Khoảng 18/8, Hồ Chí Minh gửi thư cho Sáclơ Phen. Toàn văn như sau:

“Trung úy Phen thân mến!

Chiến tranh đã kết thúc. Đấy là điều tốt cho mọi người. Tôi cảm thấy áy náy khi những người bạn Mỹ phải rời chúng tôi quá nhanh. Việc ra đi của họ khỏi đất nước này có nghĩa là mối quan hệ giữa ông và chúng tôi sẽ khó khăn hơn.

Chiến tranh đã kết thúc thắng lợi. Nhưng chúng tôi, những nước nhỏ và phụ thuộc, không có phần đóng góp hoặc đóng góp rất ít vào thắng lợi của tự do, của dân chủ. Nếu muốn đóng góp một phần xứng đáng chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu. Tôi tin rằng ông và nhân dân Mỹ vĩ đại sẽ luôn luôn ủng hộ chúng tôi.

Tôi cũng tin rằng sớm hay muộn chúng tôi cũng đạt được mục đích của mình, bởi vì mục đích đó là chính nghĩa. Và đất nước chúng tôi sẽ độc lập. Tôi trông chờ ngày hạnh phúc được gặp ông và những người bạn Mỹ của chúng ta ở Đông Dương hay trên đất Mỹ.

Chúc ông may mắn và sức khỏe.

Tháng 8-1945

CM HỒ

Cùng ngày, Hồ Chí Minh gửi thư cho Ph. Tam. Toàn văn bức thư như sau:

“Ông Tam thân mến!

Chiến tranh đã kết thúc. Mọi thứ đều thay đổi. Nhưng tình bạn chúng ta vẫn thế, không bao giờ thay đổi.

Nhưng ông biết đấy, chúng tôi không có phần đóng góp chiến thắng này. Để góp phần mình vào chiến công chung, chúng tôi còn phải chiến đấu gian khổ. Ông hãy tin rằng chúng tôi đã chiến đấu và sẽ chiến đấu cho đến khi chúng tôi đạt được cái mà chúng tôi muốn: Độc lập dân tộc.

Tôi thấy áy náy vì những người bạn Mỹ đã rời chúng tôi quá nhanh và do đó mối quan hệ giữa ông và chúng tôi trở nên khó khăn hơn. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên ông. Ông cũng đừng quên chúng tôi nhé! Ngày mai tươi sáng chúng ta sẽ gặp nhau, chúng ta trông chờ ngày đó!

Thưa ông, người bạn được giao nhiệm vụ mua những vòng xuyến cho ông bị ốm và anh ta đã trao công việc đó cho người khác. Nhưng người này lại nhận công tác xa Hà Nội, cho nên anh ta đã trao công việc đó cho một người thứ ba. Người này không thực hiện đúng mà chỉ mua được một số cái mà ông muốn.

Tất cả giá 440 piastres (đơn vị tiền Đông Dương thời thuộc Pháp).

Tôi gửi lại ông những gì mà họ chuyển cho tôi và số tiền còn lại là 2.560 piastres.

Chúc ông sức khỏe và may mắn. Và chúc ông sớm gặp người bạn đời tốt. Hãy tin ở tôi, tôi mãi mãi như xưa.

8-1945

CM Hồ

Ngày 26/8, buổi trưa tại nhà số 48 Hàng Ngang, Hồ Chí Minh mời cơm Pátti. Người nói chuyện với Pátti đến gần 16 giờ.

Ngày 29/8, Hồ Chí Minh gửi một tấm danh thiếp trên đó viết mấy lời ngắn gọn, mời Pátti đến gặp trước 12 giờ.

Vào lúc 10 giờ 30, Người tiếp A. Pátti tại số nhà 48, phố Hàng Ngang. Cùng tiếp có đồng chí Trường Chinh. Người nói với Pátti muốn trao đổi với ông ta về một số kế hoạch hoạt động của Chính phủ lâm thời trong những ngày sắp tới, trong đó có việc tổ chức ngày lễ Độc lập 2-9, giới thiệu các thành viên của Chính phủ và chương trình hoạt động của Chính phủ cho mọi người dân được biết. Người cho gọi người phiên dịch để phiên dịch cho Pátti nghe bản dự thảo Tuyên ngôn Độc lập. Pátti ngạc nhiên khi thấy Cụ Hồ đã đưa vào đó một số câu trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ nhưng đã đảo trật tự và thay thế một số từ, đem lại cho nó một ý nghĩa mới.

Hồ Chí Minh mời Pátti dự Lễ Độc lập 2/9, Pátti nhận lời nhưng cũng tỏ ý vì lý do tế nhị có thể sẽ không đến dự được.

Ngày 30/8, Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời gửi bức công điện cho Tổng thống Mỹ Truman, nhờ Pátti chuyển giúp về Mỹ.

Ngày 1/9, lúc 16 giờ 30, Hồ Chí Minh mời A. Pátti và Grélecki dự bữa cơm thân mật trước ngày lễ Độc lập của Việt Nam tại Bắc Bộ phủ. Cùng dự tiếp có Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Hoàng Minh Giám.

Với một giọng thân mật, Hồ Chí Minh tỏ lòng biết ơn đối với những người bạn Mỹ về sự ủng hộ vật chất và tinh thần mà phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam đã nhận được trong mấy năm gần đây, đặc biệt là cảm ơn sự giúp đỡ của Cơ quan phục vụ chiến lược (OSS). Người cũng nhắc đến Tướng Chennault, Đại tá Helliwell, Glass, các Thiếu tá Thomas và Holland cùng những người khác trong toán công tác của họ. Người tỏ ý mong rằng tinh thần “hợp tác hữu ái” đó sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới…

Pátti nhận lời sẽ chuyển yêu cầu đó của Chính phủ Hồ Chí Minh về Mỹ.

CẢNH CŨ NGƯỜI XƯA

bac ho muon nam 2-1
Ông Shin (ngồi xe lăn), bà Rose đi theo (với khung tập đi),
 
bên trái là ông Nguyễn Tiến Minh, người đẩy xe cho ông Shin là ông Nguyễn Bá Long.

Năm 1997, hai ông Mc Shin và Frank Tan quay về Hà Nội sau 52 năm xa cách, họ kể lại cảm tình đầu tiên là được Cụ Hồ chăm sóc chu đáo ân cần.

Frank Tan nói: “Khi đi theo Cụ Hồ, tôi mới ở độ tuổi đôi mươi, nên tôi vẫn coi con người đáng kính ấy là bác bề trên, tôi không dám gọi Người là Bác mà luôn luôn coi như một người ông. Trước kia là vậy, bây giờ cũng vẫn vậy”. Còn Mc Shin (năm 1997 đã 73 tuổi) được trở lại Tân Trào, đứng khóc nức nở trước lán Nà Lừa vì nhớ Bác Hồ. Ông kể lại: “Bác Hồ quý tôi lắm, coi tôi như con. Ngài nói, khi nào hết chiến tranh, nếu tôi muốn ở lại Việt Nam thì sẽ cấp cho một mảnh đất đẹp để cày cấy - vì ngài biết tôi vốn là người Trung Quốc quá nghèo khổ, không có mảnh đất cắm dùi, nên phải đi lính cho Mỹ – còn muốn lấy vợ đẹp, thì phải tự kiếm lấy. Đến lúc tôi được lệnh rời Việt Nam, ngài biết tôi còn mẹ già, ngài tặng tôi mấy lạng cao hổ cốt để đem về làm quà biếu mẹ”.

Năm 1998, trong đoàn cựu binh Mỹ sang thăm Việt Nam, có cựu Thiếu tá A. K. Thomas. Ông nhắc lại bài hồi ức của ông viết trên báo The State Journal ngày 21/4/1968, kèm theo bức ảnh năm 1945 chụp chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh có chữ ký đề tặng và lời chúc tốt đẹp của Người đứng đầu lực lượng cách mạng Việt Nam. Bài hồi ức ghi lại hình ảnh và bản chất con người lãnh tụ cách mạng đó. Ông nói: “Ngay từ buổi đầu, tôi đã có ấn tượng mạnh về Hồ Chủ tịch, Người có những hiểu biết rất sâu sắc về lịch sử nước Mỹ chúng tôi, đồng thời có một trí tuệ tuyệt vời đối với tình thế thế giới lúc đó”.

Viết về thời điểm Hồ Chí Minh ở Côn Minh, nhà văn Mỹ Charles Fenn, năm ấy đã 90 tuổi, vẫn nhắc lại đầy lòng kính trọng những kỷ niệm đầu năm 1945 - khi ông làm môi giới để Cụ Hồ Chí Minh tiếp xúc với tướng Mỹ Chennault. Trong cuốn sách của mình, ông trân trọng giới thiệu bản tiểu sử hoàn chỉnh về Cụ Chủ tịch, con người mang tính huyền thoại của lịch sử Việt Nam. Charles Fenn ghi lại ấn tượng đầu tiên của mình: “Hồ Chí Minh là con người luôn đặt lý tưởng của mình cao hơn mọi ứng xử tầm thường, khi trao viên phi công trung úy Shaw cho người Mỹ ở Côn Minh, Hồ Chí Minh từ chối mọi sự thanh toán sòng phẳng bằng tiền kiểu Mỹ mà chỉ khẳng định cho phía Mỹ biết rằng Hồ Chí Minh và tổ chức cách mạng của mình đang theo đuổi mục tiêu cách mạng là giải phóng dân tộc như G. Washington đã làm và chống phát xít, như người Mỹ lúc đó đang làm”(1).

Khi Mỹ rút Đội “Con Nai” khỏi Việt Nam, ông Shin từ giã Bác Hồ và sang Mỹ định cư chưa có dịp gặp lại nhau. Dù vậy ông luôn giữ những kỷ niệm yêu quý Bác Hồ suốt hơn 65 năm trời cho tới ngày Việt Nam và Mỹ bang giao mới gặp được những cán bộ của ta sang Mỹ làm việc. Sứ quán Việt Nam có nhiệm vụ trao Huân chương do Nhà nước ta tặng ông. Do ông bị tai biến phải ngồi xe lăn, Sứ quán phải đến Thành phố Seattle thuộc Tiểu bang Washington nơi ông cư trú trao trực tiếp (Bang Washington ở Tây Bắc Thái Bình Dương USA, Seattle cách biên giới Canada – Hoa Kỳ khoảng 160 km về phía Nam, còn Thủ đô Washington DC có con sông Potomac nơi anh Morison tự thiêu phản đối chiến tranh Việt Nam).

Sống ở Seattle cả nửa thế kỷ, Mac Shin không muốn nói nhiều về sự cộng tác và tình bạn của ông với Cụ Hồ Chí Minh, nhà cách mạng, cha đẻ nền độc lập của Việt Nam mà phần lớn người Mỹ chỉ biết Cụ Hồ là nhà lãnh đạo của lực lượng Cộng sản trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Ông Shin đã nhiều lần giải thích với bạn bè và gia đình ông rằng “nhiều người ở đây không thích Bác Hồ”. Nhưng nhiều người không biết rằng, mấy chục năm trước chiến tranh, trong thời Đệ nhị thế chiến, Cụ Hồ Chí Minh đã cộng tác với quân đội Mỹ chiến đấu chống quân Nhật. Ông Shin là một trong những quân nhân Mỹ còn sống đã cùng Cụ Hồ Chí Minh và đạo quân nhỏ bé đã lăn lộn trong rừng sâu để huấn luyện đội quân kháng chiến chống Nhật cho Đồng Minh.

TRAO TẶNG HUÂN CHƯƠNG HỮU NGHỊ

Năm 2008, một ngày thứ Bảy ông Nguyễn Tiến Minh - Phó Đại sứ quán Việt Nam và một cán bộ của Sứ quán ta ở Washington là ông Nguyễn Bá Long gặp ông bà Shin và bạn bè của ông bà tại một nhà hàng trong khu International District để dự buổi lễ riêng. Họ trao cho ông Shin Huân chương cao quý nhất gọi là “Huân chương Hòa bình Hữu nghị giữa các Quốc gia” của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phó Đại sứ Nguyễn Tiến Minh nói: “Ông Shin là một trong một vài người đã từng chứng kiến giờ phút vĩ đại của lịch sử. Ông đã có cái đặc ân được làm việc với vị lãnh đạo trứ danh của chúng ta”.

Ông Shin năm này (2008) đã 84 tuổi, bán thân bất toại vì bị đứt mạch máu não (đột quỵ) gây nên. Ông cùng vợ là bà Rose đi theo trên cái walker (khung tập đi) còn ông Shin trên chiếc xe lăn do chính hai viên chức Tòa Đại sứ Việt Nam tại Thủ đô Washington DC đi theo. Đáp lời khách trao tặng Huân chương cao quý này, ông Shin vừa nâng ly trà vừa nghẹn ngào nói: “Hoa Kỳ muôn năm. Việt Nam muôn năm. Bác Hồ muôn năm!”

Bác sĩ David Christie nói rằng ông Shin lúc nào cũng tràn đầy sức sống hồn nhiên. Bác sĩ làm việc chung với ông Shin từ khi ông Shin di cư đến Hoa Kỳ vào thập niên 1950 và trở thành chuyên viên kỹ thuật về quang tuyến.

Ông Giebel nói, tổ chức OSS, tiền thân của cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ, tuyển mộ ông Shin ở Trung Hoa để thành lập một liên minh về triết lý và chính trị giữa Hoa Kỳ và phong trào độc lập đang phát triển của Việt Nam. Ông nói, nhiều người trong tổ chức OSS thực sự mê thích Cụ Hồ Chí Minh.

Vị giáo sư này nói: “Dù rằng Cụ Hồ thường bị coi như là hình tượng của Cộng sản một cách đơn giản. Chính xác hơn hãy nghĩ rằng Cụ Hồ một người quốc gia nhiệt thành do động lực chống lại ách thống trị của người Pháp và Cụ đã cảm hứng bởi những lời viết của ông Thomas Jefferson và cuộc chiến của người Hoa Kỳ giành lại chủ quyền độc lập từ trong tay người Anh.”

Giáo sư Giebel, một người chuyên về lịch sử Đông Nam Á tại Đại học Washington nói: Cụ Hồ là một người mà ông Shin biết và yêu mến với một tinh thần huynh đệ. Nhà viết sử này của Đại học Washington đã biết ông Shin từ hơn 10 năm qua, và năm 2001, ông đã cùng ông Shin đến thăm mấy người bạn cũ còn sống ở Việt Nam. Ông Cristoph Giebel nói: “Lý do duy nhất khiến cho vai trò của ông Shin trở thành một sự kiện lịch sử là vì điều đã xảy ra sau đó”. Ông Giebel nói tiếp: Ngày nay ít người nhận thức được “sự kiện lịch sử” này.

Sau khi Đệ nhị Thế chiến chấm dứt, Cụ Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập cho Việt Nam trước nhân dân Hà Nội với những lời trích dẫn từ trong tài liệu Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ vào 1776. Nhưng dù là có sự tin cậy và mối quan hệ chặt chẽ được xây dựng trên sự liên hệ OSS và thành phần Việt Minh để chiến đấu chống lại quân chiếm đóng Nhật Bản, các cường quốc Đồng Minh sau đó không còn ủng hộ nền độc lập của Việt Nam nữa.

Nước Pháp được tái lập quyền thống trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Cụ Hồ và quân đội của Cụ cảm thấy bị các cường quốc Tây phương bỏ rơi. Nếu những biến cố đã xảy ra một cách khác, nếu ông Shin đã một lần gọi Cụ Hồ là “Grandpapapa” mà không cảm thấy bị phản bội, một số chuyên viên về sử học tin rằng sau đó thảm trạng chiến tranh giữa một quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á và siêu cường Hoa Kỳ đã chẳng bao giờ xảy ra.

Giáo sư Giebel lại nói, nói một cách vắn tắt, ông Shin là một hiệu thính viên hàng đầu của Cụ Hồ và hai người đã trở nên đôi bạn thân thiết. Ông Shin và những đồng đội của ông trong toán OSS đã băng rừng, ẩn nấp trong hang núi, liều thân chiến đấu với niềm tin rằng họ đang giữ một vai trò quan trọng kết tụ tình thân hữu lâu dài giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Sau hơn 50 năm, một vài khía cạnh của mối quan hệ thân hữu này đã bị tan vỡ tai hại lại được phục hồi vào ngày thứ Bảy vừa qua trong một nhà hàng tại góc đường 5 và đường Jackson ở Seattle(2).

Nguyễn Xuân Ba
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 382

1. Trích bài Theo dấu tích nhà báo Hồ Quang của Mai Thanh Hải, Tạp chí Xưa & Nay số 115 (163), tháng 5/2002, tr. 32-33.

2. Theo bản dịch nhan đề “Nhân vật từ Thế chiến thứ II được vinh danh – Một người bạn thân thiết của Cụ Hồ Chí Minh” của ông Nguyễn Mạnh Quang (Nguồn: The Seattle Post Intelligencer, ngày 10/5/2008 của Tom Paulson – P-I Reporter).

Theo http://tuanbaovannghetphcm.vn/

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: