Hồ Chí Minh sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Việt Nam là một quốc gia dân tộc có hơn nghìn năm văn hiến. Tiến trình lịch sử dụng nước và giữ nước đã phát triển ngày càng sâu sắc về chủ quyền dân tộc, ý chí độc lập và khát vọng tự do. Độc lập, tự do là nội dung cốt lõi của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, là sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của đội quân xâm lược ngoại bang trong lịch sử bảo vệ và phát triển của đất nước.
Vào giữa thế kỷ XIX đế quốc Pháp đã xâm lược, biến Việt Nam thành một thuộc địa của chúng, nhân dân Việt Nam lại mất quyền độc lập tự do. Giữa bối cảnh lịch sử bi đát đó, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã thực hiện sứ mệnh lịch sử ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911) giải phóng và phát triển dân tộc vì độc lập, tự do. Hệ thống quan điểm cách mạng cứu nước của Hồ Chí Minh ngày càng phong phú, sáng tạo, mang tầm vóc lịch sử một học thuyết cách mạng và phát triển vì độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam theo nhu cầu tiến hóa của đất nước ta và xu thế tiến hóa của nhân loại. Bắt đầu từ đây trở đi, vận mệnh lớn của dân tộc và nhân dân Việt Nam ngày càng gắn bó mật thiết và phát triển mạnh mẽ theo con đường cách mạng mang tầm vóc lịch sử một học thuyết cách mạng giải phóng của Hồ Chí Minh, tiến lên giành những thắng lợi vĩ đại.
Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Pháp - Nhật câu kết với nhau thực hiện chính sách thời chiến đè nặng lên vai nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Mâu thuẫn giữa nhân dân và dân tộc trên bàn đàm phán Đông Dương với đế quốc Pháp và phát xít diễn ra vô cùng gay gắt hơn bao giờ hết. Trước tình thế “nước sôi lửa bỏng này”, Hồ Chí Minh từ nước ngoài đã kịp thời trở về nước, triệu tập và trực tiếp chủ trì hội nghị lần thứ Tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp ở Pắc Bó, Hà Quảng, Cao Bằng (10-19/5/1841). Hội nghị đã nhất trí với quan điểm của Hồ Chí Minh phải thay đổi chiến lược cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề phản đế và điền địa bằng chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc. Chỉ giải quyết một vấn đề cần kíp là đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập cho nhân dân Đông Dương. Nghị quyết của Hội nghị đã nêu rõ: Nói vấn đề dân tộc tức là nói đến sự tự do, độc lập của mỗi dân tộc, tùy theo sự lựa chọn của mỗi dân tộc. Đối với Việt Nam, sau khi đánh đuổi được Pháp - Nhật sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới. Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc riêng một giai cấp nào mà là của chung của toàn thể dân tộc. Chỉ trừ những tay sai của Pháp - Nhật và bọn phản quốc, còn ai là người dân sống trên dải đất Việt Nam đều được phần tham gia bảo vệ chính quyền ấy. Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc dân đại hội cử ra và lấy lá cờ đỏ ngôi sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc. Quyết định thực hiện chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng dưới ánh sáng của quan điểm về cách mạng thuộc địa của Hồ Chí Minh vạch ra thành chủ trương thực hiện giữa lúc nhân dân Việt Nam ai cũng chán ghét cuộc đời nô lệ, ai cũng muốn độc lập, tự do và đang trong tư thế “một người lên tiếng, vạn người ủng hộ”, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của nhiệm vụ tổ chức đại đoàn kết toàn dân vào một mặt trận đại đoàn kết dân tộc, vào một mặt trận thống nhất, chuẩn bị tiến hành thực hiện một cuộc khởi nghĩa dân tộc trong toàn quốc, đánh đổ ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp và phát xít Nhật, giành lại quyền độc lập, tự do cho toàn dân Việt Nam.
Giữa tháng Tám năm 1945, thời cơ khởi nghĩa đã chín muồi trong toàn quốc. Cuộc tổng khởi nghĩa dân tộc đã diễn ra nhanh chóng và thắng lợi trong toàn quốc. Chính quyền cách mạng của nhân dân đã được thành lập trên cả nước. Ở Trung ương, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm 15 thành viên do Hồ Chí Minh giữ chức Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là một Chính phủ quốc gia thống nhất của toàn dân, giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn thể, đợi ngày triệu tập Quốc hội đề cử ra một Chính phủ cộng hòa chính thức.
Ngày 2-9-1945, tại vườn hoa Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào và các vùng lân cận, chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời. Tuyên ngôn khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập, toàn thể dân Việt Nam quyết tâm đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” .
Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước chung của toàn thể dân tộc là một bước ngoặt lịch sử vĩ đại trên con đường tiến hóa của dân tộc theo xu thế tiến hóa của thời đại dưới ánh sáng của học thuyết cách mạng và phát triển dân tộc của Hồ Chí Minh. Một kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc đã mở ra - kỷ nguyên độc lập, tự do của thời đại Hồ Chí Minh.
Xây dựng một thể chế dân chủ và nhân văn
Việt Nam đã thành một nước độc lập, tự do. Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập là cơ quan điều hành Nhà nước cao nhất, giữ trọng trách chỉ đạo toàn dân thực hiện ngay các nhiệm vụ cấp bách về nội trị, ngoại giao, về quân sự, kinh tế, văn hóa xã hội trước tình hình đất nước phải gặp nhiều khó khăn, đợi đến ngày bầu Quốc hội để cử ra một Chính phủ chính thức và Quốc hội sẽ ban hành một đạo luật cao nhất là Hiến pháp. Việc quy định một Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để củng cố và tăng cường sức mạnh Nhà nước. Vì vậy, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày: Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống... Đề nghị đó có giá trị lịch sử như một tuyên bố lập hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng tuyển cử là dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết.
Ngày 6-1-1946, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã diễn ra trong cả nước kể cả vùng đang có chiến sự... Vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, có nơi máu đã đổ, song cuộc bầu cử đã thắng lợi trong toàn quốc với 89% tổng số cử tri đi bầu cử, bầu được 333 đại biểu đại diện cho ý chí của dân tộc, đại diện của Đảng Cộng sản, Đảng Dân chủ, của Việt Minh, các ngành, các giới, các dân tộc ít người, các tôn giáo, các nhân sĩ trí thức, những người vốn là quan lại cao cấp của chế độ cũ, kể cả Vĩnh Thụy vừa rời khỏi ngai vàng để được làm dân một nước độc lập - tự do. Cùng với thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử, bản dự thảo Hiến pháp đã được soạn thảo chu đáo... Ngày 9-11-1946, tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội đã thông qua Hiến pháp mới Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hiến pháp 1946 - Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước Việt Nam là một Hiến pháp dân tộc, dân chủ phản ánh rõ thắng lợi của cách mạng Việt Nam và phù hợp những giá trị dân chủ, nhân văn của thời đại mới, mang dấu ấn Việt Nam dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng một nhà nước pháp quyền mà Người đã thay mặt nhóm những người Việt Nam yêu nước ở Pháp ký trong Bản yêu sách của nhân dân An Nam, trong đó yêu sách thứ bảy yêu cầu: “Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật”. Nói đến các đạo luật trong đó có Hiến pháp là đạo luật cao nhất của Nhà nước thể hiện quan điểm đó, trong bài Việt Nam yêu cầu ca của Hồ Chí Minh đã nêu rõ:
“Bảy xin hiến pháp ban hành,
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”
Điểm nổi bật hàng đầu của Hiến pháp 1946 là khẳng định quyền độc lập dân tộc, chủ quyền thống nhất lãnh thổ của nước Việt Nam. Độc lập dân tộc và tự do của nhân dân là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm, là sản phẩm của lịch sử đấu tranh oanh liệt của dân tộc Việt Nam, mang tính pháp quyền của nhân loại như tư tưởng về quyền của dân tộc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945. Đó chính là động lực vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh, giành độc lập, tự do và quyết tâm đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.
Hiến pháp đã quy định về thể chế dân chủ cộng hòa, một chế độ trong đó quyền lực thuộc về nhân dân, bảo đảm quyền bình đẳng dân chủ tự do cho mọi công dân, không phân biệt nam nữ, ưu đãi với đồng bào các dân tộc thiểu số.
Tính chất ưu việt của chế độ mới không chỉ ghi trong các sắc lệnh và Hiến pháp mà sớm thực thi trong thực tế ngay trong năm đầu của chế độ Dân chủ Cộng hòa trên tất cả các mặt chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế tài chính, văn hóa giáo dục... Mọi hoạt động của Chính phủ đều nhằm vào lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập tự do, sớm mang lại hạnh phúc thực tế cho dân ngay trong điều kiện đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo chính phủ thực hiện lời tuyên bố của Người “Chính phủ tỏ rõ một ý muốn duy nhất làm sao đem lại cho dân chúng được tự do độc lập hoàn toàn và để cho mọi phần tử quốc dân được hưởng tự do độc lập ấy như muôn vật được hưởng ánh sáng mặt trời” .
PGS, NGND Lê Mậu Hãn
Theo http://www.baotanghochiminh.vn/
Huyền Trang (st)