“Bác Hồ muôn năm”, đó là phát ngôn của ông Shin nhân viên Đội “Con Nai” thuộc tổ chức OSS của Mỹ. Năm 1945, ông được Bác Hồ đưa về làm việc với Việt Minh tại Việt Bắc và hai người trở nên thân tình với nhau.

Để thấy tài năng ngoại giao của Hồ Chí Minh khéo tranh thủ người Mỹ trong phe Đồng Minh ủng hộ Việt Minh, chuẩn bị lực lượng cách mạng để tiến tới tổng khởi nghĩa như thế nào. Và do đâu một người Mỹ như ông Shin thốt ra câu “Bác Hồ muôn năm”!?

Xin mời quý độc giả theo dõi diễn tiến của lịch sử dưới đây.

bac ho muon nam 1-1
Bác Hồ và Biệt đội Con Nai.

QUAN HỆ VIỆT - MỸ

Tháng 2/1945, Bác Hồ lên đường đi Côn Minh (Trung Quốc), Trung úy Sao (Shaw) được phép đi cùng Người để trở về Bộ Tổng Tư lệnh Không quân Mỹ ở đó. Tại Côn Minh, nhân danh Việt Nam - lực lượng đã giải thoát cho Trung úy Sao, Hồ Chí Minh tiếp xúc với ARAS. Phía Mỹ cảm ơn Người và gửi thuốc men, tiền bạc để tặng thưởng cho những người Việt Nam đã có công cứu Sao, nhưng Hồ Chí Minh chỉ nhận thuốc, không nhận tiền. Trong khi chờ đợi tiếp xúc với Tướng Sênôn (Chennault), Hồ Chí Minh tranh thủ thời gian đến Cơ quan thông tin chiến tranh Mỹ (AOWI) (American of War Information), đọc sách báo, thu thập thông tin cần thiết, đặc biệt là những tin chiến sự thế giới.

Chiều 17/3, Hồ Chí Minh gặp Sáclơ Phen (Charles Fenn), Trung úy Mỹ trong OSS. Hai người nói chuyện với nhau lần đầu. Ngày 20-3, Hồ Chí Minh gặp Sáclơ Phen lần thứ hai, hai bên thỏa thuận về phương thức hợp tác. Phía Sáclơ Phen nhận cung cấp các phương tiện thông tin liên lạc và huấn luyện cho người Việt Nam sử dụng. Phía Việt Nam đồng ý cung cấp địa bàn hoạt động cho người Mỹ.

Ba ngày sau, Hồ Chí Minh tiếp Sáclơ Phen và Ph. Tam tại một cửa hiệu ở Côn Minh. Sau đó, Hồ Chí Minh gặp Tướng Sênôn, Tư lệnh Không đoàn số 14 của Mỹ ở Hoa Nam, có Sáclơ Phen và Bécna (Bernar) cùng dự.

Tướng Sênôn cảm ơn Việt Minh đã cứu thoát phi công Mỹ và hỏi Việt Minh có sẵn lòng cứu giúp những phi công Đồng minh không? Hồ Chí Minh trả lời rằng bổn phận của những người chống phát xít là làm tất cả những việc gì có thể làm được để giúp đỡ Đồng minh. Sau đó, Hồ Chí Minh đề nghị Tướng Sênôn: “Tôi muốn có một tấm ảnh của Ngài, kèm theo chữ ký”.

Sênôn đã tặng Người một tấm ảnh của mình với dòng chữ: “Bạn chân thành của Claire L. Chennault”.

Hồ Chí Minh được bố trí gặp A. Pátti tại một quán trà cách Tĩnh Tây 10 km. Cùng đi có Lê Tùng Sơn.

Người đã nói cho A. Pátti biết về tình hình nạn đói ở Việt Nam, về quan điểm của Pháp, Trung Quốc, Anh với vấn đề Việt Nam và Việt Minh sẵn sàng hợp tác với người Mỹ khi nào người Mỹ thấy thích hợp. Người còn thông báo chuẩn bị cho một chính phủ Việt Nam dân chủ độc lập.

Khi được hỏi về những nơi đóng quân của Bộ Chỉ huy Việt Minh và những chi tiết về tổ chức này, Người trả lời: “Việt Minh không phải là một đơn vị mà là một bộ phận của nhân dân Việt Nam, là những tổ chức của công nhân, nông dân hoạt động tại các địa phương và có thể liên lạc được từ Sài Gòn đến Cao Bằng”.

Hồ Chí Minh lên đường về nước mang theo hai nhân viên OSS đều gốc Hoa là Frank Tan và Mac Shin.

Hồ Chí Minh viết cho Sáclơ Phen lá thư đầu tiên. Trong thư, Người phàn nàn là OSS đã gửi tới những người bây giờ đã hợp tác với người Pháp thân Visi (Vichy), những người chống Việt Nam hơn là chống Nhật. Và Người đặt câu hỏi: Vậy chính sách của Mỹ thực sự là gì vậy? Cũng trong thư này, Người đề nghị gửi một số thanh niên sang để được huấn luyện sử dụng điện đài.

bac ho muon nam 1-2
Đại đội do Biệt đội Con Nai huấn luyện và vũ trang, 
dưới cây đa Tân Trào tại lễ xuất quân tiến về giải phóng Hà Nội ngày 19/8/1945.

Ngày 9/5, Hồ Chí Minh viết một lá thư gửi Sáclơ Phen và Bécna, toàn văn như sau:

Ông Bécna và ông Phen thân mến!

Tôi hết lòng cảm ơn các ông về sự giúp đỡ của các ông cho các bạn chúng tôi.

Tôi mong muốn là các bạn của chúng tôi sẽ học được vô tuyến điện và những thứ cần thiết khác cho cuộc đấu tranh chung chống Nhật của chúng ta.

Tôi hy vọng một ngày gần đây nhất sẽ hân hạnh được đón tiếp các ông tại căn cứ của chúng tôi. Nếu được như thế thì thật là tuyệt.

Cho phép tôi gửi lời chào kính trọng tới Tướng Sênôn.

Chân thành gửi tới các ông lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thân mến

HỒ

Giữa tháng 5, Hồ Chí Minh yêu cầu Trung úy Giôn (John), báo vụ của cơ quan OSS, điện về Côn Minh đề nghị thả dù cho Người một quyển Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ.

Tuần lễ đầu tháng 6, Hồ Chí Minh điện cho Pátti, báo tin Người đã chuẩn bị sẵn sàng hơn 1.000 du kích được huấn luyện tốt, tập trung ở Chợ Chu, Định Hóa.

Ngày 9/6, Hồ Chí Minh viết thư cho Sáclơ Phen. Toàn văn bức thư như sau:

Ông Phen thân mến!

Ông Tan và người giúp việc của ông ta vẫn mạnh khỏe. Chúng tôi đã trở nên bạn bè thân thiết như anh em một nhà. Tôi hy vọng ông sẽ đến thăm chúng tôi một ngày gần nhất.

Ông làm ơn đưa bức thư này tới người bạn của tôi tên là Tống Minh Phương ở quán cà phê Đông Dương. Mười hoặc mười hai ngày sau đó họ sẽ trao cho ông một gói quà trong đó có lá cờ của Đồng Minh. Tôi rất cảm ơn ông nếu ông gửi những thứ đó cho tôi bằng cách nhanh nhất.

Xin gửi ông và ông Bécna cùng các bạn những lời tốt đẹp nhất.

Chúc ông sức khỏe và may mắn.

Ngày 9-6-1945.

Thân mến

HỒ

Giữa tháng 6, Hồ Chí Minh nhận được tin của ông Pátti cho biết có một toán người Mỹ do một sĩ quan cao cấp đứng đầu, sẽ được thả dù xuống Tuyên Quang và yêu cầu Việt Nam chuẩn bị.

Bác trực tiếp đến xóm Lũng Cò (thuộc xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương) khảo sát và tìm hiểu tình hình mọi mặt, chọn địa điểm làm sân bay để đón quân Đồng Minh.

Ngày 30/6, qua vô tuyến điện, Hồ Chí Minh trả lời cho Pátti rằng Người đồng ý tiếp nhận toán người Mỹ và yêu cầu cho biết bao giờ thì người Mỹ có thể đến.

Khoảng đầu tháng 7, Bác đến Lũng Cú ở trong nhà ông Ma Văn Yến chỉ đạo phục vụ chuyến bay của Đồng Minh (1).

Theo bà Trần Minh Châu, một nữ cán bộ hoạt động ở Việt Bắc:

“Trước ngày 15-7, tại Tân Trào, Bác Hồ giao nhiệm vụ cho chúng tôi chuẩn bị đón đoàn quân nhân Mỹ nhảy dù xuống. Đoàn gồm 6 người do Thiếu tá Tômát chỉ huy. Vào 4 giờ chiều 16/7, máy bay Mỹ xuất hiện, cuộc nhảy dù diễn ra trót lọt.

Để chuẩn bị đón tiếp đoàn Mỹ, Bác Hồ bảo chúng tôi phải làm một bữa tiệc mừng bạn mới.

Chúng tôi chụm lại bàn: Khó quá, ở giữa rừng này làm gì có thực phẩm, bát đĩa cũng không. Cũng chẳng ai biết nấu cơm Tây, lại còn tiệc Tây nữa.

Đến đây chúng tôi lại nghĩ thương Bác quá. Qua hai lần lặn lội đi Côn Minh về, Bác bị sốt rét, người gầy yếu lắm, cũng chẳng có gì tẩm bổ cho Bác. Bác đã ra lệnh: Cán bộ, bộ đội Việt Minh đến đâu cũng không được lấy cái kim sợi chỉ của dân.

Bác biết nỗi lo của chúng tôi. Bác bình tĩnh nói: Bí rồi phải không? Vậy hãy làm theo Bác dặn: Cho người sang Định Hóa nhờ Chủ tịch Chanh mua giúp cho con bê, đem về thui chín vàng, để cả con nằm trên chõng tre, hai bên làm dãy ghế ngồi cũng bằng tre nứa, sắp mỗi người một con dao (Mỹ sẵn có dao và nĩa), có đĩa muối đĩa gừng, có rượu mua của đồng bào nấu, uống bằng bát to, mọi người tự do thích ăn chỗ nào thì tự cắt lấy.

Chúng tôi nhìn nhau ngần ngừ.

Bác như đã hiểu, Người giải thích luôn: Không có gì ngại cả, kể cả Tây và ta, không phải ai cũng được ăn một bữa tiệc dân dã trong rừng. Cứ làm đi rồi xem họ có thích không?

Quả là không sai, đoàn Mỹ rất hài lòng, mừng rỡ lắm. Chúng tôi lại thì thầm với nhau:

- Ông Ké nhà mình thì việc lớn cũng rành, việc nhỏ cũng thạo, mọi việc đều chu đáo.

Đoàn Mỹ sang Việt Nam chỉ mang theo lương khô. Bác lại bảo: Phải lo thực phẩm tươi sống cho họ. Mỹ bây giờ là Đồng Minh, là bạn của mình, phải chăm lo sức khỏe cho họ, không thể để họ sống kham khổ thiếu thốn như mình.

Ủy ban khu giải phóng đóng ở Tân Trào, dân huyện Sơn Dương này nghèo lắm. Phải sang huyện Định Hóa bàn với Chủ tịch Chanh. Chủ tịch Chanh nhận lời ngay và gửi hai hội viên là Nguyễn Văn Sách và Ma Văn Bầu lo việc này.

Từ đấy cứ cách hai, ba ngày có một đoàn người vừa gánh vừa khiêng những dậu thịt, rau, trứng, măng… phải leo qua đèo De luồn rừng trên 20 cây số sang Tân Trào. Họ vận động dân đi săn thú rừng. Họ bảo bạn Mỹ thích ăn thịt thú rừng. Có khi là cả một con dê, có lần cả một con nai còn nguyên cặp lộc nhung mềm. Không có tủ lạnh để dành thức ăn dự trữ, nhà bếp đã có sáng kiến cho thịt vào các ống bương to đậy kín thả xuống cái giếng đào sâu, chung quanh thành giếng xếp đá phẳng lì. Nước giếng này quanh năm lạnh giá, thịt như được ướp đá.

Cả mấy tháng liền họ tiếp tế cho ta, trong khi ấy gia đình con cái họ chỉ ăn con cá con, con ốc bắt ở suối với lọ măng ngâm ớt.

Đồng bào nói: Họ nuôi bạn Mỹ để Mỹ cùng bộ đội Cụ Hồ đánh Tây đánh Nhật, nước Việt Nam được độc lập tự do họ sẽ được ấm no.

Trước khi về Hà Nội Bác lại dặn chúng tôi: Ta chẳng có tiền cũng không có gì kỷ niệm cho đồng bào. Có đống dù của Mỹ, các cô chịu khó tháo từng múi đem biếu đồng bào, tính theo đầu người mỗi người một mảnh. Họ có thể cắt may áo, may chăn.

Đồng bào đã kéo về đông như đi hội để lĩnh vải dù. Họ phấn khởi lắm. Nhân dân Việt Nam đã có tập quán nuôi quân, khi còn là du kích, dân quân tự vệ, dân không chỉ nuôi ăn mà còn may cả quần áo, lo giày dép, thuốc men. Không bao giờ dân đòi thanh toán, không đòi biên lai. Họ nói: Con cái góp cho cách mạng còn được thì tài sản của dân cũng là của cách mạng, của nhà nước” (2).

Ngày 17/7, Hồ Chí Minh có cuộc thảo luận với Thiếu tá Tômát và H. Pruyniê (H. Prunier) – sĩ quan OSS mới đến. Người khẳng định Mặt trận Việt Minh là tập hợp các đảng phái chính trị được tổ chức với mục đích duy nhất là đánh đổ tất cả các chính quyền nước ngoài và đấu tranh cho độc lập tự do hoàn toàn của Đông Dương. Người cũng nhấn mạnh sự bất bình của nhân dân Việt Nam với người Pháp. Vì vậy, không thể cho Trung úy Môngpho – một sĩ quan người Pháp cũng như những người Pháp khác vào hoạt động ở đây…

Ngày 19/7, Hồ Chí Minh có cuộc thảo luận dài với Thiếu tá E. Tômát về khu vực hoạt động của Đội “Con Nai”. Theo Người, “Con Nai” nên tập trung hoạt động trên tuyến đường Thái Nguyên - Bắc Cạn - Cao Bằng (đường thuộc địa số 3), sau khi “thông đồng bén giọt” có thể di chuyển tiếp và hoạt động trên đường Lạng Sơn - Hà Nội.

Người còn khẳng định Việt Nam có thể nhận một số hoạt động của SO (Đội công tác chiến lược “Con Nai”)…

Sau 20/7, Hồ Chí Minh gửi thư cho Thiếu tá E. Tômát. Nguyên văn bức thư như sau:

“Gửi Thiếu tá E. Tômát,

Ngài thân mến,

Tôi gửi Ngài một chai rượu để uống cho ấm người. Tôi tin rằng Ngài sẽ thích thú.

Nếu viết thư về Côn Minh hãy chuyển qua người chiến sĩ này.

Kế hoạch của Ngài về sự đầu hàng của Nhật (tối hậu thư, tấn công…) thật tuyệt vời. Tôi tin rằng nó sẽ đem lại kết quả tốt.

Sẽ rất tốt nếu Ngài chuyển kế hoạch đó bằng điện tín cho Đại úy Holland.

Trong thời gian tôi đi vắng, nếu cần gì xin Ngài nói với ông Văn (Võ Nguyên Giáp).

Chào thân ái

CM HỒ

Ngày 21/7, Hồ Chí Minh tiễn ông Ph.Tam trở lại Trung Quốc và nhờ Ph. Tam chuyển cho Sáclơ một bức thư. Toàn văn bức thư như sau:

“Ông Phen thân mến!

Tôi muốn viết cho ông thư dài để cảm ơn tình cảm của ông đối với tôi. Tiếc thay không thể viết dài được vì sức khỏe tôi hiện giờ chưa được tốt lắm (nhưng không đến nỗi nguy kịch, ông an tâm).

Điều tôi muốn nói với ông thì ông Tam sẽ nói thay tôi. Nếu ông gặp các ông Bécna, Vinca Reit và Cácten (của cơ quan thông tấn) và những người bạn khác của chúng ta, nhờ ông chuyển tới họ lời chúc mừng tốt đẹp nhất của tôi.

Ông Tam nói là ông sẽ đến đây. Chúng tôi luôn sẵn sàng nồng nhiệt đón ông.

Hãy đến nhanh ông nhé.

Tôi chúc ông mạnh khỏe và may mắn.

21-7-1945

CM HỒ

Từ 1 đến 6/8, Hồ Chí Minh tuyển lựa 200 du kích để Đội “Con Nai” huấn luyện sử dụng súng carbin, M.A.S, tiểu liên Tômxơn, Bazoca, cối và lựu đạn.

Qua điện đài của nhóm Tômát Bác Hồ biết phía tây quân đội Liên Xô đã tiến tới Béc-lin dồn bọn phát xít Hitler đến chỗ diệt vong, còn ở phía đông phát xít Nhật đã suy kiệt lại bị Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Người chỉ thị viết nhiều thư hỏa tốc, tung giao thông đặc biệt đi các hướng để thúc giục các đại biểu ở các địa phương về Tân Trào họp Hội nghị toàn quốc của Đảng.

Ngày 13/8, có tin Nhật đầu hàng Đồng Minh, quân đội Nhật ở các nơi ngừng chiến đấu. 23 giờ, Ủy ban chỉ huy lâm thời khu giải phóng hạ lệnh khởi nghĩa. Hồ Chí Minh chỉ thị viết nhiều thư hỏa tốc, tung giao thông đặc biệt đi các địa phương mang chỉ thị. Mệnh lệnh khởi nghĩa.

(Còn tiếp)

Nguyễn Xuân Ba
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 382

———————-
1. Từ sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 2.

2. Theo “Kỷ niệm thời hợp tác với Mỹ ở Tân Trào” của Trần Minh Châu, Tạp chí Xưa&Nay số 145, tháng 8/2003.

Theo http://tuanbaovannghetphcm.vn/

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: