Ngày 31 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp. Đây là chuyến thăm ngoại giao đầu tiên của Người trên cương vị Nguyên thủ quốc gia của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chuyến thăm này là một trong những hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của Chính phủ Việt Nam trong thời kỳ 1945-1946. Trong những ngày ở nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghỉ tại khách sạn Carleton (Cáclơtông), thuộc Biarritz (Biarit), miền Tây Nam nước Pháp. Tại Biarritz, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp lại những người bạn thủy thủ năm xưa. Trong nhóm thủy thủ đó có ông Đào Nhật Vinh - người thủy thủ đã từng gặp Người trên con tàu của Pháp những năm đầu thế kỷ XX. Một vinh dự đến với ông Đào Nhật Vinh, ông cùng với gia đình được chụp ảnh với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí thành viên Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sự kiện ông Đào Nhật Vinh được gặp anh Văn Ba (tức Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sau này) và xuất xứ của bức ảnh được ông Trần Nhương, cháu ngoại của ông Đào Nhật Vinh kể lại như sau:

* Sự kiện gặp anh Văn Ba 

Ông Đào Nhật Vinh sinh năm 1896 tại làng Hạ Lao, huyện Nam Ninh, Hà Nam Ninh (nay là huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định). Thời thanh niên, ông Vinh đi làm thuỷ thủ viễn dương cho các con tàu của Pháp. Ông có may mắn được gặp anh Ba trên chiếc tàu Lige từ Áchentina ghé về Đaca và làm việc với anh Ba. Anh đang làm việc trên chiếc tàu chở than Sacbong 2 Xisácbonnie. Dạo đó, trên tàu Lige có anh Dị là người đã từng làm việc với anh Ba trên một chiếc tàu thủy. Do mối quen biết đó mà anh Dị đã sang tàu Sacbong 2 Xisácbonnie đón anh Ba lên tàu Lige với anh em thợ trong nhóm của ông. Lần gặp gỡ này, ông càng thấy tiếng lành về anh Ba quả là danh bất hư truyền. Thế là một nhóm thợ trẻ cùng anh Dị, anh Xích và ông được anh Ba nhận dạy chữ Nho bằng cách cứ mỗi chuyến đi làm tàu trở về bến, tranh thủ những ngày ở đất liền thì đến học. Ông còn được anh Ba tổ chức vào “Hội những người Việt Nam yêu nước”, hoạt động trong nhóm thủy thủ. Cứ mỗi chuyến đi tàu về là một lần ông gặp anh Ba, được anh nói cho nghe những tin tức của đồng bào trong nước bị mất mùa, đói kém, sưu cao thuế nặng, công nhân đình công đòi tăng lương, đòi thi hành ngày làm tám giờ… Anh Ba còn bày cho ông cách chi tiêu, dành tiền giúp đỡ những anh em thợ chưa có việc làm, hoặc góp thành món gửi về nước cho gia đình, bà con. Từ sau sự kiện đòi quyền tự quyết cho Việt Nam bằng Bản yêu sách 8 điểm gửi đến cuộc họp của các nước đế quốc thắng trận tại Vécxây, anh Ba đã nổi tiếng với tên gọi Nguyễn Ái Quốc. Từ anh em thợ thuyền đến các giới làm ăn trên đất Pháp, cũng như những người Việt sống lưu lạc trên các cảng lớn ở một số nước khác mà ông đã ghé đến đều tỏ nỗi sung sướng có được một người Việt Nam là Nguyễn Ái Quốc, dám đương đầu đòi quyền sống cho dân mình, nước mình ngay ở thủ đô nước Pháp…

* Về xuất xứ của bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng một số thành viên trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với gia đình ông Đào Nhật Vinh tại bãi biển Biarritz (Cộng hoà Pháp) năm 1946

Mùa Hè năm 1946, nước Pháp ngập trong một bầu không khí ảm đạm, những cơn giông dựng mây đen từ các phía chân trời, tiếng sấm gầm dữ dội. Giữa lúc đó, một tin vui truyền khắp nước Pháp: Cụ Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang thăm chính thức nước Pháp. Hàng vạn người Việt đang sống trên đất Pháp đổ ra đường, mua vải may cờ đỏ sao vàng thu xếp đưa vợ con lên Pari để chào đón Bác Hồ. Ông Đào Nhật Vinh đinh ninh mình là người từ hai mươi ba năm trước đã có may mắn được gặp anh Ba, đã quen biết cùng làm việc dưới tàu với anh Ba, nay phải là người Việt Nam đầu tiên có mặt trong dòng người đi đón Hồ Chủ tịch. Nhưng khi đi đến Pari, ông đã thấy bà con Việt kiều từ nhiều nơi trên đất Pháp kéo về đây chờ đón Bác Hồ.

Một Ủy ban Tổng đại diện Việt kiều đã ra đời ngay ở Paris để lo việc tổ chức bà con người Việt sinh sống trên đất Pháp đón Bác Hồ và phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu, đến Hội nghị Phôngtenbơlô. Mọi người đều háo hức chờ đợi từng giờ từng phút để được gặp Bác, bỗng có tin: Hồ Chủ tịch chưa tới Pari ngay mà ghé đến Biarritz, một thị trấn ở cửa bể Tây Nam nước Pháp. Những anh em thủy thủ trước kia đã từng gần gũi với anh Ba liền lên đường đến Biarít. Ông Vinh đưa cả vợ con đi Biarít đón Bác Hồ. Hôm đó, biển trời Biarritz tràn trề nắng. Anh em thủy thủ được Bác tiếp tại một khách sạn do Chính phủ Pháp chọn để Bác tạm nghỉ chân trong chuyến thăm chính thức này, đó là khách sạn Cáclơtông. Anh em thủy thủ vây quanh Bác ngay khi Bác đến. Bác hiển hiện như trong một giấc mộng. Ông Vinh ngắm Bác không chớp mắt. Con mắt lầm than sóng gió của ông chưa một lần ứa lệ vì sung sướng, thế mà cái phút được gặp lại anh Ba, Người anh cả của hàng ngũ thủy thủ, nay là vị cứu tinh của dân tộc, Người khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lại trào nước mắt vì hạnh phúc. Bác đã nhận ra ông Vinh giữa đám đông những người thủy thủ và Người đã ôm choàng lấy hai cha con ông Vinh. 

buc anh 2 
Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng gia đình 
ông Đào Nhật Vinh tại bãi biển Biarrits tháng 7 và 8 năm 1946 .

Một hôm, Bác bảo anh em thủy thủ đưa cả vợ con đi ra chơi ngoài bờ biển Biarít. Bãi biển rộng, mặt biển từng con sóng lượn lăn tăn. Những người đi theo Bác đều không dám đi ngang hàng mà lùi lại phía sau Bác. Thấy vậy Bác khoát tay gọi mọi người dàn thành hàng ngang cùng bước với Bác. 

Chính khoảnh khắc ấy ông Đào Nhật Vinh đã vinh dự cùng gia đình được chụp ảnh với Bác và các thành viên Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông vô cùng xúc động lắng nghe lời Bác: Bãi biển rộng thế này thì chúng ta cùng đi ngang hàng với nhau sao lại phải sắp xếp người trước, người sau làm gì.

Ông Nhương cho biết, ông Vinh giữ được rất nhiều ảnh về Bác Hồ trong thời gian ở Pháp. Sau đó, do thời kỳ gia đình ông sống ở Pháp những năm 1969-1970, vì sợ liên lụy nên vợ ông đã đốt hết các bức ảnh đó. Bức ảnh chụp cùng Bác Hồ ở bãi biển Biarít là bức ảnh duy nhất ông Vinh cất giữ được. Khi còn sống, nói về kỷ niệm với Bác Hồ ông Vinh rất tiếc nuối, ông đã khóc và nói rằng mình đã có lỗi với Bác Hồ khi không lưu giữ được những kỷ niệm về Người. Những năm cuối đời, ông Đào Nhật Vinh về nước sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Ông qua đời ngày 30/12/1985, hưởng thọ 90 tuổi và được an táng ở nghĩa trang thành phố.

Th.s Hoa Đình Nghĩa

http://www.baotanghochiminh.vn/

Minh Nguyệt (st)

                                                                                             

Bài viết khác: