Đã 74 tuổi, tai nghe không còn rõ do bị sức ép của bom nổ tại chiến trường và luôn phải đeo chiếc máy trợ thính, nhưng hàng chục năm qua, cựu chiến binh Nguyễn Đình Phong ở xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình vẫn miệt mài sưu tầm ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về chủ quyền biển, đảo Việt Nam… và mở “triển lãm” để tuyên truyền rộng rãi tới đông đảo cán bộ, nhân dân, học sinh địa phương.
Hơn 40 năm sưu tầm ảnh, tư liệu về Bác Hồ
Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Đình Phong từng là thợ lái máy cày của Trường Công - Nông nghiệp Quảng Bình. Năm 1971, địch đánh phá hệ thống giao thông ác liệt, Nguyễn Đình Phong xung phong vào chiến trường lái máy ủi, góp phần bảo đảm mạch máu giao thông trên Quốc lộ 15A, thuộc Binh trạm 12 trên đường Trường Sơn. Năm 1972, trong lúc đang làm nhiệm vụ san gạt đường ở “tọa độ lửa” đèo Đá Đẽo, ông bị bom Mỹ hất văng xuống hố bom cùng chiếc máy ủi DT-100 đang điều khiển. Ông bị thương và tai ù đặc từ đó, rồi điếc dần cho đến nay.
CCB Nguyễn Đình Phong (ngoài cùng, bên phải) mở “triển lãm” và giới thiệu với các CCB, nhân dân địa phương về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ.
Rời chiến trường về quê hương ở xã Quảng Phong (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), ông lấy vợ bên xã Quảng Thanh (cùng huyện) rồi cùng gia đình sinh sống tại đây. Sức khỏe yếu, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân lại không được chế độ phụ cấp gì nên ông làm quần quật ngoài đồng suốt ngày. Tuy vậy, những lúc rảnh rỗi, ông lại dành toàn bộ thời gian, công sức cho việc sưu tầm ảnh, tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ. Với tấm lòng thành kính nhất đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, ông Phong đã sưu tầm ảnh từ sau khi Bác mất, nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh nên số lượng ảnh ngày đó rất ít. Những năm sau này có điều kiện hơn, ông dành hết tâm huyết của mình để bộ sưu tập ngày một phong phú.
Ban đầu, ông Phong chỉ làm đơn giản bằng cách cắt những tấm ảnh trong các tờ báo và tạp chí, đóng thành từng tập an-bum. Nhưng càng sưu tầm, ông càng thấy cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác thật vĩ đại, phong phú, nên ông quyết định phải làm có hệ thống và khoa học hơn. Ông mua cả chục mét vải đỏ, rồi khâu ảnh và đo thẳng hàng, thẳng lối. Ngày tiếp ngày, ảnh sưu tầm được càng nhiều thêm, ông lại tháo ra, mua thêm vải, sắp xếp lại theo thứ tự thời gian từ khi Bác còn trẻ cho đến lúc Người đi xa. Như con ong cần mẫn, chăm chỉ, ông lắp vào, tháo ra không biết bao nhiêu lần cho đến khi vừa ý. Đến nay, “công trình” của ông đã khá đồ sộ với hơn 3.000 bức ảnh cỡ 20 x 30cm, được ép plastic cẩn thận. Ngoài ra, còn hàng trăm bài báo, hàng chục cuốn sách quý về Bác Hồ cũng được ông lưu giữ, nâng niu.
Về việc sưu tầm ảnh của CCB Nguyễn Đình Phong, nhiều người rất thán phục sự chịu khó, miệt mài và kỳ công của ông. Mỗi tấm ảnh là một câu chuyện dài về người sưu tầm và nội dung, ý nghĩa của nó. Vì giá trị của bức ảnh, có khi ông mua một cuốn sách giá hàng trăm nghìn đồng, sau đó cắt lấy ảnh, đem đi phóng to, ép lại. Có khi chỉ một tấm ảnh quý về Bác, mà ông phải thương lượng đổi bất cứ thứ gì trong nhà mình để có được. Nhà nghèo, bản thân ông không được hưởng phụ cấp, công ăn việc làm của vợ con cũng còn nhiều vất vả, nhưng vì đam mê, nên ông làm đủ mọi cách để có những tư liệu, hình ảnh quý về Bác Hồ. Chiếc quán nhỏ trước nhà ông mở để bán bánh kẹo cho “vui cửa vui nhà”, chứ thu nhập chẳng đáng là bao. Tuy vậy, chưa bao giờ ông kêu ca, phàn nàn. Bị thương, bị sức ép do bom nổ ở chiến trường, nhiều người bảo ông làm hồ sơ để hưởng chính sách thương binh, ông chỉ cười, bảo rằng: “Mình còn sống là may lắm rồi!”.
Thấy ông Phong làm công việc có ý nghĩa và thương ông vất vả, một số người có những tấm ảnh quý về Bác Hồ đã đem đến biếu ông. Có người ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng gửi ảnh tặng ông. Bởi vậy, “công trình” sưu tập của ông ngày càng dày và phong phú. Đối với ông, không gì quý hơn những tấm ảnh của Bác Hồ. Có lần, khi đang cuốc đất ngoài ruộng, thấy con gái ra gọi có người mang ảnh tới biếu, dù chân tay lấm lem bùn đất, ông vẫn chạy bộ một mạch về nhà. Nhìn thấy tấm ảnh Nguyễn Ái Quốc thời kỳ hoạt động ở Thái Lan - tài liệu mà ông mong muốn sưu tầm từ lâu nhưng chưa có được, ông xúc động trào nước mắt. Mỗi tấm ảnh là một tấm lòng, một câu chuyện cảm động. Tác giả bài viết này đã từng được xem ảnh Bác ở Bảo tàng Hồ Chí Minh và một số nơi khác, nhưng có những bức ảnh lần đầu tiên tôi được thấy trong bộ sưu tập của CCB Nguyễn Đình Phong.
Nét độc đáo ở bộ sưu tập còn được thể hiện ở lời ghi chú của mỗi bức ảnh. Sau khi có ảnh quý, ông Phong nghiên cứu kỹ và chính xác lịch sử của bức ảnh đó để giới thiệu cho bà con biết nội dung, ý nghĩa. Nhiều tấm ảnh, ông còn cẩn thận ghi chú bằng… thơ, qua đó nói lên nhiều điều về đạo đức, phong cách và thiên tài của Bác Hồ.
Bà con địa phương đến xem “triển lãm ảnh” của ông, ngoài việc hiểu thêm về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn thấy hấp dẫn và lý thú qua lời bình của tác giả sưu tầm. Hình ảnh Bác Hồ tát nước, cày cấy cùng bà con nông dân; Bác kéo lưới với ngư dân; Bác chơi bóng chuyền; Bác đi thăm đồng lúa, vui đùa với thiếu nhi... thật giản dị và gần gũi biết bao! Vì ham mê sưu tầm và làm thơ, nên ông Phong đã gia nhập Hội Thơ Tân An và đã “xuất bản” được 10 tập thơ, trong đó có nhiều bài ca ngợi Đảng, Bác Hồ.
Luôn học tập và làm theo Bác
Với bản chất thật thà, hết lòng giúp đỡ mọi người, luôn học tập và làm theo tấm gương của Bác, nên cách đây mấy năm, bà con tín nhiệm bầu ông Phong làm trưởng chòm (cấp dưới của thôn). Công việc “vác tù và hàng tổng” cũng chiếm khá nhiều thời gian, nhưng dân đã bầu thì ông không thể từ chối. Ông lại hăng hái đi cả ngày, nhiều khi cầm loa đi “phát” thông báo chủ trương của xã, hoặc cùng tổ y tế đi vận động bà con tiêm phòng dịch... Còn nhớ, mùa lũ năm 2013, nước sông Gianh lên cao, nhà ông chỉ cách bờ sông vài chục mét, năm nào cũng bị nước tràn vào. Biết vậy nhưng ông vẫn chèo bè chuối đi giúp bà con sơ tán, vận chuyển đồ đạc lên cao, phát mỳ ăn liền cứu đói... Khi ông về đến nhà thì nước đã ngập quá đầu, ông phát hoảng khi sực nhớ đến bộ sưu tập ảnh Bác còn để trên bàn, chưa kịp đưa lên gác. Bơi vào trong nhà không thấy tập ảnh đâu, ông cứ tần ngần vịn cột nhà đứng khóc, đến khi vợ ông bảo, đã đưa ảnh lên chỗ an toàn, ông mừng đến trào nước mắt.
Mặc dù bộ sưu tập về ảnh Bác Hồ đã khá phong phú và “đồ sộ”, nhưng ông Phong vẫn chưa bao giờ thấy đủ. Ông còn sưu tầm thêm ảnh hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ảnh về các chiến dịch lớn của Quân đội ta. Đặc biệt, gần đây, ông tiếp tục đầu tư công sức, trí tuệ sưu tầm ảnh, bản đồ, tư liệu về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, trong đó có một số tấm bản đồ từ đời xưa của một số nước xuất bản, thể hiện rõ hai quần đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam. Qua tìm hiểu từ lịch sử và trên sách báo, ông tự viết thuyết minh cho các tấm ảnh, bản đồ để bà con hiểu rõ thêm về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhằm giúp mọi người hiểu thêm về sự nghiệp và tấm gương của Bác Hồ, cũng như giá trị các tư liệu đã sưu tầm được, ông Phong tự tổ chức “triển lãm”. Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, con cháu dự hội làng đông đủ, hoặc vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng, Ngày sinh của Bác Hồ…, ông lại tổ chức trưng bày hình ảnh, tư liệu. Vì sức khỏe hạn chế, trong khi “công trình” có trọng lượng đến hàng tạ, nên ông huy động cả vợ và con cháu cùng làm. Chi hội CCB thôn Tân An cũng cử người đến phụ giúp. Trước đây, “công trình” triển lãm của ông bằng vải đỏ có độ dài chỉ hơn chục mét, nay đã dài hơn 200m, cao 2m; được ông bố trí theo thứ tự thời gian, từng chủ đề, nội dung rõ ràng, khoa học. Với bộ quân phục cũ, chiếc loa tay và cuốn sổ ghi câu hỏi của khán giả, ông say sưa cả ngày giới thiệu “triển lãm” của mình. Ông bảo, vui nhất là được phục vụ các cháu thiếu nhi tìm hiểu về Bác Hồ. Qua hoạt động này, nhiều cháu vốn nghịch ngợm, thậm chí ham chơi, bỏ học, nhờ ông Phong khuyên bảo, giúp đỡ đã trở lại trường và chăm ngoan hơn.
Thấy việc làm rất ý nghĩa và có trách nhiệm của CCB Nguyễn Đình Phong, Đảng ủy xã Quảng Thanh và Huyện ủy Quảng Trạch đã đề nghị ông tổ chức triển lãm ảnh ở cấp xã và cấp huyện. Năm 2015, trong dịp Đại hội Đảng các cấp, ông đã đi phục vụ lưu động cả mấy tuần ở các xã trong huyện. Đến đâu ông cũng được chính quyền, nhân dân địa phương chào đón và giúp tổ chức triển lãm. Ngoài sự khen ngợi, quý mến, đánh giá cao của chính quyền và bà con, ông không nhận bất cứ một khoản bồi dưỡng nào. Ông bảo: “Nếu có hỗ trợ, giúp đỡ thì hãy giúp tôi có thêm những tấm ảnh quý của Bác Hồ và tài liệu về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”. Cách đây ít tháng, trong dịp tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03 và triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, CCB Nguyễn Đình Phong được Huyện ủy Quảng Trạch tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”./.
Bài và ảnh: XUÂN VUI
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (St)