủ lâm thời ra mắt; và hơn nửa triệu người tụ hội làm lễ “Thề Độc lập”, hướng về và ở quanh lễ đài.

Vì là lễ trường của ngày, và sự kiện “Thề Độc lập” trọng đại (về sau mới gọi là “Ngày Quốc khánh”) 2-9-1945 như thế, nên đến tháng 12-1945, Ủy ban Hành chính Hà Nội quyết định đổi tên “Vườn hoa Ba Đình” thành “Vườn hoa Độc Lập”.

Đến thời gian thực dân Pháp trở lại tạm chiếm Hà Nội (1947-1954), Thị trưởng Hà Nội là dược sĩ Thẩm Hoàng Tín-chắc là sợ tinh thần Độc lập của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 đã đem đổi tên “Vườn hoa Độc Lập” thành ra là “Vườn hoa Hồng Bàng” (cho xứng hợp với tên con đường Hùng Vương (trước có tên là “Đại lộ Brièredel’Isle”) chạy dọc theo hướng Bắc - Nam, từ mạn Hồ Tây qua đây). Sau Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954), Bộ Tuyên truyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra quyết định: Đổi gọi lại “Vườn hoa Hồng Bàng” thành “Vườn hoa Ba Đình” như trước, bảo lưu địa danh của nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày “Thề Độc Lập” (Quốc khánh) 2-9-1945. Tất cả các tên riêng này, thời ấy đều gắn với từ chỉ định là: “Vườn hoa”. Chỉ về sau này, mới dần dà nâng cấp mà thành ra tên gọi “Quảng trường”.

Cũng từ sau Ngày Giải phóng Thủ đô, vào năm 1958, hai tiếng Ba Đình còn được dùng để gọi tên một trong 12 “khu phố” nội thành Hà Nội. Năm sau, dồn 12 lại thành 8, một số tên “khu phố” đã ra đi, nhưng tên Ba Đình thì vẫn ở lại.

Đến ngày 21-12-1974, khi ra đời các đơn vị hành chính cấp “khu”, thì lại có một “khu” (gồm - lúc đầu - đến 31 “tiểu khu”, sau (từ ngày 16-1-1979) dồn lại còn 15) được mang tên là Ba Đình.

Từ năm 1980, trở lại cấp “khu phố”, thì giữa 4 “khu phố” nội thành, có một “khu phố” (với 15 “tiểu khu” phối thuộc) vẫn được mang tên là Ba Đình. Để cho đến tháng 6-1981, đổi “khu phố” thành “quận”, thì hai tiếng Ba Đình vẫn là tên của “quận” ấy, dùng đến ngày nay. Đặc biệt, khi xuất hiện khái niệm và thuật ngữ “Trung tâm chính trị” (của cả nước) dùng cho sự mệnh danh và nói về giá trị cùng sứ mạng của “quận Ba Đình”, thì hai tiếng Ba Đình còn đi liền với sự vẻ vang và tầm quan trọng của “Trung tâm chính trị Ba Đình”.

Cuối cùng, chuyển sang lĩnh vực văn hóa - tư tưởng và văn học - nghệ thuật, thì hai tiếng Ba Đình còn trở thành và là tên của một hiện tượng cao quý và linh thiêng: “Nắng Ba Đình”.

Đó - lúc đầu - là tên một bài thơ của nhà triết học Vũ Hoàng Địch. Vì cố triết gia Vũ Hoàng Địch là em ruột của cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương, nên thi phẩm “Nắng Ba Đình” của Vũ Hoàng Địch có những câu trùng với bài thơ “Nhớ về Hà Nội vàng son” của Vũ Hoàng Chương, nói về sự kiện ngày 2-9-1945. Hôm đó, trời Hà Nội rất nắng, nhất là vào lúc 14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu đọc Tuyên ngôn Độc lập. Vì thế, “Nắng Ba Đình” vừa phản ánh thực tế, vừa là hình tượng (biểu tượng) của sự linh thiêng cao quý: “Nắng Ba Đình, ôi tia nắng oai linh…”.

Vào thời gian đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khi ở Chiến khu Việt Bắc - cố nhạc sĩ Bùi Công Kỳ đem phổ nhạc bài thơ của Vũ Hoàng Địch, thì từ đấy, nhạc phẩm nổi tiếng của Bùi Công Kỳ, trở thành tác phẩm vượt thời gian và xuyên không gian mà truyền “Nắng Ba Đình” đi khắp nơi, mọi lúc…

GS LÊ VĂN LAN

Theo Báo Quân đội nhân dân

Huyền Anh (st)

Bài viết khác: