Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - nơi lưu giữ những công trình, hiện vật vô giá về quãng thời gian Bác Hồ sống và làm việc tại đây từ tháng 12/1954 đến tháng 9/1969. Nằm khiêm tốn sau Nhà sàn, cạnh gò đất cao, dưới những tán cổ thụ là ngôi nhà một tầng mái bằng phủ lớp ve xanh nhạt có tên gọi Nhà 67 (theo năm xây dựng và hoàn thành 1967), được xây dựng theo chỉ thị của Bộ Chính trị bố trí nơi ở và làm việc cho Bác để phòng tránh chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Ngôi nhà giản dị này là nơi đã chứng kiến những ngày sống và làm việc cuối cùng của Bác.
Ông Trần Viết Hoàn bên chiếc giường Bác nằm những ngày cuối đời trong Nhà 67.
Trong tiết trời mùa Thu, chúng tôi có dịp cùng ông Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch men theo những con đường nhỏ lát sỏi rợp bóng cây vào thắp hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc trong Nhà 67. Trong làn khói hương mờ ảo, giữa những tài liệu, hiện vật như còn lưu dấu Người, ông Hoàn rưng rưng kể những câu chuyện về địa chỉ đỏ này. Vào năm 1967, cuộc mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ ngày càng trở nên ác liệt, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác cùng các khu công nghiệp bị địch bắn phá ngày đêm. Trước tình hình đó, để bảo đảm an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã nhiều lần đề nghị làm một ngôi nhà nhỏ có thể tránh được bom bi, mảnh đạn để Người ở, nhưng Bác không đồng ý. Nhân một chuyến Bác sang thăm và làm việc tại Trung Quốc, Bộ Chính trị đã quyết định xây dựng ở phía sau Nhà sàn một ngôi nhà kiên cố đề phòng khi máy bay Mỹ bắn phá bất ngờ. Cục Công trình thuộc Bộ Tư lệnh Công binh được giao nhiệm vụ thiết kế và xây dựng. Ngôi nhà với tường dày hơn 60cm, trần nhà dày hơn 1m đều được làm bằng bê tông cốt thép, bảo đảm chắc chắn, kiên cố mà vẫn thoáng mát, tiện lợi cho sinh hoạt. Tuy nhiên, Bác không nhận ngôi nhà cho riêng mình mà quyết định sử dụng Nhà 67 làm nơi họp Bộ Chính trị, làm việc với các đồng chí Trung ương và các cán bộ phụ trách đầu ngành để bàn những vấn đề quan trọng của đất nước. Tại Nhà 67, nhiều tài liệu quan trọng đã ra đời như “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” được Bác viết nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng (năm 1969), “Điều lệ tóm tắt của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp” được Bác góp ý và sửa, “Thư trả lời tổng thống Mỹ Richard Nixon” nêu quyết tâm đánh và thắng đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước… Nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế cũng được Bác tiếp và làm việc trong Nhà 67 như Trung ương Cục miền Nam, Quân khu V, Bộ Điện và Than, Tổng Công đoàn Việt Nam… Bác tiếp và trả lời phỏng vấn nữ đồng chí Macta Rohat, phóng viên Báo Granma - cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Cu Ba, nhà báo Pháp Charles Fourniau. Do sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng yếu đi, các bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho Bác đề nghị Người không lên xuống Nhà sàn nữa mà ở hẳn trong Nhà 67 để chữa bệnh. Người đã chấp hành đề nghị này và từ ngày 18/8/1969 Người ở hẳn tại Nhà 67.
Từ ngày 25/8, Bác lâm bệnh nặng, diễn biến sức khỏe xấu, Bộ Chính trị quyết định Nhà 67 trở thành nơi điều trị bệnh cho Người. Các đồng chí trong Bộ Chính trị, các giáo sư, bác sĩ đầu ngành, các chuyên gia nước ngoài cùng nhiều thiết bị y tế hiện đại nhất lúc đó đã được tập trung tại đây để chăm sóc và chữa bệnh cho Bác. Tuy nằm trên giường bệnh nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn làm việc. Hàng ngày, Bác vẫn nghe các đồng chí trong Bộ Chính trị báo cáo tình hình, công việc ở cả hai miền, Người vẫn đọc sách báo, bản tin, gửi điện mừng, tặng thưởng Huân chương, Huy hiệu cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất và chiến đấu. Trước tình hình lũ lụt ở miền Bắc và Hà Nội đang dâng cao, Bác kiên quyết không di tản theo đề nghị của Trung ương, Người ở lại Thủ đô, mong muốn được gặp nhân dân trong ngày lễ Quốc khánh, đồng thời nhắc nhở các đồng chí Trung ương phải quyết tâm giữ vững đê, bảo vệ nhân dân, bảo vệ sản xuất. Bệnh tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn biến ngày một trầm trọng. Khi tỉnh dậy, Người muốn nghe một khúc dân ca, cô y tá Viện Quân y 108 Ngô Thị Oanh - người chăm sóc sức khỏe cho Bác đã nén lòng mình để hát bài “Bài ca người chiến sĩ quân y” theo làn điệu dân ca quan họ. “Người ơi… người ở đừng về…”. Cả căn phòng như rơi vào tĩnh lặng, chỉ có những trái tim thổn thức cùng những giọt nước mắt lăn dài trên má. Nghe xong, Bác xúc động tặng cô một bông hoa hồng. Đây chính là cảm hứng để 30 năm sau ngày Bác mất, nhạc sĩ Trần Hoàn viết ca khúc “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” lay động lòng người.
Nằm trong Nhà 67, nỗi nhớ quê hương, nhớ miền Nam vẫn canh cánh trong lòng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đề nghị được uống chút nước dừa. Như hiểu tấm lòng Bác, những người phục vụ đã hái quả trên cây dừa giống miền Nam trồng trước Nhà sàn, lấy nước và cùi cho Bác dùng. Ngày 2/9, bệnh của Bác diễn biến rất xấu và mỗi lúc một trầm trọng. Chiếc đồng hồ trong Nhà 67 đã dừng lại ở thời khắc 9 giờ 47 phút. Cũng thời khắc này, từ Nhà 67 truyền đến cho nhân loại nỗi đau “đời tuôn nước mắt”.
Một số hiện vật về Bác trong Nhà 67.
Ngôi nhà làm riêng cho Bác nhưng Người chỉ ở đó hơn 10 ngày cuối cùng của cuộc đời mình và là nơi chứng kiến những ngày đêm Bộ Chính trị, các đồng chí Trung ương, tập thể giáo sư, bác sĩ hết lòng chăm sóc, cứu chữa cho Bác trong những ngày Người ốm nặng. Nơi đây đã chứng kiến những giờ phút nặng lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với non sông, đất nước. Gần 100 tài liệu, hiện vật đang được bảo quản, gìn giữ nguyên vẹn gợi lại những ngày sống và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những vấn đề Người quan tâm trong những ngày cuối đời như: Hai tấm bản đồ chiến sự, những tập sách báo, tài liệu còn lại trên bàn làm việc Người đang đọc dở, nhiều trang báo còn lưu lại bút tích của Người cho chúng ta cảm nhận sâu sắc những giá trị cao quý về phẩm chất một lãnh tụ của nhân dân, về tình yêu sâu nặng, tha thiết của Người đối với nhân dân, đất nước. Đặc biệt, trong Nhà 67, trên chiếc giường Bác nằm, sau bao năm manh chiếu cói Thái Bình nâng giấc ngủ cho Người vẫn trắng thơm như mới, manh chiếu đơn sơ nhưng thắm đượm tình cảm kính yêu của người dân quê lúa dành cho Bác.
Từ Nhà 67, Bác thanh thản đi vào “thế giới người hiền”. Cùng với ngôi Nhà sàn đơn sơ, nơi đây mãi mãi là một trong những địa chỉ đỏ lưu dấu một người con vĩ đại của dân tộc, nơi linh thiêng để mỗi người dân Việt Nam và muôn triệu người trên thế giới tìm về tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam và thế giới.
Trịnh Cường
Theo http://www.baothaibinh.com.vn
Thu Hiền (st)