Thượng Luyến (tên thật là Nguyễn Đình Luyến, ở thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình) là tác giả của 4 vở kịch ngắn đã phát trong chuyên đề “Chuyện kể về Người” trên sóng VTV1 vào lúc 21 giờ 15 phút các ngày thứ 7 đầu tiên mỗi tháng năm 2010 và là “cha đẻ” của một số kịch bản cùng đề tài đang trong thời kỳ hoàn thiện bản thảo. Thượng Luyến tâm sự “Viết về Bác là ước mơ, hạnh phúc của người cầm bút”.

Viet ve bac

Tác giả Thượng Luyến.

Tác giả Thượng Luyến đã gần bước đến tuổi “thất thập”. Đam mê sân khấu từ khi còn rất trẻ song phải đến khi trải qua hai khóa đào tạo tại trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh) và Đại học Văn hóa Hà Nội, ông mới thực sự có nền tảng và “duyên phận” với loại hình nghệ thuật này. Ở lĩnh vực, bình diện xã hội nào, Thượng Luyến cũng khai phá và có những thành công nhất định. Trong số ít các tác giả Bắc Ninh viết về Bác Hồ, Thượng Luyến đã khẳng định một tình yêu son sắc và hiện thực hóa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng chính ngòi bút của mình. Đó là đẩy mạnh tuyên truyền về tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp người xem hiểu được những bài học mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” ẩn chứa trong từng lời nói và cử chỉ dù rất nhỏ của Người.

Viết ca ngợi Bác Hồ vốn không dễ bởi Người là nhân vật kiệt xuất, một hình tượng đẹp, Người vừa gần gũi, lại vừa cao xa. Thế nên Thượng Luyến luôn cảm thấy mình là người may mắn có được niềm vui qua những tác phẩm kịch ngắn về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc với chuyên đề “Chuyện kể về Người” phát trên sóng VTV1.

Kể từ kịch ngắn đầu tiên “Tình Bác sáng lòng dân Đình Bảng”, phát sóng VTV1 tháng 8 năm 2010, đến nay, tác giả Thượng Luyến đã có thêm 6 sáng tác nữa cùng thể loại, trong đó có 3 tác phẩm khác đã lên sóng truyền hình là “Vọng vang bên khúc sông Cầu”, “Đón Bác ngày xuân” và “Mái trường ấm tình Bác”. Về khó khăn khi viết những kịch bản này, ông chia sẻ: Đối tượng và đặc trưng phản ánh của kịch là những mâu thuẫn xung đột trong đời sống xã hội và con người. Xung đột kịch tạo nên kịch tính, gây nên sự hấp dẫn của vở kịch. Nhưng với một vở về nhân vật vĩ đại như Bác Hồ thì xây dựng xung đột nào cho hợp lý thực sự là một thách thức. Thêm vào đó, để viết về Bác cần rất nhiều tư liệu, do vậy tôi phải nghiên cứu rất kỹ những cuốn sách, câu chuyện nói về Bác để có “tứ” cho vở kịch của mình.

Tìm được cốt truyện cho tác phẩm của mình đã khó, điều khó khăn hơn là làm thế nào để chuyển tải được tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với khán giả một cách nhẹ nhàng mà không máy móc, gượng ép bởi mục tiêu của chuyên đề “Chuyện kể về Người” là giúp cho khán giả thẩm thấu ý nghĩ nhân văn sâu sắc và những phẩm chất tốt đẹp của một huyền thoại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Bằng sự sáng tạo của người viết, Thượng Luyến đã bồi đắp thêm các tình huống, tình tiết xung quanh một sự kiện lịch sử và tư duy sâu để có được kết cấu hợp lý cho tác phẩm của mình. Ví như sự kiện Bác Hồ về Đình Bảng, hay chi tiết lịch sử Bác thăm đê sông Cầu, quãng đê Việt Thống (Quế Võ) làm cốt lõi, Thượng Luyến đã hư cấu thêm tình huống mâu thuẫn và tìm cách giải quyết hợp tình hợp lý mâu thuẫn đó, đồng thời làm sáng rõ sự dung dị trong nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những câu chuyện nhỏ giữa Bác với các nhân vật. Ca ngợi sự quan tâm của Người với các tầng lớp nhân dân, trong kịch ngắn “Mái trường ấm tình Bác” nói về sự kiện Bác thăm trường Trung cấp Thể dục thể thao Trung ương (nay là Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn), tác giả tạo không khí thân mật khi Bác ân cần hỏi thăm mọi người, từ chị bếp trưởng đến anh công nhân đang xây dựng tại công trình của nhà trường… Thông thường để có mỗi vở kịch ngắn ra mắt công chúng, tác giả chỉ cần một tuần để hoàn thiện nhưng thời gian tiếp cận tư liệu để có cốt truyện thì có thể là 1, 2 hoặc 4, 5 tháng.

Những vở kịch ngắn nói trên đều nằm trong hệ thống những tác phẩm tuyên truyền về học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhưng nếu chỉ viết về những chuyến đi thăm của Người rồi cũng có thể sẽ cạn đề tài, dẫn đến sự nhàm chán cho cả người viết và người xem. Vì thế, thời gian gần đây, Thượng Luyến chuyển hướng, ông bắt đầu chú trọng vào nội dung “làm theo”, trong đó hình thức thể hiện những tác phẩm này sẽ có những thay đổi nhất định. Hình tượng Bác Hồ có thể xuất hiện hoặc không xuất hiện mà vẫn thể hiện được sự tác động trong nhận thức và hành động của chính quyền, và nhân dân các địa phương khi một lòng theo Đảng, theo Bác.

Khi được hỏi, ông có dự định gì trong thời gian tiếp theo, tác giả của nhiều vở kịch về Bác Hồ mở lòng: Tôi dự định xuất bản tập sách, trong đó tập hợp 9 kịch bản kịch nói viết về Bác Hồ. Trong số 9 vở kịch ngắn này, đã có 4 phát sóng, 3 còn ở dạng bản thảo và tôi sẽ tiếp tục tư duy để sáng tác thêm 2 vở nữa, tất cả sẽ làm tỏa sáng nhân cách vĩ đại của Người. Cũng theo tác giả, tập sách sẽ chia làm 2 phần: Tình Bác ấm lòng dân, Tâm thành dâng kính Bác. Chúng tôi tin rằng tác giả sẽ thực hiện được dự định của mình, bởi ông vẫn đang nỗ lực không ngừng.

Theo Báo Bắc Ninh
Tâm Trang (st)

Bài viết khác: